1. Đại cương
1.1. Khái niệm
Đau đầu chuỗi là một trong những loại đau đầu khó chịu nhất nhưng ít gặp (hay gặp nhất là đau đầu căng thẳng, thứ đến là đau đầu migraine, thứ ba là đau thần kinh V, thứ tư là đau đầu chuỗi). Tính chất đặc biệt của đau đầu chuỗi là cơn đau xuất hiện theo chu kỳ, hay thành chuỗi do đó nó mới có cái tên là “đau đầu chuỗi”. Một số tác giả gọi là đau đầu cụm.
Một đợt đau đầu có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và thường theo sau đó là một giai đoạn thuyên giảm, khi đó bệnh nhân hết đau đầu hoàn toàn. Chu kỳ đau đầu thay đổi tùy theo người, nhưng hầu hết bệnh nhân đều bị một hay hai đợt đau đầu mỗi năm. Trong giai đoạn thuyên giảm, sẽ không có một cơn đau đầu nào xảy ra trong vòng vài tháng, và đôi khi là đến vài năm.
Đau đầu chuỗi ít gặp và cũng không gây đe dọa tính mạng. Điều trị đau đầu chuỗi có thể giúp cho cơn đau diễn ra ngắn hơn và ít nặng nề hơn. Ngoài ra, những phương pháp phòng ngừa có thể giúp làm giảm số lần xuất hiện cơn đau.
1.2. Nguyên nhân và bệnh sinh
Nguyên nhân chính xác gây đau đầu chuỗi vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên có thể sự bất thường ở vùng hạ đồi có vai trò nào đó trong đau đầu chuỗi. Đau đầu chuỗi thường diễn ra với chu kỳ đều đặn như đồng hồ trong ngày, và chu kỳ của những đợt đau đầu chuỗi thường liên quan đến các mùa trong năm. Những chu kỳ trên gợi ý cho chúng ta thấy rằng có thể đồng hồ sinh học của cơ thể có tham gia một vai trò nào đó. Ở người, đồng hồ sinh học nằm ở vùng hạ đồi là khu vực nằm sâu trong trung tâm não. Bất thường vùng hạ đồi có thể giải thích được tính chất thời gian và chu kỳ của đau đầu chuỗi. Một số nghiên cứu đã phát hiện được có sự gia tăng hoạt động ở vùng hạ đồi trong cơn đau của bệnh nhân bị đau đầu chuỗi.
Một số yếu tố khác có thể liên quan đến tiến triển của đau đầu chuỗi bao gồm:
– Hormon: Những bệnh nhân đau đầu chuỗi có bất thường về nồng độ của một số hormon trong cơ thể, chẳng hạn như melatonin và cortisol, trong đợt đau đầu.
– Những chất dẫn truyền thần kinh: Sự thay đổi nồng độ của một số chất hóa học có chức năng dẫn truyền các tín hiệu trong não, như serotonin, cũng có thể có vai trò trong đau đầu chuỗi.
Không giống như đau đầu migraine và đau đầu căng thẳng, đau đầu chuỗi thường không có yếu tố kích thích chẳng hạn như thức ăn, thay đổi hormon, hoặc stress. Nhưng khi đang trong đợt đau đầu chuỗi, uống rượu có thể gây kích thích những cơn đau đầu dữ dội. Do đó, nhiều bệnh nhân bị đau đầu chuỗi nên tránh uống rượu trong khoảng thời gian xảy ra cơn. Những kích thích khác có thể gặp bao gồm sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như nitroglycerin, là một loại thuốc dùng để điều trị bệnh tim.
1.3. Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ của đau đầu chuỗi bao gồm:
– Nam giới: Nam giới bị đau đầu chuỗi nhiều hơn nữ.
– Người trưởng thành: Hầu hết những bệnh nhân bị đau đầu chuỗi lần đầu tiên vào khoảng cuối những năm 20 tuổi, tuy nhiên đau đầu chuỗi có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.
– Người da đen: Người da đen bị nhiều hơn người da trắng.
– Hút thuốc lá: Nhiều cơn đau đầu xuất hiện khi bệnh nhân hút thuốc lá.
– Uống rượu: Rượu có thể kích thích gây đau đầu nếu bạn đang trong nguy cơ bị đau đầu chuỗi.
– Tiền sử gia đình: Nếu cha mẹ hay anh chị em ruột đã từng bị đau đầu chuỗi, bạn rất có khả năng cũng bị bệnh như vậy.
2. Lâm sàng và chẩn đoán
2.1. Triệu chứng cơ năng
Đau đầu chuỗi diễn ra nhanh chóng và thường không có dấu hiệu báo trước. Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:
– Đau nặng thường ở xung quanh mắt, nhưng cũng có thể lan ra những khu vực khác như mặt, đầu, cổ và vai.
– Đau chỉ ở một bên.
– Bệnh nhân không thể ngồi yên một chỗ do đau.
– Tiết nước mắt nhiều.
– Đỏ mắt ở bên đau.
– Nghẹt hay chảy nước mũi ở bên đau.
– Vã mồ hôi, hoặc tái nhạt ở mặt.
– Sưng, phù nề xung quanh mắt ở bên đau.
– Giảm kích thước đồng tử.
– Mí mắt rũ xuống.
Cơn đau thường được mô tả như là một cảm giác chói, xuyên thủng hoặc bỏng rát. Những bệnh nhân bị đau đầu chuỗi mô tả cảm giác của họ khi bị đau như là bị một que lửa nóng đâm vào mắt hoặc mắt như bị đẩy ra khỏi hốc mắt. Những bệnh nhân đau đầu chuỗi không ngồi yên một chỗ mà thường đi qua đi lại hoặc ngồi đung đưa đầu liên tục theo hướng trước – sau để làm dịu cơn đau. Ngược với đau đầu migraine, những bệnh nhân đau đầu chuỗi thường tránh phải nằm khi bị đau do tư thế này có vẻ như làm cho cơn đau tăng lên.
Có một số triệu chứng tương tự như đau đầu migraine là nôn ói, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động, choáng cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân đau đầu chuỗi.
2.2. Tính chất của đợt đau đầu
Đau đầu chuỗi thường kéo dài từ 1 đến 12 tuần. Ngày khởi đầu và độ dài của mỗi đợt đau đầu có thể giống nhau từ đợt này sang đợt khác. Ví dụ như những đợt đau đầu chuỗi có thể xảy ra theo mùa, chẳng hạn như xảy ra vào mỗi mùa xuân hay mỗi mùa thu.
Hầu hết những bệnh nhân đau đầu chuỗi thể từng hồi, có nghĩa là đau đầu chuỗi xảy ra trong khoảng từ 1 tuần đến 1 năm, sẽ có một khoảng thời gian thuyên giảm có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng trước khi đợt đau đầu kế tiếp xảy ra. Những đợt đau đầu chuỗi mạn tính có thể tiếp tục trong hơn 1 năm, hoặc những đợt thuyên giảm có thời gian ít hơn 1 tháng.
Trong đợt đau đầu:
– Cơn đau đầu thường xảy ra mỗi ngày, đôi khi là vài lần mỗi ngày.
– Mỗi cơn có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ.
– Cơn thường xuất hiện vào cùng một giờ trong ngày.
– Phần lớn cơn đau đầu xuất hiện vào khoảng từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng.
Cơn đau thường chấm dứt cũng đột ngột như khi nó xuất hiện với cường độ cơn đau giảm đi một cách nhanh chóng. Sau cơn đau, hầu hết bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn hết đau nhưng rất mệt mỏi.
2.3. Triệu chứng thực thể
Đau đầu chuỗi có kiểu đau đặc trưng riêng và chu kỳ xuất hiện của các cơn. Quá trình chẩn đoán dựa vào sự mô tả của bệnh nhân về cơn đau, bao gồm cơn đau, vị trị và độ nặng cùng với những triệu chứng kèm theo. Tần số và độ dài của cơn cũng là những yếu tố quan trọng.
– Khám thần kinh: Khám thần kinh có thể sẽ giúp phát hiện ra những dấu hiệu thực thể của đau đầu chuỗi. Đôi khi, đồng tử của mắt nhỏ lại, hoặc mí mắt sẽ rũ xuống ngay cả ở thời điểm giữa các cơn đau.
– Khảo sát hình ảnh: Nếu cơn đau đầu phức tạp hay bất thường, hoặc phát hiện bất thường khi khám thần kinh, có thể cần làm một số xét nghiệm chẩn đoán để loại trừ những nguyên nhân nghiêm trọng gây đau đầu, chẳng hạn như khối u hoặc phình mạch. Hai khảo sát hình ảnh về não thông dụng nhất là CTscan và MRI.
2.4. Thông tin người bệnh cần theo dõi
Một trong những việc có ích nhất mà người bệnh cần làm là theo dõi cơn đau đầu mỗi ngày trong ít nhất 2 tháng. Mỗi khi bị đau đầu, cần ghi chép lại những thông tin sau:
– Mô tả cơn đau.
– Độ nặng cơn đau.
– Vị trí cơn đau.
– Khoảng thời gian kéo dài của cơn đau.
– Những loại thuốc đang dùng.
– Thời điểm đau.
– Khi đau đang làm gì.
– Có đang ăn gì hay uống gì.
Bảng theo dõi này có thể là một đầu mối giá trị giúp bác sĩ chẩn đoán được loại đau đầu và phát hiện được những tác nhân kích thích gây đau đầu.
3. Điều trị
Không có cách điều trị khỏi hẳn bệnh đau đầu chuỗi. Mục tiêu điều trị là giúp làm giảm bớt mức độ nặng của cơn đau và làm những đợt đau đầu ngắn lại.
Do cơn đau đầu trong đau đầu chuỗi xuất hiện bất ngờ và có thể giảm trong một khoảng thời gian ngắn nên những thuốc giảm đau thông dụng như aspirin hay ibuprofen (Advil, Motrin, và những loại khác) không có hiệu quả. Cơn đau đầu thường hết trước khi thuốc bắt đầu có tác dụng. Tuy nhiên cũng có những loại thuốc giảm đau khác có tác dụng điều trị đau đầu tức thời. Việc điều trị đau đầu chuỗi tập trung vào phòng bệnh hơn và có nhiều lựa chọn điều trị hơn.
3.1. Điều trị cấp
Những cách điều trị có hiệu quả nhanh bao gồm:
– Oxy: thở oxy 100% qua mặt nạ ở tần số 7- 10 lít/phút trong một thời gian ngắn có thể giúp giảm đau cho hầu hết bệnh nhân. Tác dụng của các điều trị an toàn và rẻ tiền này có thể cảm nhận được trong vòng 15 phút. Mặt bất lợi chính của phương pháp này là cần phải mang bình oxy đi theo khắp nơi nên có thể sẽ bất lợi và khó thực hiện được tức thời. Vẫn có những loại bình oxy nhỏ, dễ mang theo nhưng một số người vẫn cảm thấy bất lợi. Đôi khi oxy chỉ làm chậm lại chứ không làm chấm dứt cơn đau, và cơn đau có khả năng quay trở lại.
– Triptan: Dạng sumatriptan (Imitrex) dùng qua đường tiêm thường được dùng để điều trị đau đầu migrainecũng có tác dụng điều trị tức thời đối với đau đầu chuỗi. Một số người đáp ứng tốt với sumatriptan dạng xịt qua mũi nhưng đối với hầu hết mọi người thì dạng này vẫn không hiệu quả bằng dạng tiêm. Sumatriptan không được khuyến khích dùng ở những người bị tăng huyết áp không kiểm soát hoặc bệnh thiếu máu cơ tim. Một loại thuốc Triptan khác là zolmitriptan (Zomig) có thể được sử dụng dưới dạng xịt qua mũi cũng có thể làm giảm đau đầu chuỗi. Loại thuốc này có thể là lựa chọn tốt nếu bạn không dung nạp tốt với những dạng điều trị tức thời khác.
– Dihydroergotamine: Dẫn xuất này được sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp và dạng hít. Dihydroergotamine (D.H.E. 45, Migranal) có tác dụng giảm đau hiệu quả ở một số bệnh nhân bị đau đầu chuỗi. Khi tiêm tĩnh mạch, bạn cần phải đến bệnh viện hoặc phòng khám. Dạng hít có tác dụng chậm hơn.
– Octreotide (Sandostatin, Sandostatin LAR): Là phiên bản nhân tạo dùng qua đường tiêm của hormon não có tên là somatostatin, là cách điều trị đau đầu chuỗi hiệu quả và an toàn đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp và thiếu máu cơ tim.
– Thuốc tê tại chỗ: Những thuốc có tác dụng tê tại chỗ, chẳng hạn như lidocaine (Xylocaine), có thể có hiệu quả đối với những cơn đau đầu chuỗi khi được sử dụng dưới dạng thuốc nhỏ mũi.
3.2. Phẫu thuật
Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật được lựa chọn để điều trị cho những bệnh nhân đau đầu chuỗi mạn tính không đáp ứng tốt với điều trị tích cực hoặc không thể dung nạp được với thuốc hay những tác dụng phụ của chúng. Những người được lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật là những người bị đau chỉ ở một bên đầu do phẫu thuật chỉ có thể tiến hành được ở một bên.
Có một số cách phẫu thuật được sử dụng để điều trị đau đầu chuỗi. Những phương pháp này có mục đích làm tổn thương đường dẫn truyền thần kinh được cho là gây ra cơn đau. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể dẫn đến yếu cơ hàm hoặc mất cảm giác ở một số vùng ở mặt và đầu. Một số lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
– Phẫu thuật quy ước: Dùng cách phẫu thuật xâm lấn quy ước, bác sĩ sẽ cắt một phần dây thần kinh sinh ba (nhánh V1) là dây thần kinh cung cấp cho khu vực phía sau và xung quanh mắt bằng dao mổ hoặc dùng dao điện đốt để hủy một phần của dây thần kinh. Cách phẫu thuật này có thể làm giảm đau nhưng gây nguy cơ nghiêm trọng cho mắt. Hiện nay nó không còn là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ nữa.
– Tiêm glycerol: Tiêm glycerol vào dây thần kinh mặt có thể làm giảm triệu chứng ngay lập tức và ít nguy cơ hơn những phương pháp phẫu thuật khác.
3.3. Những cách điều trị mới
Một hướng phát triển mới có triển vọng là sử dụng thiết bị để kích thích thần kinh chẩm, gây ảnh hưởng đến thần kinh sinh ba. Để điều trị những bệnh nhân bị đau đầu chuỗi thường xuyên, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm một máy kích thích có kích thước bằng một pacemaker (máy tạo nhịp tim) gửi tín hiệu qua các điện cực, được cấy vào trên dây thần kinh chẩm. Một số nghiên cứu nhỏ khác, trong đó có những nghiên cứu của Mayo Clinic, về những thiết bị kích thích thần kinh chẩm được cấy vào cơ thể đã phát hiện ra rằng những thiết bị này có khả năng giảm đau đầu mạn tính ở một số người, và thiết bị này được dung nạp tốt và tỏ ra rất an toàn.
Những nghiên cứu tương tự bằng cách cấy những thiết bị kích thích vào vùng hạ đồi, là khu vực bên trong não liên quan đến thời điểm của những đợt đau đầu chuỗi. Những thiết bị này có thể làm giảm triệu chứng ở những bệnh nhân bị đau đầu chuỗi nặng, mạn tính.
3.4. Điều trị dự phòng
3.4.1. Dự phòng bằng thuốc
Khi những đợt đau đầu chuỗi bắt đầu xuất hiện, bạn sẽ cần phải dùng những thuốc tác dụng dài thường kèm theo với những thuốc tác dụng ngắn. Sau khi đã kiểm soát được những cơn đau đầu, bạn sẽ ngừng sử dụng những thuốc tác dụng ngắn nhưng sẽ phải tiếp tục dùng những thuốc tác dụng dài.
– Những thuốc tác dụng ngắn có thể giúp ngăn những cơn đau đầu xảy ra trong thời gian chờ đợi những thuốc tác dụng dài bắt đầu có tác dụng.
+ Corticoid: Ví dụ như prednisone, có tác dụng ngăn ngừa nhanh, có thể dùng corticoid nếu người bệnh chỉ mới bị đau đầu chuỗi gần đây hoặc nếu bệnh bao gồm những đợt đau đầu chuỗi ngắn và thời gian nghỉ kéo dài. Mặc dù corticoid là một lựa chọn tuyệt vời khi sử dụng trong thời gian ngắn nhưng do nó có những tác dụng phụ nặng nề nên không thể sử dụng lâu dài được.
+ Ergotamine: Ergotamine (Ergomar, Tamix hoặc những loại khác) có dạng viên đặt dưới lưỡi hoặc viên thuốc đạn để nhét vào hậu môn, được dùng trước khi đi ngủ để phòng cơn đau đầu xảy ra vào ban đêm. Ergot rất hiệu quả nhưng không thể dùng kết hợp với Triptan được.
+ Chặn dây thần kinh: Tiêm những tác nhân có tác dụng làm tê (thuốc tê) và corticoid vào khu vực xung quanh dây thần kinh chẩm nằm phía sau đầu có thể giúp ngăn không cho tín hiệu đau di chuyển theo đường thần kinh lên não. Dây thần kinh chẩm hợp với dây thần kinh sinh ba kết nối với tất cả những cấu trúc nhạy cảm đau ở bên trong não. Chặn dây thần kinh chẩm có thể giúp giảm triệu chứng tạm thời trong thời gian chờ những thuốc tác dụng dài có tác dụng.
– Những thuốc tác dụng dài: Được dùng trong toàn bộ thời gian diễn ra đợt đau đầu chuỗi. Một số người bị đau đầu chuỗi mạn tính có thể cần phải uống từ hai loại thuốc tác dụng kéo dài trở lên cùng một lúc.
+ Thuốc chẹn kênh calci: Chẳng hạn như verapamil (Calan, Verelan, và những loại thuốc khác) thường là lựa chọn đầu tiên để ngăn ngừa đau đầu chuỗi. Đôi khi sau khi chấm dứt đợt đau đầu chuỗi, thuốc sẽ được dùng giảm liều dần và ngưng thuốc dưới sự kiểm soát của bác sĩ. Đôi khi cần phải dùng lâu dài để kiểm soát bệnh đau đầu chuỗi thể mạn tính. Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm táo bón, chóng mặt, nôn ói, mệt mỏi, phù mắt cá chân, hạ huyết áp và hạ đường huyết.
+ Lithium carbonate: (Lithobid, Eskalith, và những loại khác) được dùng để điều trị những rối loạn lưỡng cực, cũng có hiệu quả ngăn ngừa đau đầu chuỗi mạn tính. Tác dụng phụ bao gồm run, tăng bài tiết nước tiểu và tiêu chảy, cần điều chỉnh liều để hạn chế tác dụng phụ. Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần được thử máu thường xuyên để kiểm tra một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, chẳng hạn như tổn thương thận.
+ Những loại thuốc phòng ngừa khác: dùng cho đau đầu chuỗi bao gồm những thuốc chống tai biến như divalproex (Depakote) và topiramate (Topamax).
3.4.2. Thay đổi lối sống
Những biện pháp sau có thể giúp bạn tránh những cơn đau đầu diễn ra trong chu kỳ:
– Ngủ đúng giờ: Đợt đau đầu chuỗi có thể diễn ra khi có sự thay đổi giờ giấc ngủ bình thường do đó trong đợt đau đầu, người bệnh nên ngủ đúng giờ.
– Tránh những chất có cồn: Uống những chất có cồn, bao gồm rượu và bia, hầu như luôn là tác nhân kích thích những cơn đau đầu diễn ra khi đang trong chu kỳ. Cơn đau đầu có thể diễn ra rất nhanh chóng, thậm chí là ngay cả trước khi người bệnh uống cạn ly đầu tiên.
– Hạn chế tiếp xúc với những chất dễ bay hơi: Tiếp xúc kéo dài với những chất dễ bay hơi như dung môi, xăng, dầu hỏa và màu vẽ làm từ dầu có thể gây đau đầu.
– Cẩn thận với độ cao: Trong chu kỳ của bệnh, sự sụt giảm nồng độ oxy khi ở những vùng cao có thể gây đau đầu.
– Tránh thuốc lá: Nicotine có thể gây đau đầu khi đang trong chu kỳ. Nếu bạn có nguy cơ bị đau đầu chuỗi, tốt nhất là hãy ngừng hút thuốc và tránh những sản phẩm làm từ thuốc lá khác.
– Tránh nitrate: Trong chu kỳ bệnh, nitrate có thể làm khởi phát đau đầu ở một số người. Những thức ăn có chứa nitrate bao gồm thịt ám khói và đã được chế biến. Một số loại thuốc như nitroglycerin cũng có thể có chứa nitrate.
3.4.3. Điều trị hỗ trợ
Do đau đầu chuỗi gây đau đớn rất nhiều, nên bệnh nhân có khuynh hướng cố gắng tìm những biện pháp điều trị hỗ trợ để giảm đau. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây ở những bệnh nhân đau đầu chuỗi cố thử những phương pháp điều trị hỗ trợ như châm cứu, nắn khớp, vi lượng đồng căn đã cho thấy rằng có ít hơn 10% bệnh nhân cảm thấy những phương pháp trên có hiệu quả.
Do những thực phẩm chức năng có bán sẵn ở các quầy thuốc nên một số người quay sang sử dụng chúng để tìm cách giảm những cơn đau trong đau đầu chuỗi. Một trong số đó là melatonin, được xem là có thể làm giảm mức độ ở những bệnh nhân đau đầu chuỗi. Tuy nhiên cách điều trị bằng melatonine vẫn chưa được chứng minh là cách điều trị hiệu quả để tránh những cơn đau đầu.
4. Phòng ngừa
Do nguyên nhân gây đau đầu chuỗi vẫn chưa được biết nên bạn không thể ngăn chặn cơn đau đầu tiên. Tuy nhiên, chiến lược phòng ngừa là yếu tố quyết định trong việc kiểm soát đau đầu chuỗi do việc cố gắng điều trị nó với chỉ một loại thuốc tác dụng cấp thời có thể được xem là vô vọng. Ngăn ngừa có thể giúp làm giảm tần số cũng như độ nặng của cơn đau đầu và nguy cơ bị đau đầu trở lại. Những thuốc phòng ngừa cũng làm tăng hiệu quả của những thuốc tác dụng cấp thời.
Ngoài ra, còn có thể làm giảm nguy cơ bị những cơn đau đầu khác trong tương lai bằng cách tránh rượu bia và nicotine vốn là những chất có khả năng thúc đẩy cơn đau đầu chuỗi.
Để lại một phản hồi