Hiện nay, rất nhiều người hiểu nhầm dấu hiệu dây thắt (Lacet dương tính – Lacet theo tiếng Pháp là dây thắt) là dấu hiệu đặc trưng để chẩn đoán Sốt xuất huyết và mô tả kỹ thuật dây thắt cũng không thống nhất.
Nguyên lý của nghiệm pháp dây thắt
Cản trở tuần hoàn máu về tim để làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, qua đó làm tăng áp lực mao mạch; sau đó giảm áp lực một cách đột ngột. Nếu thành mạch kém bền vững thì Hồng cầu sẽ bị đẩy ra khỏi thành mạch gây nên xuất huyết dưới da với hình thái những chấm xuất huyết nhỏ.
Phương pháp tiến hành nghiệm pháp dây thắt
Quan sát vùng cánh tay và cẳng tay xem có nốt xuất huyết không, sau đó quấn bao hơi của máy đo huyết áp lên cánh tay, bơm hơi máy đo huyết áp (huyết áp kế) lên để đo chỉ số huyết áp. Duy trì với áp lực trung bình (huyết áp tối đa + huyết áp tối thiểu chia đôi) trong 10 phút sau đó tháo hơi nhanh bằng cách rút dây bao hơi ra khỏi adapter và tháo bao hơi của máy đo huyết áp ra. Thời gian duy trì đúng tiêu chuẩn phải 10 phút.
Đánh giá kết quả nghiệm pháp dây thắt
Quan sát mặt trước cánh tay và cẳng tay phần dưới dây thắt, đếm số lượng nốt (chấm) xuất huyết mới xuất hiện trên 1cm2. Dương tính khi có ³ 20 chấm xuất huyết/inch vuông (6,25 cm vuông) hoặc 3 chấm/cm vuông. Chấm xuất huyết là những chấm nhỏ 1-2 mm ấn kính hoặc căng da không mất. Tùy số lượng các nốt xuất huyết (và cả thời gian xuất hiện cũng như vị trí nốt xuất huyết) mà người ta đánh giá:
+ 3-9 nốt/1cm2: nghi ngờ: dương tính (+)
+ 10-19 nốt/1cm2: dương tính (++)
+ > 19 nốt/1cm2: dương tính (+++).
Đặc điểm của nốt xuất huyết: thường có đường kính khoảng một vài milimet, có thể to hơn nhưng đường kính không quá 1cm, màu đỏ, phẳng với mặt da, ấn phiến kính hoặc căng da không mất và biến mất trong 2-5 ngày.
Dấu hiệu dây thắt dương tính (+).
Ý nghĩa của nghiệm pháp dây thắt
Dấu hiệu dây thắt là một dấu hiệu dùng để đánh giá sức bền thành mao mạch. Trong sốt xuất huyết người ta dùng để phát hiện sớm dấu hiệu xuất huyết.
Những trường hợp có dấu hiệu dây thắt dương tính:
– Bệnh nhân có sốt: Do các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn huyết do não mô, bệnh bạch hầu, thường hàn, bệnh sởi, sốt xuất huyết…
– Bệnh nhân không có sốt: Các bệnh gây xuất huyết khác như:
+ Do thiếu vitamin C, PP.
+ Do bệnh miễn dịch, dị ứng, ví dụ: viêm thành mạch dị ứng.
+ Một số bệnh nội khoa như: lao, đái tháo đường, xơ gan, suy thận…
+ Các bệnh do thiếu hụt các yếu tố đông máu của huyết tương, ví dụ: hemophilie A, B, C, …giảm prothrombin, proconvertin…
– Bệnh tiểu cầu: giảm tiểu cầu nguyên phát, suy nhược tiểu cầu (Glanzmann).
– Hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch (do nhiều nguyên nhân khác nhau).
– Còn gặp trong ngoại khoa, sản khoa, chuyên khoa khác.
– Chẩn đoán Sốt xuất huyết Dengue:
Khi bệnh nhân có đồng thời 2 dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là SXH Dengue và được phân loại theo WHO:
+ Độ I: Sốt + không có xuất huyết tự nhiên, chỉ có dấu hiệu dây thắt (Lacet) (+), có thể tiểu cầu giảm và hematocrit tăng.
+ Độ II: Sốt + xuất huyết tự nhiên (dưới da, niêm mạc, phủ tạng đơn thuần hoặc kết hợp), tiểu cầu giảm, hematocrit tăng.
+ Độ III: giảm tiểu cầu và hematocrit tăng, huyết động không ổn định: mạch lăn tăn, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương dưới 20mmHg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn.
+ Độ IV: giảm tiểu cầu và hematocrit tăng, sốc biểu hiện rõ: bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0mmHg.
Để lại một phản hồi