Triệu chứng và điều trị viêm dạ dày cấp

Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của các tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày.

I. Nguyên nhân

      1. Yếu tố ngoại sinh thường gặp:

– Vi khuẩn, virus và độc tố của chúng.

– Thức ăn nóng quá, lạnh quá, khó tiêu, nhai không kỹ hoặc bị nhiễm khuẩn nhiễm độc do tụ cầu, coli, rượu, chè, cafê, mù tạc…

– Thuốc: aspirin, APC, NatriSalicylat, Sulfamid, Corntancyl, Phenylbutazon, Reserpin, Digitalis, KCl…

– Các chất ăn mòn: muối, kim loại nặng (đồng, kẽm ) thuỷ ngân, kiềm, axit sulfuric, axit Chlohydric, Nitrat bạc.

– Các kích thích nhiệt, dị vật.

     2. Các yếu tố nội sinh:

Gặp trong các bệnh sau.

– Các bệnh nhiễm khuẩn cấp (cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn, viêm phổi, viêm ruột thừa…Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thoát vị hoành).

– U rê máu cao, tăng Thyroxin, tăng đường máu.

– Bỏng, nhiễm phóng xạ (1100r- 2500r), các Stress nặng, chấn thương sọ não, u não, sau phẫu thuật thần kinh, tim, shock, bệnh tim phổi cấp, xơ gan.

– Dị ứng thức ăn: tôm, sò, ốc, hến…

II. Triệu chứng.

     1. Triệu chứng lâm sàng

Có thể hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện rầm rộ với các triệu chứng:

– Đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát có khi âm ỉ ậm ạch khó tiêu.

– Buồn nôn hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu.

– Lưỡi to, miệng hôi, sốt 39-400C.

– Gõ vùng thượng vị đau.

– Có thể nôn mửa, truỵ tim mạch

Thông thường người bệnh chán ăn, buồn nôn, đau thượng vị lan toả, thường xuyên có thể sốt cao, bạch cầu tăng cao, tốc độ lắng máu cao.

     2. Triệu chứng cận lâm sàng

– Chiếu chụp X-quang dạ dày thường không có giá trị: thấy hình ảnh niêm mạc thô, ngoằn ngoèo, bờ cong lớn nham nhở, túi hơi rộng.

– Soi dạ dày thấy 2 loại tổn thương cơ bản:

* Viêm dạ dày cấp, long: Có một phần hoặc toàn thể niêm mạc đỏ rực, bóng láng, có những đám nhầy dầy lỏng. Các nếp niêm mạc phù nề. Niêm mạc kém bền vững, dễ xuất huyết (chấm, ban) vết trợt.

* Viêm dạ dày cấp trợt, loét nông: Trên nền xung huyết, phù nề có những chỗ mất tổ chức thường ở phần dưới thân vị hang vị, đôi khi có vết nứt kẽ dài, ngoằn ngoèo, chạy dọc rãnh hoặc cắt ngang qua niêm mạc, đôi khi là dạng loét trợt (aphte), loét dài hẹp, dễ xuất huyết.

– Dịch vị: tăng tiết dịch, tăng toan. Trong dịch có bạch cầu, tế bào mủ.

– Xét nghiệm máu: bạch cầu tăng, CTBC chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng.

 

III. Chẩn đoán

     1. Chẩn đoán xác định:

– Lâm sàng: đau thượng vị đột ngột không theo chu kỳ nóng rát.

– X-quang: không thấy hình loét, chỉ thấy niêm mạc thô.

– Soi dạ dày và sinh thiết: thấy tổn thương niêm mạc (viêm dạ dày cấp long hay viêm dạ dày trợt, loét cấp). Mảnh sinh thiết có xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính.

     2. Chẩn đoán phân biệt:

– Viêm tụy cấp: Amylaza máu và nước tiểu tăng cao.

– Thủng dạ dày: X-quang bụng thấy liềm hơi.

– Viêm túi mật cấp: sốt, sờ thấy túi mật to, siêu âm thành túi mật dầy.

– Cơn đau cấp của loét dạ dày, tá tràng: X-quang dạ dày có ổ loét.

 

IV. Tiến triển, biến chứng

– Quá trình viên diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, liền sẹo nhanh, phục hồi hoàn toàn.

– Một số tác giả cho rằng có thể từ viêm dạ dày cấp, nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mãn, vì niêm mạc bị phá huỷ liên tiếp và có vai trò của cơ chế tự miễn.

 

V. Điều trị:

Chủ yếu là điều trị triệu chứng và bảo vệ niêm mạc.

     1. Rửa dạ dày

– Có thể rửa dạ dày qua Sonde bằng dung dịch NaOH 2% hâm nóng ở nhiệt độ 37 ­­­­0C, hoặc rửa bằng dung dịch thuốc tím 0,1% ở 370 C.

– Nhịn ăn 1-2 ngày đầu, sau đó uống nước đường loãng, sữa, cháo, rồi ăn đặc dần (súp mềm).

     2. Thuốc

– Giảm tiết:

+ Atropin 1/2mg x 1ống/1lần x 3lần/24h tiêm dưới da.

+ Cimetidin 200mg x 1-2 ống/24h tiêm bắp thịt.

– Trung hoà axit:

+ Natribicacbonate 2gr/lần x 3lần/24h

+ Uống dạng dung dịch hoặc dạng viên cùng liều.

– Bảo vệ niêm mạc:

Trymo 120mg x 4viên/ngày, chia 2 lần, trước bữa ăn 1 giờ.

– Nếu do nguyên nhân dị ứng: Dimedron, pipolphen (viên 25mg x 3 lần/ngày ống 2ml (50mg), 1 ống tiêm bắp).

– Nếu có chảy máu: tiêm vitamin K 5mg x 6-12 ống tuỳ mức độ.

– Truyền huyết thanh mặn ngọt để nuôi dưỡng.

– Nếu là bệnh toàn thân: việc điều trị bệnh toàn thân là chủ yếu.

– Hiện nay có xu hướng chẩn đoán viêm dạ dày do một loại xoắn khuẩn  có tên là Helicobacter pylory, nên ta dùng kháng sinh kết hợp với thuốc dạ dày (có thể dùng 1-2-3 kháng sinh tuỳ bệnh nhân).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*