Trong sách Bản thảo cương mục ghi rằng cái tên Uy linh tiên mang ý nghĩa là vị thuốc mãnh liệt, có tác dụng như thần tiên đối với sức khỏe con người, đặc biệt là giảm đau nhức.
1. Giới thiệu Uy linh tiên
- Tên thường gọi: Uy linh tiên, Dây ruột gà, Thiết cước uy linh tiên…
- Tên khoa học: Radix et Rhizoma Clematidis.
- Họ khoa học: Họ Mao Lương (Ranunculaceae).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Uy linh tiên phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Hiện nay, vài địa phương phía Bắc ở nước ta có trồng loại cây này như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai. Cây thường mọc trong các savan cây bụi.
Cây ra hoa và sai quả vào tháng 6 – 10 hằng năm. Thông thường, hoa tháng 6 – 8, quả tháng 9 – 10. Ngoài ra, có thể thu hoạch rễ quanh năm. Uy linh tiên mọc rất nhiều rễ, mỗi cụm rễ có khoảng vài trăm sợi và chiều dài có khi lên đến 60 cm. Tuy nhiên chỉ dùng loại rễ rậm dài, bề ngoài đen sẫm, bên trong có màu trắng và rắn chắc, sau đó rửa sạch, thái mỏng phơi khô để dùng.
1.2. Mô tả toàn cây
Uy linh tiên là loài thực vật thân nhỡ, có xu hướng mọc trườn ra mặt đất hoặc bám vào các cây khác. Thân hơi hóa gỗ, hình trụ, nhăn, có cạnh và khía dọc, phân nhiều cành mảnh.
Lá kép mọc đối, lá chét 5, hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt nhẵn hoặc có ít lông thưa và áp sát. Cuống lá dài bằng lá chét, thường vặn xoắn.
Cụm hoa mọc ở nách lá thành xim, màu trắng, có lá bắc chia 1 – 3 lá chét, khá phát triển.
Quả bế hình trứng dẹt, bên ngoài có lông mềm vàng nhạt, tận cùng là 1 vòi nhụỵ có lông dài hơn 4 lần bầu.
1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế
Rễ của cây được thu hái làm thuốc. Rửa sạch, loại bỏ rễ con và tạp chất, rồi chế biến thành dược liệu theo cách sau:
- Uy linh tiên phiến: Đem rễ rửa sạch để ráo nước, cắt đoạn 3 – 5 cm, phần gốc rễ thái phiến, phơi hoặc sấy khô.
- Chích rượu (Uy linh tiên 10 kg, rượu 2 kg): Đem rượu trộn vào Uy linh tiên ủ 1 giờ, rồi sao tới khô.
- Sao khô: Đem dược liệu đã cắt đoạn, sao nhỏ lửa cho đến khi khô.
Vị thuốc Uy linh tiên có hình trụ tròn, dài 10 – 20 cm, đường kính 0,15 – 0,20 cm, hơi cong queo. Mặt ngoài màu nâu đen, có những vân nhỏ, chất chắc giòn, thịt trắng, vị hơi đắng, mùi thơm nhẹ.
1.4. Bảo quản
Bảo quản vị thuốc ở nơi khô ráo, tránh ẩm thấp và mối mọt.
2. Thành phần hóa học
Uy linh tiên chứa các thành phần hóa học như đường, protoanemonin, anemin, ranuculin, anemonol, clematosidphenol, saponin, oleanolic acid, sterol, tannin, acid amin, acid hữu cơ…
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
- Tác dụng lên cơ trơn: Những thực nghiệm của Uy linh tiên trên loài chó và thỏ cho các kết quả: Tần số nhu động thực quản tăng, biên độ lớn hơn. Vì vậy, người sau khi hóc xương cá, vùng trên của thực quản và họng co thắt khi uống thuốc làm giãn cơ, tăng nhu động thực quản. Ngoài ra, vị thuốc còn có khả năng đối kháng, ức chế tác dụng gây co bóp của histamin, lợi mật (tăng lưu lượng mật tiết và làm cơ vòng Oddi giãn ra).
- Kháng khuẩn và kháng nấm: Nước sắc từ vị thuốc (có anemonol, anemonin) làm ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn lị Shigella. Ngoài ra, thành phần này còn ức chế đối với một số khuẩn Gram dương và Gram âm, nấm.
- Thành phần anemonin trong thuốc có thể kích thích gây mụn phỏng ngoài da, xung huyết niêm mạc nên tiếp xúc lâu sẽ nổi phồng. Uống liều cao bị xuất huyết dạ dày, gây tử vong.
- Giảm đau: Theo Viện Y học Cổ truyền Hà Nội.
3.2. Y học cổ truyền
Tính vị: cay, mặn, ấm. Quy kinh bàng quang.
Tác dụng: khứ phong thấp, thông kinh lạc.
Chỉ định:
Chứng phong thấp tý thống, chân tay tê nhức thường phối hợp với đương quy, quế tâm như bài thần ứng hoàn. Hiện nay trên lâm sàng thường dùng với khương hoạt, phòng phong, xuyên ô, khương hoàng.
Chứng hóc xương, uy linh tiên có tác dụng nhuyễn kiên tiêu cốt, có thể dùng đơn dộc hoặc dùng cùng với đường cát, từ từ nuốt vào trong họng, thông thường có thể làm cho xương tiêu mất.
Liều dùng: 5 – 15g. Điều trị hóc xương có thể dùng 30 -50g.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc mục đích sử dụng mà dùng vị thuốc Uy linh tiên theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo 3 – 9 g.
Chú ý:
- Người suy nhược nặng, thiếu máu, gân co rút không nên dùng.
- Không nên uống chung vị thuốc với nước chè hay ăn canh miến (Dược tài học).
- Lá của cây có thể gây sưng da, sẹo tím và nổi mụn phỏng (Lưu ngọc Thư, Học báo Trung y dược 1978, 2:43).
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Trị đau khớp, viêm đa khớp, chân tay co rút
Uy linh tiên, Tần giao, Phòng kỷ, Bạch chỉ, Hải phong đằng, Nhũ hương, Đào nhân, Hoàng bá, Độc hoạt, Xuyên khung, các vị đều 12 g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
4.2. Chữa hóc xương
Rễ Uy linh tiên 3 phần, Thảo quả 2 phần, rễ Bạch liễm 2 phần. Sắc đến tỉ lệ 1:1, uống dần dần mỗi lần 10 – 15 ml, phối hợp cùng thể tích giấm.
4.3. Trị phụ nữ bụng dưới đau do khí bị trệ, lạnh bụng (do hàn)
Đương quy 20 g, Mộc hương 20 g, Một dược 20 g, Quế tâm 20 g, Uy linh tiên 40 g. Tán bột, mỗi lần dùng 4 g với rượu nóng (Uy Linh Tán – Phụ Nhân Đại Toàn Lương Phương).
Để lại một phản hồi