1. Viêm loét miệng là gì?
Viêm loét miệng hay còn có tên gọi khác là nhiệt miệng, loét áp-tơ (aphthous ulcers, aphtha).
Bệnh là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc trong khoang miệng, lưỡi, nướu răng. Tuy không gây nguy hiểm nhưng các ổ loét này gây đau, nhất là khi ăn uống, nói chuyện, nuốt nước bọt…
Viêm loét miệng thường gặp ở nữ hơn nam. Viêm loét miệng thường có thể tái diễn nhiều lần và có tính chất gia đình.
Các ổ loét có thể xuất hiện và tự khỏi trong khoảng 1 tuần mà không cần phương pháp điều trị đặc biệt nào.
2. Triệu chứng, dấu hiệu khi mắc viêm loét miệng
Tại ổ loét trên niêm mạc miệng, lưỡi:
– Sưng đỏ
– Đau, đặc biệt khi ăn uống, nói chuyện, nuốt nước bọt…
3. Nguyên nhân mắc viêm loét miệng
Nguyên nhân thực sự gây viêm loét miệng vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm loét như:
– Các tổn thương nhỏ ở khoang miệng (do sử dụng bàn chải quá to hay quá cứng, do vô ý cắn vào niêm mạc miệng, lưỡi).
– Sử dụng kem đánh răng hay nước súc miệng có chất sodium lauryl sulphate.
– Do sử dụng gia vị hoặc thức ăn có tính axit.
– Do nhạy cảm với thức ăn như chocolate, cà phê, dâu, trứng, phô mai, dứa…
– Chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, folate, sắt.
– Do virus như herpes simplex, HIV ….
– Do vi khuẩn giang mai , lậu …
– Do thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
– Do stress.
– Kèm theo một số bệnh (viêm loét ruột non, bệnh viêm loét đại-trực tràng (ví dụ: bệnh Crohn), bệnh viêm toàn thân (bệnh Behcet), suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)…).
4. Điều trị viêm loét miệng
– Viêm loét miệng có thể tự khỏi sau 1 đến 2 tuần và không để lại di chứng.
– Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nặng hơn thì cần phải sử dụng một số biện pháp như súc miệng hoặc bôi lên vết loét một số thuốc kháng viêm có chứa steroid như dexamethasone để giảm sưng đỏ, phù nề.
– Để giảm đau và làm cho ổ loét mau lành, có thể sử dụng một số loại thuốc kem chứa benzocaine, lidocaine.
– Nếu ổ loét đau nhiều có thể dùng thêm thuốc giảm đau (paracetamol), bổ sung vitamin C, vitamin PP. Trường hợp này nên ăn thức ăn lỏng và tránh các chất kích thích (ớt, tiêu…) vì có thể làm đau ổ loét.
5. Cách phòng viêm loét miệng
Cơ chế gây tổn thương của viêm loét miệng chưa rõ nên việc phòng ngừa chủ yếu là tránh các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới viêm loét miệng như:
– Hạn chế sử dụng các thực phẩm gây kích thích khoang miệng (ớt, tiêu, giấm…).
– Đảm bảo chế độ ăn cung cấp đủ các loại vitamin (C, B1, B6, B12, PP…) và các yếu tố vi lượng (kẽm, đồng…) sẽ giúp cho da và niêm mạc khỏe mạnh.
(Nguồn: BS Phạm Đạo – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn)
Để lại một phản hồi