Tìm hiểu về các phương pháp xét nghiệm HIV

HIV là căn bệnh thế kỷ của xã hội, với tỷ lệ mắc cao ở các nước đang phát triển, có thể dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe. Người nhiễm HIV thường sống chung với loại virus này cả đời do chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Việc xác định bệnh bằng phương pháp làm xét nghiệm HIV là cách duy nhất, chính xác nhất để hỗ trợ điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV.

1. Khái quát về HIV

Virus gây bệnh HIV là loại virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, có tên gọi đầy đủ là Human Immunodeficiency Virus. 

Virus HIV lây truyền chủ yếu qua 3 con đường, đó là qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con.

Các con đường lây nhiễm HIV

Các triệu chứng lâm sàng chính của bệnh HIV gồm sụt cân liên tục, tiêu chảy và sốt kéo dài trên 1 tháng. Ngoài ra còn có thể có các triệu chứng khác như: ho dai dẳng kéo dài trên 1 tháng, nổi ban đỏ, ngứa toàn thân, xuất hiện các mụn rộp, nổi hạch,…

HIV là căn bệnh nguy hiểm đến nay chưa có thuốc phòng ngừa và chữa trị đặc hiệu. Tuy nhiên với sự hiện đại của y học ngày nay, việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV sẽ giúp đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp để nâng cao sức khỏe của người nhiễm. 

Có thể sử dụng các loại thuốc kháng virus một cách đầy đủ và hợp lý, từ đó có tác dụng ức chế và làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh, giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

2. Đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm virus HIV?

Có một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ở nhóm người có liên quan đến các hành vi xã hội không lành mạnh. Một số khả năng có thể kể đến như: 

  • Người tiêm chích ma túy, những người sử dụng chung bơm kim tiêm.

Tiêm chích ma túy tăng nguy cơ lây nhiễm

  • Người quan hệ tình dục không an toàn, có quan hệ tình dục với nhiều người hay những người hành nghề mại dâm.

  • Người mắc bệnh liên quan đến đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia,…

  • Người dùng chung các đồ dùng cá nhân sắc nhọn như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,…

Các đối tượng có nguy cơ mắc HIV được khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm HIV 2 lần trong 1 năm để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe.

Đối với các trường hợp có người thân nghi nhiễm hay đã nhiễm HIV như vợ/chồng/con hoặc bạn tình cũng cần thực hiện xét nghiệm HIV để phát hiện sớm và có các biện pháp phù hợp để hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh.

3. Các phương pháp xét nghiệm HIV

Từ 3 đến 6 tháng kể từ khi Virus HIV xâm nhập vào cơ thể người có thể sinh ra kháng thể. Cách duy nhất để xác định có bị nhiễm HIV hay không là thực hiện xét nghiệm HIV.

Có 3 loại xét nghiệm liên quan đến HIV, đó là xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV và xét nghiệm theo dõi điều trị.

  • Đối với các xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện với sinh phẩm xét nghiệm nhanh HIV hoặc kỹ thuật miễn dịch đánh dấu.

Xét nghiệm HIV

  • Với xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV gồm 2 phương pháp chính là xét nghiệm huyết thanh học và xét nghiệm sinh học phân tử.

  • Xét nghiệm huyết thanh học thường áp dụng với người lớn và trẻ em trên 18 tháng tuổi. Phương pháp này nhằm phát hiện sự hiện diện của kháng thể hoặc kháng nguyên HIV có trong máu.

  • Phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử thường sử dụng đối với trẻ em phơi nhiễm HIV hoặc trẻ em dưới 18 tháng tuổi có xét nghiệm kháng thể HIV dương tính; các trường hợp khác khó chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học. Phương pháp này giúp phát hiện ADN/ARN của HIV tồn tại trong máu hoặc các dịch tiết.

  • Xét nghiệm theo dõi điều trị đo tải lượng virus HIV tồn tại trong máu sau khi áp dụng điều trị để theo dõi tiên lượng hiệu quả điều trị trên từng bệnh nhân. 

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm HIV đối với người lớn và trẻ em trên 18 tháng tuổi

Quy trình thực hiện bao gồm 4 bước theo trình tự, lần lượt như sau:

Bước 1: Người cần thực hiện xét nghiệm được tư vấn và cung cấp thông tin trước xét nghiệm.

Bước 2: Người được tư vấn đồng ý thực hiện xét nghiệm, sau đó nhân viên y tế lấy mẫu máu để làm xét nghiệm.

Bước 3: Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV bao gồm cả xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định.

Bước 4: Nhận kết quả xét nghiệm và tư vấn sau xét nghiệm.

Sử dụng thuốc ARV đối với người nhiễm HIV

5. Thời gian nên làm xét nghiệm HIV

Virus HIV sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhân lên và gây bệnh cho người mắc một cách thầm lặng trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường:

Trong tuần đầu tiên, virus HIV nhân lên và xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cơ thể. Tuy nhiên thời điểm này virus HIV được phát hiện trong dịch não tủy trước khi phát hiện trong máu

Khoảng 3 – 6 tuần tiếp theo, hầu hết người phơi nhiễm HIV đều không có biểu hiện gì đặc biệt và sức khỏe vẫn bình thường. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp xuất hiện các dấu hiệu ở giai đoạn sớm của nhiễm HIV gần giống với cảm cúm thông thường như: sốt, nổi hạch, nổi các nốt ban đỏ trong thời gian ngắn.

Như vậy sau khi phơi nhiễm khoảng 4 – 6 tuần người nghi ngờ phơi nhiễm HIV có thể làm xét nghiệm. Tuy nhiên thời điểm để xác định HIV có kết quả chính xác nhất là 2 – 3 tháng kể từ thời điểm nghi phơi nhiễm.

Thông thường kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV thường được trả sau 1,5 giờ; đối với kết quả xét nghiệm khẳng định được trả trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận mẫu tại phòng xét nghiệm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*