Triệu chứng và điều trị bệnh lậu

I. Đại cương

+ Là một bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, tương đối phổ biến ( chiếm 3-15% trong tổng số các bệnh LTQĐTD), căn nguyên do vi khuẩn Neisseria  gonorrhoeae , triệu chứng  lậu cấp điển hình  là đái buốt, đái ra mủ, nhưng phần lớn lại găp là lậu mạn tính với  các triệu chứng không điển hình,  bệnh có thể để lại nhiều biến chứng cho bệnh  nhân.

     1. Căn nguyên dịch tễ học:

Tuổi của bệnh nhân: gặp ở mọi lứa tuổi từ sơ sinh đến người cao tuổi, nhưng thông thường lứa tuổi trẻ hoạt động tình dục mạnh, nam và nữ đều có thể bị bệnh, ở nữ giới tỷ lệ bệnh lậu không có triệu chứng nhiều hơn nam. Người bệnh là nguồn duy nhất của bệnh lậu ( lây truyền qua hoạt động tình dục đồng giới hoặc khác giới, lây từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ và đẻ).

1.1. Tác nhân gây bệnh

là song cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae,hinh hạt cà phê, Vi khuẩn lậu bắt màu gram (-) , nằm trong tế bào bạch cầu đa nhân, đứng từng đôi một , khi lậu cấp tính thường có hình ảnh rõ, khi lậu mạn thường phải nuôi cấy để chẩn đoán xác định ( nuôi cấy trong môi trường thạch máu  có CO2 ), dùng hình ảnh đại thể và phân lập trên môi trường đường để xác định vi khuẩn lậu.

 Sức đề kháng vi khuẩn lậu kém, ra môi trường ngoài cơ thể và các thuốc sát  trùng thông thường đều diệt được.

1.2. Đường lây:

Lây qua đường tình dục là chủ yếu.

Lây gián tiếp thì hiếm gặp (như qua dụng cụ khám bệnh có dây mủ lậu chưa được tiệt trùng kỹ)

Lây từ mẹ sang con (mẹ bị lậu không được phát hiện điều trị, trong cuộc đẻ con chui qua đường sinh dục bị dây mủ lậu bị lậu mắt )

+ Cơ chế bệnh sinh : sau khi quan hệ với bạn tình có  bệnh, vi khuẩn lậu có sức bám dính vào màng tế bào biểu mô trụ của  đường tiết   niệu sinh dục người lành, nên việc nhiễm bệnh xảy ra rất nhanh  ngay sau khi quan hệ tình dục.

+ Tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn lậu: cho đến nay các kháng sinh sau đây còn có tác dụng ( xếp theo giảm dần ).

Ceftriaxone , Spectinomycine, Erythromycin, Ciprofloxacin.

 

II. Triệu chứng lâm sàng .

     1. ở nam giới.

+ ủ bệnh:   là  3 – 5 ngày sau khi quan hệ tình dục với người bị bệnh lậu ( ở 90% trường hợp).

+ Lâm sàng :

– Viêm niệu đạo trước cấp tính: gặp trên 90% các trường hợp. Triệu chứng lâm sàng sớm nhất là có cảm giác ngứa nhiều hoặc ít ở miệng sáo, hố thuyền, các mép của miệng sáo trở nên tấy đỏ. Lậu cầu phát triển ở niêm mạc niệu đạo trước gây viêm xuất tiết. Chất nhầy chảy ra kèm theo cảm giác đái  nóng, buốt nhẹ. Sau đó  chảy mủ màu trắng đục hoặc vàng đục. Cảm giác nóng buốt tăng lên rõ, có khi  đái rất  buốt làm bệnh nhân phải đái từng giọt, thử nghiệm nước tiểu 2 cốc thì chỉ có cốc nước tiểu thứ nhất đục.

– Viêm niệu đạo toàn bộ : khi bệnh không được điều trị kịp thời và đầy đủ, sau 10- 15 ngày, bệnh nhân bị đái dắt, đái khó, có thể đái ra vài giọt máu cuối bãi, mủ chảy ra nhiều, hạch bẹn có thể sưng đau, hay bị cường dương và đau rát khi dương vật cương lên. Thử nghiệm  nước tiểu 2 cốc thì cả 2 cốc đều đục.

-Sau 1 tháng nếu không điều trị sẽ trở thành lậu mạn tính khi đó các triệu chứng đái buốt đái dắt giảm,.chỉ có giọt nhầy mủ lúc sáng sớm chưa đi tiểu gọi là dấu hiệu giọt ban mai.

– Mặc dầu đã được điều trị đúng một số trường hợp bệnh  vẫn có thể chuyển thành  bán cấp  với các  tổn thương  sau:

.Viêm các tuyến khu trú cạnh giây hãm ở rãnh qui đầu.

        . Viêm các ống và các tuyến khu trú cạnh miệng sáo.

. Viêm các tuyến Littre.

. Viêm tuyến Cowper.

+ Biến chứng  xa hơn :

– Viêm ống dẫn tinh và mào tinh hoàn.

– Viêm túi tinh và ống phóng tinh.

– Viêm dưới niêm mạc niệu đạo gây nhiều túi mủ xung quanh niệu đạo, ít khi vỡ ra ngoài.

 

     2. Ở nữ giới .

+ ủ bệnh: thường từ 2 tuần trở lên.

+ Lâm sàng :

– Rất hiếm khi có triệu chứng lâm sàng cấp tính. Biểu hiện lâm sàng bằng đái dắt, đau sau khi giao hợp, đau vùng xương chậu. Khám thấy viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung có mủ, viêm âm hộ, âm đạo, có khi viêm tuyến Bartholin, viêm niệu đạo và tuyến Skène.

– Đa số các trường hợp bệnh bắt đầu bằng viêm niệu đạo kín đáo. Bệnh nhân đái khó, có cảm giác nóng hay rát khi đi tiểu, lỗ niệu đạo  bình thường, ấn vào niệu đạo có  mủ chảy ra ( khám sau khi đi tiểu ít nhất 3 giờ ).

– Viêm cổ tử cung: biểu hiện bằng ra khí hư, lỗ cổ tử cung có thể đỏ, trợt phù, lộ tuyến .

– Viêm phần phụ (vòi trứng): viêm lan từ âm đạo, cổ tử cung lên. Hiếm khi theo đường máu.

III. Biến chứng

+ Viêm hậu môn – trực tràng  do lậu do giao hợp đường hậu môn.  Hậu  môn – trực tràng đau và tiết dịch mủ.

+ Viêm họng do lậu :  quan hệ đồng giới.

+ Viêm khớp do lậu  ( xảy ra đồng thời  với  lậu cấp ở đường sinh dục ).

 Biểu hiện ở da vùng sinh dục : có những túi mủ, mụn mủ khu trú gần bộ phận sinh dục.

 Phản ứng toàn thân có thể có dát đỏ, ban mề đay hoặc hồng ban đa dạng do phản ứng quá cảm ứng của cơ thể với song cầu lậu.

+ Viêm quanh gan hoặc hội chứng Fitr- Hugh và Curtis.

+ Biến chứng ở tim : viêm nội tâm mạc do lậu cầu khuẩn .

+ Lậu mắt : viêm kết mạc có mủ ở trẻ sơ sinh do lậu ( vi khuẩn được truyền sang trẻ sơ sinh trong khi sinh đẻ). Có thể có biến chứng loét giác mạc, thủng giác mạc.

 

IV. Chẩn đoán:

+Chẩn đoán  lâm sàng dựa vào  .

– Tiền sử :  hỏi bệnh, hoàn cảnh mắc bệnh, thời gian mắc bệnh.

-Thăm khám lâm sàng:

– Nam giới : hội chứng viêm  niệu đạo cấp, mạn và tiết dịch niệu đạo.

– Nữ giới : hội chứng đau bụng dưới và ra khí hư.

+ Chẩn đoán  xét nghiệm :

–  Phương pháp xét nghiệm trực tiếp: nhuộm bệnh phẩm, soi thấy vi khuẩn lậu bắt màu gram (-) nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân.

– Phương pháp  nuôi cấy, phân lập :

Môi trường thích hợp nhất là môi trường chọn lọc Thayer- martin hoặc thạch sôcola,  nhiệt độ 35- 36°C, CO2 3%- 10%. Xác định sự có mặt các khuẩn lạc nghi ngờ lậu từ 24 giờ đến 48 giờ.

Chẩn đoán phân biệt :+ Với các viêm niệu đạo không phải  do vi khuẩn  lậu .

– Do nấm  Candida.

– Do ký sinh trùng Trichomonat.

– Do tụ cầu, liên cầu.

Cần xác định bằng lâm sàng và xét nghiệm tìm căn nguyên.

+ Lưu ý phát hiện các bệnh LTQĐTD khác như giang mai, nhiễm HIV/AIDS,  xét nghiệm kiểm tra để loại trừ.

 

V. Điều trị và dự phòng.

     1. Nguyên tắc chung.

+ Điều trị theo phác đồ qui định trên cơ sở dựa vào tính nhạy cảm với kháng sinh của các chủng vi khuẩn địa phương .

+ Điều trị  cả vợ chồng và bạn tình của bệnh nhân.

+ Bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, tránh đi xe đạp, đi ngựa, chạy nhảy gây sang chấn bộ phận sinh dục – tiết niệu.

+ Kết hợp điều trị các nhiễm khuẩn sau lậu ( C.trachomatis, liên cầu, tạp khuẩn…).

+ Định kỳ khám lâm sàng và xét nghiệm lại.

 

     2. Phác đồ điều trị lậu không biến chứng.

Spectinomycine 2 gram: tiêm bắp liều duy nhất

Hoặc Ceftriaxone  250 mg: tiêm bắp liều duy nhất.

Sau đó dùng Doxycyclin  100 mg x 2 viên / ngày x  7 ngày .

 

     3. Điều trị lậu biến chứng.

Ceftriaxone 1 gram / 1 ngày tiêm bắp x 3- 7 ngày. Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg  x 2 viên/ ngày x 7 ngày.

Các trường hợp nặng hơn (biến chứng viêm màng não, viêm nội tâm mạc do lậu) cần dùng liều lượng trên nhưng phải kéo dài đến 4 tuần lễ.

 

     4. Phòng bệnh.

+ Chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu.

+ Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để hạn chế lây bệnh lậu

+ Giáo dục, thông tin về các bệnh STD, tình dục an toàn.

+ Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị viêm niệu đạo phải đi khám bệnh ngay.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*