Cấy Chỉ Điều Trị Đau Do Thoái Hóa Khớp

Cấy Chỉ Điều Trị Đau Do Thoái Hóa Khớp

1. ĐẠI CƯƠNG

Thoái hóa khớp là những bệnh của khớp và cột sống mạn tính đau và biến dạng, không có biểu hiện của viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.

Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải và kéo dài của sụn khớp.

2. CHỈ ĐỊNH

Đau nhức, thoái hóa tất cả các khớp nhỡ và khớp lớn.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh bị sốt kéo dài, mất nước, mất máu.

– Người bệnh có cấp cứu ngoại khoa.

– Người bệnh bị suy tim, loạn nhịp tim.

– Các bệnh cấp cứu khác.

– Người bệnh bị bệnh gan thận nặng.

– Cơ thể suy kiệt, phụ nữ có thai.

– Da vùng huyệt bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh ngoài da.

– Dị ứng với chỉ tự tiêu.

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện:Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

4.2. Trang thiết bị

– Khay đựng dụng cụ, panh, kéo, kẹp không mấu, cồn sát trùng, cồn iốt, gạc vô trùng, bông, băng dính, lọ thủy tinh đựng chỉ.

– Kim cấy chỉ.

– Chỉ tự tiêu.

– Kim cấy chỉ và chỉ tự tiêu đảm bảo vô trùng.

– Hộp thuốc chống vựng châm hoặc chống sốc phản vệ.

4.3. Người bệnh

– Người bệnh được khám, làm hồ sơ bệnh án theo quy định.

– Giải thích tư tưởng cho người bệnh yên tâm phối hợp với thầy thuốc.

– Người bệnh nằm tư thế thoải mái, bộc lộ vùng huyệt.

5. CÁC BƯỚC TIỀN HÀNH

5.1. Các huyệt thường dùng:

– Khớp vai: Kiên tỉnh, Kiên liêu, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông.

– Khớp khuỷu: Khúc trì, Thủ tam lý.

– Khớp cổ tay: Ngoại quan, Hợp cốc.

– Khớp háng: Trật biên, Hoàn khiêu, Thứ liêu, Giáp tích (L1, S1).

– Khớp gối: Huyết hải, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Túc tam lý, Lương khâu.

– Cột sống cổ: C1 – C7, Phong trì, Bách hội, Kiên trung du, Kiên ngoại du, Đại chữ.

– Cột sống thắt lưng: Giáp tích vùng lưng, Can du, Đởm du, Tỳ du, Vị du, Tâm du, Cách du, Thứ liêu, Giáp tích (L1, S), Đại trường du, Tiểu trường du, Yêu dương quan.

– Khớp cổ chân: Giải khê, Xung dương, Tam âm giao, Thái khê, Huyền chung, Côn lôn, Thái xung.

Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp.

5.2. Thủ thuật :

– Phòng thủ thuật riêng biệt.

– Rửa tay sạch, đi găng tay vô trùng.

– Cắt chỉ tự tiêu thành từng đoạn khoảng 0,5cm – 1cm.

– Luồn chỉ vào nòng kim.

– Xác định huyệt và sát trùng vùng huyệt cấy chỉ.

– Châm kim nhanh qua da và đưa chỉ từ từ vào huyệt.

– Dùng ngón tay ấn lên sát chân kim rồi rút kim ra, dán băng vô trùng hoặc đặt gạc vô trùng lên huyệt vừa cấy chỉ, dán băng dính lên để giữ gạc.

5.3 Liệu trình điều trị:

Mỗi lần cấy chỉ tự tiêu có tác dụng trong khoảng 7 – 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

6. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

6.1. Theo dõiToàn trạng người bệnh 15-30’ sau khi cấy chỉ.

6.2. Xử trí tai biến:

– Chảy máu:Dùng bông gạc khô vô khuẩn ấn tại chỗ, không day.

– Đau sưng nơi cấy chỉ: chườm đá, dùng thuốc chống viêm phù nề hoặc kháng sinh (nếu cần).

– Dị ứng: Dùng thuốc chống dị ứng.

– Vựng châm: Xử lý theo phác đồ vựng châm.

Theo QUYẾT ĐỊNH Số: 2279/QĐ-BYT ngày 02/06/ 2017 Của Bộ Y Tế
“Về việc ban hành quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh Cấy chỉ và Laser châm chuyên ngành Châm cứu”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*