Nguyên nhân và điều trị bệnh ù tai

Triệu chứng của ù tai

1. Ù tai là gì?

Người bị ù tai ngoài nghe những âm thanh đến từ môi trường xung quanh, còn có cảm giác nghe được các âm thanh rất đa dạng như tiếng vo vo, tiếng rít, tiếng leng keng, tiếng lách cách, tiếng reng điện thoại, tiếng sóng… xảy ra từng đợt hay liên tục, gây căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Chứng ù tai là một triệu chứng (không phải bệnh) và do đó phản ánh một bất thường trong cơ thể. Thông thường, ù tai có liên quan đến nghe kém tiếp nhận thần kinh, tuy nhiên cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các kiểu ù tai như ù tai nhịp nhàng, ù tai dao động, ù tai kèm với chóng mặt, hoặc ù tai đơn thuần.

Ù tai bao gồm 2 dạng:

– Ù tai khách quan là khi cả người bệnh và bác sĩ đều nghe thấy. Ù tai khách quan thường do các rối loạn về mạch máu hoặc các cơ, thần kinh, u bướu trong đầu, cổ, hay não, hoặc các khiếm khuyết của một số cấu trúc của tai và nhìn chung, loại ù tai này không phổ biến. Trường hợp người bệnh ù tai có cảm giác như mạch đập đồng nhịp với tiếng tim thì nên đi khám chuyên khoa ngay.

– Ù tai chủ quan chỉ có người bệnh nghe thấy. Ù tai chủ quan chiếm đa số trường hợp và khó xác định nguyên nhân.

2. Triệu chứng của ù tai

Triệu chứng của ù tai

Tai có cảm giác nghe được các âm thanh như tiếng chuông, ù, tiếng rít hay tiếng huýt gió.

Chẩn đoán:

Bác sĩ có thể hỏi bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài ra, cũng có thể cần làm thính lực đồ để kiểm tra thính giác và chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bệnh nhân không chỉ cần thiết khám tai mà còn phải kiểm tra toàn bộ vùng đầu, cổ, và khám toàn thân để nhận biết dấu hiệu của bệnh nhân ù tai: nghe vùng cổ tìm mạch đập bất thường, có thể lây truyền dọc theo động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh, kiểm tra các dị tật động mạch và bệnh Paget, là một số ít trường hợp gây ra chứng ù tai.

Bệnh nhân cũng cần đước lấy sạch ráy tai (một nguyên nhân thường xuyên gây ù tai).

Khám tai có thể chỉ ra các nguyên nhân khác của chứng ù tai, ví dụ như có điểm hồng ở ¼ sau trên màng nhĩ trong chứng xơ cứng tai, màu xanh trong trường hợp u cuộn cảnh, kiểm tra có tụ dịch trong tai giữa hay tình trạng nhiễm trùng tai giữa, có thể gây ra chứng ù tai.

3. Nguyên nhân gây ù tai

Nguyên nhân gây ù tai

Nguyên nhân dẫn tới ù tai rất đa dạng:

– Ở người lớn tuổi, thần kinh thính giác bị thoái hóa có gây ra lãng tai, ù tai.

– Do làm việc thường xuyên trong môi trường có nhiều tiếng ồn quá lớn.

– Mắc bệnh Méniere (rối loạn ở tai trong), người bệnh có các cơn chóng mặt, mất thính lực và bị ù tai.

– Ráy tai hay nghẹt tai do dị vật cũng có thể gây ù tai.

– Do các bất thường ở ống tai.

– Viêm tai giữa, bệnh xốp xơ tai, u cuộn cảnh.

– Do huyết áp của người bệnh thay đổi.

– Mắc các bệnh nội tiết như đái tháo đường hay bất thường tuyến giáp.

– Các tổn thương ở vùng đầu cổ, bất thường vùng khớp hàm thái dương cũng có thể gây ù tai.

– Bướu thần kinh thính giác cẩn cắt bỏ kịp thời để tránh chèn ép thần kinh gây điếc.

– Một số thuốc có thể gây ù tai cho người dùng như: Aspirin, một số thuốc chữa tăng huyết áp, kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, giảm đau, kháng viêm, an thần.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng ù tai như viêm mũi – họng xuất tiết do cảm lạnh, viêm tắc vòi tai, viêm tai giữa, viêm áp – xe amiđan, đau răng số 8 hàm trên, đi máy bay, chấn thương sọ não, chấn động mạnh vào tai, mất máu nhiều và đột ngột, lão hóa cơ quan thính giác…

4. Điều trị ù tai

Điều trị ù tai

Xác định đúng nguyên nhân gây ù tai sẽ đem lại hiệu quả cho việc điều trị vì trên cơ bản điều trị ù tai chủ yếu là điều trị nguyên nhân. Cần lưu ý đến yếu tố tâm lý của người bệnh vì có thể làm bệnh tiến triển nặng thêm.

Các nguyên nhân gây ù tai nguy hiểm như u não, tăng huyết áp… cần sớm được chẩn đoán để có thể điều trị kịp thời.

Nếu ù tai không thuyên giảm, cần khám chuyên khoa ngay.

5. Phòng ngừa ù tai

Phòng ngừa bệnh ù tai

Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn có thể dẫn tới ù tai, nghe kém vĩnh viễn do đó, nếu phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn cần phải bảo vệ tai, ví dụ, có thể sử dụng nút tai, mũ che tai.

Tránh các tiếng ồn lớn, đột ngột vì có thể gây chấn thương âm thanh có thể dẫn tới ù tai kéo dài.

Chỉ nên sử dụng các thuốc nhỏ tai nếu có chỉ định của bác sĩ.

Những trường hợp bắt buộc sử dụng các thuốc có thể gây độc tính trên tai thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi thấy các dấu hiệu ù tai, chóng mặt hay nghe kém.

Nguồn: Bs Nguyễn Thành Tuấn – BV Tai – Mũi – Họng TPHCM

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*