THUỐC HÓA ĐÀM CHÍ KHÁI BÌNH SUYỄN
ĐẠI CƯƠNG.
Định nghĩa.
Thuốc hoá đàm là những vị thuốc có tác dụng trừ đàm hoặc tiêu đàm.
Thuốc chỉ khái bình suyễn thuốc có tác dụng ức chế hoặc làm giảm ho, giảm khó thở.
Phân loại.
Thuốc hoá đàm chủ yếu điều trị các chứng đàm trong đó có hàn đàm, nhiệt đàm, táo đàm, thấp đàm. Căn cứ vào tính dược ôn táo và lương nhuận của thuốc mà phân thành hai nhóm:
Ôn hoá hàn đàm.
Thanh hoá nhiệt đàm.
Thuốc chỉ khái bình suyễn.
Chỉ định.
Thuốc hóa đàm:
Nếu đàm trệ ở phế sẽ gây ho, nhiều đàm.
Đàm bít tâm khiếu sẽ gây hôn mê, co giật; đàm bít ở thanh dương sẽ gây chóng mặt can phong nội động.
Đàm trệ kinh lạc: chi thể tê buốt, bán thân bất toại, khẩu nhãn oa tà…
Thuốc chỉ khái bình suyễn: bệnh ngoại cảm, nội thương gây ra ho, khó thở.
Chú ý.
Vì ho suyễn thường kiêm có đàm và đàm rất dễ phát sinh ho suyễn, cho nên 3 loại hóa đàm, chỉ khái, bình xuyễn thường dùng phối hợp với nhau. Nếu ngoại cảm gây nên bệnh thì dùng cùng với thuốc giải biểu, hỏa nhiệt gây bệnh thì dùng cùng với thuốc thanh nhiệt, lý hàn gây bệnh thì dùng cùng với thuốc ôn lý tán hàn. Ngoài ra nếu chóng mặt co giật hôn mê thường dùng với thuốc trừ phong, bình can, khai khiếu, an thần. Nếu có chứng loa lịch, hàn đàm thường dùng với thuốc nhuyễn kiên tán tán kết.
Một số thuốc ôn táo hoá đàm có tác dụng rất mạnh cho nên những chứng ho khạc đàm lẫn máu, có xu hướng chảy máu thì phải rất thận trọng khi dùng.
THUỐC HOÁ ĐÀM.
Thuốc ôn hoá hàn đàm tính dược ôn táo có tác dụng ôn phế trừ đàm, táo thấp hoá đàm. Chủ yếu điều trị các chứng hàn đàm, thấp đàm, ví như ho xuyễn, đàm màu trắng, rêu lưỡi nhợt, hoa mắt chóng mặt, chi thể tê buốt…..
Thuốc thanh hoá nhiệt đàm tính dược mát lạnh, có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, thuốc có tính nhuận sẽ kiêm có tác dụng nhuận táo; thuốc có vị mặn sẽ kiêm có tác dụng nhuyễn kiên tán kết. Tác dụng chủ yếu để điều trị các chứng nhiệt đàm, gây ho khó thở, đờm vàng dính, khó khạc, lưỡi khô ráo. Ngoài ra còn dùng để đều trị chứng đàm nhiệt hoá hoả gây ra trúng phong co giật, co quắp chân tay, loa lịch…..
Trong khi dùng thuốc hoá đàm, phải phân biệt rõ nguyên nhân sinh đàm để mà điều trị “Tỳ vỵ sinh đàm chi nguyên”, tỳ hư làm tân dịch không vận hoá, tụ thấp thành đàm nên khi điều trị thường phải phối hợp với thuốc kiện tỳ táo thấp, để tiêu bản kiêm thi. Vì đàm dễ làm trở trệ khí cơ, “Khí trệ tắc đàm ngưng, khí hành tắc đàm tiêu” nên thường phối hợp với thuốc lý khí để tăng cường tác dụng tiêu đàm.
1. Bán hạ.
Bán hạ (Rhizoma Pinelliae) là thân rễ chọn củ nhỏ của cây bán hạ Pinellia ternata (Thumb.) Breit, thuộc họ ráy Araceae.
Tính vị: cay, ấm, có độc. Qui kinh tỳ, vị, phế.
Tác dụng: táo thấp hoá đàm, giáng nghịch chỉ ẩm, tiêu bĩ tán kết, dùng ngoài để tiêu sưng nề, giảm đau.
Chỉ định:
Điều trị đàm thấp trở trệ gây ho, khí nghịch, đàm nhiều mà đặc, thường dùng cùng với trần bì như bài nhị trần thang. Điều trị đàm thấp gây chóng mặt thường dùng cùng với thiên ma, bạch truật như bài bán hạ bạch truật thiên ma thang.
Điều trị vị khí thượng nghịch gây nôn, thường dùng cùng với sinh khương như bài tiểu bán hạ thang. Điều trị vị nhiệt gây nôn thì dùng cùng với thạch hộc, mạch môn… nếu phụ nữ có thai mà gây nôn, tuy có thuyết cho là cấm kỵ dùng, nhưng cũng có thể dùng cùng với các thuốc phù chính an thai. Gần đây đã chế thành dịch tiêm để chữa các loại buồn nôn.
Điều trị các chứng ngực bụng đầy chướng, thấp nhiệt trở trệ thường phối hợp với can khương, hoàng liên, hoàng cầm để khai bĩ tán kết như bài bán hạ tả tâm thang. Điều trị chứng đàm nhiệt kết hung thường phối hợp với qua lâu, hoàng liên như bài tiểu hãm hung thang. Điều trị chứng mai hạch khí, khí uất đàm ngưng thường dùng cùng với tử tô, hậu phác, phục linh để hoá đàm tán kết như bài bán hạ hậu phác thang.
Gần đây trên lâm sàng còn dùng bán hạ ở dạng tươi nghiền bột dùng ngoài để điều trị các trường hợp viêm loét cổ tử cung cũng đạt hiệu quả tốt, có thể phối hợp với thiên nam tinh nghiền bột làm hoàn để điều trị cơn đau thắt ngực, có tác dụng cải thiện sóng ST – T trên điện tim, có thể phối hợp với xương bồ nghiện bột nhỏ vào mũi để điều trị nhịp nhanh trên thất…..
Liều dùng: 3 – 10g. Phải chế trước khi dùng.
Chú ý: thận trọng dùng khi huyết hư, âm hư…..
Tác dụng dược lý: có tác dụng trấn tĩnh các trung khu gây ho, làm giãn khí quản, giảm tiết ở khí quản do đó có tác dụng tiêu đàm. Trên thỏ thực nghiệm thấy có tác dụng giảm áp lực nội nhãn.
2. Thiên nam tinh.
Thiên nam tinh (Rhizoma Arsaematis) là thân rễ của cây thiên nam tinh Arisaema erubescens (Wall) Schott, thuộc họ ráy Araceae. Một số sách cho rằng thiên nam tinh là cũng dùng thân rễ nhưng chọn củ to của cây bán hạ Pinellia ternata (Thumb.) Breit, thuộc họ ráy Araceae.
Tính vị: đắng, cay, ấm. Có độc. Qui kinh phế, can, tỳ.
Tác dụng: táo thấp hoá đàm, khứ phong giải kinh, dùng ngoài để tiêu thũng chỉ thống.
Chỉ định:
Điều trị các chứng hen xuyễn tức ngực thường dùng cùng với bán hạ chỉ thực như bài đạo đàm thang; nếu thuộc về nhiệt đàm thì phối hợp hoàng cầm, qua lâu.
Điều trị chứng phong đàm gây chóng mặt thường phối hợp với bán hạ thiên ma. Điều trị phong đàm trở trệ kinh mạch gây bán thân bất toại, liệt mặt thường dùng cùng với bán hạ, xuyên ô, bạch phụ tử như bài thanh châu bạch hoàn tử. Điều trị phá thương phong gây co giật, đờm dãi nhiều thương phối hợp với bạch phụ tử, thiên ma, phòng phong như bài ngọc chân tán.
Điều trị các chứng do côn trùng cắn, rắn cắn có thể phối hợp hùng hoàng để dùng ngoài.
Gần đây còn dùng thiên nam tinh uống để điều trị các khối u nhất là khối u cổ tử cung đạt hiệu quả nhất định.
Liều dùng: 3 – 10g.
Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, âm hư táo đàm.
Tác dụng dược lý: có tác dụng tiêu đàm, chống co giật, trấn tĩnh, giảm đau.
Trên chuột thực nghiệm thấy có tác dụng ức chế tế bào ung thư.
3. Bạch giới tử: hạt cây cải canh.
Bạch giới tử (Semen Sinapis) là hạt quả chín phơi khô của cây giới tử Sinapis alba L, thuộc họ chữ thập Cruciferae.
Tính vị quy kinh: cay, ấm. Qui kinh phế, vị.
Tác dụng: ôn phế hoá đàm, lợi khí tán kết.
Chỉ định:
Điều trị hàn đàm trệ tắc ở phế, hen xuyễn đàm nhiều thường dùng cùng với tô tử, lai phục tử như bài tam tử dưỡng tân thang; nếu thiên về hàn có thể phối hợp tế tân, cam toại, xạ hương tán bột pha uống hoặc dùng dán lên huyệt phế du, cao hoang. Gần đây dùng dịch tiêm bạch giới tử 10% thủy châm vào huyệt phế du, định xuyễn để điều trị hen xuyễn.
Điều trị các chứng đàm trở trệ ở kinh lạc cơ khớp, thường dùng cùng với lộc giác giao, nhục quế, thục địa để ôn dương thông trệ, tiêu đàm tán kết như bài dương hoà thang. Điều trị chứng đàm thấp trở trệ kinh lạc gây tê chân tay hoặc sưng đau các khớp thường dùng cùng với mã tiền tử, một dược như bài bạch giới tử tán. – Liều dùng: 3 – 6g.
Chú ý: cấm dùng trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết, kích ứng ngoài da. Không nên dùng liều cao vì dễ gây nên viêm đường tiêu hoá, gây đau bụng ỉa chảy.
4. Bạch tiền.
Bạch tiền (Rhizoma Cynanchi stauntonii) là thân rễ phơi khô của cây bạch tiền Cynanchum stauntonii (Decne.) Schltr. ex Levl, thuộc họ thiên lý Asclepiadaceae.
Tính vị: cay, đắng, hơi ấm. Qui kinh phế.
Tác dụng: giáng khí hoá đàm.
Chỉ dịnh: điều trị ho đờm nhiều, tức ngực, khó thở, không cần phân biệt thuộc về hàn hay thuộc về nhiệt đều có thể dùng được, thường phối hợp với bán hạ, tử uyển. Điều trị ngoại cảm phong hàn gây ho thường dùng cùng với kinh giới, cát cánh như bài chỉ thấu tán. Điều trị nội thương phế nhiệt gây ho thì dùng với tang bạch bì, đình lịch tử như bài bạch tiền hoàn. Điều trị ho suyễn có phù thũng, sưng đau họng thì phối hợp với tử uyển, bán hạ, đại kích như bài bạch tiền thang.
Liều dùng: 3 – 10g.
5. Cát cánh.
Cát cánh (Radis Platycodi) là rễ phơi khô của cây cát cánh Platycodon grandiflolum (Jaoq.) A.DC, thuộc họ hoa chuông Campanulaceae.
Tính vị: đắng, cay, bình. Quy kinh phế.
Tác dụng: tuyên phế khứ đàm, lợi yết bài nùng.
Chỉ định:
Điều trị ho do phong hàn, thường phối hợp với tử tô, hạnh nhân như bài hạnh tô tán. Nếu do phong nhiệt, thường dùng cùng với tang diệp, cúc hoa, hạnh nhân như bài tang cúc ẩm. Nếu trong ngực cảm thấy tức đầy, đàm trở khí trệ, mất khả năng thăng giáng thường dùng cùng với chỉ thực để thăng giáng khí cơ, lý khí khoan hung.
Điều trị sưng đau hầu họng, mất tiếng thường dùng cùng với cam thảo, ngưu bàng tử như bài cát cánh thang, hoặc gia vị cam cát thang. Nếu sưng họng, kèm theo sốt cao thường dùng cùng với xạ can, bản lam căn.
Điều trị viêm phổi, ho nhiều, đàm đặc thường dùng cùng với cam thảo như bài cát cánh thang, trên lâm sàng hay phối hợp với ngư tinh thảo, đông qua nhân để tăng cường khả năng thanh phế bài nùng.
Ngoài ra còn dùng để tuyên thông phế khí mà thông nhị tiện.
Liều dùng: 3 -10g.
Chú ý: không nên dùng trong khí cơ thượng nghịch, buồn nôn, chóng mặt, âm hư hoả vượng. Khi dùng liều cao có thể gây nôn.
Tác dụng dược lý: tăng tiết dịch khí quản, làm lỏng đàm để tăng cường bài tiết ra ngoài; kháng viêm; ức chế tiết dịch dạ dầy và chống loét; giảm co thắt, giảm đau, chấn tĩnh, giảm đường máu…
THUỐC THANH HOÁ NHIỆT ĐÀM.
Thuốc thanh hoá nhiệt đàm tính dược mát lạnh, có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, nhuận táo; thuốc có vị mặn còn có tác dụng nhuyễn kiên tán kết.
Tác dụng chủ yếu để điều trị các chứng nhiệt đàm: ho, xuyễn, khạc đờm vàng dính, lưỡi khô ráo.
Ngoài ra còn dùng để điều trị chứng đàm niệt hoá hoả gây trúng phong kinh quyết, loa lịch…
1. Tiền hồ: quy nam, thổ đương quy.
Tiền hồ (Radis Peucedani) là rễ phơi khô của cây tiền hồ Peucedanum praeruptorum Dunn, thuộc họ hoa tán Umbelliferae.
Tính vị: đắng, cay, hơi hàn. Qui kinh phế.
Tác dụng: giáng khí hoá đàm, tuyên tán phong nhiệt.
Chỉ định:
Điều trị hen xuyễn đàm nhiều, màu vàng thường dùng cùng với hạnh nhân, tang bì, bối mẫu như bài tiền hồ tán. Điều trị hàn đàm, thấp đàm thì phối hợp với bạch tiền.
Điều trị ngoại cảm phong nhiệt gây ho có đàm thường dùng cùng với tang diệp, ngưu bàng, cát cánh; nếu do phong hàn khái thấu thì phối hợp kinh giới, tử tuyển.
Liều dùng: 6 – 10g.
Tác dụng dược lý: tăng cường tiết dịch ở đường khí đạo cho nên có tác dụng tiêu đàm, tác dụng này tương đối dài, hiệu quả so với cát cánh là tương đương. Có tác dụng ức chế vi rút cúm. Tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành nhưng không ảnh đến nhịp tim và khả năng co bóp thì tâm thu.
2. Xuyên bối mẫu.
Xuyên bối mẫu (Bulbus Fritillariae cirrhosae) là tép dò phơi khô của cây bối mẫu Fritillaria cirrhosa D. Don, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.
Tính vị: đắng, ngọt, hơi lạnh. Quy kinh tâm, phế.
Tác dụng: thanh nhiệt hoá đàm, tuyên phế chỉ khái, tán kết tiêu thũng.
Chỉ định:
Điều trị hư lao phế khái, âm hư gây ho có đàm lâu ngày thường dùng cùng với sa sâm, mạch môn. Điều trị phế nhiệt, phế táo gây ho thường dùng cùng với tri mẫu như bài nhị mẫu hoàn.
Điều trị các chứng loa lịch thường dùng cùng với huyền sâm, mẫu lệ để hoá đàm, nhuyễn kiên, tiêu loa lịch như bài tiêu loa hoàn. Điều trị nhiệt độc ứ trệ gây viêm phổi thường dùng cùng với bồ công anh, ngư tinh thảo.
Liều dùng: 3 -10g.
Chú ý: kỵ ô đầu.
Tác dụng dược lý: giảm ho, tiêu đàm, giảm co thắt, chống loét. Thực nghiệm trên chó thấy có tác dụng giảm huyết áp.
3. Qua lâu.
Qua lâu (Semen Trichosanthis) là hạt quả chín phơi khô của cây qua lâu Trichosanthes kirilowii Maxim, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.
Tính vị: ngọt,hơi hàn. Quy kimh phế, vị, đại trường.
Tác dụng: thanh nhiệt hoá đàm, khoan hung tán kết, nhuận trường thông tiện.
Chỉ định:
Điều trị đàm nhiệt khái xuyễn thường dùng cùng với bối mẫu, tri mẫu. Nếu đàm nhiệt nội kết, ho có đàm đặc dính, tức ngực, đại tiện bí, thường dùng cùng với hoàng cầm, đởm nam tinh, chỉ thực như bài thanh khí hoá đàm hoàn.
Điều trị căng tức ngực do đàm trọc trở trệ thường dùng cùng với giới bạch. Gần đây dùng trong điều trị bệnh lý mạch vành, có thể dùng một vị qua lâu hoặc phối hợp với trầm hương, uất kim, hương phụ để điều trị thể khí trệ, phối hợp với đan sâm, hồng hoa, đào nhân để điều trị thể huyết ứ.
Điều trị viêm phổi gây ho ra máu mủ, thường dùng cùng với lô căn, ngư tinh thảo. Điều trị viêm tuyến vú, xưng nóng đỏ thường dùng cùng với đương quy, nhũ hương, một dược như bài thần hiệu qua lâu tán.
Điều trị đại tiện táo bón, qua lâu nhân có tác dụng thông tiện, thường dùng cùng với hoả ma nhân.
Liều dùng: 10 – 20g.
Chú ý: cấm dùng khi tỳ hư, hàn đàm, thấp đàm.
Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên chuột thấy có tác dụng giãn mạch vành, giảm mỡ máu, ức chế một số trực khuẩn .
4. Trúc nhự: đạm trúc nhự.
Trúc nhự (Caulis bambusae in taeniam) là vỏ xanh phơi khô của cây tre Bambusa tuldoides Munro, thuộc họ lúa Graminaceae.
Tính vị: ngọt, hơi hàn. Quy kinh phế, vị.
Tác dụng: thanh nhiệt hoá đàm, trừ phiền chỉ ẩu.
Chỉ định:
Điều trị chứng đàm nhiệt gây ho, tâm phiền mất ngủ, thường dùng cùng với chỉ thực, bán hạ, phục linh như bài ôn đởm thang.
Điều trị vị nhiệt ẩu thổ thường dùng cùng với hoàng liên, bán hạ, có thể dùng với trần bì, sinh khương, nhân sâm như bài trần bì trúc nhự thang.
Ngoài ra trúc nhự còn có tác dụng lương huyết chỉ huyết, điều trị nôn ra máu, chảy máu cam, băng lậu.
Liều dùng: 6 -10g.
Tác dụng dược lý: ức chế một số trực khuẩn ( TK thương hàn, TK lỵ…)
5. Trúc lịch.
Trúc lịch (Succus bambusae) là nước vắt lấy từ cây tre non sau khi đã được nướng lên.
Tính vị: ngọt, lạnh. Qui kinh tâm phế can.
Tác dụng: thanh nhiệt hoá đàm, định kinh lợi khiếu.
Chỉ định:
Điều trị đàm nhiệt khái xuyễn, đàm dính khó khạc thường dùng với bán hạ, hoàng cầm như bài trúc lịch đạt đàm hoàn.
Điều trị trúng phong đàm mê tâm khiếu, điên cuồng thường dùng với nước gừng để uống. Điều trị trẻ con co giật thường dùng với đởm nam tinh, ngưu hoàng. Gần đây điều trị viêm não A, sốt do vi rút cũng đạt hiệu quả nhất định.
Liều dùng: 30 – 50g. Thuốc không thể để lâu.
Chú ý: cấm dùng trong trường hợp hàn đàm, đại tiện lỏng nát.
6. Thiên trúc hoàng: trúc cao, trúc hoàng phấn.
Thiên trúc hoàng (Concretio slicea bambusae) là cặn đọng ở đốt của cây nứa Bampusa textilis MeClure, thuộc họ lúa Graminaceae.
Tính vị: ngọt, lạnh. Qui kinh tâm can.
Tác dụng: thanh nhiệt hoá đàm, thanh tâm định kinh.
Chỉ định:
Điều trị trẻ em đàm nhiệt co giật (kinh phong), thường dùng với xạ hương, đởm nam tinh, thần xa như bài bao long hoàn. Điều trị trúng phong thường dùng với hoàng liên, xương bồ, uất kim.
Liều dùng: 3 – 6g.
Tác dụng dược lý: giảm đau chống viêm.
7. Hải tảo: rong biển, rau mã vĩ.
Hải tảo (Sargassum) là toàn cây phơi khô của cây tảo Sargassum pallidum (Turn.) C.Ag, thuộc họ rong mơ Sargassaceae.
Tính vị: mặn hàn. Qui kinh can, thận.
Tác dụng: tiêu đàm nhuyễn kiên, lợi niệu tiêu thũng.
Chỉ định:
Điều trị bướu cổ thường dùng với côn bố, bối mẫu, hạ khô thảo, huyền sâm, liên kiều như bài nội tiêu loa lịch hoàn. Điều trị tinh hoàn sưng đau thường dùng với lệ chi hạnh, côn bố, xuyên luyện tử.
Điều trị cước khí phù thũng, thuỷ thũng thường dùng với trạch tả.
Liều dùng: 10 – 15g.
Chú ý: kỵ với cam thảo.
Tác dụng dược lý: có tác dụng điều trị các bướu cổ địa phương, ức chế tạm thời chức năng tuyến giáp tăng tiến, giảm mỡ máu, giảm nhẹ vữa xơ động mạch, giảm huyết áp, chống ngưng huyết, ức chế trực khuẩn lao.
8. Côn bố: hải đới.
Côn bố (Thallus Laminariae) là toàn cây phơi khô của cây tảo dẹt Laminaria japonica aresch, thuộc họ côn bố Laminariaceae.
Tính vị: mặn lạnh. Qui kinh can, thận.
Tác dụng: tiêu đàm nhuyễn kiên, lợi niệu tiêu thũng.
Chỉ định: giống như hải tảo.
Liều dùng: 6 – 12g.
9. Hải cáp sác.
Hải cáp sác (Concha Meretricis seu cyclinnae) là vỏ hến phơi khô hoặc nung qua lửa của con hến Meretrix meretrix Linnaeus, thuộc loài động vật nhuyễn thể.
Tính vị: mặn lạnh. Qui kinh phế vị.
Tác dụng: thanh phế hoá đàm, nhuyễn kiên tán kết.
Chỉ định:
Điều trị phế nhiệt, đàm hoả gây ra ho, khí xuyễn thường dùng với tang bạch bì, hải phù thạch. Điều trị đàm hoả nội uất gây đau tức ngực sườn, ho ra máu thường dùng với thanh đại như bài đại cáp tán.
Điều trị loa lịch, đàm hạch thường dùng với hải tảo, côn bố như bài hàm hoá hoàn.
Ngoài ra còn có tác dụng lợi niệu ức toan dùng trong thủy khí phù thũng, tiểu tiện bất lợi.
Liều dùng: 10 – 15g.
10. Bán đại hải: lười ươi, bàng đại hải, đại phát.
Bán đại hải là quả chín phơi khô của cây đại hải Sterculia lychnophora Hance, thuộc họ trôm Sterculiaceae.
Tính vị: ngọt, lạnh. Qui kinh phế đại trường.
Tác dụng: thanh phế hoá đàm, lợi yết khai âm, nhuận tràng thông tiện.
Chỉ định:
Điều trị phế nhiệt, sưng đau yết hầu, khái thấu có thể dùng đơn độc bán đại hải tán bột uống, có thể dùng với cát cánh, cam thảo.
Điều trị táo nhiệt tiện bí, đau đầu mắt đỏ thường dùng với các thuốc thanh nhiệt tả hạ.
Liều dùng: 2 – 4g.
Tác dụng dược lý: có tác dụng co cơ trơn mạch máu, cải thiện chứng viêm niêm mạc, giảm co thắt gây đau, tăng cường nhu động ruột, cầm ỉa chảy, giảm huyết áp.
THUỐC CHỈ KHÁI BÌNH SUYỄN.
1. Khổ hạnh nhân.
Khổ hạnh nhân (Semen Armeniacae amarum) là hạt khô của cây mơ Prunus armeniaca L. var. ansu Maxim, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.
Tính vị: đắng, hơi ấm. Hơi độc. Qui kinh phế đại trường.
Tác dụng: chỉ khái bình xuyễn, nhuận tràng thông tiện.
Chỉ định:
Điều trị phong hàn gây khó thở thường dùng với ma hoàng, cam thảo. Nếu do phong nhiệt khái thấu thường dùng với tang diệp, cúc hoa như bài tang cúc ẩm. Nếu do táo nhiệt khái thấu thường dùng với tang diệp, bối mẫu, sa sâm như bài tang hạnh thang. Điều trị phế nhiệt khái xuyễn thường dùng với thạch cao như bài ma hạnh thạch cam thang.
Điều trị đại tiện táo bón thường dùng với bá tử nhân, uất quý nhân như bài ngũ nhân hoàn.
Liều dùng: 3 -10g.
Chú ý: thuốc có độc, không nên dùng liều cao.
Tác dụng dược lý: giảm ho, bình xuyễn. Liều trúng độc ở người lớn khả năng dùng 60g có thể tử vong. Ngoài ra có tác dụng ức chế TK thương hàn, phó thương hàn.
2. Tô tử.
Tô tử (Fructus Perillae) là quả chín phơi khô của cây tía tô Perilla frutescens ( L.) Britt, thuộc họ hoa môi Labiatae.
Tính vị: cay, ấm. Quy kinh phế, đại trường.
Tác dụng: giáng khí hoá đàm, chỉ khái bình xuyễn, nhuận tràng thông tiện.
Chỉ định:
Điều trị phế ủng khí nghịch, khó thở, ho khan, thường dùng với bạch giới tử, lai phục tử như bài tam tử dưỡng tân thang. Điều trị khái thấu đàm xuyễn do thượng thực hạ hư thường dùng với nhục quế, đương quy, hậu phác như bài tô tử giáng khí thang.
Điều trị trường táo tiện bí thường dùng với hạnh nhân, hoả ma nhân, qua lâu nhân như bài tử tô ma nhân châu.
Liều dùng: 5 -10g.
Chú ý: thận trọng dùng khi âm hư khái thấu, tỳ hư tiết tả.
3. Bách bộ: dây ba mươi.
Bách bộ (Radis Stemonae) là rễ phơi khô của cây bách bộ Stemona sessilifolia ( Miq.) Miq, thuộc họ bách bộ Stemonaceae.
Tính vị: ngọt, đắng,hơi ấm. Quy kinh phế.
Tác dụng: nhuận phế chỉ khái, sát trùng (diệt giun).
Chỉ định:
Điều trị khái thấu cũ và mới, bách nhật khái. Điều trị phong hàn khái thấu thường dùng với kinh giới, cát cánh, tử uyển như bài chỉ thấu tán. Nếu ho lâu ngày không dứt, khí âm lưỡng hư thường dùng với hoàng kỳ, sa sâm, mạch môn như bài bách bộ thang. Điều trị khái thấu do âm hư thường dùng với sa sâm, mạch môn, xuyên bối mẫu. Gần đây dùng bách bộ phối hợp với hoàng cầm, đan sâm điều trị lao hạch đạt được hiệu quả nhất định.
Điều trị giun đũa, dùng nước sắc trước khi đi ngủ thụt vào đại tràng. Điều trị âm đạo ngứa ngáy thường dùng với sà sàng tử, khổ sâm sắc nước rồi ngâm rửa.
Liều dùng: 5 – 15g.
Tác dụng dược lý: giảm ho, tăng cường khả năng co cơ trơn khí quản, diệt giun, ức chế trực khuẩn lao, tụ cầu trực khuẩn ngoài da.
4. Tử uyển: thanh uyển, dã ngưu bàng.
Tử uyển (Radis Asteris) là rễ và thân phơi khô của cây tử uyển Aster tataricus L. f, thuộc họ cúc Copositae.
Tính vị: cay, ngọt, đắng, ấm. Qui kinh phế.
Tác dụng: nhuận phế hóa đàm chỉ khái.
Chỉ định: Điều trị khái thấu có đàm, bất luận là mới cũ, hàn nhiệt hư thực đều có thể dùng được. Điều trị phong hàn phạm phế, ho và ngứa họng thường dùng cùng với kinh giới, cát cánh. Điều trị âm hư lao khái, trong đàm lẫn máu thường dùng với a giao, bối mẫu như bài vương hải tàng tử uyển thang. Ngoài ra còn có thể dùng trong viêm phổi, viêm phế quản, tiểu tiện không thông.
Liều dùng: 5 – 10g.
Tác dụng dược lý: tiêu đàm giảm ho, ức chế trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn phó thương hàn, trực khuẩn mủ xanh.
5. Khoản đông hoa.
Khoản đông hoa (Flos Farfarae) là hoa phơi khô của cây khoản đông Tussilago farfara L, thuộc họ cúc Copositae.
Tính vị: cay hơi đắng ấm. Qui kinh phế.
Tác dụng: nhuận phế chỉ khái hóa đàm.
Chỉ định:
Điều trị các loại khái thấu, công dụng giống như tử uyển. Thuốc cay ấm mà nhuận nên hay dùng ở hàn khái, thường dùng với ma hoàng. Điều trị phế nhiệt khái suyễn thường dùng với tang bạch bì, qua lâu. Điều trị phế khí hư thường dùng với nhân sâm, hoàng kỳ. Điều trị âm hư táo khái thường dùng với sa sâm, mạch môn. Nếu khái xuyễn lâu ngày trong đàm lẫn máu thường dùng với bạch hợp như bài bách hoa cao.
Điều trị viêm phổi có mủ thường dùng với cát cánh, ý dĩ như bài khoản hoa thang.
Liều dùng: 5 – 10g.
Tác dụng dược lý: giảm ho, nâng huyết áp, ức chế cơ trơn đường tiêu hoá.
6. Mã dâu linh.
Mã dâu linh (Fructus Aristolochiae) là quả chín phơi khô hoặc trích mật ong của cây mã dâu linh Aristolochia contorta Bge, thuộc họ mộc hương Aristolochiaceae.
Tính vị: đắng, hơi cay, hàn. Qui kinh phế, đại trường.
Tác dụng: thanh phế hoá đàm chỉ khái bình xuyễn.
Chỉ định: Điều trị phế nhiệt khái xuyễn thường dùng với tang bạch bì, tỳ bà diệp, hoàng cầm. Điều trị phế hư hoả thịnh khái xuyễn họng khô hoặc trong đàm có máu thì phối hợp với a giao như bài bổ phế a giao thang. Ngoài ra còn có tác dụng thanh nhiệt bình can giáng áp để điều trị cao huyết áp do can dương thượng cang.
Liều dùng: 3 – 10g.
Chú ý: không nên dùng liều quá cao sẽ gây buồn nôn.
7. Tỳ bà diệp: nhót nhật bản.
Tỳ bà diệp (Folium Eriobotryae) là lá phơi khô của cây tỳ bà Eriobotrya japonica (Thumb) Lindl, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.
Tính vị: đắng hơi hàn. Qui kinh phế vị.
Tác dụng: nhuận phế hoá đàm chỉ khái, giáng nghịch chỉ ẩu.
Chỉ định:
Điều trị phế nhiệt khái thấu thường dùng với tang diệp, tiền hồ, tang bạch bì, tri mẫu, sa sâm. Điều trị phế hư gây ho lâu ngày thì dùng với a giao, bách hợp.
Điều trị vị nhiệt gây nôn thường dùng với trúc nhự, trần bì.
Ngoài ra còn dùng trong nhiệt bệnh miệng khát, tiêu khát.
Liều dùng: 5 – 10g.
Tác dụng dược lý: giảm ho, bình suyễn, tiêu đàm, ức chế tụ cầu vàng.
8. Tang bạch bì.
Tang bạch bì (Cortex Mori) là vỏ rễ cây dâu Morus alba L, thuộc họ dâu tằm Moraceae.
Tính vị: ngọt hàn. Qui kinh phế .
Tác dụng: tả phế bình suyễn, lợi niệu tiêu thũng.
Chỉ định:
Điều trị phế nhiệt khái suyễn thường dùng với địa cốt bì như bài tả bạch tán. Điều trị thủy ẩm ứ trệ phế, chướng mãn xuyễn tức thường dùng với ma hoàng, hạnh nhân, đình lịch tử. Nếu phế hư có sốt, ho xuyễn, khó thở, ra mồ hôi trộm, thường dùng với nhân sâm, ngũ vị tử, thục địa như bài bổ phế thang.
Điều trị chứng phù thũng thường phối hợp với phục linh bì, đại phúc bì như bài ngũ bì ẩm.
Ngoài ra còn có tác dụng chỉ huyết thanh can điều trị chảy máu cam do can dương can hoả thượng cang.
Liều dùng: 5 – 15g.
Tác dụng dược lý: có tác dụng lợi niệu, thực nghiệm động vật chứng minh tăng cường bài tiết Na, Ca, giảm huyết áp, trấn tĩnh, chống co giật, giảm đau, hưng phấn tử cung.
9. Đình lịch tử.
Đình lịch tử (Semen Lepidii) là quả chín phơi khô của cây đình lịch Lepidium apetalum Willd, thuộc họ chữ thập Cruciferae.
Tính vị: đắng cay rất lạnh. Qui kinh phế, bàng quang.
Tác dụng: tả phế bình suyễn, lợi niệu tiêu thũng.
Chỉ định:
Điều trị đàm nhiều, khó thở thường dùng với đại táo như bài đình lịch đại táo tả phế thang.
Điều trị phù thũng thường dùng với phòng kỷ, đại hoàng. Điều trị tích thủy ở khoang ngực thường dùng với hạnh nhân, đại hoàng, mang tiêu như bài đại hãm hung hoàn.
Liều dùng: 5 -10g.
10. Bạch quả.
Bạch quả (Semen Ginkgo) là quả chín phơi khô của cây bạch quả Ginkgo biloba L, thuộc họ bạch quả Ginkgoaceae.
Tính vị: ngọt, đắng, sáp, bình. Có độc. Quy kinh phế.
Tác dụng: liễm phế định xuyễn, chỉ trệ, sáp niệu.
Chỉ định:
Điều trị hen xuyễn do phế thận lưỡng hư thường dùng với ngũ vị tử, hồ đào nhục. Điều trị phong hàn gây xuyễn khái thì phối hợp với ma hoàng. Điều trị ngoại cảm phong hàn gây khái xuyễn thường dùng với ma hoàng, hoàng cầm.
Điều trị đới hạ, bạch trọc thường dùng với sơn dược, liên tử. Nếu do thấp nhiệt đới hạ thường dùng với hoàng bá, sa tiền tử như bài dịch hoàng thang.
Liều dùng: 5 -10g.
Chú ý: thuốc có độc, không nên dùng nhiều.
Để lại một phản hồi