Học thuyết tạng phủ: Tạng tâm

Học thuyết tạng phủ: Tạng tâm

1. Chức năng của tâm:

Tâm ở trong ngực, chủ về huyết mạch, tàng giữ thần minh, coi về tướng hoả, chí là mừng, khai khiếu ra lưỡi, sự tươi tốt ở mặt, thể dịch là mồ hôi. Đường mạch bắt đầu ở giữa tâm, đi xuống liên lạc với tiểu trường, đi ra dưới nách, theo phía trong cánh tay vào lòng bày tay. Thời đại Nội kinh cho rằng, tâm đã chủ huyết mạch, lại chủ thần minh là đã đem công của tâm và đại não hợp lại là một. Đời nhà Minh, Lý Diên có nói: “Có cái tâm của huyết thịt, hình như có cái hoa sen chưa nở ở dưới phế, trên can. Có cái tâm của thần minh, thần là cái gốc của khí huyết hoá sinh ra, chủ tể vạn sự, vạn vật, hư linh không tối là như vậy”. Đem tâm chia làm 2 bộ phận là tâm huyết nhục và tâm thần minh.

1.1. Tâm chủ huyết mạch:

Tâm khí thúc đẩy huyết dịch đi trong mạch để nuôi dưỡng toàn thân. Nếu tâm khí đầy đủ huyết dịch vận hành không ngừng thì cơ thể sẽ được nuôi dưỡng tốt, sắc mặt hồng hào. Trái lại, tâm khí không đủ thì ít khí, choáng váng, hồi hộp, mạch tế nhược, kết đại. Tâm huyết hư thì sắc mặt không tươi, nhịp mạch rối loạn. Tâm huyết vận hành bị trở tắc thì ngực đau, cánh tay đau nhức tê dại. Mồ hôi là dịch của tâm, nên tâm bệnh thì nhiều mồ hôi.

1.2. Tâm tàng thần:

Tâm là nơi cư trú của thần cho nên nói “tâm tàng thần”. Tâm khí và tâm huyết đầy đủ thì tinh thần sáng suốt, tỉnh táo. Tâm huyết hư thì thần không yên sinh các chứng đánh trống ngực, hồi hộp, mất ngủ, chóng quên. Tà nhiệt xâm nhiễm làm cho thần không giữ nguyên chỗ thì hôn mê nói sảng.

1.3. Tâm coi về tướng hoả:

Trong ngũ hành tâm thuộc hoả. Tâm hoả thịnh thì tâm phiền, mất ngủ, miệng lưỡi đỏ, hoặc loét nát, sưng đau, nặng thì phát cuồng. Tâm hoả suy hoặc khi bị hàn, dương khí uất kết lại ở trong, xuất hiện các chứng đau tim, mặt xanh, khí lạnh, tay chân lạnh đến khớp.

2 .  Quan hệ giữa tâm với các tổ chức khí quan khác.

2.1. Tâm khai khiếu ở lưỡi :

Biệt lạc của kinh tâm thông ra lưỡi, khí huyết của tâm đi ra lưỡi để duy trì sự hoạt động của chất lưỡi. Trên lâm sàng xem chất lưỡi để chẩn đoán bệnh ở tâm như: Chất lưỡi đỏ là tâm nhiệt. Chất lưỡi nhợt là tâm huyết hư. Chất lưỡi xanh có điểm ứ huyết là huyết ứ trệ.

2.2. Tâm biểu hiện sự hoạt động lên mặt:

Tâm hoạt động tốt thì sắc mặt tươi nhuận có thần, tâm bệnh thì mặt nhợt không nhuận, mất thần. 

3.  Tâm liên hệ với các tạng phủ khác:

3.1. Biểu lý với tiểu trường:

Tiểu trường có nhiệm vụ phân thanh giáng trọc. Thanh là chất tinh vi của đồ ăn được hấp thu ở tiểu trường thông qua sự vận hoá của tỳ. Trọc là chất cặn bã của đồ ăn được đưa xuống đại trường và bàng quang để thải ra ngoài. Khi tiểu trường bị bệnh thì việc phân thanh gián trọc bị trở ngại gây chứng: sống phân, ỉa chảy, tiểu tiện ít. Tâm di nhiệt vào tiểu trường thì không đi tiểu tiện, tiểu tiện nhỏ từng giọt, hoặc rít, hoặc đau, đầu lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác.

3.2.  Với phế cùng ở thượng tiêu:

Quan hệ giữa tâm với phế cũng như quân với tướng. Tức là sau khi tâm bệnh có thể ảnh hưởng đến phế, xuất hiện các chứng : khí đoản, xuyễn thở, ngực tức.

3.3. Với tâm bào lạc:

Là tổ chức bên ngoài bảo vệ tâm không cho tà khí xâm nhập vào tâm. Trên lâm sàng bệnh của tâm và của tâm bào lạc có những biểu hiện tương đồng. 

3.4. Tương sinh với can tỳ:

– Mộc vượng sinh hoả: can khí quá vượng làm cho tâm hoả cang thịnh.

– Mộc không sinh hoả: Trước bệnh can huyết hư, sau bệnh tâm huyết hư.

– Hoả không sinh thổ: Tâm dương không đủ, sau đó tỳ mất kiện vận.

3.5. Tương khắc với phế  thận:

– Hoả khắc kim: Tâm hoả cang thịnh đốt phế, làm cho phế mất thanh túc, phế nhiệt lá phổi khô, xuất hiện triệu chứng  phế nhiệt.

– Thủy khắc hoả: Trước có chứng thận hàn, tiếp đó thì xuất hiện chứng tâm dương không đủ. Hoặc thận âm không đủ. Thủy hoả không giúp đỡ nhau được, làm cho tâm hoả cang thịnh, đó là thủy không giúp hoả.

4. Các triệu chứng bệnh của tâm và tiểu trường:

4.1. Triệu chứng bệnh của tâm:

Thực: bồn chồn, nói sảng, cười nhiều, phát cuồng, không ngủ.

Hư: tim đập hồi hộp, mất ngủ, hay quên.

Nhiệt: tâm phiền, nói sảng, lưỡi nứt, đỏ.

Hàn: đau tim đột ngột, chân tay lạnh, mạch trầm trì.

4.2. Chứng trạng bệnh của tiểu trường:

Thực: đau bụng xuyên xuống tinh hoàn.

Hư: đái nhiều lần, đái són, đau bụng dưới, thích xoa.

Nhiệt: đái máu, đái đỏ, đau buốt khi đái.

Hàn: đái trong dài, ỉa chảy.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*