Triệu chứng và điều trị bệnh ho ở trẻ nhỏ

Ho ở trẻ em

1. Ho ở trẻ em là gì?

Ho là một phản xạ của cơ thể trước những tác nhân kích thích có thể là các chất bài tiết hoặc dị vật nhằm mục đích bảo vệ bộ máy hô hấp của cơ thể. Ho là một phản ứng có lợi cho cơ thể nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó.

Ho ở trẻ em là gì

2. Triệu chứng của ho ở trẻ em

Bệnh ho ở trẻ em có thể gặp các loại như sau:

Triệu chứng ho ở trẻ em

– Ho khan thường do viêm đường hô hấp trên, bắt đầu từ thanh quản bị sưng và khí quản. Trẻ em có đường hô hấp nhỏ có thể bị khó thở. Trẻ dưới 3 tuổi có thể ho khan do họng bị kích thích, những cơn ho có thể xảy ra lúc nửa đêm, trẻ bị viêm thanh quản có thể thở rít và khó thở khi hít vào.

– Ho kèm theo tiếng khò khè (âm thanh phát ra như tiếng rít), điều này có thể do phổi bị sưng. Triệu chứng này có thể xảy ra khi bị hen suyễn hoặc viêm tiểu phế quản. Ngoài ra có thể do đường thở bị chặn.

– Ho có tình trạng tệ hơn lúc nửa đêm do trẻ bị dị ứng, hen suyễn.

– Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis. Ho gà làm cho trẻ bị ho liên tục không ngừng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi, hen nhẹ và sốt nhẹ. Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻn dưới 1 tuổi.

– Ho có kèm sốt do cảm lạnh, viêm phổi, viêm họng cấp hay viêm phế quản.

– Ho thở nhanh kèm sốt, nếu trẻ bị ho kèm sốt đến 390C hoặc cao hơn có thể bị viêm phổi cần gặp bác sĩ ngay lập tức.

– Ho kèm nôn, nếu trẻ ho nhiều có thể dẫn đến nôn mửa. Ho kèm cảm lạnh hoặc lên cơn hen suyễn sẽ có quá nhiều chất nhầy trong bao tử và gây buồn nôn.

– Ho do cảm lạnh vì nhiễm virus có thể kéo dài nhiều tuần, đặc biệt là nếu bé bị cảm lạnh sau khi mắc sởi.

3. Nguyên nhân mắc bệnh ho ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây ho chủ yếu là do các bệnh về đường hô hấp như:

Nguyên nhân mắc bệnh ho ở trẻ em

– Viêm họng cấp thường gây ho khan hoặc ho có đờm kèm sốt cao hoặc không sốt.

– Viêm thanh quản: ho khan, tiếng nói khàn, mất tiếng.

– Viêm khí quản, phế quản cấp: giai đoạn đầu ho khan, giai đoạn sau có đờm.

– Viêm phế quản mạn tính: thường gặp ở người hút thuốc. Ho có đờm, mỗi năm ho khạc khoảng 3 tháng, diễn sau trong vòng 2 năm.

– Giãn phế quản: ho nhiều vào buổi sáng, có nhiều đờm.

– Hen phế quản: Ho và khạc ra đờm trắng, loãng.

– Bệnh ho gà: ho từng cơn kèm tiếng rít.

– Viêm phổi: ho có đờm quánh, dính, màu rỉ sắt.

– Lao phổi: ho dai dẳng kéo dài, khạc ra đờm đặc, có khi lẫn máu hoặc có máu tươi, sụt cân, sốt về chiều.

– Áp xe phổi: ho khan hoặc có đờm. Ho ra nhiều đờm như mủ, mùi tanh hoặc rất thối.

– Ung thư phế quản: Ho ra máu.

Ngoài ra có thể ho do các bệnh tim mạch hoặc ho do áp-xe gan, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh cúm, sởi, bạch cầu, thương hàn, các bệnh thuộc tai mũi họng, bệnh nhân bị nhiễm không khí nóng hoặc lạnh, hít hơi độc, hóa chất, do thuốc lá gây kích thích niêm mạc đường hô hấp.

4. Điều trị ho ở trẻ em

Điều trị ho ở trẻ em có thể không dùng thuốc, dùng thuốc hoặc chữa theo phương pháp y học cổ truyền.

Điều trị ho không dùng thuốc

– Điều trị ho không dùng thuốc: thường áp dụng khi trẻ bị ho do cảm lạnh lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường,…Trường hợp này không cần dùng thuốc mà chỉ cần chăm sóc đúng cách như giữ ấm, uống đủ nước, nghỉ ngơi, chế độ ăn đầy đủ chất, uống thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng để bệnh tự khỏi và không ảnh hưởng nếu chăm sóc kĩ.

Dùng dầu oliu, dầu hạnh nhân hoặc tinh dầu bạc hà xoa đều rồi massage cho trẻ từ lòng bàn chân gót chân đến ngón chân.

Trường hợp ho có đờm, vỗ rung long đờm cho trẻ bằng cách khum bàn tay vỗ đều vùng lưng của bé ở phần giữa 2 bả vai liên tục, nhịp nhàng liên tục và để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống. Sau động tác này, bé có thể ho nhiều và nôn, khạc ra đờm. Tuy nhiên cần làm lúc bé đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy. Với những bé không thể tự khạc ra đờm, mẹ bé có thể kích thích cho bé nôn bằng các dùng khăn mỏng, sạch lau nhẹ nhàng quanh miệng, lưỡi, …

Điều trị ho dùng thuốc

– Điều trị ho dùng thuốc: Có nhiều nguyên nhân gây ho khác nhau nên điều trị dựa vào nguyên nhân dưới sự giám sát của cán bộ y tế. Các thuốc thường dùng là thuốc ho lòng đàm trong trường hợp bệnh ho gây tăng tiết đờm, thuốc điều trị ho khan khi bị ho khan,…

Không được dùng thuốc kháng histamin chứa prometazin vì trẻ nhỏ không chịu được kích động và co giật. Thuốc ho có thành phần codein cũng chỉ được dùng cho người lớn, tuyệt đối không được dùng cho trẻ vì có thể bị ngộ độc codein gây hôn mê và ngừng thở. Không tự tiện dùng kháng sinh mà phải có ý kiến của bác sĩ.

Điều trị ho theo y học cổ truyền

– Điều trị theo y học cổ truyền: bên cạnh việc sử dụng Tây y, các bài thuốc Đông y cũng rất hiệu quả cho việc điều trị ho cho trẻ như dùng mật ong, tần dày lá, quất hồng bì ngâm đường phèn, cam nướng, lá hẹ hấp đường phèn, tỏi ngâm mật ong,…

5. Phòng ngừa bệnh ho ở trẻ em

Phòng ngừa ho ở trẻ em

Để phòng tránh ho cho trẻ, cha mẹ cần phải thực hiện những điều dưới đây:

– Cho trẻ bú sữa mẹ: Sức đề kháng của trẻ còn yếu nên khả năng nhiễm các bệnh về đường hô hấp gây ho thường cao. Vì vậy, tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ là điều cần quan tâm. Sữa mẹ có kháng thể giúp trẻ hình hành hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh cần cho trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn để tránh các nguy cơ nhiễm trùng và có một sức đề kháng tốt.

– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm mống gây bệnh, các tác nhân gây bệnh ở những nơi đông người như công viên, trung tâm mua sắm.

– Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ là điều cần phải làm. Chủng ngừa đầy đủ giúp phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh bảo vệ trẻ khỏi biến chứng nguy hiểm.

– Chăm sóc cho trẻ đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Vào mùa lạnh cần cho trẻ mặc áo ấm, giữ ấm cơ thể cho trẻ để tránh bị nhiễm lạnh dẫn đến ho, hắt hời, sổ mũi, nóng sốt. Tuy nhiên không nên ủ ấm cho trẻ quá mức dẫn đến hầm hơi. Vào mùa nóng nên cho trẻ mặc đồ thoải mái, thoáng mồ hôi.

– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ là biện pháp đơn giản để phòng tránh sự lây lan của các vi khuẩn gây bệnh. Cần cho trẻ vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.

– Môi trường bụi bẩn độc hại có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp, chúng sẽ gây tổn thương phổi và khí quản dẫn đến trẻ bị ho. Vì vậy, tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ là điều cần thiết. Hạn chế phun thuốc khử trùng, cần lau dọn vệ sinh hằng ngày, tách riêng những người bị ho hoặc cảm cúm để tránh trẻ bị lây bệnh.

Tìm hiểu quá trình phát sinh và hậu quả ho - cảm ở trẻ em

Ho không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng của bệnh lý nào đó. Vì vậy khi trẻ bị ho cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho ở trẻ để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Khi trẻ bị ho không được tự ý dùng thuốc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ho có thể làm cho đường thở của trẻ gặp khó khăn, do đó nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ ăn đồ lạnh vì có thể kích thích phản xạ ho. Khi trẻ bị ho kèm sốt cao hoặc đờm có máu cần phải cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chuẩn đoán và điều trị. Điều trị nguyên nhân gây ho, không nên chủ quan khi thấy cơn ho trẻ dứt điểm mà ngừng dùng thuốc, phải dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng ho tái phát.
(Nguồn: PGS, BS Nguyễn Anh Tuấn – BV Nhi Đồng 1)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*