Hào châm
1. Kỹ thuật.
– Kim châm: là kim thân tròn nhỏ, bằng thép không gỉ, dài ngắn khác nhau từ 1-7cm. Kim phải sắc và thẳng.
– Tư thế: Thầy thuốc phải ở tư thế thoải mái và thuận lợi khi châm. Bệnh nhân nằm hay ngồi thoải mái để đảm bảo bộc lộ được vùng châm.
– Khi châm qua da cần căng da và châm nhanh để chống đau.
– Góc châm:
+ Châm ngang hay châm luồn kim tạo góc 150 so với da, thường dùng ở các huyệt vùng da sát xương như đầu, mặt, khớp.
+ Châm xiên tạo góc 450, thường dùng ở vùng da ít cơ.
+ Châm thẳng tạo góc 75-900, thường dùng ở vùng da có nhiều cơ như đùi, bụng, lưng.
– Độ sâu của kim: tùy thuộc ở vị trí có nhiều hay ít cơ và các cơ quan tạng phủ ở dưới quyết định.
2. Kỹ thuật châm đắc khí.
2.1. Cơ sở lý luận:
– Theo YHCT: bệnh là do sự bế tắc của kinh khí trong kinh mạch, khi châm cứu phải đạt được mục đích là làm cho kinh mạch được lưu thông, kinh khí đến được đầy đủ, đó chính là hiện tượng đắc khí.
– Theo YHHĐ: châm đắc khí là châm với cường độ đạt đến ngưỡng đủ để gây ra hiện tượng chiếm ức chế trội, để ức chế cung phản xạ bệnh lý.
2.2. Hiện tượng xảy ra khi đắc khí:
– Châm thấy nặng tức, tê và giật nơi châm: báo hiệu khí đến, thực ra đây là một phản ứng tại chỗ khi ngưỡng kích thích đã đầy đủ.
– Tê dọc theo đường kinh lên trên hoặc xuống dưới huyệt châm: YHCT cho rằng đã châm đúng huyệt khí đã lưu thông. Hiện tượng này hay xảy ra ở tay và chân, phù hợp vời đường đi của dây thần kinh cảm giác.
– Khi châm kim thấy kim bị mút chặt, thường thấy ở vùng cơ lớn. YHCT cho rằng đó là do tà khí thực gây ra, khi rút kim nếu nhẹ lỏng là tốt.
– Hạn hữu có trường hợp da đỏ bừng hay tái nhợt trên hoặc dưới đường kinh.
2.3. Phương pháp châm đắc khí:
– Chọn đúng huyệt: bằng cách đo đúng vị trí, rồi tìm cảm giác đau bằng lực đầu ngón tay.
– Khi châm kim nếu chưa thấy đắc khí thì rút kim lên xuống tới khi nào có đắc khí thì thôi. Làm như vậy để giải quyết 2 hiện tượng:
+ Châm chưa đúng huyệt.
+ Tăng cường độ để đạt đến ngưỡng kích thích.
– Nếu vẫn không thấy đắc khí, cần:
+ Kiểm tra lại vị trí huyệt có đúng không.
+ Tình trạng bệnh nhân quá yếu cần phải đổi châm thành cứu, sức khỏe lên thì châm mới đắc khí.
– Các bệnh nhân bị liệt cảm giác nông sâu thì châm không thấy đắc khí.
3. Kỹ thuật châm bổ tả.
3.1. Cơ sở lý luận:
* Theo YHCT:
– Theo trạng thái hư thực của bệnh nhân: Hư thì bổ, thực thì tả:
+ Hư là chính khí hư, dùng phép bổ để nâng cao chính khí.
+ Thực là tà khí thực, dùng phép tả để đưa tà khí ra ngoài.
– Theo lý luận học thuyết kinh lạc:
+ Khi có bệnh tà khí xâm nhập vào kinh lạc gây bế tắc đường kinh thì dùng tả pháp để đưa tà khí ra ngoài.
+ Khi chính khí hư, kinh khí không đầy đủ thì dùng bổ pháp để đón khí tới hoặc không làm mất thêm chính khí.
* Theo YHHĐ:
+ Bổ tả là sự tăng cường kích thích để tạo ra và duy trì cung phản xạ mới đủ để ức chế được cung phản xạ bệnh lý, nâng cao hiệu quả của châm sau khi châm đã đắc khí.
+ Khi áp dụng thủ thuật châm bổ hay tả phải căn cứ vào trạng thái hưng phấn hay ức chế của bệnh nhân. Theo Widenski về cơ chế linh hoạt của hệ thần kinh thì một kích thích nhẹ sẽ gây một hưng phấn nhẹ, một kích thích mạnh và liên tục sẽ gây một trạng thái ức chế toàn thân, do đó:
Bệnh nhân đang ở trạng thái ức chế (hư) thì dùng phép châm bổ (kích thích nhẹ).
Bệnh nhân đang ở trạng thái hưng phấn (thực) thì dùng phép châm tả (kích thích mạnh và liên tục).
3.2. Kỹ thuật châm bổ tả:
Kỹ thuật | Châm tả | Châm bổ |
Về cường độ | Kích thích mạnh bằng vê kim nhiều lần | Kích thích nhẹ, không vê kim |
Về hô hấp | Thở vào thì châm kim, thở ra thì rút kim | Thở ra hết thì châm kim, thở vào thì rút kim |
Về châm đón
(nghinh tùy) |
Châm ngược đường kinh:
Kinh âm mũi kim hướng xuống dưới Kinh dương mũi kim hướng lên trên |
Châm xuôi đường kinh:
Kinh âm mũi kim lên trên Kinh dương mũi kim xuống dưới |
Nhanh chậm | Châm vào nhanh, rút kim chậm | Châm vào từ từ, rút kim nhanh |
Đóng mở | Khi rút kim không ấn lỗ châm | Rút kim ra ấn chặt lỗ châm |
4. Các phương pháp sử dụng huyệt trong châm cứu.
– Lấy huyệt tại chỗ: là lấy huyệt tại nơi bị bệnh để tạo cung phản xạ mới chữa các bệnh tại chỗ đó như đau, sưng, liệt… Ví dụ: lấy a thị huyệt, các huyệt trên đường kinh hoặc huyệt ngoài kinh taị chỗ đau.
– Lấy huyệt lân cận chỗ đau: là lấy huyệt ở xung quanh chỗ đau, thường phối hợp với các huyệt tại chỗ, hoặc là những huyệt có tác dụng đặc biệt như Phong trì chữa bệnh về mắt, Phế du chữa chắp lẹo v.v…
– Lấy huyệt ở xa: là lấy huyệt theo đường kinh hoặc các huyệt ở các đường kinh có liên quan. Ví dụ: Hợp cốc chữa đau cổ vai cánh tay, liệt mặt ngoại vi, Hoàn khiêu chữa liệt nửa người…
– Ngoài ra còn nhiều cách lấy huyệt khác như: lấy huyệt theo thời trị, lấy các huyệt ngũ du…
5. Các tai biến trong quá trình châm:
– Vựng châm (choáng): bệnh nhân tái da, toát mồ hôi, mạnh nhanh, tim đập yếu, có khi ngất.
Nguyên nhân do bệnh nhân sợ, sức khỏe yếu, trạng thái cơ thể không bình thường (đói, vừa lao động nặng), thiếu máu.
Giải quyết: rút ngay kim ra, đắp ấm, bấm huyệt Nhân trung, tiêm thuốc trợ tim nếu cần thiết.
Đề phòng: cần giải thích rõ cho bệnh nhân trước khi châm, khi châm lần đầu nên chọn ít huyệt và châm nhẹ nhàng, không châm lúc đói.
– Chảy máu: do chọc kim vào mạch máu, khi rút kim ra máu chảy nhiều, cần lấy bông ấn chặt nơi chảy máu để cầm máu. Chú ý trước khi châm kim vào không châm vào vị trí tĩnh mạch, hoặc phải căng da để đẩy tĩnh mạch ra một bên rồi mới châm.
– Gãy kim: do kim gỉ, thủ thuật quá mạnh hay do bệnh nhân cử động, giãy giụa. Khi đó cần bình tĩnh dùng kẹp cặp kim mà rút ra.
6. Chỉ định, chống chỉ định.
6.1. Chỉ định:
– Các chứng đau ngoại vi: đau đầu, đau cổ vai, đau và liệt các dây thần kinh ngoại vi, đau lưng, đau khớp…
– Các bệnh nội tạng:
Tuần hoàn: tim đập nhanh, tăng huyết áp…
Tiêu hóa: cơn đau dạ dày, nôn mửa, táo bón, ỉa lỏng…
Tiết niệu: bí đái, đái dầm.
Sinh dục: rong kinh, rong huyết, thống kinh, di tinh…
6.2. Chống chỉ định:
– Không nên giữ các bệnh nhân cấp cứu để chữa bằng châm đơn thuần.
– Các cơn đau bụng cần phải theo dõi ngoại khoa.
– Người sức khỏe yếu, thiếu máu, người mắc bệnh tim, trạng thái tinh thần không ổn định, đang mệt, đang đói…
– Cấm châm vào các huyệt ở vị trí rốn, đầu vú. Không được châm sâu vào các huyệt: Phong phủ (xương chẩm – C1), á môn (C1 – C2), Liêm tuyền (sụn giáp), các huyệt vùng ngực và bụng.
Để lại một phản hồi