Học thuyết âm dương trong Y học Cổ truyền

1. Xuất xứ

     Học thuyết âm dương trong y học cổ truyền có nguồn gốc từ học thuyết triết học duy vật cổ đại phương Đông, thuyết được hình thành và phát triển rộng rãi vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (Trung Quốc) và được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, trong đó y học cổ truyền vận dụng một cách nhuần nhuyễn và phong phú.

     Học thuyết âm dương đã trở thành lý luận cơ bản giải thích những qui luật giữa con người với vũ trụ, coi con người là một vũ trụ thu nhỏ. Đồng thời có thể giải thích sự phát sinh, phát triển của bệnh tật và các phương pháp chẩn trị lâm sàng.

2. Nội dung

Nội dung cơ bản của thuyết âm dương chỉ ra:

     – Trong mỗi vật thể, một sự việc bao giờ cũng tồn tại khách  quan hai mặt vừa đối lập lại vừa thống nhất, vừa hòa hợp vừa tương phản.

     – Âm dương mang tính chất hỗ trợ căn, nghĩa là nương tựa vào nhau, âm lấy dương làm gốc và ngược lại dương lấy âm làm nền tảng. Điều đó có nghĩa là không có dương thì âm không thể tồn tại và không có âm thì dương không thể thay đổi. Nói một cách khác là cả hai mặt đều là quá trình tích cực của sự vật. Âm dương nương tựa lẫn nhau cùng tồn tại, xen kẽ vào trong sự phát triển của sự vật, chúng không thể đơn độc phát sinh phát triển được.

     – Âm dương còn thể hiện ở sự tiêu trưởng, sự vận động không ngừng và chuyển hóa lẫn nhau, qua đó để giữ cho mọi hoạt động của sự việc cân bằng. Nếu không mặt này thái quá thì mặt kia sẽ bị suy yếu và ngược lại Chính vì vậy hai mặt âm dương của sự vật luôn biến động không ngừng.

     – Khái niệm âm dương được hình tượng hóa bằng một vòng tròn khép kín (hình 2.1). Đường cong hình chữ S ngược chia hình tròn ra hai phần, trong mỗi phần có một vòng tròn nhỏ. Ở đây vòng tròn lớn mang ý nghĩa sự thống nhất của một sự vật, hình cong S ngược cho phép liên hệ sự tương đối và chuyển hóa âm dương , hai vòng tròn nhỏ, biểu hiện hai thái cực âm và dương (đó là thiếu âm và thiếu dương).

Qua nội dung trên ta thấy nổi bật lên hai thuộc tính cơ bản của âm dương:

     –  Tồn tại khách quan (âm dương có sẵn trong mọi vật).

     – Âm dương mang tính tương đối và tính tương đối đó được thể hiện ngay trong từng vật thể và trong từng sự việc, thể hiện ở sự vận động của âm dương  và sự vận động tới mức nào đó sẽ chuyển hóa sang nhau “Dương cực sinh âm, âm cực sinh dương”. Ví dụ chính ngọ (giữa trưa) là dương tới cực thì cũng là lúc bắt đầu của âm sinh ra (giờ mùi)

     – Âm dương hỗ căn, tiêu trưởng.

3. Những biểu hiện về âm dương

     3.1. Trạng thái

     – Thuộc dương: trạng thái động, hưng phấn, nhiệt, sáng…

     – Thuộc âm: trạng thái tĩnh, hàn, ức chế, tối…

 

     3.2. Về không gian

     – Trời, mặt trời, vô hình thuộc dương.

     – Đất, mặt trăng, hữu hình thuộc âm.

     – Trong một không gian cụ thể: phía trên là dương, phía dưới là âm, phía ngoài là dương, phía trong là âm.

     3.3. Về thời gian

     Ngày thuộc dương, đêm thuộc âm. Trong một ngày đêm thì từ 6 giờ đến 12 giờ là dương ở trong dương, 12 giờ đến 18 giờ là âm ở trong dương, 18 giờ đến 24 giờ là dương ở trong âm, 24 giờ đến 6 giờ là âm ở trong âm. Và âm dương cứ chuyển hóa liên tục như vậy. Đó cũng là biểu hiện tính tương đối của âm dương.

     3.4. Về phương hướng

     – Phía đông, phía nam thuộc dương.

     – Phía bắc, phía tây thuộc âm.

     3.5. Về thời tiết

     Mùa xuân thuộc dương, tăng trưởng tới mùa hạ (cực dương). Mùa thu thuộc âm, tăng dần tới đông (cực âm). và cứ luân hồi âm dương như vậy. Tuy nhiên, trong mỗi một chu kỳ như vậy có những dao động song không thóat khỏi quy luật của âm dương (xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng).

4. Sự vận dụng thuyết âm dương trong Y học cổ truyền

     4.1. Về tổ chức học cơ thể

     – Ngũ tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận thuộc âm.

     – Lục phủ: Vị, đởm, tiểu tràng, bàng quang, tam tiêu thuộc dương.

     Trong mỗi tạng phủ đều có phần âm, phần dương. Can có can âm can dương, tâm có tâm âm tâm dương, tỳ có tỳ âm tỳ dương, thận có thận âm thận dương.v.v…

     – Lưng thuộc dương, bụng thuộc âm, phần bụng dưới thuộc âm trong âm, phần ngực thuộc dương trong dương.

     – Các đường kinh dương: được phân bố ở phía sau lưng, mé ngoài của chân, tay và mạng  sườn.

     – Các đường kinh âm: được phân bố ở mé bụng, phía trong cánh tay và chân.

     – Khí: trạng thái năng lượng của cơ thể, đưa lại công năng của cơ nhục, hoạt đông của tạng phủ, v.v… da, lông thuộc dương.

     – Huyết, tinh, tân dịch, xương thuộc âm.

     4.2. Về sinh lý học

     – Khi phần âm và phần dương trong cơ thể cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh. Bản thân cơ thể luôn có sự tự điều chỉnh để âm dương cân bằng. Sự mất thăng bằng giữa hai mặt âm dương là cơ sở cho sự phát sinh  ra bệnh tật.

     – Bởi vậy, về nguyên tắc để giữ gìn sức khỏe thì phải luôn giữ cho âm dương trong cơ thể được cân bằng. Một khi cơ thể không thể điều chỉnh được, con người phải chủ động điều tiết để giữ cho “âm bình, dương bế”. Để giữ cho cơ thể âm dương cân bằng. Ông cha ta đã chỉ ra phương châm tự rèn luyện như sau:

“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện bình”

Có thể tóm tắt sự thay đổi các trạng thái qua sự thay đổi âm dương ở bảng sau:

Bảng 2.1. Sự biểu hiện của âm dương

Âm dương Trạng thái Biểu hiện của cơ thể
Âm dương Cân bằng Cơ thể khỏe mạnh
Âm dương Thay đổi Cơ thể mắc bệnh
Âm Thắng Nội hàn (lạnh trong tạng phủ: tiết tả v.v…)
Âm Nội nhiệt (nóng trong tạng phủ v.v…)
Dương Thắng Ngoại nhiệt (nóng ngoài da cơ)
Dương Ngoại hàn (lạnh ngoài da, đau lưng, liệt dương v.v…)

     4.3. Về bệnh lý

     – Khi phần âm dương trong cơ thể không tự điều chỉnh được, dẫn đến sự rối loạn và mất thăng bằng về hoạt động của tạng phủ. Ví dụ can khí phạm vi, khí của can đã ảnh hưởng đến dạ dày, làm đau dạ dày… Can đởm thấp nhiệt gây ra các bệnh hoàng đản, các bệnh viêm gan vàng da…

     – Các yếu tố “Lục dâm” (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) thâm nhập vào cơ thể gây ra mất thăng bằng âm dương mà gây ra bệnh tật. Ví dụ: phong hàn phạm biểu gây ra cảm mạo… Như vậy, tùy theo tác nhân gây bệnh như thế nào sẽ đưa lại những chứng bệnh tương ứng cho cơ thể.

     Tóm lại, về bệnh lý học theo âm dương cũng rất phức tạp. Mặc dù vậy cũng phải phân biệt thật rõ âm và dương trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời phải không ngừng theo dõi sự biến chuyển của nó. Trên cơ sở diễn biến của bệnh lý, việc chế biến thuốc cũng phải phù hợp theo việc sử dụng các vị thuốc cũng phải gia giảm về số lượng và khối lượng cho phù hợp với bệnh lý đó.

     4.4. Chẩn đoán

Triệu chứng cũng được chia ra âm và dương:

     – Hội chứng dương: cơ thể có thân nhiệt lớn hơn 37o C hoặc sốt cao, hoặc không sốt nhưng hoạt động của các tạng phủ nhiệt (tâm huyết nhiệt, can nhiệt..) hoặc thể hiện ra ngoài mặt đỏ, mắt đỏ, vàng… người có cảm giác nóng bừng bừng, háo khát thích uống nước mát, thích ăn đồ mát, môi khô nứt nẻ, bụng chướng đau sợ ấn, táo kết đại tràng, nước tiểu vàng đỏ, lượng ít, rêu lưỡi vàng khô, chất lưỡi đỏ, nếu ho thì đờm đặc mùi hôi, mạch thuộc loại hồng, sác huyền phù, thực…

     – Hội chứng âm: cơ thể thường biểu hiện lạnh , chân tay lạnh, sợ rét, da xanh, nhợt nhạt, mắt trắng môi nhợt, thích uống nước nóng, ăn đồ nóng, bụng đau sôi, tiết tả, nước tiểu trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi nhợt nhạt, tiếng nói trầm khàn yếu ớt, nằm co sợ ánh sáng nên quay phía trong, nếu ho thì đờm loãng trắng, mạch trầm, phù trì vi nhược…

     Hai hội chứng âm dương rất quan trọng trong việc chẩn đoán. Vì đó là những căn cứ để người thầy thuốc đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp phương dược thích hợp cho người bệnh.

     4.4. Điều trị

Thuyết âm dương được vận dụng trong điều trị hết sức phong phú. Nó được tuân theo nguyên tắc cơ bản sau đây:

     – Nếu bệnh thuộc chứng dương thì dùng âm dược.

     – Nếu bệnh thuộc chứng âm thì dùng dương dược.

     Như vậy, nguyên tắc cơ bản của phương pháp này là chiều hướng tác dụng của thuốc luôn đối nghịch với chiều của bệnh.

Ví dụ:

     – Chứng cảm mạo phong hàn. Biểu hiện: sốt cao, rét run, đau đầu, ho… phải dùng thuốc tân ôn giải biểu.

     – Chứng cảm mạo phong nhiệt. Biểu hiện: sốt cao, đau đầu… phải dùng thuốc tân lương giải biểu.

     Do vậy cần phải hiểu ý nghĩa của vấn đề, chiều hướng bệnh và chiều hướng của thuốc để tránh gặp phải điều đáng tiếc “hàn ngộ hàn tắc tử”. “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”.

     Mặc dù vậy theo âm dương cũng nên nhớ “ Thái quá bất cập”. Hải Thượng Lãn Ông thường nhắc “Dùng thuốc nhiệt phải tránh nhiệt” nghĩa là không nên lạm dụng quá nhiều, vì dùng thuốc quá lâu, lượng quá nhiều có thể sẽ chuyển sang trạng thái nhiệt. Hoặc “Dùng thuốc hàn phải tránh hàn” nếu dùng quá nhiều thuốc hàn cơ thể cũng sẽ từ nhiệt mà chuyến sang hàn. Bởi vậy trên thực tế cần biết dùng và chuyển thuốc đúng lúc.

     4.5. Phòng bệnh

     – Mùa đông, khí hậu lạnh, thuộc âm, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh cảm mạo phong hàn, bệnh hàn thấp. Cần phòng bệnh bằng cách mặc ấm, ăn các thức ăn cay, nóng, hoặc uống các vị thuốc tân ôn như sinh khương, đinh hương, quế nhục…

     – Mùa hè, khí hậu thường nóng nực, thuộc dương, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh trúng thử hoặc cảm nhiệt. Cần phòng bệnh bằng cách mặc quần áo thóang mát, ăn uống thức ăn mát, uống các thuốc có tính mát để phòng mụn nhọt, lở ngứa như kim ngân, sài đất, rau má…

     4.6. Đông dược

     – Tính vị

          + Vị của thuốc thuộc âm, khí (còn gọi là tính) của thuốc thuộc dương. Trong vị lại có âm dương.

          + Vị cay, ngọt: thuộc dương;

          + vị đắng, mặn: thuộc âm;

           + vị chua mang tính chất lưỡng tính.

     – Khí của thuốc cũng có âm và dương.

           + Khí hàn, lương thuộc âm;

           + Khí ôn, nhiệt thuộc dương, điều đó phản ánh tính tương đối về âm dương của thuốc.

     – Âm dược

      Những vị thuốc được gọi là âm dược, trên thực tế lâm sàng có thể dùng điều trị các bệnh thuộc chứng ôn nhiệt. Ví dụ: kim ngân hoa, liên kiều, huyền sâm… có thể dùng chữa các bệnh mụn nhọt mẩn ngứa do huyết nhiệt. Hoàng liên dùng điều trị các bệnh tâm nhiệt, hoàng cầm dùng diều trị các bệnh do phế nhiệt… Như vậy các vị âm dược thường có vị đắng hoặc mặn, chua và tính lương hoặc hàn, về công năng mang tính giải biểu nhiệt, thanh nhiệt, bổ âm, phần lớn mang tính ức chế.

     – Dương dược

     Những vị thuốc được gọi là dương dược, trên thực tế lâm sàng có thể dùng điều trị các bệnh thuộc chứng hàn. Ví dụ: sinh khương, bạch chỉ, tế tân… có thể dùng để điều trị các bệnh cảm mạo phong hàn. Quế nhục, phụ tử có thể dùng chữa các chứng thóat dương, vong dương, hoặc chân dương suy giảm do tâm thận dương hư .v.v… về công năng nói chung mang tính giải biểu, phát hãn, ôn trung tán hàn. Nói cách khác là mang tính kích thích, hưng phấn cục bộ hay toàn bộ cơ thể.

     – Tính tương đối của âm dương được thể hiện đối với đông dược:

           + Những vị thuốc mang tính âm trong âm: đó là những vị thuốc vị thuộc âm, tính thuộc âm. Đó là những vị thuốc thể hiện vị đắng mặn, tính hàn như ngư tinh thảo, bồ công anh, hạ khô thảo, hoàng liên, hoàng bá.v.v…

           + Những vị thuốc mang tính âm trong dương: đó là những vị thuốc vị đắng hoặc mặn, chát, tính ôn như cẩu tích, tắc kè, cốt toái…

          + Những vị thuốc mang tính dương trong dương: đó là những vị thuốc vị cay, tính ôn nhiệt như quế chi, bạch chỉ, phụ tử…

          + Những vị thuốc mang tính dương trong âm: đó là những vị thuốc vị cay tính hàn lương như bạc hà, cúc hoa, cát căn…

Qua đó nói lên tính chất tương đối của âm dương cũng được thể hiện rõ trong các vị thuốc của Y học cổ truyền .

     4.7. Chế biến thuốc Y học cổ truyền

     Thông qua việc chế biến làm thay đổi tính vị của thuốc, nhằm mục đích tăng sự quy kinh của thuốc hoặc giảm tác dụng phụ (tính háo, tính nhiệt, tính độc…).

     – Chế để làm tăng tính dương:  bản thân thuốc thuộc dương dược, chế với các phụ liệu như: gừng, sa nhân, mật ong, rượu… để tăng tính dương. Ví dụ: nhân sâm, đảng sâm có tính ấm, trích với nước gừng.

     – Chế để làm giảm tính dương (tính nhiệt): bản thân thuốc thuộc dương dược, chế với các phụ liệu để làm giảm tính nhiệt, tính độc. ví dụ: sinh phụ tử ngâm với dung dịch đảm ba (magnesi clorid). Hà thủ ô đỏ, xương bồ ngâm nước vo gạo cũng nhằm mục đích đó…

     – Chế để tăng tính âm: bản thân thuốc thuộc âm dược. Ví dụ: thăng ma, sài hồ trích miết huyết (máu ba ba), phơi âm can để chữa chứng hàn nhiệt vãng lai.

     – Chế để giảm tính âm: bản thân thuốc thuộc âm dược. Ví dụ: sinh địa là âm dược, chế với rượu, sa nhân, gừng thành thục địa là dương dược.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*