Nghe phổi và phát hiện triệu chứng

 Trong thực hành lâm sàng, nghe phổi là thao tác khám quan trọng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho người thầy thuốc
I. Đại cương
– Nghe phổi được ưu tiên thực hiện trong nhiều trường hợp như bệnh nhân vào viện với các triệu chứng cơ năng của hô hấp: đau ngực, khó thở, ho, khạc đờm, ho máu,…hoặc trong các trường hợp nghi ngờ có bệnh lý ở phổi.
– Nguyên tắc khám:
·  Nghe toàn diện các vùng (đỉnh phổi,rốn phổi, đáy phổi)
·  Nghe từ trên xuống dưới, và đối xứng hai bên để so sánh.
·  Mỗi lần nghe phải đủ 2-3 nhịp thở của bệnh nhân.
II. Mục đích khám
1. Các tiếng sinh lý (tiếng rì rào phế nang, tiếng thở thanh khí quản) như thế nào?
2. Có tiếng bệnh lý (tiếng ran, tiếng cọ, tiếng thổi,..) hay không?
III. Các bước khám
1. Chuẩn bị
– Bệnh nhân :
   + Được căn dặn trước khi khám.
   +Nếu ngồi được, hướng dẫn bệnh nhân ngồi co hai chân, hai tay ôm gối.
   +Bộc lộ đủ rộng vùng định khám.
   +Hướng dẫn bệnh nhân hít sâu thở đều.
– Thầy thuốc : Trang phục gọn gàng, tác phong chững chạc.
– Tiến hành đeo và kiểm tra ống nghe.
– Nếu là mùa đông cần làm ấm loa nghe trước khi khám.
2. Khám trường hợp bệnh nhân có thể ngồi dậy được
a. Nghe phổi thành ngực sau
– Nghe vùng đỉnh phổi: nghe đối xứng hai bên.
– Nghe vùng rốn phổi: Nghe từ trên xuống dưới, đối xứng hai bên.
– Nghe vùng đáy phổi: Nghe từ điểm thấp nhất xương bả vai trở xuống, nghe đối xứng hai bên.
b. Nghe phổi thành ngực bên
– Nghe theo đường nách giữa hai bên, nghe từ trên xuống dưới và đối xứng hai bên.
c. Thành ngực trước
– Nghe tại hố trên đòn và hố dưới đòn hai bên
– Lồng ngực bên phải có thể nghe đến gian sườn V, bên trái nghe đến gian sườn II do giải phẫu của tim và gan.
 
3. Khám phổi trong trường hợp bệnh nhân không thể ngồi dậy được
– Thành ngực trước và bên: Nghe giống trường hợp trên.
– Nghe phổi thành ngực sau: Nghiêng bệnh nhân để đặt ống nghe khám các vùng rốn phổi và đáy phổi. Nghe lần lượt từng bên phổi một.
Video hướng dẫn nghe phổi
IV. Nhận định
1. Các tiếng sinh lý.
– Tiếng thở thanh khí quản: tạo ra khi không khí đi qua thanh, khí quản và các phế quản lớn, nghe thấy rõ ở vùng thanh quản, khí quản, vùng xương ức, và vùng liên bả cột sống. Tiếng thanh khí phế quản thô ráp trong các trường hợp viêm phế quản.
– Rì rào phế nang: Nghe rõ ở vùng ngoại vi của phổi, nghe rõ ở thì hít vào, rất nhẹ ở thì thở ra. Rì rào phế nang giảm trong hội chứng đông đặc, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi. Rì rào phế nang mất trong xẹp phổi.
Video giải thích cơ chế tạo thành các tiếng ran bệnh lý
2. Các  tiếng bệnh lý
– Ran nổ: Nghe rõ trong thì hít vào, âm sắc như tiếng vê tóc, rang muối, không mất đi sau ho, khạc. Nguyên nhân có ran nổ là do trong các phế nang chứa dịch xuất tiết ít, dính, quánh, gặp trong viêm phổi, viêm phế quản,…
– Ran ẩm: Nghe rõ ở cả hai thì, âm sắc nghe lọc xọc, ẩm ướt, mất đi khi ho khạc. Nguyên nhân là do trong các phế nang và phế quản chứa dịch lỏng, nhiều, thường gặp trong phù phổi cấp.
– Ran rít: Nghe thấy cả hai thì, nghe như tiếng gió rít qua khe cửa. Nguyên nhân do chít hẹp các phế quản vừa và nhỏ. Thường gặp trong hen phế quản.
– Ran ngáy: Nguyên nhân do chít hẹp các khí, phế quản lớn, nghe như tiếng ngáy ngủ. Gặp trong hen phế quản.
 
V. Câu hỏi thảo luận
1. Bản chất của ran nổ? Ran nổ gặp trong bệnh gì?
2. Bản chất của ran ẩm? Ran ẩm gặp trong bệnh gì?
3. Bản chất của ran rít, ran ngáy? Ran rít, ran ngáy gặp trong bệnh gì?
4. Bản chất của rì rào phế nang? Bệnh nào có rì rào phế nang giảm?
5. Bản chất củ tiếng thanh khí quản? Bệnh nào có thể nghe thấy tiếng thanh khí quản thô ráp?
 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*