Triệu chứng và xử trí chửa ngoài tử cung

1. Thai ngoài tử cung là gì?

Tên gọi khác: Thai lạc chỗ, Chửa ngoài tử cung, Chửa ngoài dạ con.

Thai ngoài tử cung là một biến chứng thai kỳ, trong đó trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung.

Thai ngoài tử cung có thể là ở vòi trứng (95 – 98%), buồng trứng, trong ống cổ tử cung, trong vết mổ cũ lấy thai, trong ổ bụng. Thai ở buồng trứng và trong ổ bụng rất hiếm gặp.

Thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 1 – 2% thai nghén. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%). Người có thai ngoài tử cung một lần thì khả năng bị thai ngoài tử cung lại là 10%, nếu có thai ngoài tử cung 2 lần thì khả năng bị lại là 25%.

Thai ngoài tử cung

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thai ngoài tử cung

Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung

Khoảng 50% phụ nữ bị thai ngoài tử cung mà không có các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ còn lại bao gồm tất cả những nguyên nhân ngăn cản hoặc làm chậm cuộc hành trình của trứng qua vòi trứng để vào buồng tử cung. Thường gặp là do biến dạng và thay đổi nhu động vòi trứng:

– Viêm vòi trứng (hay gặp nhất).

– Các khối u trong lòng hoặc bên ngoài đè ép.

– Dị dạng vòi trứng, hoặc vòi trứng bị co thắt bất thường.

– Xơ dính do phẫu thuật đã thực hiện trước đó trên vòi trứng, các phẫu thuật vùng bụng, hoặc hậu quả của lạc nội mạc tử cung.

– Thuốc ngừa thai đơn thuần progestin.

– Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như kích thích rụng trứng bằng Gonadotropin, thụ tinh trong ống nghiệm…

– Tiền sử vô sinh.

– Tiền sử hút thuốc lá.

3. Triệu chứng bệnh thai ngoài tử cung

Triệu chứng mang thai ngoài tử cung

Cần nhận biết dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sớm để xử lý kịp thời.

Thông thường sau 5-10 ngày quan hệ tình dục, quá trình thụ thai diễn ra thai đã làm tổ trong buồng tử cung. Vì vậy nếu có dấu hiệu mang thai nhưng siêu âm thai vẫn chưa thấy hình ảnh túi thai cần xem xét đến việc mang thai ngoài tử cung.

Ốm nghén và mất kinh: mang thai ngoài tử cung cũng hoàn toàn có những dấu hiệu của giai đoạn đầu mang thai. Kinh bị trễ, không thấy có kinh, thử bằng que thử vẫn báo hiệu 2 vạch như bình thường. Hơn nữa thai phụ cũng có những biểu hiện của ốm nghén, người mệt, chán ăn, sợ những mùi lạ…Ngực căng tức cũng là biểu hiện của mang thai.

Chảy máu âm đạo bất thường: Đây là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của mang thai ngoài tử cung. Việc ra máu chút ít ở vùng kín đôi khi chị em không để ý hoặc nhầm tưởng là dấu hiệu có thai chứ không nghĩ là cảnh báo sảy thai hay mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên khi ống dẫn trứng bị vỡ, bạn sẽ bị xuất huyết âm đạo ồ ạt.

Đau bụng dưới: đau có thể đột ngột dữ dội, hoặc có thể đau âm ỉ, có thể liên tục hoặc ngắt quãng, thông thường chỉ đau 1 bên vùng chậu.

Đau vai: Thông thường những trường hợp thai ngoài tử cung có chảy máu trong sẽ gây áp lực lên cơ hoành, dẫn đến những cơn đau lan lên vai phải.

Các triệu chứng choáng: Bệnh nhân có thể mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu do mất máu trong những trường hợp thai ngoài tử cung vỡ choáng. Trong những trường hợp này phải được phẫu thuật cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

4. Điều trị bệnh thai ngoài tử cung

Điều trị thai ngoài tử cung

Khối thai nằm ngoài tử cung không thể phát triển thành thai bình thường, đủ ngày đủ tháng được vì không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ (ngoại trừ thai nằm trong ổ bụng). Khối thai sẽ vỡ ra và chảy máu, thời điểm sớm hay muộn tùy thuộc vào vị trí của khối thai. Vì vậy, nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai, hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu biến đi.

Ngoài ra còn phải tùy theo tình trạng mất máu của người bệnh để có những xử trí cấp cứu kịp thời và đúng cách

Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung hiện nay:

– Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) nhằm lấy đi khối thai, có thể gồm mổ bụng hở hay mổ nội soi. Phẫu thuật nội soi là mở một vài lỗ nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật vào và qua các dụng cụ này sẽ thực hiện các thao tác để lấy khối thai. Phẫu thuật nội soi cần nhiều điều kiện về kỹ thuật, trang bị, nhân sự, nhưng có lợi cho bệnh nhân hơn vì ít gây dính vùng bụng sau mổ hơn mổ bụng hở. Tuy nhiên, khi khối thai đã vỡ, hay khi có quá nhiều máu trong ổ bụng, không thể tiến hành mổ nội soi được thì buộc phải mổ hở. Điều trị phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu từ trước tới nay.

– Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Dùng một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai.

+ Chất hiện đang được dùng là Methotrexate, là một chất cạnh tranh với acid folic (là thành phần quan trọng trong chu trình làm việc và tăng trưởng của tế bào, giúp tế bào sinh sôi và phát triển). Methotrexate cũng là một trong những thuốc được dùng để điều trị ung thư. Tại Mỹ, thuốc đã được dùng từ những năm 1950 trong điều trị ung thư, và từ những năm 1980 trong điều trị thai ngoài tử cung.

+ Có nhiều cách dùng thuốc: Tiêm thuốc vào bắp cơ một lần duy nhất, hoặc nhiều lần, hoặc tiêm thẳng vào khối thai. Thuốc gây ra một số tác dụng phụ như viêm dạ dày, viêm da, ảnh hưởng gan; tuy nhiên, trong trường hợp điều trị thai ngoài tử cung, do liều dùng thấp, nên hầu như các tác dụng này không đáng ngại (thông thường, với một liều tiêm vào mạch máu, sau 24 giờ, 90% thuốc đã được thải qua đường thận). Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân được theo dõi để đánh giá tình trạng khối thai, thời gian này kéo dài hơn so với điều trị phẫu thuật (từ 3-4 tuần). Cũng có khi khối thai vẫn tiếp tục phát triển sau dùng thuốc, buộc phải chuyển sang phẫu thuật.

+ Cách sử dụng thuốc phổ biến hiện nay là dùng Methotrexate 1 liều, tiêm bắp, có thể lặp lại tối đa 3 liều.

Những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ, kích thước dưới 4cm, tim thai chưa có hoạt động, nồng độ Beta hCG dưới 6000 mIU/ml, thường được chọn lựa cho điều trị bằng thuốc. Theo dõi sau đó bao gồm theo dõi tình trạng đau trên lâm sàng và trên siêu âm không thấy có tình trạng dịch ổ bụng do khối thai bị rạn nứt hay vỡ, diễn tiến nhỏ dần của khối thai và theo dõi trên xét nghiệm máu, đánh giá sự giảm dần nồng độ Beta hCG, là một chất do nhau thai tiết ra, chứng tỏ nhau thai đã bị thoái hoá dần. Bệnh nhân được yêu cầu không có thai ít nhất là 3 tháng sau điều trị nội khoa.

– Điều trị bảo tồn hay không bảo tồn là có giữ lại được vòi trứng hay không. Khi khối thai đã vỡ thì thường phải cắt bỏ vòi trứng. Nếu bệnh nhân chỉ còn lại một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai. Tuy nhiên, nếu lần sau vẫn bị thai ngoài tử cung, thì có nhiều khả năng sẽ mất cả vòi trứng còn lại. Do đó, khi khối thai chưa vỡ, người ta thường đặt vấn đề bảo tồn vòi trứng, đặc biệt trên người chưa đủ con. Phẫu thuật lúc này sẽ là mở vòi trứng, lấy khối thai và cầm máu, phẫu thuật sẽ tránh được những tác dụng phụ của Methotrexat. Điều trị nội khoa bằng Methotrexat thì sẽ tránh được các biến chứng do gây mê và phẫu thuật, tuy nhiên sẽ mất thời gian theo dõi hơn, tỷ lệ thành công thấp hơn phẫu thuật. Lựa chọn bảo tồn bằng phẫu thuật hay nội khoa tuỳ thuộc vào tình trạng và ý muốn của bệnh nhân, kết quả về khả năng liền lại của vòi trứng và khả năng bị lại thai ngoài tử cung không có sự khác biệt giữa hai phương pháp.

Việc lựa chọn các phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào: Khối thai to hay nhỏ, đã vỡ hay chưa vỡ. Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, khả năng kinh tế, sự thông hiểu của bệnh nhân (nhất là khi điều trị nội khoa: cần sự kiên trì theo dõi, tái khám nhiều lần và chấp nhận có thể thất bại phải chuyển sang phẫu thuật), tình trạng của cơ sở y tế, có trang thiết bị và nhân sự được đào tạo.

5. Cách phòng tránh bệnh thai ngoài tử cung

Phòng tránh bệnh thai ngoài tử cung

Hạn chế nạo phá thai, phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục, nhất là các bênh lây truyền qua đường tình dục.

Thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa, sau sinh nở phòng tránh viêm nhiễm vùng kín.

Đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường để sớm phát hiện các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục và phải điều trị tích cực.

Khi có thai nên đi khám sớm từ 2 tuần sau khi chậm kinh để có thể kịp thời phát hiện các tai biến sớm của thai nghén, trong đó có thai ngoài tử cung để có thể xử trí kịp thời làm giảm nguy cơ tử vong mẹ và biến chứng.

Nguồn: Thạc sĩ Võ Văn Khoa – BV Đại học Y dược Huế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*