Nốt ruồi có thể thành… “sát thủ”

Nốt ruồi là u tế bào hắc tố lành tính ở da, nằm ở lớp tế bào đáy và thượng bì, có màu nâu đồng nhất, có khi xanh sẫm như vết chàm (cần phân biệt với u mạch có màu đỏ, thường được gọi là nốt ruồi son). Nốt ruồi rất hiếm khi có từ lúc sơ sinh (nốt ruồi bẩm sinh) mà thường xuất hiện vào tuổi thiếu niên, dậy thì hay lúc có thai. Nốt ruồi có thể phẳng hoặc hơi vồng lên hình chỏm cầu, thường gặp ở mặt hay thân mình, nhiều khi có lông, giới hạn rất rõ rệt.

Những dấu hiệu báo động

Vì đa số nốt ruồi là lành tính nên không cần điều trị gì, nhất là không được đánh nốt ruồi bằng vôi hay các chất ăn da. Tuy nhiên, trong những trường hợp sau, nốt ruồi nhất thiết phải được sớm cắt bỏ:

– Phổ biến nhất là nốt ruồi mới bị thay đổi tính chất, với những dấu hiệu báo động sau:

+ Nốt ruồi đang từ màu nâu đồng nhất, trở nên đa sắc (dấu hiệu báo động cao).

+ Đường viền nốt ruồi bình thường rõ và đối xứng, trở nên không đều, nham nhở, bất đối xứng.

+ Kích thước nốt ruồi bình thường nhỏ hơn 1 cm bỗng lớn lên nhanh chóng.

+ Bề mặt nốt ruồi mất các vân da bình thường.

– Nghi có thoái hoá ác tính: nốt ruồi loạn sản hay nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ.

– Nốt ruồi ở các vùng bị kích thích nhiều như ở gan bàn chân, gan bàn tay, cằm, vùng dưới nịt vú. Những u này rất dễ bị ác tính hoá.

Việc cắt bỏ sớm nốt ruồi trong các trường hợp này (kèm theo làm xét nghiệm tổ chức học của khối u bị cắt bỏ) là giải pháp duy nhất cho người bệnh. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên.

SK&ĐS (theo Dictionnaire pratique de Therapeptique medicale

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*