1. Chấn thương mắt là gì?
Chấn thương mắt là tình trạng mắt bị tổn thương bởi các nguyên nhân cơ học, hay hóa học khác nhau gây nên.
Có 3 mức độ trong chấn thương mắt:
– Chấn thương phần phụ (phần bảo vệ bên ngoài của mắt) như mi mắt, lệ đạo…
– Chấn thương trong mắt: giác mạc (lòng đen), kết mạc (lòng trắng).
– Chấn thương cả mi mắt lẫn trong mắt (cả phần chính lẫn phần phụ).
Có 2 loại chấn thương mắt:
Chấn thương đụng đập: chấn thương kín, thường gây nên bởi vật tù, biểu hiện:
– Tụ máu, bầm mi mắt
– Chảy máu trong mắt: xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, pha lê thể
– Tổn thương các tổ chức của mắt như: thể thủy tinh: vỡ, lệch
– Võng mạc: bong võng mạc, rách võng mạc
– Thần kinh thị: đứt hoặc bị chèn ép gây giảm hoặc mất chức năng.
– Trường hợp nghiêm trọng có thể gây gãy xương ổ mắt.
Chấn thương xuyên thủng: thường gây rách tổ chức và chảy máu ra bên ngoài, thường do các vật sắc nhọn gây tổn thương cho mắt
– Rách da mi
– Đứt đường dẫn nước mắt: đứt lệ quản
– Rách lòng trắng (củng mạc), lòng đen (giác mạc), rách mống mắt
– Đục vỡ thể thuỷ tinh, di lệch thủy tinh thể
– Làm thoát các chất bên trong mắt ra ngoài: xẹp tiền phòng, phòi mống mắt, thoát pha lê thể
– Hoặc để lại những vật lạ bên trong mắt: di vật nội nhãn, dị vật hốc mắt. Trường hợp này nghiêm trọng và cần có xử trí nhanh và phù hợp.
Và cũng thường gặp loại chấn thương đặc biệt là bỏng mắt
– Bỏng mắt: chấn thương do hóa học: Bỏng mắt do hóa chất như axit, kiềm (vôi), bỏng nhiệt, keo dán sắt.
– Trong các nguyên nhân gây bỏng, bỏng do hoá chất thường gây ra những tổn thương rất nặng nề ở cả mi mắt, lòng trắng, lòng đen, tiền phòng, thủy tinh thể, đặc biệt là do bỏng kiềm.
– Nhẹ thì giảm thị lực, dính mi cầu làm hạn chế liếc mắt, nặng đưa đến mù mắt, teo nhãn, có khi phải bỏ mắt…
2. Triệu chứng và các dấu hiệu nhận biết chấn thương mắt
Đụng dập và tụ máu mi: những tổn thương không gây rách da nhưng có thể gây bầm dập tổ chức mi gây sưng nề khó mở mắt.
Xuất huyết hốc mắt: là tổn thương được cho là nặng do vỡ các mạch máu, có thể gây chèn ép vào thần kinh thị giác cấp tính. Biểu hiện thường là mắt đau nhức, mi sưng nề căng cứng, khó mở mắt, thị lực giảm trầm trọng hoặc mất. Trường hợp này cần xử lý sớm để giữ gìn thị lực cho bệnh nhân.
Những tổn thương ở vùng lân cận: mũi, thái dương, hốc mắt, nền sọ trước hay gây bầm tím hoặc u máu do máu ngấm lan từ xa tới vùng mắt. Loại chấn thương này xuất hiện chậm sau 12 đến 24 giờ sau khi bị chấn thương. Nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, tránh bỏ sót tổn thương.
Vết thương xuyên thấu mi: vết thương góc trong cần được phát hiện và xử trí sớm. Tránh để thành di chứng chảy nước mắt sống hoặc lật mi dưới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Khi có chấn thương vùng mắt, nên khám chuyên khoa mắt để tránh bỏ sót tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt.
Các tổn thương cụ thể
– Kết mạc: tụ máu, có thể rách kết mạc.
– Giác mạc: phù nề, mờ đục, trong một số trường hợp có thể trợt biểu mô, bong màng Descemet. Trường hợp có xuất huyết tiền phòng, các chất hóa giáng của máu có thể ngấm vào giác mạc gây ra hiện tượng đĩa máu giác mạc nếu nội mô bị tổn thương và xuất huyết tiền phòng.
– Củng mạc: tổn thương ở nhiều mức độ khác nhau, gây phồng, vỡ củng mạc phòi các chất nội nhãn. Vị trí vỡ thường ở các điểm yếu hoặc nơi chịu phản lực: vùng rìa giác mạc, chân cơ trực, xích đạo nhãn cầu. Nơi vỡ phòi tổ chức sẽ là một đám phồng có màu đen của tổ chức nội nhãn.
– Mống mắt, thể mi: méo và giãn đồng tử khá thường gặp, đứt chân mống mắt, rách thể mi, lùi góc tiền phòng.
– Tiền phòng: chảy máu từ mống mắt và thể mi với nhiều mức độ khác nhau.
– Thể thủy tinh: lệch thể thủy tinh một phần gây ra tiền phòng sâu không đều, rung rinh mống mắt, bệnh nhân có thể nhìn đôi một mắt. Lệch thể thủy tinh toàn phần ra trước gây tăng nhãn áp cấp tính; rơi vào buồng dịch kính gây viễn thị nặng và viêm trong dịch kính, phòi qua vết vỡ giác, củng mạc ra ngoài.
– Sau đụng dập, thể thủy tinh có thể tổn thương bao đại thể hoặc vi thể gây hay bị đục vỏ hình sao, hình hoa khế hoặc đục vỏ sau.
– Đáy mắt có thể có phù võng mạc (phù Berlin), xuất huyết trước, trong hoặc sau võng mạc, bong võng mạc, rách hắc mạc.
– Thị thần kinh có thể tổn thương trong chấn thương dụng dập do bị chèn ép ứ phù, giằng giật đứt.
– Hốc mắt: vỡ thành xương gây tụt nhãn cầu, chảy máu lồi nhãn cầu, thay đổi vị trí các cơ trực.
3. Xử trí trong chấn thương mắt
Đối với các trường hợp có dị vật chui vào mắt: bụi, côn trùng..
– Rửa mắt bằng nước muối 0.9% vô trùng trong lọ hoặc nước sạch.
– Đến cơ sở y tế để được xử trí đúng và kịp thời.
Trong trường hợp vết thương xuyên thủng, chảy máu:
– Cầm máu cho vết thương.
– Có thể cho nạn nhân dùng thuốc giảm đau.
– Chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí nhanh và kịp thời.
Khi bị hóa chất văng vào mắt: Nên
– Kiểm tra lấy dị vật rắn hoặc hóa chất dạng rắn( cục vôi).
– Sau đó rửa mắt bằng thật nhiều nước sạch, tốt nhất là nước muối 0.9% dạng đóng chai vô trùng.
– Đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.
Xử trí những tổn thương đặc biệt
– Vết thương nhãn cầu có dị vật nội nhãn: chỉ nên rửa sạch vết thương, giữ nguyên hiện trạng nếu được, và đến cơ sở y tế để được phẫu thuật lấy ra: cấp cứu hoặc bán cấp
– Vết thương mất rộng tổ chức giác mạc – củng mạc: tùy đánh giá của bác sỹ chuyên khoa sẽ có hướng xử trí cụ thể: khâu để giữ mắt hay ghép tổ chức vào vị trí bị thiếu hụt.
– Vết thương nhãn cầu quá rộng, ảnh hưởng đến quá nhiều tổ chức nội nhãn, mắt mềm, mất thị lực: có chỉ định bỏ mắt.
4. Phòng ngừa chấn thương mắt
Chấn thương mắt đa phần do việc sinh hoạt, lao động, có dị vật, điều kiện môi trường hay tác nhân hoá học (nước sôi, keo, axit…) đánh vào mắt. Do vậy bạn cần cẩn thận sinh hoạt, đeo kính bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nguy hiểm.
Nguồn: Bác sĩ Mai Thị Hương Thảo – BV Đại học Y dược TPHCM
Để lại một phản hồi