Nhiễm khuẩn tái diễn – Nguy cơ suy giảm miễn dịch ở trẻ

Suy giảm miễn dịch

Hệ lụy của sự suy giảm miễn dịch thể hiện rõ nhất ở nguy cơ mắc bệnh cao, thời gian phục hồi lâu… Suy giảm miễn dịch là nguyên nhân rất quan trọng gây lên tình trạng nhiễm trùng tái diễn và diễn biến nặng ở trẻ.

Suy giảm miễn dịch
Suy giảm miễn dịch là nguyên nhân rất quan trọng gây lên tình trạng nhiễm trùng tái diễn

Chức năng của hệ miễn dịch trong cơ thể

Từ khi chào đời chúng ta đã sống trong một biển vi trùng, vi khuẩn. Ai ai ít nhất cũng một vài lần bị viêm nhiễm. Hầu hết mọi người đều khỏi bệnh nhưng một số người lại bị bệnh tái diễn và tình trạng viêm nhiễm nặng, kéo dài bất thường. Nguyên nhân bất thường này do hệ miễn dịch của họ không đảm nhiễm được chức năng bảo vệ cơ thể.

Bình thường, hệ miễn dịch của chúng ta có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm bằng nhận biết tác nhân gây bệnh, đào thải chúng ra khỏi cơ thể trước khi chúng gây bệnh. Hàng rào miễn dịch đầu tiên chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh là toàn bộ bề mặt của cơ thể, nơi tiếp xúc với thế giới bên ngoài như da, niêm mạc đường hô hấp, niêm mạc đường tiêu hóa, đường tiết niệu, sinh dục. Khi hàng rào bảo vệ cơ thể đầu tiên bị tổn thương (rách da, xước niêm mạc) thì khả năng xâm nhập của các mầm bệnh vào cơ thể tăng lên.

Hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch của chúng ta có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm

Suy giảm miễn dịch là tình trạng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các kháng nguyên thấp dưới mức bình thường, gây ra các biểu hiện bệnh lý cho cơ thể. Có rất nhiều thể suy giảm miễn dịch được biết đến như suy giảm miễn dịch thể dịch (hay gặp nhất, có nghĩa là hệ miễn dịch không có khả năng sản xuất ra kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh), suy giảm miễn dịch tế bào, suy giảm chức năng bạch cầu đa nhân, bổ thể,… Có những thể bệnh rất nặng nguy hiểm đến tính mạng (trẻ thường chết trước 1-2 tuổi), có thể nhẹ nhưng là nguyên nhân rất quan trọng gây lên tình trạng nhiễm trùng tái diễn và diễn biến nặng ở trẻ.

10 dấu hiệu nghi ngờ suy giảm miễn dịch bẩm sinh

  1. Trên 8 lần viêm tai giữa/năm;
  2. Trên 4 lần viêm xoang nặng/năm;
  3. 2-3 tháng dùng kháng sinh và đáp ứng kém với kháng sinh;
  4. Trên 2 lần viêm phổi nặng/năm;
  5. Chậm lên cân (suy dinh dưỡng, ỉa kéo dài);
  6. Áp xe cơ hoặc các cơ quan sâu (áp xe gan, áp xe phổi) tái diễn;
  7. Nấm miệng dai dẳng hoặc nấm da, nhiễm trùng vi khuẩn cơ hội;
  8. Phải dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch mới làm sạch được vi khuẩn;
  9. Trên 2 ổ nhiễm trùng sâu (viêm màng não, cốt tủy viêm, nhiễm trùng huyết);
  10. Tiểu sử gia đình có người bị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc có anh chị em chết sớm do nhiễm khuẩn nặng, không rõ nguyên nhân.
suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh
Cần để ý tới 10 dấu hiệu suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em

Nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ trên, hãy cho trẻ đến khám khoa miễn dịch – dị ứng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khai thác tiền sử của trẻ và gia đình làm một số xét nghiệm đặc hiệu để đánh giá tình trạng miễn dịch của trẻ. Nếu phát hiện ra tình trạng suy giảm miễn dịch, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hướng điều trị dự phòng sớm cho từng trường hợp cụ thể.

Điều trị suy giảm miễn dịch

Phụ thuộc vào thể bệnh, mức độ suy giảm miễn dịch của từng bệnh nhân mà phác đồ điều trị và chiến lược phòng tránh viêm nhiễm khác nhau. Nguyên tắc điều trị chung là:

  • Điều trị miễn dịch thay thế: Truyền immunoglobulin – Immunoglobulin là protein có khả năng nhận diện các vi sinh vật và giúp tế bào miễn dịch trung hoà chúng. Hầu hết suy giảm miễn dịch khiến cơ thể sản xuất quá ít hoặc không sản xuất được immunoglobulin. Điều trị immunoglobulin thay thế là biện pháp quan trọng nhất ở những bệnh nhân này, giúp bảo vệ cơ thể chống lại một loạt nhiễm trùng và giảm triệu chứng tự miễn.
  • Điều trị chống nhiễm khuẩn là vấn đề quan trọng;
  • Các phương pháp phòng tránh nhiễm trùng (dinh dưỡng, môi trường sống, vaccine, tăng cường hệ miễn dịch…);
  • Ghép tế bảo gốc tủy xương trong một số trường hợp nặng: Tế bào gốc là những tế bào chưa trưởng thành có thể phân chia và biệt hóa thành nhiều loại tế bào miễn dịch khác nhau. Ghép tế bào gốc là một biện pháp điều trị đặc hiệu dùng tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu cuống rốn của người cho khỏe mạnh để ghép cho một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nhất định khi các tế bào miễn dịch bị thiếu hụt hoặc hoạt động không bình thường.
tế bào miễn dịch
Tế bào gốc là những tế bào chưa trưởng thành có thể phân chia và biệt hóa thành nhiều loại tế bào miễn dịch
  • Tư vấn di truyền: Các chuyên gia y tế khuyến cáo chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng nhất giúp việc điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao. Hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa ngay khi thấy bé có một trong những dấu hiệu của bệnh lý suy giảm miễn dịch.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*