Chứng phế âm hư

Chứng phế âm hư

  1. Nguyên nhân:

Chứng phế âm hư là những triệu chứng vì phế âm không đủ sinh ra hư nhiệt ở trong mà biểu hiện ra. Người tiên thiên không đủ, hậu thiên ăn uống, lao quyện, tình dục không điều độ hoặc ngoại cảm lâu bệnh không khỏi, uẩn nhiệt trong phế lâu ngày, làm hao tổn phế âm đều có thể sinh ra chứng này (Lao phổi, viêm thanh quản, suy nhược cơ thể).

  1. Chứng trạng:

Ho khan không có đàm, hoặc ít đàm mà dính, nặng thì trong đàm có theo ít máu, nóng hầm ở trong, sốt có cơn, ngũ tâm phiền nhiệt, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, họng khô ráo, người gầy dần, hoặc hơi thở ngắn gấp, tiếng nói khàn khàn, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

  1. Cơ chế bệnh sinh:

“Chứng âm hư là thông thuộc ở phế”. Như ho lao, khạc ra huyết, nóng hầm ở trong, ra mồ hôi trộm, là những chứng âm hư điển hình, đều thuộc phế âm không đủ. Phế âm không đủ thì hư hoả sinh ở trong (âm hư sinh nội nhiệt), đốt dịch thành đàm, dính chặt khó khạc ra, cho nên ho khan, không có đàm hoặc đàm khó khạc ra. Âm hư hoả động, nhào đốt đã lâu, huyết lạc bị tổn thương dần mà sinh khạc ra máu. âm dịch không đủ, tân dịch không tiếp lên trên được thì họng khô. Da không được nhu dưỡng thì người gầy sắc xấu. Ho lâu hại khí, phế uất thanh tức, tinh khí đoạt ở trong, cho nên hơi thở ngắn gấp. Họng là dây nói của phế, phế âm hư tổn thì tiếng nói khàn, tức là chuông vỡ thì không kêu. Lưỡi đỏ, ít rêu mạch tế sác đều thuộc về chứng âm hư.

Phế âm không đủ, với táo tà hại phế đều có chứng ho khan, ít đàm, đàm khó khạc ra và tân dịch suy tổn. Nhưng táo tà hại phế là ngoại cảm táo khí, phần nhiều thấy ở mùa thu, xuất hiện các chứng hơi sợ rét, phát sốt. Còn phế âm không đủ là bệnh nội thương lâu ngày, kiêm có hiện tượng âm hư hoả vượng như trào nhiệt, ra mồ hôi trộm, người gầy róc. Cần nói rõ thêm, táo tà hại phế lâu ngày rồi cũng sinh chứng phế âm không đủ.

  1. Luận trị:

– Phép trị: Tư dưỡng phế âm.

– Phương dược:

* Bách hợp cổ kim thang (Y phương tập giải).

Sinh địa  12g Đương quy 8g
Thục địa   12g Bạch thược 8g
Huyền sâm   12g Bối mẫu 4g
Mạch môn     8g Cát cánh 6g
Bách hợp   12g Cam thảo 4g

Gia giảm: – Nếu ho ra máu thì thêm: Bạch cập 8g, A giao 8g.

                  – Nếu âm hư hoả vượng thì thêm Tri mẫu, Hoàng bá.

Phân tích: Sinh địa, Thục địa để tư âm bổ thận lương huyết. Mạch môn, Bách hợp để hoá đàm chỉ ho. Huyền sâm, Tri mẫu, Hoàng bá để tư âm thanh hư hoả, lương huyết. Đương quy để dưỡng huyết nhuận táo. Bạch thược để dưỡng huyết ích âm. Bối mẫu, Cát cánh để tuyên phế chỉ ho hoá đàm. Cam thảo để điều hoà các vị thuốc. Bạch cập để khứ ứ chỉ huyết. A giao để bổ huyết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*