Các thời kỳ phát triển ở trẻ em

I. Các thời  kỳ phát triển cơ thể trẻ em

1. Thời  kỳ phát triển bào thai

* Đặc điểm sinh lý
Được tính từ khi trứng thụ tinh đến ngày đẻ, khoảng 40 tuần (9 tháng 10 ngày).
Đây là thời kỳ sự phát triển của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ.
+ 3 tháng đầu (giai đoạn phôi thai): là thời gian hình thành và phát triển tất cả các cơ quan. Sau 3 tháng các cơ quan của bào thai đã hình thành đầy đủ.
+ Từ tháng thứ 4 trở đi (giai đoạn phát triển của thai): hình thành nhau thai để cơ thể mẹ cung cấp năng lượng, oxy cho thai nhi.
* Đặc điểm bệnh lý
+ Một số yếu tố có thể gây quái thai hoặc dị tật bẩm sinh: mẹ bị cúm, rubeon, nhiễm chất độc hoá học dioxin, phóng xạ…
+ Mẹ ăn uống không đầy đủ sẽ sinh con suy dinh dưỡng bào thai.
+ Mẹ bị bệnh hoặc lao động quá sức nhất là ở giai đoạn 6 tháng cuối dễ bị đẻ non.

 

2. Thời  kỳ sơ sinh

* Đặc điểm sinh lý
Tính từ khi đẻ ra (cắt rốn) cho đến khi trẻ được 4 tuần tuổi.
+ Trẻ bắt đầu thở bằng phổi. Vòng tuần hoàn chính thức hoạt động.
+ Bộ máy tiêu hoá bắt đầu làm việc: tiêu hoá chất dinh dưỡng trong sữa mẹ
+ Não có hiện tượng ức chế bảo vệ nên trẻ ngủ gần như cả ngày.
+ Có một số hiện tượng sinh lý như: vàng da sơ sinh, sút cân, rốn khô và rụng.
* Đặc điểm bệnh lý
+ Giai đoạn sổ có thể bị ngạt, gãy xương, xuất huyết não, sặc nước ối…
+ Dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn: uốn ván rốn, viêm da, viêm phổi, ỉa chảy…
* Biện pháp phòng bệnh
– Chăm sóc tốt các bà mẹ trước đẻ.
– Hạn chế các tai biến sản khoa.
– Đảm bảo vệ sinh, vô trùng khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
– Cho trẻ bú sớm, cho mẹ ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ để tiết nhiều sữa.

 

https://www.youtube.com/watch?v=AIn0nD0SQ98

3. Thời  kỳ bú mẹ

* Đặc điểm sinh lý
Tiếp theo thời kỳ sơ sinh cho đến khi trẻ 12 tháng tuổi.
+ Trẻ lớn nhanh: 6 tháng cân nặng gấp 2 lần, 12 tháng gấp 3 lần so với khi đẻ.
+ Chức năng các cơ quan phát triển nhưng chưa hoàn thiện, nhất là cơ quan tiêu hoá, vì vậy thức ăn tốt nhất là sữa mẹ.
+ Não phát triển mạnh;  trẻ vận động tích cực, tập lẫy, tập bò, tập đi, tập nói….
* Đặc điểm bệnh lý
+ Trẻ dễ bị rối loạn tiêu hoá: nôn, trớ, ỉa chảy…
+ Dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng.
+ Khi trẻ trên 6 tháng tuổi dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hơn, do miễn dịch của mẹ qua nhau thai hết dần.
+ Do vỏ não chưa biệt hoá hoàn toàn nên trẻ hay bị co giật khi sốt cao.
* Biện pháp phòng bệnh
+ Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn dặm đúng cách.
+ Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.
+ Hướng dẫn cá bà mẹ nuôi dạy trẻ một cách khoa học.

 

4. Thời  kỳ răng sữa

* Đặc điểm sinh lý
Được tính từ 1 đến 7 tuổi.
+ Tốc độ lớn của trẻ chậm lại, chỉ nặng thêm 2kg và cao thêm 5cm mỗi năm.
+ Trẻ mọc hết răng sữa (20 răng) và bắt đầu thay răng.
+ Chức năng các cơ quan được hoàn thiện hơn, nhất là chức năng vận động.
* Đặc điểm bệnh lý
+ Dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm cấp tính, lao…
+ Dễ bị tai nạn sinh hoạt như bỏng, chấn thương, ngộ độc…
+ Dễ bị hỏng men răng dẫn đến sâu răng, sún răng.
+ Dễ bị mắc bệnh dị ứng: viêm cầu thận, thấp tim, hen…
* Biện pháp phòng bệnh
+ Không cho trẻ uống thuốc bừa bãi. Một số thuốc chống chỉ định như: Tetraxyclin, Quinolon thế hệ mới…
+ Tiêm phòng nhắc lại cho trẻ.
+ Chú trọng giáo dục thể chất, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tinh thần.

 

5. Thời  kỳ niên thiếu

* Đặc điểm sinh lý
Được tính từ 7 đến 15 tuổi.
+ Chức năng các cơ quan đã hoàn chỉnh.
+ Cơ – xương phát triển mạnh, trí tuệ phát triển nhanh có tính khéo léo, sáng tạo.
+ Giới tính bắt đầu hình thành và phát triển (dậy thì).
+ Răng vĩnh viễn thay thế răng sữa.
* Đặc điểm bệnh lý
+ Dễ mắc các bệnh như gù vẹo cột sống, cận thị, thấp tim, viêm cầu thận…
+ Có thể có những rối loạn hành vi do xem phim ảnh không phù hợp hoặc chơi các trò chơi mang tính bạo lực.
* Biện pháp phòng bệnh
+ Đề phòng và phát hiện sớm bệnh thấp tim để điều trị tích cực.
+ Chú ý tư thế ngồi học phù hợp với từng lứa tuổi.
+ Phòng học phải có đủ ánh sáng.                      
+ Tránh cho trẻ chơi trò chơi điện tử hoặc xem phim hành động, bạo lực….
6. Thời  kỳ dậy thì
* Đặc điểm sinh lý
+ Tuổi dậy thì: thường con gái dậy thì lúc 12 tuổi, con trai dậy thì lúc 13 tuổi.
+ Hệ nội tiết có nhiều thay đổi. Trong đó nội tiết tố sinh dục chiếm ưu thế.
+ Trẻ lớn rất nhanh. Hình thành và hoàn thiện các yếu tố tính trạng.
     + Tâm thần kinh chưa ổn định, trẻ dễ thay đổi về cảm xúc, tính khí, nhân cách.
* Đặc điểm bệnh lý
+ Trẻ dễ bị rối loạn chức năng hệ tim mạch và tâm thần kinh.
     + Suy nghĩ và hành động chưa chín chắn nên dễ có quyết định sai lầm như: tự tử, phạm pháp, nghiện hút…
* Biện pháp phòng bệnh
+ Cần quan tâm, tạo không khí tin tưởng an tâm trong gia đình.
+ Thực hiện tốt vấn đề giáo dục giới tính và quan hệ nam nữ lành mạnh.
+ Đề phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
+ Ngăn chặn các hành vi xấu như nghiện thuốc lá, rượu, ma tuý…
II. Sự phát triển về thể chất

a,  Cân nặng

+ Trẻ sơ sinh đủ tháng ở Việt Nam:
– Bé trai: 3100 ± 350g.
– Bé gái: 3000 ± 340g.
+ Cân nặng trẻ dưới 1 tuổi:
– Trong 6 tháng đầu cân nặng tăng trung bình 700g/ tháng.
– Trong 6 tháng tiếp theo cân nặng tăng trung bình 400 – 500g/ tháng.
+ Cân nặng trẻ trên 1 tuổi:
+ Từ 1 tuổi đến 9 tuổi, trung bình tăng 1,5kg /năm.
Công thức tính cân nặng:  X = 9 + 1,5 (n – 1)  
+ Từ 10 – 15 tuổi,  trẻ trung bình 4kg/năm.
Công thức tính cân nặng như sau: X = 21 + 4(n -10)
Trong đó:  X: kg.    9: là cân nặng của trẻ khi 1 tuổi.   n : Số tuổi.

b, Chiều cao

+ Trẻ sơ sinh lúc mới đẻ là: trẻ trai: 50  ± 1,6 cm, trẻ gái: 49,8 ± 1,5 cm.
+ Trẻ dưới 1 tuổi: 1 – 3 tháng tuổi tăng 3 – 3,5 cm/tháng. 3 tháng tiếp theo tăng 2 cm/tháng. 6 tháng cuối tăng 1- 1,5 cm/tháng.
+ Trẻ trên 1 tuổi, công thức tính chiều cao là:
 X = 75cm + 5cm (n – 1)  .  X là chiều cao tính bằng cm,  n là số tuổi (số năm).
c, Vòng đầu, vòng ngực và vòng cánh tay
+ Vòng đầu:
Trẻ sơ sinh: 32 – 34cm. Khi 1 tuổi là 46cm, khi 3 tuổi 49cm, 7 tuổi 51cm.
+ Vòng ngực:
Lúc mới đẻ vòng ngực trẻ nhỏ hơn vòng đầu 1-2cm, đến tháng thứ 6 vòng đầu và vòng ngực bằng nhau, sau đó vòng ngực lớn nhanh dần và vượt vòng đầu.
+ Vòng cánh tay:
– Trẻ 1 tháng là 11 cm. Khi 1 tuổi trẻ trai 13,7 ± 0,9 cm, trẻ gái là 13,4 ± 1 cm.
– Nếu vòng cánh tay của trẻ từ 1 – 5 tuổi dưới 12,5 cm là trẻ bị suy dinh dưỡng.
III. Sự phát triển về tinh thần và vận động

a, Trẻ sơ sinh

+ Trẻ vận động không trật tự, không phối hợp: nằm ngửa, hai tay co, bàn tay nắm chặt, chân co, đùi gấp và dạng ra ngoài.
+ Trẻ đã nghe những tiếng động; tìm được vú mẹ qua mùi sữa.
+ Có phản xạ tự nhiên: phản xạ bú, phản xạ nắm tay (cho gì vào tay thì trẻ nắm chặt lại); phản xạ Moro (phản xạ vồ vập): vỗ mạnh vào giường thì hai tay dạng ra rồi ôm choàng lấy thân.
b, Trẻ 2 tháng tuổi
+ Biết nhìn theo vật sáng di động trước mắt, biết hóng chuyện, mỉm cười….
+ Bắt đầu tập lẫy.

c,  Trẻ 3 tháng tuổi

+ Có thể nhìn theo một vật di động, biết nắm lấy đồ chơi và cho vào miệng.
+ Biết lẫy.

d,  Trẻ 4 – 6 tháng tuổi

+ Có thể tự cầm, kéo đồ chơi, nhặt được đồ vật nhỏ bằng 5 ngón.
+ Tập ngồi, biết ngồi và tập trườn.
+ Thích vui đùa, vùng vẫy chân tay; biết phân biệt người quen và người lạ.

e,  Trẻ 7 – 9 tháng tuổi

+ Biết biểu hiện cảm xúc vui mừng, sợ hãi: vẫy tay chào, hoan hô…
+ Tập bò, biết bò và có thể vịn đứng lên được.
+ Có thể nhặt được vật nhỏ bằng 2 ngón tay (ngón cái và ngón trỏ).
+ Biết phát âm các từ đơn giản như:  bà, má…

f, Trẻ 10 – 12 tháng tuổi

+ Hiểu được lời nói và phát được âm những từ đơn giản như: bà ơi, mẹ đâu…
+ Biết nhắc lại những âm người lớn đã dậy, biết chỉ tay vào vật mình ưa thích.
+ Sử dụng các ngón tay dễ dàng hơn.
+ Trẻ đứng vững, bắt đầu tập đi và có thể đi được vài bước, không cần người đỡ.
g, Trẻ 13  – 15 tháng tuổi
+ Bắt đầu tự đi được, có thể cầm chén uống nước, xúc cơm.
+ Biết làm theo những yêu cầu đơn giản, biết sử dụng vài từ thông dụng.

h, Trẻ 16 – 24 tháng tuổi

+ Có thể đi nhanh, chạy được và leo lên cầu thang nếu người dắt tay. Nói được các câu ngắn, chỉ được các bộ phận như mắt, mũi, tai của mình. Về sau có thể tự lên cầu thang, nhảy một chân, nói được câu dài, biết hát, biết vẽ đơn giản. 
+ Biết chơi đồ chơi logic đơn giản, ví dụ: xếp lego.
+ Ban ngày biết gọi đi đại, tiểu tiện.

I,  Trẻ 2- 3 tuổi

Tự làm được việc đơn giản, thích sống tập thể, tập múa, hát.

k,  Trẻ 4 – 6 tuổi

+ Thích tìm hiểu xung quanh, thích chơi một mình.
+ Tinh thần phát triển nhanh, tiếng nói phát triển, học được bài hát dài.
+ Khéo léo, nhanh nhẹn, biết học chữ, học vẽ, viết được và bắt đầu đi học.

l,  Trẻ 7 – 15 tuổi

+ Tiếp thu giáo dục tốt, khả năng sáng tạo, tưởng tượng cao.
+ Vận động khéo léo, tinh vi, biết chơi thể thao, nhảy múa.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*