Lệch khớp cắn là gì? Ảnh hưởng thế nào tới chức năng răng và thẩm mỹ khuôn mặt?

lệch khớp cắn
lệch khớp cắn

Sai lệch khớp cắn là một trong những vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến, không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của răng mà sai lệch khớp cắn còn làm mất tính thẩm mỹ của khuôn mặt.

1. Lệch khớp cắn là gì?

Khớp cắn là sự tương quan giữa hai hàm và răng trên – dưới, bao gồm cả tỉ lệ cân xứng và diện tiếp xúc với nhau ở trạng thái nghỉ và khi ăn nhai của răng cũng như của xương hàm. Thông thường, hàm răng phải đạt tiêu chuẩn cân đối và đều đẹp giữa hai hàm mới được coi là khớp cắn chuẩn.

Lệch khớp cắn là tình trạng lệch tâm của răng hàm trên và răng hàm dưới hoặc hai hàm trên và dưới không cắn khít lại với nhau, các răng trên cung hàm mọc lệch lạc và không thẳng hàng, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt, khó khăn trong ăn nhai, phát âm.

lệch khớp cắn
Các loại sai lệch khớp cắn thường gặp

Các loại sai lệch khớp cắn:

  • Khớp cắn ngược (răng móm) là dạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng vì xương hàm dưới phát triển quá dài, đưa ra trước quá mức, xương hàm trên lại quá ngắn cụp vào trong. Nhìn nghiêng sẽ thấy môi dưới chìa ra hẳn so với môi trên, với những trường hợp móm nặng, cằm cũng bị chìa hẳn ra ngoài. Tình trạng này không chỉ khiến khuôn mặt mất cân đối mà còn tác động xấu tới cử động của hàm.
  • Khớp cắn sâu là sự mất cân đối của hàm trên và dưới do sai lệch khớp cắn tạo khiến hàm dưới “lọt thỏm” và khuất sâu ở trong hàm trên. Khi nhìn nghiêng có thể nhận thấy hàm dưới bị che đi phần nhiều, tương quan ba phần trán, mũi, cằm giống người bị vẩu. Người bị lệch khớp cắn sâu sẽ gặp phải khó khăn trong ăn nhai thức ăn.
  • Khớp cắn chéo không biểu hiện trên khuôn mặt mà chỉ lộ ra khi cười. Để nhận biết khớp cắn chéo không khó bởi thông thường, toàn bộ răng và các kẽ răng sẽ cân đối, hài hòa với nhau, nhưng những người bị khớp cắn chéo khiến các răng bị xô lệch, cái thò cái thụt không theo trật tự, không rõ vẩu hay móm.
  • Khớp cắn hở là một trong những sai lệch nghiêm trọng nhất của khớp cắn, tình trạng này ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng của cả hàm răng. Do nhóm răng cửa bị hở có thể nhìn thấy lưỡi ngay cả khi khép răng ở trạng thái nghỉ bình thường. Nhóm răng ở hai hàm không thể chạm nhau tạo thành khoảng hở khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc cắn, nhai thức ăn.

2. Dấu hiệu lệch khớp cắn

Nhận biết bị lệch khớp cắn hay không qua những dấu hiệu dưới đây:

  • Nhìn thấy liên kết giữa các răng, đặc biệt là khi cắn xuống có sự chênh lệch.
  • Thường xuyên bị cắn phải má trong hoặc lưỡi khi nhai hoặc nói chuyện.
  • Khó chịu khi nhai cắn thực phẩm, mỏi hàm khi ăn nhai.
  • Có vấn đề khi phát âm và nói chuyện khó khăn, không chuẩn.
  • Khó khăn khi ngậm miệng và khép kín 2 hàm, thậm chí thường xuyên thở bằng miệng thay vì mũi.
Nguyên nhân lệch khớp cắn
Lệch khớp cắn cho thấy sự liên kết giữa các răng không đồng đều

3. Các nguyên nhân gây sai lệch khớp cắn

Lệch khớp cắn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Di truyền (chiếm đến 70%), mất răng sữa sớm, các thói quen như tật mút tay, đẩy lưỡi, ngậm ti giả lâu,… kéo dài sẽ có xu hướng đẩy răng mọc không đúng vị trí ban đầu dẫn đến hiện tượng lệch khớp cắn.

4. Lệch khớp cắn ảnh hưởng đến chức năng răng và thẩm mỹ khuôn mặt như thế nào?

Hậu quả của lệch khớp cắn là có thể ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ của con người. Con người có thể thích nghi với sai lệch răng ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, những người bị lệch lạc khớp cắn sẽ khó khăn khi ăn nhai, phát âm.

Tương tự, trong một số trường hợp, lệch khớp nặng sẽ gây ảnh hưởng rõ rệt đến phát âm như khớp cắn hở, phanh lưỡi bám thấp. Đặc biệt, lệch lạc răng còn làm cho hoạt động của các cơ hàm quá mức, gây co thắt cơ, dẫn đến tình trạng loạn năng khớp thái dương hàm với biểu hiện những cơn đau ở khớp hay xung quanh khớp thái dương hàm.

Lệch khớp cắn là nguyên nhân khiến răng rất dễ nhạy cảm với chấn thương, các bệnh nha chu, sâu răng. Trong các trường hợp vẩu răng nếu không điều trị sẽ dễ bị chấn thương răng cửa trên do va đập làm gãy răng, chết tủy. Ngoài ra, sai lệch khớp cắn cũng khiến cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn hơn, từ đó răng dễ bị sâu và mắc các bệnh nha chu.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*