Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp vai

I. ĐẠI CƯƠNG

– Định nghĩa: Thay khớp vai là tình trạng thay toàn bộ hoặc một phần của khớp vai bằng khớp nhân tạo.

– Phân loại:

+ Thay toàn bộ ổ chảo xương bả vai và đầu xương cánh tay gọi là thay khớp vai toàn phần

+ Thay một phần trong khớp vai như đầu xương cánh tay hoặc chỉ thay ổ chảo xương bả vai gọi là thay bán phần khớp vai.

+ Khớp vai nhân tạo đảo ngược: người ta biến đầu xương cánh tay thành ổ chảo ( giải phẫu bình thường của chúng là hình cầu), ổ chảo xương bả vai biến thành chỏm hình cầu (giải phẩu thường của chúng là hình lõm). Với cấu tạo ngược như vậy hạn chế được tổn thương các gân cơ chóp xoay.

– Các biến chứng hay gặp sau thay khớp vai bao gồm: trật khớp vai, nhiễm trùng, hạn chế tầm vận động khớp vai, gãy xương, lỏng khớp.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Các công việc chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh: Hỏi người bệnh hoàn cảnh phải thay khớp, tiền sử bệnh mạch máu hay ung thư…, thời gian thay khớp vai, có biến chứng nào xuất hiện, xem bệnh nhân có đau khớp vai và vùng xung quanh khớp nhân tạo.

1.2. Khám lâm sàng

– Nhìn khớp vai có cân đối so với khớp vai bên đối diện

– Cử động khớp vai theo tầm vận động xem có hạn chế, đo tầm vận động khớp xem tầm độ của khớp vai theo các mặt phẳng.

1.3. Chỉ định xét nghiệm: Ngoài các xét nghiệm cơ bản về máu, XQuang tim phổi, cần có các xét nghiệm chuyên khoa như chụp XQuang khớp vai tư thế thẳng, nghiêng.

2. Chẩn đoán xác định: Dựa theo tiền sử bệnh, giấy ra viện của bệnh viện đã phẫu thuật và chụp XQuang khớp vai thấy hình ảnh khớp vai nhân tạ

3. Chẩn đoán nguyên nhân thay khớp vai

– Nguyên nhân chấn thương trực tiếp hay gián tiếp, gây dập nát khớp vai không thể bảo tồn khớp vai

– Nguyên nhân do bệnh lý: bệnh tắc mạch máu gây hoại tử các phần khớp vai, ung thư xương khớp liên quan đến khớp vai

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

– Bảo vệ khớp vai mới thay, bảo vệ gân cơ phải can thiệp trong khi phẫu thuật để đảm bảo gân cơ liền tốt sau phẩu thuật

– Giảm đau, giảm phù nề

– Chống kết dính tại khớp

– Làm giảm sự kéo giãn dây chằng, bao khớp

– PHCN tầm vận động khớp vai tối đa có thể, duy trì tầm vận động khớp khuỷu, khớp cổ tay, bàn tay.

– PHCN sinh hoạt hàng ngày.

2. Các phương pháp phục hồi chức năng và điều trị: Tùy thuộc vào loại phẫu thuật và kỹ thuật mổ mà cán bộ PHCN áp dụng phương pháp và kỹ thuật PHCN cho phù hợp. Do vậy bác sỹ PHCN cần biết loại phẫu thuật gì mà phẫu thuật viên áp dụng. Người bệnh cũng được hướng dẫn các bài tập trước và sau phẫu thuật

– Giai đoạn ngay sau phẫu thuật:

+ Khớp vai bên phẫu thuật bất động, cần dùng đai nâng và cố định vai ở tư thế khép và xoay trong. Đai cố định chủ yếu về ban đêm. Khi ngủ tránh khớp vai bị duỗi, tránh kéo căng bao khớp và gân cơ dưới vai.

+ Trong giai đoạn này người bệnh tuyệt đối không được thực hiện tập chủ động đối với khớp vai bên mổ, không nâng đồ vật hay kéo đẩy.

-Vận động trị liệu:

+ 3-4 ngày đầu sau nắn chỉnh, tập co cơ đẳng trường nhóm cơ chi phối xương bả vai (cơ thoi, cơ thang, cơ lưng rộng). Từ ngày thứ 5 trở đi tiếp tục co cơ tĩnh, sau đó thực hiện tập vận động có kháng trở nhưng nhẹ nhàng và không gây cử động khớp vai.

+ Từ tuần thứ hai trở đi tập bài tập con lắc Codman: người bệnh đứng cạnh bàn, tay lành vịn vào bàn, tay bên phía thay khớp vai thả lỏng, bắt đầu đung đưa nhẹ nhàng sang bên hoặc phía trước, ra sau, hoặc xoay tròn. Đung đưa nhẹ nhàng với biên độ hẹp, làm chậm tăng từ từ. Mỗi phía thực hiện 5 lần.

+ Sau vài tuần thực hiện các bài tập thụ động nhẹ nhàng: gập thụ động khớp vai tăng dần đến 90º, dạng thụ động 90º, xoay ngoài đạt đến 45º, xoay trong thụ động đạt đến 70º.

+ Trong khi tập thụ động khớp vai, thì các khớp khác có thể tiến hành tập chủ động theo tầm vận động khớp: tập chủ động bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu.

– Nhiệt trị liệu: trong giai đoạn cấp dùng nhiệt lạnh, trong giai đoạn mạn dùng nhiệt nóng: tia hồng ngoại, chườm nóng, parafin….

– Điện trị liệu: điện xung, điện phân, giao thoa…

– Thủy trị liệu: bơi lội trong bể bơi, bồn xoáy và các phương thức thủy trị liệu phù hợp khác.

– Hoạt động trị liệu bàn tay, cổ tay, cánh tay và khớp vai

3. Thuốc

– Thuốc giảm đau: các thuốc giảm đau thông thường, các thuốc nhóm non-steroid.

–  Các  thuốc  giảm  phù  nề:  các  men  (α  chymotrypcine,  α  choay), Corticoides khi cần thiết

– Các thuốc chống viêm khi cần thiết

4. Các điều trị khác

– Các phương Y học cổ truyền phối hợp

– Tâm lý trị liệu

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

Cần theo dõi tại cơ sở y tế tuyến dưới, tái khám định kỳ 3 tháng tại các cơ sở Phục hồi chức năng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*