Các hội chứng bệnh về khí

Các hội chứng bệnh về khí

Khí là một phần cấu tạo của cơ thể, là chất căn bản duy trì sự sống của con người, có tác dụng thúc đẩy huyết và công năng tạng phủ kinh lạc hoạt động. Có 4 loại khí:

– Nguyên khí: còn gọi là sinh khí, chân khí, khí của chân nguyên. Do tinh của tiên thiên sinh ra, được tàng trữ ở thận, sau này được khí của hậu thiên bổ sung không ngừng.

– Tông khí: Do khí trời từ phế hợp với khí của đồ ăn thức uống do tỳ vận hoá ra mà thành. Tông khí có chức năng vận hành khí, huyết, hô hấp, tiếng nói, tay chân.

– Dinh khí: còn gọi là doanh khí. Là do chất tinh vi của đồ ăn được tỳ vận hoá mà thành, đi vào mạch tạo thành một bộ phận của huyết dịch, theo huyết dịch đi toàn thân, có tác dụng sinh ra huyết và dinh dưỡng toàn thân.

– Vệ khí: bắt nguồn từ tiên thiên, do dương khí của thận sinh ra, được khí của hậu thiên bổ sung. Vệ khí đi ra ngoài mạch, phân bố toàn thân, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại ngoại tà xâm nhập.

Sự thịnh suy của khí liên qua đến công năng hoạt động của 4 tạng Phế, Tỳ, Thận và Can:

– Phế: Chủ khí, chủ hô hấp, khí trời do phế đưa vào hợp với khí của đồ ăn thức uống do tỳ vận hoá mà tạo nên tông khí. Phế chủ tuyên phát và túc giáng, tuyên phát là thúc đẩy khí huyết tân dịch đi phân bố toàn thân, túc giáng là đưa phế khí đi xuống thận.

– Tỳ: Sự kiện vận của tỳ vị là gốc của hậu thiên, là gốc sinh hoá ra khí huyết của cơ thể, nên nói tỳ vị chủ về trung khí.

– Thận: Chủ nạp khí, khí do phế đưa xuống được nạp ở thận, nếu thận không nạp được khí làm phế khí nghịch lên gây ho, xuyễn.

– Can: chủ sơ tiết, giúp cho khí của các tạng phủ được vận hành dễ dàng, thông suốt, thăng giáng điều hoà.

Trên lâm sàng bệnh của khí thường biểu hiện với 3 hội chứng cơ bản là: Khí hư, Khí trệ và Khí nghịch.

1. Khí hư:

– Khí hư do cơ năng hoạt động của cơ thể và tạng phủ bị suy thoái, hay gặp ở người có bệnh mạn tính, người già yếu, hoặc ở thời kỳ hồi phục sau khi mắc bệnh nặng.

– Biểu hiện lâm sàng: Đoản khí, mệt mỏi, vô lực ăn kém, lưỡi nhạt, mạch hư vô lực. Có khi trương lực cơ giảm gây sa nội tạng gọi là chứng khí hư hạ hãm.

– Nguyên tắc điều trị: bổ khí, ích khí, kiện tỳ.

2. Khí trệ:

– Khí trệ là do cơ năng hoạt động của cơ thể hay một bộ phận của cơ thể bị trở ngại, thường do nguyên nhân sang chấn tinh thần, ăn uống thất điều, cảm phải ngoại tà.

– Biểu hiện lâm sàng: Đầy chướng, đau với dặc điểm: đau kèm theo chướng, chướng nhiều hơn đau, đau lúc nhiều lúc ít, vị trí không cố định, thiện án, thích xoa bóp. Tuỳ vị trí khí trệ mà có các triệu chứng tại chỗ như: ở ngực gây đau ngực vú căng, ngực sườn đầy tức; ở thượng vị gây vị quản thống, ợ hơi thì đỡ; ở ruột gây phúc thống, trung tiện thì đỡ…

– Nguyên tắc điều trị: hành khí, lý khí.

3. Khí nghịch:

– Khí nghịch hay thấy ở phế, vị, và can. Đàm và khí kết hợp làm phế khí không giáng gây nghịch lên. Vị bị hàn tích ẩm, ứ đọng đồ ăn. Can tình chí uất ức không sơ tiết được.

– Biểu hiện lâm sàng:

Phế: Ho, hen, khó thở, tức ngực.

Vị: Buồn nôn, nôn mửa, nấc, ợ hơi.

Can: Đau tức ngực sườn, đau thượng vị, lúc sốt, lúc rét.

Cần phân biệt chứng khí nghịch do thận hư không nạp được khí thuộc hư chứng, còn chứng khí nghịch trong các trường hợp trên là thực chứng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*