Học thuyết tạng phủ: Tạng can

Học thuyết tạng phủ: Tạng can

1. Chức năng của can:

 Can là tạng phong mộc, chứa giữ được huyết hữu hình, lại có thể sơ tiết được khí vô hình. Lấy huyết làm thể, lấy khí làm dụng. Tính chủ thăng phát, thích điều đạt, cần được sơ tiết. Chí là giận, chủ việc mưu lự, tàng hồn, là gốc của sự bại cực. Trong chứa tướng hoả, thông với phong khí. Đường kinh mạch đi qua âm bộ, đến bụng  dưới, phân bố ở hai bên sườn, lên đỉnh đầu.

1.1.  Can chủ sơ tiết:

Sơ tiết là sự thư thái, thông xướng, còn gọi là sự “điều đạt”. Can khí chủ sơ tiết giúp cho khí của các tạng được vận hành dễ dàng thông suốt, thăng giáng được điều hoà. Can khí sơ tiết kém sẽ có những biểu hiện bệnh lý, đặc biệt ở tình chí và tiêu hoá:

– Về tình chí: Chí của can là giận. Can hoả thịnh thì tính nóng, dễ giận, hay cáu gắt.

– Về tiêu hoá: Sự sơ tiết của can ảnh hưởng đến sự thăng giáng của tỳ vị. Nếu can khí uất kết hay can khí hoành nghịch có thể thấy các chứng đau mạng sườn, đau thượng vị, ăn kém, ợ hơi, ợ chua, ỉa lỏng, gọi là chứng “can tỳ bất hoà”  hay “can vị bất hoà”.

1.2. Can chủ tàng huyết:

Tức là tàng trữ và điều tiết lượng huyết trong cơ thể. Lúc nghỉ ngơi nhu cầu huyết dịch ít thì huyết được tàng trữ về can. Khi hoạt động can lại bài xuất huyết dự trữ để cung cấp kịp thời cho cơ thể. Khi chức năng tàng huyết của can bị rối loạn thì sẽ ảnh hưởng đến các tạng phủ khác và sinh các chứng bệnh như:

– Can huyết hư: thì mặt vàng môi nhạt, móng không tươi, chóng mặt, tóc rụng, tay chân tê, gân thịt máu dật, gầy rộc, chất lưỡi nhợt, mạch tế.

– Can huyết ứ: thì sườn đau như đâm, dưới sườn có khối đầy.

1.3. Các chức năng khác:

– Can chủ mưu lự: Bệnh can thì hay nghĩ, hay lo xa, nghĩ vớ vẫn.

– Can là gốc của sự bại cực: can bệnh thì mệt sức không chịu được khó nhịn.

– Can tàng hồnhồn không tàng thì mất ngủ, hay mê, dễ kinh sợ.

– Trong can chứa tướng hoả: hoả nghịch lên thì đầu chướng, mặt nóng, mắt đỏ, miệng khô đắng.

– Can thông với phong khíCan dương cang lên, nhiệt nhiều huyết hư thì có thể sinh phong, xuất hiện chứng chóng mặt chân tay tê, co giật, lưỡi run.

1.4. Kinh mạch:

Theo bộ vị kinh mạch tuần hành, có thể xuất hiện các chứng đau ở đỉnh đầu, ngực sườn, bụng dưới chướng đau tràng nhạc ở cổ, nách sa hòn dái, hòn dái sưng đau.

2. Quan hệ giữa các can với các tổ chức khí quan:

Can khai khiếu ra mắt, can chủ cân, móng là phần thừa của can. Mạch xung, mạch nhâm lệ thuộc vào can. Cho nên khi can bệnh thì có những biểu hiện sau:

2.1.  Khai khiếu ra mắt:

Âm huyết hư thì mắt khô ráp, trông không rõ, mắt quáng gà. Can hoả thì mắt đỏ sưng, chảy nước mắt.

2.2. Can chủ cân:

Cân là cân mạch gồm khớp, gân, cơ…phụ trách việc vận động của cơ thể. Can huyết đầy đủ cân mạch được nuôi dưỡng thì vận động tốt. Nếu can huyết hư không nuôi dưỡng được cân thì sẽ gây chứng tê bại, chân tay run co quắp, teo cơ, cứng khớp. Móng là phần thừa của cân nên móng có bệnh phần nhiều thuộc về huyết hư. Đầu gối là chỗ tụ của cân, cân bệnh thì đầu gối co duỗi khó khăn.

2.3. Mạch xung, mạch nhâm lệ thuộc ở can:

Mạch xung là huyết hải, mạch nhâm chủ về bào thai. Can lại là tiên thiên của nữ giới, cho nên hệ thống sinh dục của nữ giới có bệnh thì phần nhiều thuộc về can.

3.   Liên hệ giữa can với các tạng phủ:

Can với đởm là biểu lý, với tâm thận là tương sinh, với tỳ phế là tương khắc. Khi can có bệnh có thể xuất hiện như sau:

3.1.  Biểu lý với đởm:

– Đởm coi về tướng hoả: Hoả nghịch thì đầu chướng, mắt đỏ, họng khô, miệng đắng, hoàng đản, mộng tình (nói chung gọi là chứng can hoả). Hoả suy thì nuốt chua, nôn mửa lợm giọng.

– Đởm chủ việc quyết đoán: hư thì đởm khiếp, hay sợ, dễ kinh, nằm không yên.

– Đởm chủ về bán biểu, bán lý: nóng rét qua lại

– Theo đường tuần hành của kinh đởm: nếu có bệnh thì 2 tai nóng, điếc đột ngột, đau 1 bên đầu, đau sườn.

3.2. Tương sinh với tâm thận:

– Thận thủy không sinh can mộc: trước có chứng thận âm hư rồi xuất hiện chứng can âm hư.

– Can mộc không sinh tâm hoả: là can khí xung tâm, hoặc can khí nhiễu tâm, có thể xuất hiện các chứng ngực đầy khí đoản, nhiệt quyết, tâm thống. Can khí hư sau xuất hiện tâm hư.

3.3. Tương khắc với tỳ phế.

– Can mộc khắc tỳ thổ: Can khí vượng thì khắc chế tỳ vị thái quá mà xuất hiện triệu chứng của tỳ vị. Can khí hư thì mộc không sợ thổ, cũng sẽ xuất hiện triệu chứng của tỳ vị, không muốn ăn bụng chướng.

– Phế kim khắc can mộc: Đó là trước thấy bệnh của phế, sau thấy chứng trạng của can. Khi can hoả vượng cũng có thể ảnh hưởng đến phế, tức là mộc hoả hình kim, mộc gõ kim kêu. Xuất hiện chứng ho khan ít đàm, mặt, mắt sườn đau, thậm chí khạc máu.

4. Các triệu chứng bệnh can đởm:

4.1. Triệu chứng bệnh của can:

Thực: đau cạnh sườn lan đến bụng dưới, nôn nước chua, mạch huyền.

Hư: chóng mặt, đau đầu, mắt khô, quáng gà, cân mạch co, móng khô, sắc mặt vàng ải, tóc rụng, mạch tế.

Nhiệt: mắt sưng đau, miệng đắng, khát nước, đau cạnh sườn, đau sinh dục ngoài, đái máu, co giật, run, mạch huyền sác.

Hàn: đau bụng dưới, trưng hà, nôn đờm dãi, mạch trầm huyền.

4.2. Chứng trạng bệnh của đởm:

Thực: cáu gắt, ngực đầy, dưới sườn đau tức, ngủ nhiều, hoàng đản.

Hư: chóng mặt, hư phiền mất ngủ được, hay thở dài, hay giật mình.

Nhiệt: ù điếc tai, miệng đắng, đau cạnh sườn, hàn nhiệt vãng lai.

Hàn: không ngủ được, chóng mặt, nôn, rêu lưỡi hoạt cáu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*