Nguyên nhân và điều trị viễn thị

Triệu chứng của viễn thị

1. Viễn thị là gì?

Tên gọi khác: Hypermetropia, Farsightedness

Viễn thị là tình trạng khi mắt không thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại có thể nhìn rõ các vật thể ở xa do các tia sáng song song hội tụ sau võng mạc, ảnh hưởng đến khả năng tập trung của mắt. Có một số trường hợp viễn thị nghiêm trọng, mắt chỉ có thể nhìn những thứ ở khoảng cách rất xa.

Viễn thị có 3 loại:

– Viễn thị nhẹ: nhỏ hơn 2 Diop

– Viễn thị trung bình: từ 3 – 5 Diop

– Viễn thị nặng: > 5 Diop

Trẻ em khoảng 3 tuổi thường bị viễn thị trung bình > 2 Diop, sau đó trong quá trình phát triển của trẻ, trục nhãn cầu dài ra, con mắt có kích thước bình thường và trở thành chính thị vào khoảng 15 tuổi. Do đó, viễn thị cũng là một giai đoạn phát triển của mắt trước khi thành chính thị.

2. Triệu chứng của viễn thị

Triệu chứng của viễn thị

Viễn thị có các triệu chứng thường gặp như:

– Không nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách gần, cần nheo mắt để nhìn rõ

– Đau quanh vùng mắt, nhức mỏi mắt, đau đầu khi đọc sách

– Có thể bị lác mắt.

– Chóng mặt, mệt mỏi

Vì cơ địa mỗi người khác nhau nên triệu chứng bệnh này không giống nhau ở một số trường hợp. Do đó nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như người bệnh nên đi đến bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và tư vấn về cách điều trị phù hợp nhất.

3. Nguyên nhân viễn thị

Nguyên nhân viễn thị

Nguyên nhân gây ra viễn thị có thể do:

– Do bẩm sinh: do trục nhãn cầu quá ngắn hoặc do công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể yếu

– Không giữ đúng khoảng cách nhìn trong vệ sinh học đường, thường xuyên nhìn xa khiến thể thủy tinh luôn xẹp xuống, lâu dần mất tính đàn hồi, mất dần khả năng phồng.

– Ở người lớn tuổi, thể thủy tinh bị lão hóa, mất tính đàn hồi.

– Có thể do các nguyên nhân khác như bệnh võng mạc, khối u mắt, mổ lấy thể thủy tinh bị đục, giác mạc bị dẹt do sẹo… gây ra viễn thị

4. Điều trị viễn thị

Điều trị viễn thị

Ở trẻ em bị viễn thị với số Diop nhất định thường không cần điều trị vì mắt của trẻ lúc này khá linh hoạt và bệnh sẽ được cải thiện từ từ khi trẻ lớn dần, nhưng nên dưới sự theo dõi của bác sỹ nhãn khoa, vì trẻ dễ bị nhược thị nếu phát hiện viễn thị trễ hoặc vì được mang kính trễ.

Với người lớn có thể mang kính hoặc phẫu thuật để trị viễn thị

– Kính: có thể mang kính gọng, contact lens hoặc chỉnh hình giác mạc bằng Ortho K

– Phẫu thuật có thể không an toàn như đeo kính vì có khả năng mang đến số biến chứng: nhiễm trùng, khô mắt, tầm nhìn bị điều chỉnh quá mức, nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn, hoặc có thể bị mù. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật giác mạc hoặc thủy tinh thể tùy từng trường hợp cụ thể.

5. Phòng ngừa viễn thị

Phòng ngừa viễn thị

Một số bước để bảo vệ đôi mắt và tầm nhìn:

– Khám mắt định kì và thường xuyên

– Chú ý điều trị các bệnh mạn tính (như đái tháo đường, tăng huyết áp) có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn khi không được kiểm soát.

– Nắm rõ các triệu chứng của viễn thị phát hiện sớm và điều trị sớm. Lập tức đến bác sĩ khi có các triệu chứng của bệnh này để được tư vấn cụ thể.

– Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính mát chặn tia cực tím đặc biệt khi ở dưới ánh mặt trời trong thời gian dài hoặc đang dùng thuốc làm tăng độ nhạy cảm các tia cực tím.

– Học tập và làm việc trong môi trường có đầy đủ ánh sáng. Đồng thời ăn thực phẩm lành mạnh, chế độ ăn khoa học, ăn nhiều trái cây và rau quả chứa vitamin A và beta carotene.

Nguồn: Bác sĩ Mai Thị Hương Thảo – BV Đại học Y dược TPHCM

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*