Một đặc điểm thường hay thấy ở một số người khi uống rượu (hay bia) thì mặt trở nên đỏ ửng. Trong khoa học, hội chứng này gọi là “Asian Flush” hay “ Hội chứng đỏ mặt châu Á” vì phần lớn gặp ở những người châu Á.
I. NGUYÊN NHÂN ĐỎ MẶT KHI UỐNG RƯỢU
Rượu chứa chất ethanol. Khi uống rượu, enzyme ADH trong gan chuyển hóa ethanol thành acetaldehyde. Tiếp theo, enzyme ALDH2 chuyển hóa acetaldehyde thành acetate.
Trong ba hoạt chất (ethanol, acetaldehyde và acetate), acetaldehyde được xem là độc hại nhất, vì nó có khả năng gây đột biến DNA và ung thư. Mức độ độc hại của ethanol thường thấp, và acetate thì tương đối vô hại. Acetaldehyde được xem là nguyên nhân gây nên các biểu hiện khi ngộ độc rượu.
Quá trình chuyển hóa từ ethanol trong rượu sang acetaldehyde chịu sự điều phối của một gien có cùng tên với enzyme là ALDH2. Gien ALDH2 có 3 biến thể gien: GG, LG và LL. Người mang biến thể LL cơ thể không có khả năng chuyển hóa acetaldehyde một cách hữu hiệu, và do đó hoạt chất này tích tụ trong cơ thể. Biến thể LL hiện diện trong khoảng 30-40% ở người Châu Á.
Khi acetaldehyde tích tụ trong máu sẽ gây ra tình trạng nóng bừng, ói mửa, và ở một số người thì nhịp tim đập nhanh. Chính acetaldehyde cũng là thủ phạm của những “dư hưởng” như nhức đầu vào buổi sáng sau khi uống rượu trong đêm trước.
Người mang biến thể LG và GG có khả năng chuyển hóa acetaldehyde tốt, nên họ có tửu lượng cao hơn những người với biến thể LL.
II. NHỮNG NGUY CƠ CÓ THỂ GẶP Ở NGƯỜI ĐỎ MẶT KHI UỐNG RƯỢU
Những người thường bị đỏ mặt sau uống rượu, bia có nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng như bệnh gan, huyết áp cao, ung thư…
1. Bệnh cao huyết áp
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát nguy cơ cao huyết áp ở 1.763 người đàn ông Hàn Quốc, phát hiện những người hay đỏ mặt uống hơn 4 ly rượu/tuần có nguy cơ bị cao huyết áp gấp đôi so với nhóm không uống rượu, trong khi nguy cơ này ở nhóm không bị đỏ mặt chỉ xuất hiện khi họ tiêu thụ nhiều hơn 8 ly/tuần.
Nguyên nhân được cho là do Acetaldehyd, làm giãn mạch máu dưới da, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trung ương, do đó, cơ thể cố gắng “bù đắp” lượng máu thiếu hụt này bằng cách tiết ra các nội tiết tố, dẫn đến tăng huyết áp.
2. Ung thư
Các nhà khoa học thuộc Viện quốc gia về Nghiện rượu và Lạm dụng đồ uống có cồn (NIAAA) của Mỹ đã cảnh báo hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu, bia có liên quan tới nguy cơ ung thư thực quản.
3. Bệnh gan
Sự tích tụ hóa chất acetaldehyde lâu ngày sẽ gây nên các bệnh về gan. Những căn bệnh về gan dễ gặp nhất là gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan…
Để lại một phản hồi