Học thuyết tạng phủ: Tạng tỳ

Học thuyết tạng phủ: Tạng tỳ

1. Chức năng của tỳ vị:

Tỳ vị ở vùng trung tiêu, tỳ chủ việc vận hoá cơm nước, vị chủ việc thu nạp thức ăn đồ uống. Tỳ khí có tính thăng lên, vị khí có tính giáng xuống. Hai cơ quan này cũng coi về khí trung tiêu, là gốc của hậu thiên, là gốc sinh hoá ra khí huyết. Tỳ ghét thấp, thống huyết.

1.1. Tỳ chủ việc vận hoá đồ ăn và thủy thấp:

– Vận hoá đồ ăn là sự tiêu hoá, hấp thu và vận chuyển chất tinh vi của đồ ăn. Thức ăn sau khi vào vị sẽ được vị chứa đựng và làm nhừ rồi đưa xuống tiểu trường. Tại đó, chất tinh vi của đồ ăn được tỳ hấp thu và chuyển lên phế, được phế đưa vào huyết mạch để rồi tâm đẩy huyết đem đi nuôi dưỡng toàn thân. Công năng vận hoá đồ ăn của tỳ gọi là “kiện vận”. Nếu tỳ mất kiện vận thì sinh các chứng rối loạn tiêu hoá: không muốn ăn, ăn khó tiêu, bụng chướng, tiết tả, bệnh lâu không ăn uống được là khí của hậu thiên muốn tuyệt.

– Vận hoá thủy thấp: tỳ đưa nước đến các tổ chức cơ thể để nuôi dưỡng, sau đó chuyển xuống thận rồi bàng quang để bài tiết ra ngoài. Như vậy việc đại tạ của nước trong cơ thể là do sự vận hoá của tỳ phối hợp với sự túc giáng của phế và sự khí hoá của thận. Sự vận hoá thủy thấp của tỳ kém sẽ gây chứng đàm ẩm, nước tràn ra tứ chi gây chứng phù thũng, xuống đại trường gây ỉa chảy, vào khoang bụng thành cổ trướng.

1.2. Tỳ chủ thống huyết:

Thống huyết nghĩa là quản lý, khống chế huyết. Sự kiện vận đồ ăn của tỳ là nguồn gốc sinh ra khí và huyết, nhưng tỳ còn thống huyết: Tỳ khí mạnh huyết sẽ đi trong mạch và được khí đẩy đi nuôi dưỡng khắp cơ thể. Còn tỳ khí hư không thống huyết thì huyết sẽ đi ra ngoài mạch gây hiện tượng xuất huyết như tiểu huyết, thổ huyết, băng lậu huyết…

1.3. Tỳ vị coi về trung khí:

Sự kiện vận của tỳ vị là gốc của hậu thiên, là gốc sinh hoá ra khí huyết của cơ thể, nên nói tỳ vị chủ về trung khí. Trên lâm sàng, công tác chẩn đoán và điều trị bệnh đều chú trọng đến sự thịnh suy của tỳ vị. Khí của tỳ vị gọi là trung khí hay vị khí dùng để tiên lượng sự tốt hay xấu của bệnh và dự kiến kết quả công tác điều trị. Người xưa nói: “Vị khí là gốc của con người”, “còn vị khí thì sống, hết vị khí thì chết”. Lý Đông Viên nói: “Nguyên khí sung túc, đều do khí của tỳ vị không bị tổn thương. Khi khí của tỳ vị đã tổn thương thì nguyên khí cũng không đầy đủ được, các bệnh do đó mà sinh ra”. Tác gia y đời sau tuân theo thuyết ấy coi trọng biện chứng về bệnh tỳ vị

1.4. Tỳ chủ cơ nhục và tứ chi:

Tỳ đem các chất tinh vi của đồ ăn đến nuôi dưỡng cơ nhục và tứ chi, nếu tỳ khí đầy đủ thì cơ nhục rắn chắc, tứ chi linh hoạt. Trái lại, nếu tỳ khí hư thì cơ nhục mềm yếu, gây các chứng thoát vị như sa trực tràng, sa sinh dục, sa dạ dày, tứ chi mỏi yếu sức, hoặc bại liệt thân mình nặng nề.

1.5. Theo đường tuần hành của kinh lạc:

Đường kinh của tỳ bắt đầu ở chân qua gối, đùi vào bụng, liên lạc với hai bên họng, tán ra dưới lưỡi. Đường kinh có bệnh thì có thể xuất hiện các chứng cổ sưng, bụng sưng, đầu gối đau, đùi đau. Vị kinh có bệnh thấy các chứng đau đầu vùng trán đau, họng đau, răng lợi sưng đau, mũi ra máu.

2. Quan hệ giữa tỳ với các tổ chức khí quan khác:

2.1. Tỳ khai khiếu ở miệng:

Khai khiếu ở miệng là nói về sự ăn uống, khẩu vị. Tỳ mạnh thì muốn ăn, ăn ngon miệng. Tỳ hư thì chán ăn. Thấp trở ở trong thì miệng nhạt, miệng dính nhờn, lưỡi bệu, rêu dày. Thấp nhiệt chứa đọng ở trong thì miệng ngọt, miệng thối, miệng lưỡi sinh lở.

2.2. Tươi tốt ở môi:

Tỳ chủ cơ nhục, lại khai khiếu ra miệng cho nên biểu hiện sự vinh nhuận ở môi. Tỳ mạnh thì môi hồng nhuận. Tỳ hư thì môi trắng bệch, tỳ nhiệt thì môi đỏ, môi nứt.

2.3. Tỳ khí nên thăng, vị khí nên giáng:

Tỳ khí không thăng thì sinh huyễn vững, tỳ khí hãm xuống dưới thì bụng chướng, bụng dưới chướng trụy, thoát giang. Vị mất hoà giáng thì ợ hơi, nôn mửa.

2.4. Tỳ ghét thấp:

Thấp trở ở trong thì vành mắt sưng, bụng chướng tiết tả, hoàng đản, thấp đọng thành nước tràn ra da thì thành phù thũng, đọng trong cơ thể thì thành ẩm. Hễ là thấp đọng ở trong trước tiên ảnh hưởng đến tỳ. Cho nên nội kinh nói: “Những chứng thấp phù, đầy đều thuộc về tỳ”. Trên lâm sàng khi điều trị bệnh do thấp đều phải kết hợp với kiện tỳ.

3. Quan hệ giữa tỳ với các tạng phủ:

Tỳ với vị là biểu lý, với tâm phế là tương sinh, với can thận là tương khắc.

3.1. Với vị là biểu lý:

Vị chứa đựng và làm nhừ đồ ăn rồi đưa xuống tiểu trường. Tỳ và vị có quan hệ biểu lý với nhau, cùng giúp cho sự vận hoá đồ ăn, nên gọi chung là “gốc của hậu thiên”.

Sự khác nhau giữa bệnh tỳ vị, thì từ thời xưa cho rằng: “Thực thì bệnh vị, hư thì bệnh tỳ”, tức là bệnh tỳ phần nhiều là chứng hư. Lấy khí hư là gốc, lưu thấp là ngọn. Bệnh vị phần nhiều là chứng thực. Tính vị thích nhuận mà ghét táo, khí nên hoà giáng. Khi có bệnh thì chính khí nghịch, thiếu tâm là thường thấy.

3.2. Tương sinh với tâm phế:

– Hoả không sinh thổ: Trước là tâm dương hư, sau xuất hiện chứng tỳ không kiện vận

– Thổ không sinh kim: Trước là tỳ nhược, sau là phế hư.

3.3. Tương khắc với can thận:

– Mộc khắc thổ: Trước bệnh can, sau xuất hiện chứng tỳ không kiện vận.

– Thổ khắc thủy: Trước xuất hiện bệnh tỳ, sau xuất hiện thận hư.

4. Các triệu chứng bệnh của tỳ vị:

4.1. Triệu chứng bệnh của tỳ:

Thực: Khí tích, thực tích, đàm ẩm, cổ trướng, bụng đầy đau.

Hư: Sắc mặt vàng xạm, chân tay mềm yếu, mệt mỏi, đoản hơi, lòi dom, ỉa chảy.

Nhiệt: môi đỏ, chốc mép, mồm ngọt, nước dãi đặc dính, bụng đau, ỉa khẳm.

Hàn: ăn không tiêu, bụng đau, ỉa chảy, chân tay lạnh, môi lưỡi nhạt, mạch trì.

4.2. Chứng trạng bệnh của vị:

Thực: bụng đầy đau, ợ chua, hơi nặng mùi, đại tiện kết.

Hư: môi lưỡi nhạt, không muốn ăn, nôn.

Nhiệt: mồm hôi, môi đỏ, loét mồm, ăn nhiều chóng đói, uống nhiều hay khát, bụng cồn cào, lợi sưng.

Hàn: dạ dày đau âm ỉ, nôn chất trong, môi lưỡi bệch, mạch trầm trì, thích nóng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*