Triệu chứng và điều trị Viêm miệng Áp – tơ (aphthous)

1. Đại cương

1.1. Khái niệm

Áp-tơ (aphthous) niêm mạc miệng là bệnh thường gặp (dân gian thường gọi là nhiệt miệng), biểu hiện lâm sàng là xuất hiện nốt loét trong niêm mạc miệng, nguyên nhân chưa rõ, bệnh thường tự khỏi.

1.2. Phân loại

– Áp-tơ niêm mạc miệng thể nhỏ (RAS minor): là dạng thường gặp, chiếm tỷ lệ 80%. Tổn thương loét nông, riêng biệt, đau, đường kính từ 3mm đến dưới 1cm. Số lượng tổn thương từ 1-5. Vị trí ở niêm mạc phía trong môi, má và nền miệng. Tổn thương lành trong vòng 7-10 ngày, không để lại sẹo. 

– Áp-tơ niêm mạc miệng thể lớn (RAS major): là dạng ít gặp hơn. Tổn thương là những vết loét 1 – 3cm đường kính, sâu, bờ nổi cao, có thể tập trung thành nhóm. Tổn thương có thể kéo dài tới 6 tuần, khi lành để lại sẹo, có thể gây co kéo miệng hầu. Vị trí tổn thương thường gặp ở niêm mạc phía trong môi, hàm ếch mềm, họng.

– Áp-tơ niêm mạc miệng dạng herpes (Herpetiform RAS): đây là dạng ít gặp nhất, đường kính tổn thương 1-3mm. Tổn thương có xu hướng tập trung thành đám, đám tổn thương có thể nhỏ khu trú hoặc diện tổn thương rộng.

1.3. Dịch tễ học

– Tần số: đây là bệnh thường gặp, hầu hết người lớn đã từng bị áp-tơ trong cuộc đời.

– Giới: gặp ở nữ nhiều hơn nam. Đây là một bệnh nhẹ nhưng khá phổ biến (khoảng 20% dân số).

– Tuổi: RAS minor: khoảng 1% trẻ em bị RAS, thường khởi phát trước 5 tuổi. Tỷ lệ bị bệnh tăng lên theo tuổi. RAS major thường khởi phát sau tuổi dạy thì. Herpetiform RAS thường khởi phát ở tuổi 20 (khoảng 60-85%). Tần số và độ nặng của tổn thương tăng lên ở tuổi 30-40, sau đó giảm dần.

2. Nguyên nhân 

Chưa rõ nguyên nhân của bệnh một cách chính xác. Cho đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng vì có nhiều yếu tố liên quan đến phát sinh bệnh, như:

– Nhiễm khuẩn: Do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong miệng bao gồm: các vi khuẩn ái khí, kỵ khí và nấm cộng sinh.

– Yếu tố nội tiết: Thể hiện khá rõ ở phụ nữ dễ bị áp-tơ trong thời kỳ sau đẻ, thời kỳ mãn kinh hoặc trong khi mang thai.

– Các yếu tố tâm lý và xúc cảm: Stress được xem như một yếu tố thuận lợi.

– Các yếu tố thực phẩm liên quan đến bệnh áp-tơ như gia vị (tiêu, ớt…), trái cây chua (giấm, chanh…) làm tăng độ pH nước bọt, làm thuận lợi cho sự tăng sinh của các vi sinh vật ưa axit trong miệng.

– Vitamin: Người ta thấy những người bị áp-tơ miệng luôn luôn bị thiếu sắt và thiếu sinh tố B12, PP.

Một số yếu tố nguy cơ:

– Gen.

– Thiếu hụt các chất tạo máu: sắt, folic acid, vitamin B12.

– Bất thường miễn dịch.

– Nhiễm khuẩn: herpes simplex virus (HSV), human herpesvirus (HHV), varicella-zoster virus (VZV), cytomegalovirus (CMV), Streptococcus sanguis, Helicobacter pylori,…

3. Lâm sàng và Chẩn đoán

– Ban đầu là những sẩn, dát đỏ, nhỏ, đau. Sau đó là những vết loét, phủ giả mạc màu vàng (fibrin), bờ viêm đỏ, rõ. Kích thước, số lượng tuỳ theo từng thể. RAS major khi lành có thể để lại sẹo gây co kéo.

– Vị trí: ở niêm mạc miệng phía trong môi, trong má, gần nướu răng, hầu, có thể thấy ở hậu môn, cơ quan sinh dục.

– Triệu chứng cơ năng: đau, ăn uống kém.

– Triệu chứng toàn thân: hạch góc hàm sưng đau, bệnh Bệnh Behçet, HIV.

– Tiến triển qua 4 giai đoạn: 

+ Giai đoạn khởi phát: 24 giờ trước, bệnh nhân có cảm giác nóng rát ở vùng niêm mạc sẽ bị loét.

+ Giai đoạn trước loét: Từ 18 giờ đến 3 ngày xuất hiện một vết ban nhỏ có màu đỏ hoặc xuất hiện một nốt sần có giả mạc ở giữa màu vàng, có quầng đỏ bao quanh. Tổn thương này có thể tự khỏi sau 2 – 3 ngày.

+ Giai đoạn loét: Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6. Tổn thương lúc này rộng ra, màng hoại tử tróc ra để lại một vết loét hình tròn có đường kính 2 – 10mm đáy trũng, bờ rõ rệt, có viền đỏ bao quanh và tiết dịch nhày ở giữa.

+ Giai đoạn lành bệnh: Đau giảm dần sau 5 – 7 ngày. Viêm và quầng đỏ biến dần. Đáy vết loét trở lại màu hồng, biểu mô mọc trở lại, vết loét lành không để lại sẹo.

4. Phân loại RAS theo lâm sàng

– Áp-tơ đơn độc: Là thể bệnh hay gặp nhất (60% trong số bệnh áp-tơ). Tổn thương là một vết loét có đường kính 3 – 10mm thường là hình tròn, gây đau nhức tại chỗ, cảm giác bị bỏng, căng và nặng thêm khi cọ xát, tiếp xúc với thức ăn, gây trở ngại khi nhai, nói.

– Áp-tơ đơn giản: Số lượng nốt tổn thương vài đến nhiều, lành trong vòng 1 – 2 tuần, hay tái phát (20% trong số bệnh áp-tơ).

– Áp-tơ phức tạp: (10% trong số bệnh áp-tơ). Biểu hiện lâm sàng nặng, kích thước lớn, số lượng nhiều, loét sâu, tồn tại dai dẳng, chậm lành, đau nhiều , loét mới tạo thành khi loét cũ vừa lành, bệnh nhân ít khi thấy khỏi bệnh.

– Áp-tơ trầm trọng: Khoảng 10% người bệnh ở dạng này những vết loét tái phát xa hoặc rất gần nhiều đợt liên tục nhau làm đau dữ dội, tăng tiết nước bọt, khó nuốt, miệng hôi, bệnh nhân khó ăn, khó ngủ và lo lắng… Đôi khi do bội nhiễm sẽ gây sốt, nổi hạch, thiếu máu nhẹ và giảm bạch cầu. Bệnh kéo dài khoảng 10-30 ngày và khi lành sẽ để lại sẹo. Đôi khi RAS là triệu chứng của bệnh hệ thống như: Hội chứng Behcet: sốt, loét dạng aphth, viêm họng và hội chứng viêm hạch; hoặc loét miệng và sinh dục với hội chứng sụn viêm. RAS cũng gặp trong các bệnh viêm ruột mãn tính: bệnh Crohn,viêm loét đại tràng, bệnh ruột nhạy cảm gluten, thiếu máu thiếu sắt, folate, vitamin B12, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu ác tính cũng liên quan đến nguyên nhân sinh bệnh của aphth,. Mặc dù vậy, chỉ 40% bệnh nhân bị aphth vô căn và có nhiều yếu tố liên quan. Người ta thừa nhận là do phản ứng chéo giữa vi sinh vật và lớp biểu mô ở miệng, hoạt động như là một kháng nguyên kích thích tạo kháng thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, chúng hoạt đông riêng lẻ hoặc kết hợp nhau gây nên loét.

  

Hình 1. Tổn thương loét trong viêm miệng Áp –tơ.

5. Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt chính của RAS là Herpes (HSV), phân biệt dựa vào vị trí: RAS xảy ra trên vùng niêm mạc lỏng lẻo, không bị sừng hóa như: niêm mạc má, môi, sàn miệng,và mặt dưới lưỡi. Loét do herpes xảy ra ở niêm mạc bị sừng hóa, có liên quan mật thiết với quá trình nhai: khẩu cái cứng, lợi, mặt lưng lưỡi, tùy theo vùng chấn thương. Nhìn chung, RAS phổ biến hơn nhiễm herpes miệng tái phát, tổn thương của RAS không có giai đoạn mụn nước và thường kích thước lớn hơn loét do herpes.

 Bảng 1. Phân biệt RAS và nhiễm HSV ở miệng

RAS HSV
Vị trí Niêm mạc không sừng hóa, lỏng lẻo: mặt bên và dưới lưỡi Niêm mạc sừng hóa, dính xương bên dưới và lưng lưỡi (niêm mạc nhai )
Tần suất Phổ biến Không phổ biến
Đau Đau nhiều Nhẹ
Hình thái Khác nhau Thường thành nhóm
Kích thước Lớn hơn Thường nhỏ, đơn độc
Giai đoạn mụn nước Không Khởi đầu

6. Điều trị 

Do chưa biết rõ cơ chế gây bệnh nên chủ yếu điều trị triệu chứng, làm giảm độ tái phát của bệnh bằng cách:

– Điều trị tại chỗ: Làm sạch răng và mô lợi. Bôi vaselin để che chở vết loét đỡ cọ xát. Có thể bôi dung dịch hỗn hợp bicarbonat, salicylat, borat Na mỗi phần bằng nhau lên vết loét hoặc bôi thuốc dạng gel như: sachol gel, kháng sinh và corticoid.
Tại chỗ  dùng thuốc bôi: thuốc bôi tê, corticoid.

– Toàn thân: Colchicin, Cimetidin, Azathioprine, Kháng sinh, sinh tố.

– Giải pháp cho bệnh nhân:

Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, làm sạch nhẹ nhàng.

Tránh ăn cay, nóng, nhiều gia vị, sẽ làm vết loét nặng thêm.

 

Nguồn: dalieu.com.vn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*