Đại cương châm cứu

Đại cương châm cứu

1. Sơ lược học thuyết kinh lạc.

1.1. Khái niệm:

Kinh lạc là hệ thống gồm các đường kinh chính chạy dọc theo cơ thể và các đường lạc chạy ngang, nối với nhau thành một mạng lưới đi khắp toàn thân, là nơi tuần hoàn của khí huyết để nuôi dưỡng toàn thân và cũng là nơi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Trên đường kinh có các lỗ hổng gọi là huyệt, là nơi khí huyết vào ra. Khi cơ thể bị bệnh kinh mạch cũng là nơi phản ánh tình trạng bệnh tật mà ta có thể dựa vào đó mà chẩn đoán, từ đó có những biện pháp kích thích vào kinh mạch để chữa bệnh.

1.2. Hệ thống kinh lạc:

– Kinh mạch gồm:   + 12 kinh chính.

                             + 12 kinh nhánh.

                             + 8 mạch kỳ kinh.

– Lạc mạch gồm: 15 lạc lớn, lạc mạch, lạc mạch nhỏ. Lạc mạch nổi ở nông và thường đi ngang hoặc chếch hợp với kinh thành 1 mạng lưới chằng chịt.

1.3. Tác dụng của kinh lạc:

– Về sinh lý:

+ Kinh lạc là đường tuần hoàn của khí huyết đi nuôi dưỡng toàn thân, duy trì chức năng sinh lý của cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại ngoại tà.

+ Kinh lạc ở trong đi vào tạng phủ, ở ngoài đi ra cơ bì kết nối cơ thể thành một khối thống nhất.

– Về bệnh lý: Kinh lạc là nơi tà bệnh xâm nhập vào cơ thể và truyền từ nông vào sâu (khi bệnh nặng dần) hoặc truyền từ sâu ra nông (khi bệnh nhẹ dần).

– Về chẩn đoán: Kinh lạc là nơi phản ánh sự thay đổi bệnh lý của cơ thể, do đó dựa vào sự thay đổi đó ta có thể chẩn đoán bệnh.

– Về điều trị: Kinh mạch là nơi chứa có huyệt, thông qua đó ta có thể kích thích vào cơ thể để chữa bệnh.

2. Đại cương về huyệt.

2.1. Khái niệm:

Huyệt là nơi kinh khí và khí của tạng phủ đến và đi ra ngoài cơ thể, là nơi dùng để áp dụng các thủ thuật kích thích để chữa bệnh.

2.2. Phân loại:

Huyệt được chia thành 3 loại:

– Kinh huyệt: là các huyệt nằm trên 12 đường kinh chính và 2 mạch nhâm đốc. Tổng số có trên 371 tên huyệt, hai bên có 610 huyệt.

– Kinh kỳ ngoại huyệt: là những huyệt ngoài kinh, không nằm trên các kinh mạch trên, theo các tài liệu cổ có khoảng gần 200 huyệt ngoài kinh.

– A thị huyệt: là huyệt lấy luôn ở chỗ đau, nên có vị trí không nhất định.

2.3. Một số kinh huyệt đặc biệt:

– Huyệt nguyên: là huyệt tập trung nhiều khí huyết nhất của một đường kinh. Mỗi đường kinh chính có một nguyên huyệt.

– Huyệt lạc: là một huyệt trên đường kinh có liên quan với đường kinh biểu lý với đường kinh đó. Có tất cả 15 huyệt lạc.

– Huyệt du: là 12 huyệt tương ứng với 12 tạng phủ, nằm trên kinh Bàng quang sau lưng.

– Huyệt mộ: là 12 huyệt tương ứng với các tạng phủ nằm trên các đường kinh đi qua ngực bụng.

– Huyệt khích: là huyệt trên một đường kinh có những thay đổi cảm giác (đau, chướng) khi tạng phủ hay đường kinh mang tên tạng phủ có bệnh.

– Huyệt bát hội: gồm 8 huyệt, mỗi huyệt là nơi tụ hội một chức năng chính của cơ thể là: khí, huyết, tạng, phủ, cốt, tủy, cân, mạch.

– Huyệt hội: là nơi gặp nhau của 2 đường kinh trở lên.

– Huyệt ngũ du: là 5 huyệt của một đường kinh, nằm ở vị trí từ khuỷu tay hay đầu gối trở xuống, được phân loại theo tác dụng và vận dụng theo lý luận ngũ hành:

          + Huyệt hợp: là nơi dòng nước chảy vào.

          + Huyệt kinh: nơi dòng nước đi qua.

          + Huyệt du: nơi nước dồn lại.

          + Huyệt huỳnh: nơi dòng nước chảy xiết.

          + Huyệt tỉnh: nơi dòng nước đi qua.

Là những huyệt rất quan trọng trong chữa bệnh.

+ Ngũ du huyệt của 6 kinh âm (huyệt du trùng với huyệt nguyên):

Huyệt, ngũ hành

Kinh

Tỉnh

Mộc

Huỳnh

Hỏa

Du (Nguyên)

Thổ

Kinh

Kim

Hợp

Thủy

Phế Thiếu thương Ngư tế Thái uyên Kinh cừ Xích trạch
Tỳ ẩn bạch Đại đô Thái bạch Thương khâu Âm lăng tuyền
Tâm Thiếu xung Thiếu phủ Thần môn Linh đạo Thiếu hải
Thận Dũng tuyền Nhiên cốc Thái khê Phục liêu Âm cốc
Tâm bào Trung xung Lao cung Đại lăng Giản sử Khúc trạch
Can Đại đôn Hành gian Thái xung Trung phong Khúc tuyền

+ Ngũ du huyệt và nguyên huyệt của các kinh dương:

Huyệt, ngũ hành

Kinh

Tỉnh

Kim

Huỳnh

Thủy

Du

Mộc

Nguyên Kinh

Hỏa

Hợp

Thổ

Đại trường Thương dương Nhị gian Tam gian Hợp cốc Dương khê Khúc trì
Vị Lệ đoài Nội đình Hãm cốc Xung dương Giải khê Túc tam lý
Tiểu trường Thiếu trạch Tiên cốc Hậu khê Uyển cốt Dương cốc Tiểu hải
Bàng quang Chí âm Thông cốc Thúc cốt Kinh cốt Côn lôn Uỷ trung
Tam tiêu Quan xung Dịch môn Trung chữ Dương trì Chi câu Thiên tỉnh
Đởm Túc khiếu âm Hiệp khê Túc lâm khấp Khâu khư Dương phụ Dương lăng tuyền

2.4. Tác dụng của huyệt.

– Sinh lý: Huyệt liên hệ chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ. Huyệt và hệ kinh mạch tuần hoàn khắp cơ thể nhu nhuận nuôi dưỡng mọi tạng phủ, giúp cho âm dương cân bằng, hư thực điều hòa, kinh mạch thông suốt, chính khí vững, tà khí không xâm lấn.

– Bệnh lý: Huyệt là cửa ngõ xâm nhập của tà khí lục dâm khi chính khí suy, tấu lý sơ hở.

+ Khi một tạng hay một kinh lạc bị bệnh thường có những biểu hiện ra ở những huyệt tương ứng.

+ Huyệt là nơi phản ánh trực tiếp những biến đổi bệnh lý, dựa trên những biến đổi đó để chẩn đoán bệnh của kinh và tạng phủ.

– Phòng và chữa bệnh: Bằng những kích thích trên huyệt với lượng kích thích phù hợp với bệnh, cơ thể qua đó điều chỉnh lại những hoạt động bình thường về sinh lý mà người xưa gọi là điều khí.

2.5. Cách xác định vị trí huyệt:

Hình 5.1. Cách xác định thốn tự thân

– Lấy huyệt theo các mốc giải phẫu: như cơ, gân, xương, thần kinh.

– Lấy huyệt theo quan niệm trong ngoài của mô hình châm cứu cổ điển: người đứng thẳng, tay duỗi, lòng bàn tay hướng ra trước.

– Đơn vị đo lường: theo thốn tự thân, là khoảng cách giữa chỗ tận cùng hai mép da của hai nếp gấp ngón tay giữa khi ngón này co chạm đầu ngón với đầu ngón tay cái. Có thể lấy bề ngang của 4 khoát ngón tay là chiều dài 3 thốn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*