Đặc điểm các hệ cơ quan ở trẻ em

1. Da trẻ em

a, Đặc điểm cấu tạo

+ Da trẻ mịn, mềm mại, mỏng, có nhiều mao mạch, có ít sợi cơ và sợi chun.
+ Tuyến mồ hôi trong 3 – 4 tháng đầu phát triển nhưng chưa hoạt động.
+ Sau đẻ trên da trẻ có một lớp gây màu trắng xám có tác dụng bảo vệ da.
+ Lớp mỡ dưới da mỏng trẻ từ 3 – 6 tháng là 6 -7 mm, 1 tuổi là 10 – 12mm. Trẻ đẻ non tháng, lớp mỡ dưới da mỏng làm cho da nhăn nheo .
+ Trên da trẻ sơ sinh có nhiều lông tơ, tóc trẻ em mềm mại vì chưa có lõi tóc. 

 b, Đặc điểm sinh lý của da trẻ

+ Vàng da sơ sinh: xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau đẻ, hết vào ngày thứ 7 – 8 sau đẻ, do nhiều HC bị vỡ. Vàng da kéo dài 3 – 4 tuần ở trẻ đẻ non.
+ Đỏ da, bong da: xuất hiện 1 – 2 ngày sau đẻ, sau đó bong vảy và da trắng dần.
+ Da trẻ mỏng nên dễ bị xây xát, tổn thương và nhiễm khuẩn, dễ bị nhiễm nóng hoặc nhiễm lạnh.
+ Da tham gia vào việc tạo ra Vitamin D nên cần cho trẻ tắm nắng hợp lý

 

2. Hệ cơ

a, Đặc điểm cấu tạo

Khi mới đẻ, cơ chiếm 23% trọng lượng cơ thể, hệ cơ phát triển dần, đến tuổi trưởng thành đạt 42% khối lượng cơ thể. Sợi cơ mảnh, có nhiều nước, ít đạm và mỡ nên khi bị tiêu chảy trẻ dễ sút cân nhanh.

b, Đặc điểm sinh lý

Những tháng đầu có hiện tượng tăng trương lực cơ sinh lý. Các cơ lớn phát triển trước (cơ đùi, cơ mông…), các cơ nhỏ phát triển sau (cơ bàn tay – ngón tay…).
3. Hệ xương
a,  Đặc điểm cấu tạo
+ Xương trẻ em có nhiều sụn; tuổi càng nhỏ, xương càng ít khoáng và càng nhiều nước nên xương trẻ em mềm, khi bị gãy xương thường dễ gãy kiểu cành tươi.        + Xương phát triển là nhờ sự cốt hoá sụn tiếp hợp ở các đầu xương. Cần chú ý để không dùng thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ.

b,  Đặc điểm của một số xương

* Xương sọ:
+ Hộp sọ tương đối to phát triển nhanh trong những năm đầu.
+ Có hai thóp, thóp trước rộng hơn thóp sau, thóp trước kín vào tháng thứ 12 -18 tháng, thóp sau kín vào lúc 3 tháng. Chậm kín thóp là một biểu hiện còi xương.
* Xương cột sống:
+ Lúc mới đẻ – thẳng; khi biết lẫy – cong về phía trước, khi biết ngồi – cong về phía sau. Đến 7 tuổi cong ở cổ và ở ngực, đến tuổi dậy thì cong thêm ở thắt lưng.
+ Để trẻ ngồi sớm, bế nách, ngồi học không đúng tư thế dễ bị gù vẹo cột sống.
* Xương cánh chậu và xương chi:
+ Dưới 7 tuổi khung chậu trẻ trai gái giống nhau về sau của trẻ gái lớn hơn.
+ Trẻ mới đẻ xương chi hơi cong, đến 1-2 tháng thì hết.

* Răng:

Trẻ 6 tháng bắt đầu mọc răng, đến 2 tuổi  thì kết thúc thời kỳ mọc răng sữa (20 răng). Đến 6 -7 tuổi bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn.

 

4. Hệ hô hấp

a, Đặc điểm giải phẫu

+ Lỗ mũi hẹp, khoang hầu nhỏ và ngắn nên hô hấp đường mũi còn hạn chế.
+ Niêm mạc mũi mỏng, có nhiều mạch máu. Hấp thu thuốc qua niêm mạc mũi rất mạnh đặc biệt là các thuốc co mạch nên dễ gây ngộ độc toàn thân.
+ Chức năng của hàng rào bảo vệ niêm mạc mũi còn kém nên dễ bị viêm mũi.
+ Các xoang phát triển chưa đầy đủ do đó trẻ nhỏ ít bị viêm xoang.
+ Trẻ dưới 1 tuổi VA phát triển. Trên 2 tuổi Amydal khẩu cái mới phát triển rõ. 
+ Thanh quản hẹp, khi bị viêm dễ bị chít hẹp gây khó thở.
+ Khí – phế quản: đường kính nhỏ, vòng sụn mềm, dễ biến dạng, niêm mạc có nhiều mạch máu vì vậy khi viêm nhiễm trẻ dễ bị khó thở.
+ Tổ chức phổi có chứa nhiều mạch máu, ít đàn hồi nên khi viêm nhiễm dễ bị sung huyết xẹp phổi, khí phế thũng.
+ Màng phổi mỏng dễ bị giãn khi bị tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi.

b,  Đặc điểm sinh lý

* Nhịp thở:
+ Ở trẻ nhỏ trong những tháng đầu, vỏ não và trung tâm hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị rối loạn nhịp thở, thường thở không đều và hay có cơn ngừng thở ngắn.
+ Số lần thở của trẻ giảm dần theo lứa tuổi: sơ sinh : 40 – 60 lần / phút, 6 tháng : 40 – 35 lần /phút, 7 – 12 tháng: 35 – 30 lần/ phút, 2 – 4 tuổi: 30 – 25 lần/ phút.
* Kiểu thở:
Trẻ sơ sinh và bú mẹ thở bụng là chủ yếu. Trẻ trên 2 tuổi: thở hỗn hợp ngực bụng. Trẻ 10 tuổi trở lên: con trai chủ yếu thở bụng, con gái chủ yếu thở ngực.

 

5. Đặc điểm tuần hoàn

a, Mạch

+ Mạch trẻ sơ sinh: 140 – 160 lần/phút. Trẻ 1 tuổi: 120 – 125 lần/phút.
+ Trẻ 5 tuổi: 100 lần/phút. Trẻ 7 tuổi: 90 lần/phút. Trẻ 15 tuổi: 80 lần/phút.

b, Huyết áp động mạch

+ Trẻ sơ sinh: 75mmHg/ 45mmHg. Từ 3 – 12 tháng HA tối đa: 75 –  80mmHg.
+ Huyết áp tối đa của trẻ trên 1 tuổi, có thể áp dụng công thức:
Huyết áp tối đa = 80 + 2n (n = số tuổi).

 

6. Đặc điểm huyết học

a, Sự  tạo máu

+ Ở trẻ nhỏ tất cả tuỷ xương đều hoạt động tạo máu.
+ Từ 4 tuổi trở lên tạo máu chủ yếu ở tuỷ xương các đầu xương dài và các xương dẹt như xương chậu, xương ức, xương bả vai, xương cột sống….

b, Đặc điểm máu ngoại vi

* Hồng cầu:
 Trẻ mới sinh hồng cầu từ 4,5 – 6,0 x1012/l. Hết tháng đầu tiên còn khoảng 4,0 – 4,5 x1012/l do một số hồng cầu bị vỡ.  Trẻ trên 1 tuổi, hồng cầu ổn định dần.
* Huyết sắc tố:
+ Trẻ mới đẻ số lượng huyết sắc tố (HST) cao 170 – 190g/l. Trẻ dưới 1 tuổi số lượng HST giảm còn 100 – 120 g/l.
+ Trẻ > 1 tuổi lượng HST tăng dần, đến 3 tuổi thì ổn định ở mức 130 – 140 g/l.
* Bạch cầu:
+ Trẻ mới sinh số lượng bạch cầu từ 10 – 30 x109/l.
+ Trẻ từ 1 tuổi trở lên số lượng bạch cầu từ 6 – 8 x109/l.
+ Công thức bạch cầu thay đổi theo lứa tuổi:
– Bạch cầu đa nhân trung tính: sơ sinh chiếm 45 – 65%, dưới 1 tuổi là 30 – 40%, trên 1 tuổi tăng dần, đến 6 tuổi đạt 50 – 60%.
– Bạch cầu lympho khi mới đẻ 20 – 30%, khi 1 tuổi cao 40 – 60%, trên 1 tuổi giảm dần đến 6 tuổi còn 20 – 30% giống người lớn.

 

7. Đặc điểm của bộ máy tiêu hoá ở trẻ em.

a, Miệng

Trong mấy tháng đầu sau đẻ, tuyến nước bọt ít, nên trẻ có ít nước bọt, dễ bị viêm miệng, tưa lưỡi . Đến tháng thứ 3 – 4 tuyến nước bọt mới phát triển hoàn toàn, số lượng nước bọt tăng dần và tiết nhiều do kích thích của các mầm răng.

b, Dạ dày:

+ Trẻ nhỏ dung tích dạ dày nhỏ (trẻ sơ sinh: 30 – 50ml, trẻ 3 tháng: 100ml, trẻ 1 tuổi: 250ml); cơ dạ dày yếu, nhất là cơ thắt tâm vị, nên sau ăn, trẻ hay bị nôn, trớ.
+ Các ống tuyến ở dạ dày chưa phát triển đầy đủ nên bài tiết dịch vị còn kém.

c, Ruột

+ Niêm mạc nhiều nếp nhăn nên dễ hấp thụ, song vi khuẩn cũng dễ xâm nhập.
+ Vi khuẩn: 8 giờ sau đẻ đã có vi khuẩn vào ruột qua miệng, trực tràng. 
+ Ruột thừa của trẻ dưới 1 tuổi thường nằm sau manh tràng. Manh tràng di động nên vị trí ruột thừa không cố định. Mạc treo ruột dài nên dễ bị xoắn ruột.

d, Phân

+ Sau đẻ 36 – 48 giờ trẻ bài tiết phân su, phân su là sản phẩm hình thành từ sự hình thành của ống tiêu hoá; có màu xanh thẫm, không mùi và không có vi khuẩn.
 + Trẻ nhỏ đi ngoài 4 – 5 lần, sau đó giảm dần trên 1 tuổi 1 – 2 lần/ngày.

e,  Gan

      + Gan trẻ sơ sinh chiếm 4,5% trọng lượng cơ thể (người lớn chiếm 2%).
      + Trẻ dưới 5 tuổi, có thể sờ thấy gan dưới bờ sườn 1 – 2 cm.
 + Tổ chức gan chưa ổn định nên dễ bị thoái hoá khi bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
g, Tuỵ: hoạt tính các men như: trypsin, lipase, amylase… thấp hơn người lớn.

 

https://www.youtube.com/watch?v=O6H4tExG5Fo

8. Đặc điểm bộ máy tiết niệu

a, Đặc điểm về giải phẫu

* Niệu quản: niệu quản trẻ tương đối dài nên dễ bị gấp hoặc xoắn.
* Niệu đạo: trẻ gái thẳng, ngắn hơn trẻ trai nên dễ nhiễm khuẩn ngược dòng hơn.

b, Đặc điểm sinh lý

* Chức năng thận: ở trẻ sơ sinh, chức năng lọc và cô đặc kém, nên tỷ trọng nước tiểu thấp. Từ 2 tuổi trở lên thì chức năng thận hoàn thiện như người lớn.
* Số lượng nước tiểu:
+ Trẻ sơ sinh đi tiểu lần đầu tiên trong 24 giờ đầu sau đẻ. Số lần đi tiểu nhiều nhưng số lượng ít (10 ngày đầu sau đẻ: 60 – 300ml/24 giờ). Về sau số lần dần dần ít đi nhưng số lượng tăng lên. Công thức tính số lượng nước tiểu trung bình của trẻ em trên 1 tuổi:
        Số ml nước tiểu/24 giờ = 600 + 100 (N-1).  (N là số tuổi của trẻ)

 

9. Đặc điểm hệ thần kinh của trẻ em

a, Đặc điểm giải phẫu
+ Não sơ sinh có đầy đủ cấu trúc như người lớn, nặng khoảng 370 – 390gam.  Gồm 14 tỷ tế bào thần kinh, khi trẻ được 1 tuổi, khối lượng não tăng gấp 2,5 lần.
+ Não và dây thần kinh trẻ sơ sinh chưa được myelin hoá, (đến 3 tuổi được myelin hoá hoàn toàn). Vỏ não chưa phát triển, hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế.

b, Đặc điểm sinh lý

+ Trẻ sơ sinh, khả năng hưng phấn của vỏ não yếu, nên trước những kích ngoại cảnh trẻ có tình trạng ức chế bảo vệ, ngủ suốt ngày (20 – 22giờ/ngày).

 

+ Do các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, nên phản ứng của vỏ não có xu hướng lan toả, bất kỳ một kích thích nào cũng có thể gây nên một phản ứng toàn thân.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*