Chứng tỳ dương hư
1. Nguyên nhân:
Chứng tỳ dương hư là những triệu chứng vì tỳ dương hư suy mà biểu hiện ra. Ăn nhiều đồ ăn lạnh, dùng quá hoặc dùng sai thuốc hàn lương đều có thể làm tổn hại đến tỳ dương; người nhiều tuổi, thận dương không đủ hoặc người bệnh lâu tổn hại đến tỳ khí, cũng có thể làm cho tỳ dương không đủ mà sinh ra chứng này (Bệnh loét dạ dày, tá tràng, viêm ĐT mạn).
2. Chứng trạng:
Người lạnh, tay chân lạnh, miệng nhạt không khát, hoặc tràn ra nước trong; bụng chướng kém ăn, ăn vào chướng đầy, bụng lạnh mà thích ăn nóng; bụng đau lâm râm, thích ấm thích xoa, phân lỏng, ngũ canh tiết tả, người mệt; mặt phù, chân tay phù thũng, lưỡi bệu nhợt, rêu trắng trơn, mạch trầm trì vô lực.
3. Cơ chế bệnh sinh:
Khí thái âm thấp thổ được dương thì vận hoá. Nếu tỳ dương không đủ thì không vận bố được khí cơ. Dương khí không đạt ra tay chân thì người lạnh tay chân lạnh. Vùng bụng dương khí kém không vận hoá được thì miệng nhạt ít ăn. Dương hư sinh nội hàn, hàn ngưng khí trệ cho nên bụng chướng đau mà thích ấm thích xoa. Dương khí hư thủy dịch không hoá, tràn lên trên thì miệng nôn ra nước trong, tràn ra ngoài thì mặt phù, chân tay thũng, dồn xuống dưới thì phân lỏng. Người mệt, lưỡi bệu, rêu trắng trơn, mạch trầm trì vô lực là dương khí không đủ, hàn thủy đọng ở trong.
Điểm chính để chẩn đoán là: tỳ mất kiện vận cộng với hư hàn.
4. Luận trị:
– Phép trị: Ôn trung kiện tỳ.
– Phương dược: Lý trung thang (Thương hàn luận).
Nhân sâm 6g Can khương 5g Cam thảo 6g Bạch truật 9g
Phân tích: Can khương để ôn tỳ vị khu lý hàn. Nhân sâm để đại bổ nguyên khí. Bạch truật để kiện tỳ táo thấp. Cam thảo để ích khí hoà trung. Trình Ung Thư nói: “Lý trung thực ra là biến lý dư trung tiêu dương vậy. Phàm thái dương bệnh, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, bụng đầy, không ăn được, mạch trì hoãn, miệng nhạt, lưỡi trắng đều cá thể dùng phương thuốc này điều trị”. Nếu đã tỳ vị hư hàn lại thêm phong hàn vào người thì thêm Phụ tử 3g để ôn dương khu hàn .
Để lại một phản hồi