Viêm mống mắt

I.   ĐẠI CƯƠNG
– Mống mắt, thể mi là phần trước của màng bồ đào (màng mạch) có nhiều mạch máu thần kinh, đảm bảo dinh dưỡng một phần cho nhãn cầu.
– Các mống mắt quây tròn lại, chừa ra lỗ đồng tử ở giữa để điều tiết ánh sáng. Khi mống mắt bị viêm đồng tử thường bị co lại, dính vào mặt trước thể thuỷ tinh, cản trở sự lưu thông thuỷ dịch dẫn đến tăng nhãn áp.
– Bệnh hay tái phát từng đợt, dẫn tới tăng nhãn áp và mù loà vĩnh viễn.

II. NGUYÊN NHÂN
+ Chấn thương mắt, phẫu thuật mắt...
+ Nhiễm khuẩn: lao, giang mai…
+ Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
III. TRIỆU CHỨNG
1. Cơ năng và toàn thân
– Đau nhức mắt và hố mắt, đau tăng khi vận nhãn.
– Chói mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt.
Cảm giác như có một màn sương mờ che trước mắt.
– Toàn thân có thể sốt, ăn ngủ kém.
2. Thực thể
Cương tụ rìa: Cương tụ sâu ở kết mạc, có thể thấy rất rõ những mạch máu giãn to, màu tím sẫm, ngoằn ngoèo.
Mống mắt: Sẫm màu, kém xốp, đồng tử co nhỏ và phản xạ áng sáng giảm hoặc mất. Ở giai đoạn muộn đồng tử có thể bị méo mó do dính vào mặt trước thể thuỷ tinh.
Thuỷ dịch: Vẩn đục, khám trên sinh hiển vi sẽ thấy dấu hiệu Tyndall (+).
Thể thuỷ tinh: Có những chấm sắc tố mống mắt bám ở mặt trước, nhiều khi những chấm, đám sắc tố mống mắt này xếp theo dạng vòng tròn tương ứng với bờ đồng tử.
Mặt sau giác mạc: Có thể có tủa, đó chính là những chấm lắng đọng protein từ thuỷ dịch – sản phẩm của quá trình viêm.
Sờ phản ứng thể mi: Bệnh nhân đau (phản ứng dương tính).
Nếu bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn, các triệu chứng cơ năng không còn rõ nữa, hầu như chỉ còn dấu hiệu mắt mờ. Các triệu chứng thực thể khi đó cũng khác xa so với giai đoạn trước:
Mống mắt: Teo, bạc màu, có thể có hình ảnh núm quả cà chua do nghẽn đồng tử, thuỷ dịch ứ lại ở hậu phòng đẩy vồng mống mắt về phía giác mạc.
Đồng tử: Thu nhỏ, dính tít hoặc méo mó do dính vào mặt trước thể thuỷ tinh. Phản xạ với ánh sáng của đồng tử lúc này sẽ bị hạn chế do dính. Diện đồng tử có thể bị màng viêm che kín.
Thể thuỷ tinh, dịch kính: Có thể bị vẩn đục ở các mức độ khác nhau. Do màng viêm cùng với thể thủy tinh đục che khuất, dấu hiệu đục dịch kính chỉ có thể được phát hiện bằng siêu âm.
Nhãn áp: Tăng thứ phát do nghẽn đồng tử, nghẽn vùng bè hoặc có thể hạ do teo thể mi.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị theo nguyên nhân
     Kháng sinh: Gentamycin + Cefotaxim tiêm
2. Chống dính
Nhỏ Atropin 1% mắt 1- 2 lần/24h. Có thể dùng Adrenalin + với Atropin tiêm dưới kết mạc. Thuốc làm giãn đồng tử nên chống được dính.
* Atropin 1% rỏ mắt 1-2 lần/ngày. Đây là loại thuốc cần được dùng càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện bệnh nếu không mống mắt sẽ dính vào thể thuỷ tinh trong tư thế đồng tử co và như vậy thì di chứng, biến chứng sẽ rất nặng nề. Nếu rỏ mắt atropin 1% mà mống mắt vẫn còn dính vào thể thuỷ tinh thì dùng dung dịch atropin 4%. Một số trường hợp phải dùng dạng thuốc tiêm atropin 1/4mg trộn lẫn adrenalin 1mg tiêm vào dưới kết mạc vùng rìa phía có dính mống mắt để tách dính.
Chống chỉ định tuyệt đối các thuốc co đồng tử.
3. Chống viêm
– Prednisolon 1mg/kg/ngày, uống sau khi ăn no, dùng giảm dần liều. Hoặc Hydrocortison tiêm dưới kết mạc.
– Dung dịch Polydexacol nhỏ mắt.
4. Tăng cường dinh dưỡng
Vitamin A, B2, C; Tobicom, băng che hoặc đeo kính râm để mắt được nghỉ ngơi
5. Điều trị di chứng

 

Phẫu thuật với tăng nhãn áp thứ phát hoặc bị đục thuỷ tinh thể.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*