Nguyên tắc điều trị bệnh phụ khoa theo y học cổ truyền

Suy giảm nội tiết tố nữ có nguy hiểm không? 1

Nguyên tắc điều trị bệnh phụ khoa

1.  Các nguyên tắc cơ bản

Phụ khoa cũng như các khoa khác, trước tiên phải nắm vững các nguyên tắc cơ bản (trị bệnh phải tìm gốc bệnh để trị). Đó là phép biện chứng luận trị mà người thầy thuốc cần nắm vững để đề ra phương thức trị liệu cho thật hợp lý. Tuy nhiên do người phụ nữ có quan hệ sinh lý và tổn thương đến phần huyết, thường ảnh hưởng đến chức năng của tâm, tỳ, can, thận, dẫn tới tổn thương 2 mạch xung – nhâm mà sinh ra bệnh thuộc kinh, đới, thai, sản. Vì vậy cần chú ý đến đặc điểm sinh lý và bệnh lý của nhiều giai đoạn khác nhau để điều hoà khí huyết, điều hoà tỳ vị, sơ can khí và dưỡng can thận.

1.1.  Điều hoà khí huyết

Phụ nữ lấy huyết làm chủ, huyết thường bất túc khí thường hữu dư. Bất cứ nguyên nhân gì ảnh hưởng đến khí huyết đều có thể làm rối loạn khí huyết và gây nên bệnh.

Vì vậy trước tiên phải điều hoà khí huyết. Nếu khí nghịch thì phải giáng khí, khí uất thì phải khai uất hành khí, khí loạn thì phải điều khí lý khí, khí hàn thì phải ôn dương để trợ khí, khí nhiệt thì phải thanh khí tiết nhiệt, khí hư hạ hãm thì phải thăng dương ích khí, đồng thời phải trợ thêm thuốc hoà huyết, bổ huyết. Nếu huyết hàn nên ôn, huyết nhiệt nên thanh, huyết hư nên bổ, huyết trệ nên thông, đồng thời phải trợ thêm thuốc hành khí bổ khí.

1.2.  Điều hoà tỳ vị

Tỳ vị là gốc của hậu thiên, là gốc của quá trình sinh hoá. Nếu tỳ vị bị rối loạn, nguồn sinh hoá bị yếu đi thì dễ gây bệnh về kinh nguyệt, thai sản. Trong trường hợp đó nếu điều hoà được tỳ vị thì sẽ khỏi bệnh.

Trong phương pháp điều hoà cũng phải căn cứ vào bệnh tình khác nhau như hư thì bổ, tích thì tiêu, hàn thì ôn, nhiệt thì thanh. Đặc biệt đối với phụ nữ đã hết kinh thì thận khí suy nhược, khí huyết đều hư nên cần nhờ vào thuỷ cốc của hậu thiên, khi ấy nên bổ tỳ vị để bổ gốc sinh hoá của nó.

1.3.  Sơ can khí

Can chủ về tàng huyết, tính của nó thích sơ tiết, điều đạt. Khi can khí bình hoà thì huyết mạch lưu thông, huyết hải định tịnh. Khi can khí bị uất, mất chức năng điều đạt sẽ gây ảnh hưởng đến kinh, đới, thai, sản (nhất là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh hay gặp chứng trạng này). Vì vậy trong điều trị cần sơ đạt can khí là chính.

1.4.  Bổ can thận

Thận là gốc của thiên nhiên lại chủ về tàng tinh khí, do đó nó là động lực phát dục và sinh trưởng của cơ thể. Người phụ nữ có sinh khí sung túc, kế đó là mạch nhâm – mạch xung thông thịnh mới có khả năng có kinh và có thai. Ngược lại khi thận tiên thiên bất túc thì có thể sinh ra bệnh tật. Vì thế bổ thận khí cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng trên phương diện trị bệnh phụ khoa. Ngoài ra can lại là con của thận (thuỷ sinh mộc) lại nhờ thận thuỷ để tu dưỡng. Nếu thận âm bất túc dễ làm can dương vượng lên mà sinh ra bệnh. Khi đó nên tư dưỡng can thận để trị bệnh.

Can và thận là gốc của xung – nhâm, khi can thận hư sẽ làm tổn thương

đến xung – nhâm; ngược lại khi mạch xung – nhâm bị tổn thương cũng làm ảnh hưởng đến tạng can và tạng thận. Trên lâm sàng các chứng như bế kinh, băng lậu, đới hạ, động thai phần lớn là do can thận suy nhược, xung – nhâm tổn thương mà gây ra. Dưỡng can thận chính là bổ ích xung – nhâm, nguồn gốc thịnh thì lưu lợi thông thương nhờ đó mà khỏi bệnh.

2.  nguyên tắc chung Điều trị một số chứng bệnh
  • Điều trị bệnh kinh nguyệt

Nếu có bệnh nào đó gây nên rối loạn kinh nguyệt thì phải chữa bệnh đó trước rồi mới đến điều kinh sau.

Muốn điều kinh cần phải lý khí vì khí là soái của huyết. Khí hành thì huyết hành, khí ngưng thì huyết trệ, khí nhiệt thì huyết nhiệt, khí hàn thì huyết hàn. Lý khí trong điều kinh thường lấy lý khí khai uất là chính. Thuốc dùng không nên dùng quá nhiều thuốc phương hương vì nó làm hao khí (trầm hương, hương phụ, trần bì, chỉ xác) đồng thời phải phối hợp với thuốc dưỡng huyết.

Ví dụ: can khí uất phải sơ can lý khí (dùng sài hồ, bạch thược, hương phụ); nếu can khí nghịch thì phải bình can tức phong (dùng câu đằng, thiên ma).

Tỳ vị là nguồn gốc bồi bổ của khí huyết, huyết ảnh hưởng trực tiếp đến kinh nguyệt. Nếu tỳ hư hay gây rối loạn kinh nguyệt, vì vậy phải bổ tỳ vị để điều kinh.

Thận là gốc của xung – nhâm, liên quan đến kinh nguyệt. Nếu thận hư gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt cho nên phải bổ thận để điều kinh.

2.2.  Điều trị bệnh đới hạ

Bệnh đới hạ do thấp nhiệt gây ra, chủ yếu là do tỳ hư không vận hoá được thuỷ thấp gây nên thấp thịnh. Thấp uất tích lâu ngày gây nên thấp thịnh; nếu thấp tích tụ lại ở mạch đới, kết ở mạch nhâm sẽ thành chất dịch chảy ra ngoài âm đạo thành đới hạ, lâu ngày thấp hoá thành nhiệt, thấp nhiệt hoá thành trùng (ngứa).

Trong điều trị cần bổ tỳ hoá thấp là chính, kèm thêm sơ can lý khí. Nếu thấp nặng phải tả thấp nhiệt, nếu bệnh lâu ngày phải dùng phép cố sáp; không nên dùng thuốc thanh nhiệt hoá thấp quá độ dễ hao tổn tân dịch, cũng không nên dùng thuốc tư nhuận cố sáp quá nhiều dễ gây thấp trệ. Nếu có trùng phải thanh nhiệt, giải độc, sát trùng.

2.3.  Điều trị bệnh thai nghén

ở người  phụ  nữ  bình  thường  huyết  đã  không  đủ,  khí  thường  có  dư,  nay huyết lại tập trung nuôi thai nên càng thiếu. Huyết thiếu dễ thương âm, âm hư sinh nội nhiệt. Do đó trong khi mang thai sản phụ thường bị nhiệt. Những bệnh thường gặp trong khi mang thai là động thai, đau bụng, ra huyết, đa ối. Trong điều trị cần chú ý dưỡng huyết, thanh nhiệt kết hợp thêm thuốc bổ thận.

Khi có thai không nên dùng các thuốc hành khí, hoạt huyết, phá huyết, thuốc tả hạ, thuốc gây độc.

Ngoài việc dùng thuốc cần chú ý kiêng giao hợp vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối; kiêng ăn các chất cay nóng, kích thích; cần giữ cho tinh thần được vui vẻ, thanh thản.

2.4.  Điều trị bệnh hậu sản

Khi chửa đẻ nguyên khí bị tiêu hao nhiều, do đó sau đẻ nếu không biết giữ gìn sức khoẻ sẽ dễ bị sinh bệnh hậu sản. Bệnh hậu sản thường có hư, có thực, có hàn, có nhiệt. Trong điều trị nếu hư thì bổ, thực thì tả, hàn thì ôn, nhiệt thì thanh.

Bệnh sản hậu chủ yếu dùng thuốc bổ khí, bổ huyết. Nếu cần giải uất thì cũng không nên dùng thuốc lương táo; nếu nhiệt không nên dùng kéo dài các thuốc hàn lương (dễ gây ngưng trệ) mà nên dùng các thuốc dưỡng âm thanh nhiệt;  nếu hàn không nên dùng thuốc tân táo (quá cay, quá nóng) mà nên dùng thuốc bình thường.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*