Chứng can phong nội động
Chứng can phong nội động là chứng trạng do nội phong nhiễu động gây ra. Dựa vào nguyên nhân sinh nội phong mà chia thành 4 chứng:
– Can dương hoá phong.
– Nhiệt cực sinh phong.
– Huyết hư sinh phong.
– Âm hư động phong.
Can là tạng phong mộc, nếu can dương quá vượng, nhiệt thịnh, âm hư, huyết hư đều có thể sinh phong. Vì khác với phong ở ngoài xâm nhập vào cho nên gọi là nội phong. Tính phong giao động cho nên hay thấy chứng choáng váng ngã ra, run rẩy, co giật. Tố Vấn nói: “các chứng lay lắc choáng váng đều thuộc can” đó là chỉ vào can phong.
1. Can dương hoá phong.
1.1. Nguyên nhân:
Chứng can dương hoá phong còn gọi là chứng quyết dương hoá phong, là chỉ vào can dương cang thịnh không có kiềm chế, mà bỗng nhiên xuất hiện chứng động phong, phần nhiều vì can thận âm dịch cực hư, không tiềm tàng được can dương tiến lên mà hoá phong. (Thuộc bệnh Trúng phong – tai biến mạch máu não).
1.2. Chứng trạng:
– Trúng phong kinh lạc: choáng váng muốn ngã ra, đau đầu, gáy cứng, chân tay run, đi không vững, nói ngượng không rõ, miệng méo mắt xếch, bán thân bất toại, lưỡi đỏ, mạch huyền.
– Trúng phong tạng phủ: bỗng nhiên hôn mê không biết gì, lưỡi cứng không nói được.
+ Chứng bế: các khiếu bế lại, không đại tiểu tiện được.
+ Chứng thoát: có triệu chứng dương thoát.
1.3. Cơ chế bệnh sinh:
Chứng can dương hoá phong hay thấy ở người can thận âm dịch vốn thiếu, can dương mất sự tiềm giữ, có bệnh sử can dương thượng cang, có khi chứng can dương thượng cang không rõ, cũng có khi bỗng nhiên xuất hiện chứng này.
* Can dương hoá phong, phong dương xoáy ở trên, nên choáng váng muốn ngã ra. Khi huyết úng ở trên trở trệ huyết cực lạc cho nên đau đầu. Gân mất nuôi dưỡng thì gáy cứng, chân tay run. Phong xoáy ở trên, âm thiếu ở dưới cho nên đi không ổn định.
* Can dương cang thịnh đốt dịch thành đàm. Phong đàm trở lạc làm khí huyết vận hành không lợi cho nên miệng méo mắt xếch, bán thân bất toại. Can phong hiệp với đàm che lấp tâm khiếu, làm cho tâm thần tối tăm cho nên bỗng nhiên hôn mê ngã ra không biết gì.
* Lưỡi đỏ là âm hư nội nhiệt, mạch huyền chủ về bệnh can.
1.4. Luận trị:
· Trúng phong kinh lạc:
– Phép trị: Bình can tức phong, dưỡng huyết, thư cân.
– Dược vị:
+ Thuốc bình can tức phong: Thiên ma, Câu đằng, Bạch tật lê, Thuyền thoái, Ngô công, Toàn yết, Địa long, Cương tàm.
+ Thông kinh hoạt lạc: Tang ký sinh, Uy linh tiên, Tần giao, Đỗ trọng, Ngưu tất.
+ Thuốc trấn kinh tiềm dương: Thạch quyết minh, Long cốt, Mẫu lệ…
– Phương dược:
* Thiên ma câu đằng ẩm (Tạp bệnh chính trị tân nghĩa):
Thiên ma 9g | Thạch quyết minh 18g | ích mẫu 9g |
Câu đằng 12g | Tang ký sinh 9g | Đỗ trọng 9g |
Phục thần 9g | Hoàng cầm 9g | Ngưu tất 12g |
Dạ giao đằng 9g | Sơn chi 9g |
(Chú ý: Thạch quyết minh cho vào sắc trước, Câu đằng cho vào sau)
Phân tích: Thiên ma, Câu đằng, Thạch quyết minh để bình can tức phong. Sơn chi, Hoàng cầm để thanh nhiệt tả hoả. ích mẫu để hoạt huyết lợi thủy. Ngưu tất để dẫn thuốc đi xuống, hợp với Đỗ trọng để bổ can thận. Tang ký sinh để thông kinh hoạt lạc. Dạ giao đằng, Phục thần để an thần định chí. Bài này để chữa cao huyết áp, liệt nửa người do trúng phong.
· Trúng phong tạng phủ thể bế chứng:
– Phép trị: Khai khiếu thông quan.
– Phương dược:
* Thông quan tán (Đan khê tâm pháp phu dư): Tạo giác bỏ hạt nướng, Tế tân, hai vị bằng nhau tán bột thổi vào mũi.
* An cung ngưu hoàng hoàn (Ôn bệnh điều biện):
Ngưu hoàng | Hoàng liên | Mai phiến |
Uất kim | Hùng hoàng | Xạ hương |
Tê giác | Sơn chi | Chân châu |
Hoàng cầm | Chu sa | Tán bột làm hoàn |
Phân tích: Ngưu hoàng, Tê giác để thanh tâm giải độc, bên trong thấu bào lạc. Hoàng cầm, Hoàng liên, Sơn chi thanh nhiệt tả hoả. Uất kim thông tâm khí để khai khiếu. Chu sa, Chân châu để chấn tâm an thần. Xạ hương, Băng phiến, Hùng hoàng để hoá đàm giải độc.
· Trúng phong tạng phủ thể thoát chứng:
– Phép trị: Hồi dương cố thoát.
– Phương dược: Sâm phụ thang (Chính thể loại yếu): Nhân sâm, Phụ tử sắc cho uống.
· Giai đoạn di chứng:
– Phép trị: Hoạt huyết khứ ứ, thông kinh hoạt lạc, bổ can thận.
2. Chứng nhiệt cực sinh phong:
2.1. Nguyên nhân:
Chứng nhiệt cực sinh phong là chỉ vào trong bệnh ngoại cảm, vì nhiệt tà cang thịnh, nhiệt truyền vào tâm bào mà động đến can phong (Thuộc bệnh sốt cao co giật).
2.2. Chứng trạng:
Sốt cao, phát cuồng, vật vã, thần mê, gáy cứng, nặng thì uốn ván, hàm răng nghiến chặt, 2 mắt trông ngược hoặc trông thẳng, co giật, sắc mặt đỏ, mạch huyền sác.
2.3. Cơ chế bệnh sinh:
Biểu hiện chủ yếu của nhiệt cực sinh phong có 3 điểm là: sốt cao, phát cuồng, vật vã, và xuất hiện với chứng can phong.
Nhiệt tà chưng bốc nóng khắp tam tiêu cho nên sốt cao. Nhiệt vào tâm bào, tâm thần mê tối thì sinh phát cuồng vật vã, thần mê. Nhiệt đốt tân dịch thì động đến can phong cho nên co giật, uốn ván, quyết lạnh, cứng gáy, biểu hiện của gân mạch co căng. Tà nhiệt vào phần vinh cho nên sắc lưỡi đỏ, mạch huyền sác là can kinh có nhiệt.
2.4. Luận trị:
– Phép trị: Thanh nhiệt trừ phong.
– Phương dược: Bạch hổ thang (Thương hàn luận) gia vị:
Bạch hổ thang gồm: Thạch cao, Tri mẫu, Cam thảo, Nghạnh mễ có tác dụng thanh nhiệt. Gia các vị trừ phong có tính hàn, bình như: Câu đằng, Thuyền thoái, Thiên ma, Cương tàm.
Chứng huyết hư sinh phong là chỉ vào triệu chứng động phong, vì huyết hư thì cân mạch mất nuôi dưỡng mà gây ra. (Thuộc bệnh thiếu máu, hạ đường huyết, TBMM não, Packinson).
– Biểu hiện: chân tay, cân mạch co quắp, run giật.
– Phép trị: Bổ huyết trừ phong.
Chứng âm hư động phong là triệu chứng vì can thận âm dịch suy hư dẫn đến động can phong. Thời kỳ cuối của bệnh ngoại cảm, hoặc bệnh nội thương lâu ngày, đều có thể xuất hiện âm dịch suy hư mà thấy chứng này.
Để lại một phản hồi