THUỐC CỐ SÁP
ĐẠI CƯƠNG.
Định nghĩa.
Thuốc cố sáp là những thuốc có tác dụng thu liễm cố sáp.
Thuốc cố sáp phần lớn có vị chua, sáp, tính ôn hoặc bình, chủ yếu nhập kinh phế – tỳ – thận – đại trường.
Tác dụng.
Cố biểu chỉ hãn
Liễm phế chỉ khái, sáp trường chỉ tả.
Cố tinh sáp niệu, thu liễm chỉ huyết, chỉ đới…
Chỉ định.
Các chứng tự hãn, đạo hãn, ho lâu ngày, suyễn, tiết tả, di tinh, hoạt tinh, di niệu, băng đới không cầm.
Chú ý khi dùng.
Thuốc cố sáp, chủ yếu có tính thu liễm cố sáp các chứng hao tán nào đó, để trị các chứng bệnh hoạt thoát. Nguyên nhân căn bản của chứng hoạt thoát là chính khí hư nhược, nên ứng dụng điều trị các thuốc cố sáp vẫn là trị bệnh ở phần tiêu (ngọn). Vì vậy trên lâm sàng khi ứng dụng nhóm thuốc cố sáp để điều trị thường phối hợp dùng cùng với các thuốc bổ để tiêu bản kiêm trị. Nói chung nên căn cứ vào các triệu chứng cụ thể, tìm ra nguyên nhân căn bản, dùng thuốc phối hợp thích đáng, tiêu bản kiêm trị mới có thể thu được hiệu qủa cao trên lâm sàng.
Thuốc cố sáp có tính sáp liễm tà khí, vì thế nếu biểu tà chưa giải, thấp nhiệt gây tiết tả, đới hạ, xuất huyết đều không nên dùng. Tuy vậy có một số thuốc cố sáp có tác dụng thanh thấp nhiệt, giải độc, cho nên cần phân biệt rõ để dùng cho thích đáng.
THUỐC CỐ BIỂU CHỈ HÃN: CẦM MỒ HÔI.
Khí hư làm cơ biểu bất cố, tân dịch ngoại tiết mà gây ra tự ra mồ hôi khi nghỉ (tự hãn), âm hư không thể chế dương, dương nhiệt bức tân dịch ngoại tiết mà gây ra mồ hôi vào ban đêm (đạo hãn). Thuốc nhóm này có tác dụng hành cơ biểu, điều tiết phần vệ, vì thế mà có tác dụng giảm ra mồ hôi (liễm hãn), cầm mồ hôi (chỉ hãn). Trên lâm sàng thường dùng điều trị tỳ phế khí hư – vệ dương bất cố – tấu lý sơ hở – tân dịch ngoại tiết gây ra tự hãn; phế thận âm hư, dương thịnh sinh nội nhiệt, nhiệt bức tân dịch ngoại tiết gây ra chứng đạo hãn.
Điều trị chứng khí hư tự hãn thường dùng phối hợp với thuốc bổ khí cố biểu, trị âm hư đạo hãn thường dùng phối hợp với thuốc tư âm.
1. Ma hoàng căn.
Ma hoàng căn (Radis Ephedrae) là rễ cây ma hoàng Ephedra sinica Stapf, thuộc họ ma hoàng Ephedraceae.
Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh phế.
Tác dụng: Liễm phế chỉ hãn.
Chỉ định:
Điều trị khí hư tự hãn thường dùng cùng với hoàng kỳ, bạch truật. Điều trị âm hư đạo hãn thường dùng cùng với sinh địa ngũ vị tử. Điều trị hậu sản, mồ hôi ra không cầm thường dùng cùng với đương qui, hoàng kỳ như bài ma hoàng căn tán.
Liều dùng: 3 – 9g.
Chú ý: cấm dùng khi tà còn ở biểu.
Tác dụng dược lý: rễ ma hoàng có tác dụng nâng cao huyết áp, hưng phấn cơ trơn ở ruột – tử cung.
2. Phù tiểu mạch.
Phù tiểu mạch hạt chưa chín của cây tiểu mạch Triticum aestivum L, thuộc họ lúa Graminea.
Tính vị: ngọt, mát. Qui kinh tâm.
Tác dụng: liễm hãn, ích khí – trừ nhiệt.
Chỉ định:
Điều trị tự hãn dùng cùng với hoàng kỳ, ma hoàng căn. Trị đạo hãn thường dùng với ngũ vị tử, mạch môn, địa cốt bì.
Điều trị chứng cốt trưng triều nhiệt, thường phối hợp với huyền sâm, mạch môn, sinh địa, địa cốt bì.
Liều dùng: 15 – 30g.
Chú ý: cấm dùng khi tà ở biểu chứng gây ra mồ hôi.
THUỐC LIỄM PHẾ SÁP TRƯỜNG.
Thuốc trong nhóm này có tính toan – sáp thu liễm, chủ yếu nhập vào kinh phế – đại trường. Nhóm này phân ra hai loại; liễm phế giảm ho – hen và sáp trường chỉ tả (cầm đi lỏng). Điều trị ho hen lâu ngày phải chú ý đến phế – thận, dùng các thuốc bổ phế – bổ thận. Điều trị bệnh tả lỵ lâu ngày, nếu kiêm có tỳ thận dương hư, thường dùng cùng với các thuốc bổ tỳ thận; nếu kiêm có khí hư hạ hãm, thường dùng cùng với thuốc bổ khí thăng đề, nếu kiêm tỳ vị khí hư thường phối hợp với thuốc bổ ích tỳ vị.
1. Ngũ vị tử.
Ngũ vị tử (Fructus Schisandrae) là quả chín phơi khô của cây ngũ vị Schisandra chinensis (Turiz) Baill, thuộc họ ngũ vị Schisandraceae.
Tính vị: chua – ngọt – ấm. Qui kinh – phế – tâm – thận.
Tác dụng: liễm phế – tư thận, sinh tân liễm hàn, sáp tinh chỉ tả – an thần.
Chỉ định:
Ngũ vị tử vị chua để thu liễm, tính ôn mà lại nhuận, phía trên liễm phế khí, phía dưới tư bổ thận âm. Điều trị phế hư gây ho lâu ngày, thường dùng cùng với anh túc xác như bài ngũ vị tử hoàn.
Điều trị phế thận lưỡng hư gây ho hen thường dùng cùng với sơn thù, thục địa, hoài sơn như bài uất khí hoàn. Điều trị hàn ẩm ho hen thường dùng cùng với ma hoàng, tế tân, sinh khương.
Dùng trong chứng tiêu khát. Điều trị các chứng nhiệt làm thương âm, mồ hôi nhiều, miệng khát, thường dùng cùng với nhân sâm, mạch môn như bài sinh mạch tán. Trị âm hư nội nhiệt, khát – uống nhiều, thường dùng cùng với hoài sơn chi mẫu, thiên hoa phấn, hoàng kỳ như bài ngọc dịch thang.
Điều trị chứng đạo hãn – tự hãn, có thể dùng cùng với ma hoàng căn.
Điều trị chứng di tinh – hoạt tinh, thường dùng cùng với tang phiên tiêu, kim anh tử, long cốt.
Điều trị chứng tả lỵ không cầm thường dùng cùng với phá cố chỉ, ngô thù du, nhục đậu khấu như bài tứ thần hoàn.
Điều trị chứng hồi hộp – mất ngủ – ngủ hay mê, thường dùng cùng với sinh địa sân sâm, toan táo nhân.
Liều dùng: 3 – 6g.
Chú ý: cấm dùng khi tà còn ở biểu, bên trong thực nhiệt, ban sởi, ho khan giai đoạn đầu.
Tác dụng dược lý: hưng phấn TK trung ương, hưng phấn hệ thống hô hấp, giảm ho, tiêu đàm, giảm huyết áp, lợi đờm, bảo vệ tế bào gan, ức chế 1 số loại trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn âm đạo, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn.
2. Ô mai: mơ, hạnh.
Ô mai (Fructus Mune) là quả chín qua chế biến và sấy khô của cây mơ Prunus mume (Sieh.) Sieh. et Zucc, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.
Việt nam dùng quả chín phơi khô của cây mơ Prunus armeniaca L, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.
Tính vị: chua – sáp – bình. Qui kinh can – phế – tỳ – đại trường.
Tác dụng: liễm phế chỉ khái, sáp trường chỉ tả, giảm đau bụng do giun, sinh tân chỉ khát.
Chỉ định:
Điều trị chứng đau bụng do giun, buồn nôn, thường dùng cùng với tế tân, xuyên tiêu, hoàng liên, phụ tử như bài ô mai hoàn
Điều trị chứng hư nhiệt tiêu khát, thường dùng cùng với thiên hoa phấn, mạch môn, nhân sâm như bài ngọc tuyền tán. Ngoài ra ô mai còn có tác dụng cầm máu, điều trị băng huyết.
Liều dùng: 3 – 10g, liều cao 30g.
Chú ý: không dùng khi tà còn ở biểu chứng, hoặc thực nhiệt tích trệ.
Tác dụng dược lý: ô mai có tác dụng sát khuẩn, thực nghiệm trên ruột thỏ, có tác dụng ức chế vận động. Ngoài ra ô mai có tác dụng lợi mật, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
3. Ngũ bội tử.
Ngũ bội tử (Galla Chinensis) là những túi đặc biệt do nhộng của con sâu ngũ bội tử Schlechtendalia sinensis Bell gây ra trên cuống lá và cành của cây muối Rhus chinensis Mill, thuộc họ đào lộn hột Anacardiaceae.
Tính vị: chua – sáp – hàn. Qui kinh phế – đại trường – thận.
Tác dụng: liễm phế giáng hỏa – sáp trường chỉ tả, cố tinh, liễm hãn, chỉ huyết.
Chỉ định:
Điều trị chứng ho do phế hư, hoặc ho có đờm do phế nhiệt. Trị ho lâu ngày do phế hư thường dùng cùng với ngũ vị tử, anh túc xác. Trị ho có đờm do phế nhiệt thường dùng cùng với qua lâu, hoàng cầm, bi mẫu.
Điều trị chứng tả lỵ, thường dùng cùng với kha tử, ngũ vị tử.
Điều trị chứng di tinh – hoạt tinh, thường dùng cùng với long cốt, phục linh như bài ngọc tỏa đan.
Điều trị chứng tự hãn, đạo hãn; nghiền bột hòa với nước xoa vào rốn.
Điều trị chứng băng huyết, thường dùng cùng với tông lư thán, huyết dư thán. Trị đi đại tiện ra huyết, trĩ chảy máu thường dùng cùng với quỷ hoa, địa du. Ngoài ra ngũ bội tử còn có tác dụng giải độc, tiêu thũng, cầm máu dùng điều trị các chứng sa trực tràng, sa dạ con, mụn nhọt chảy nước, dùng bột hòa nước xoa ngoài, hoặc dùng nước sắc để rửa tại chỗ.
Liều dùng: 3 – 9g.
Chú ý: cấm dùng khi bị tả lỵ do thấp nhiệt.
Tác dụng dược lý: ngũ bội tử làm cố định protit tổ chức, tạo thành màng bảo vệ, ức chế bài tiết do tạo màng ngưng kết ở màng tế bào, làm khô se niêm mạc, lắng đọng protein ở mặt đoạn thần kinh nên có tác dụng gây tê cục bộ nhẹ. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, hương hàn – phó thương hàn – bạch hầu – trực khuẩn mủ xanh…
4. Anh túc xác: cù túc xác, anh tử túc.
Anh túc xác (Pericarpium Papaveris) là quả thuốc phiện sau khi đã lấy hạt và nhựa của cây thuốc phiện Papaver somniferum L, thuộc họ thuốc phiện Papaveraceae.
Tính vị: chua – sáp – bình, có độc. Qui kinh phế – đại trường – thận.
Tác dụng: sáp trường chỉ tả, liễm phế chỉ khái – chỉ thống.
Chỉ định:
Điều trị chứng tả lỵ lâu ngày, thường dùng cùng với kha tử, ô mai.
Điều trị chứng ho lâu ngày do phế hư, có thể dùng độc vị hoặc dùng phối hợp với ô mai như bài tiểu bách lao tán.
Điều trị chứng đau dạ dày, đau bụng, đau gân cơ , có thể dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với các bài cổ phương.
Liều dùng: 3 – 6g.
Chú ý: không nên dùng lâu, cấm dùng khi tà thực gây tiết tả giai đoạn đầu.
5. Kha tử.
Kha tử (Fructus Chebulae) là quả chín phơi khô của cây kha tử Terminalia chebnla Retz, thuộc họ bàng Combretaceae.
Tính vị: đắng – chua – sáp – bình. Qui kinh phế – đại trường.
Tác dụng: sáp trường chỉ tả – liễm phế chỉ khái – lợi yết khai âm.
Chỉ định:
Điều trị chứng tả lỵ lâu ngày, trĩ – sa trực tràng, thường dùng cùng với anh túc xác, can khương, trần bì như bài kha tử bì ẩm
Điều trị chứng ho lâu ngày, mất tiếng thường dùng cùng với nhân sâm, ngũ vị tử, hoặc với cát cánh, cam thảo như bài kha tử thang.
Liều dùng: 3 – 10g.
Chú ý: cấm dùng khi tà còn ở biểu, thấp nhiệt tích trệ.
Tác dụng dược lý: kha tử có tác dụng thu liễm, cầm đi ngoài, ức chế trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn.
6. Thạch lựu bì.
Thạch lựu bì (Pericarpiium Granati) là vỏ quả phơi khô của cây thạch lựu Punica granatum L, thuộc họ lựu Punicaceae.
Tính vị: chua – sáp – ôn. Qui kinh đại trường.
Tác dụng: sáp trường chỉ tả, diệt giun .
Chỉ định:
Điều trị chứng tả lỵ – trĩ, có thể dùng độc vị hoặc phối hợp cùng với nhục đậu khấu, kha tử. Nghiên cứu gần đây cho thấy có thể dùng điều trị lỵ trực khuẩn cấp.
Dùng để diệt các loại ký sinh trùng đường ruột (giun đũa – giun kim – sán), thường dùng cùng với binh lang. Ngoài ra thạch lựu bì còn có tác dụng sáp tinh, chỉ đới, chỉ huyết.
Liều dùng: 3 – 10g.
Tác dụng dược lý: ức chế Tụ cầu vàng – liên cầu tan huyết, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lao và 1 số trực khuẩn ngoài da.
7. Nhục đậu khấu.
Nhục đậu khấu (Semen Myristicae) là nhân phơi hay sấy khô của quả cây nhục đậu khấu Myristica fragrans Houtt, thuộc họ nhục đậu khấu Myristicaceae.
Tính vị: cay – ấm. Qui kinh tỳ – vị – đại trường.
Tác dụng: sáp trường chỉ tả – ôn trung hành khí.
Chỉ định:
Điều trị chứng đi lỏng do tỳ thận hư hàn, thường dùng cùng với quế nhục, đẳng sâm, bạch truật, kha tử. Trị tỳ thận dương hư, gây ngũ canh tiết tả thường dùng cùng với phá cố chỉ, ngũ vị tử, ngô thù du như bài tứ thần hoàn.
Điều trị chứng vị hàn gây bụng đầy trướng, ăn ít, buồn nôn thường dùng cùng mộc hương, can khương, bán hạ.
Liều dùng: 3 – 9g.
Chú ý: cấm dùng khi thấp nhiệt gây đi lỏng.
8. Xích thạch chi.
Xích thạch chi là khoáng vật, chủ yếu thành phần là {AL4(Si4O10)(OH)8 – 4H2O}
Tính vị: ngọt – sáp – ôn. Qui kinh vị – đại trường.
Tác dụng: sáp trường chỉ tả, thu liễm, chỉ huyết, bài nùng sinh cơ.
Chỉ định:
Điều trị chứng tả lỵ lâu ngày, thường phối hợp với thuốc ôn trung tán hàn như can khương – ngạnh mễ trong bài đào hoa thang.
Điều trị chứng băng huyết, bạch đới, đại tiện ra máu, thường dùng cùng với ô tặc cốt, khiếm thực.
Điều trị chứng mụn nhọt lở loét, thường dùng cùng với long cốt, huyết kiệt, nghiền nhỏ rắc lên miệng vết loét.
Liều dùng: 10 – 20g.
Chú ý: cấm dùng trong thấp nhiệt tích trệ, phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: hấp thụ các độc chất, độc tố vi khuẩn ở đường tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, cầm máu trong chảy máu đường tiêu hóa.
THUỐC CỐ TINH – SÁP NIỆU.
Thuốc trong nhóm vị chua, sáp, thu liễm, có tác dụng cố tinh – sáp niệu – chỉ đới. Một số vị thuốc còn có công dụng bổ thận.
1. Sơn thù du.
Sơn thù du (Fructus Corni) là quả chín phơi khô của cây sơn thù Cornus offcinalis Sieb et Zucc, thuộc họ sơn thù Cornaceae.
Tính vị: chua – sáp – hơi ôn. Qui kinh can – thận.
Tác dụng: bổ ích can thận – thu liễm cố sáp.
Chỉ định:
Điều trị chứng can thận hao hư, hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối, liệt dương. Sơn thù vừa là bổ thận ích tinh, vừa là ôn thận trợ dương, vừa là bổ âm vừa là bổ dương. Trị can thận âm hư thường dùng cùng với thục địa, hoài sơn như trong bài lục vị địa hoàng hoàn. Trị thận dương bất túc, thường dùng cùng với quế nhục, phụ tử như bài thận khí hoàn. Trị thận dương hư – liệt dương thường dùng cùng với ba kích, phá cố chỉ.
Điều trị chứng di tinh – di niệu, thường dùng cùng với thục địa, hoài sơn như bài lục vị hoàn – thận khí hoàn, hoặc dùng cùng với phúc bồn tử, kim anh tử, tang phiêu tiêu.
Điều trị chứng băng huyết đới hạ – kinh nguyệt quá nhiều thường dùng cùng với hoàng kỳ, bạch truật, long cốt, ngũ vị tử như bài cố thũng thang.
Điều trị chứng ra mồ hôi nhiều không cầm trong chứng hư thoát, thường dùng cùng với nhân sâm, phụ tử, long cốt. Ngoài ra còn chữa chứng tiêu khát, dùng cùng với sinh địa, thiên hoa phấn.
Liều dùng: 5 – 10g. Cấp cứu cố thoát dùng 20 – 30g.
Tác dụng dược lý: sơn thù có tác dụng lợi niệu, giảm huyết áp, ức chế TK lỵ, tụ cầu vàng. Thực nghiệm chứng minh sơn thù ức chế tế bào ung thư, ức chế giảm bạch cầu khi dùng hóa liệu, phóng xạ, hưng phấn thần kinh phó giao cảm.
2. Tang phiêu tiêu.
Tang phiêu tiêu (Ootheca Mantidis) là tổ trứng chưa nở của con bọ ngựa
Tenodera sinensis Saussure sống trên cây dâu Morus alba L, thuộc họ dâu tằm Moraceae.
Tính vị: ngọt – mặn – bình. Qui kinh can – thận.
Tác dụng: cố tinh sáp niệu – bổ thận trợ dương.
Chỉ định:
Điều trị chứng di tinh – di niệu. Trị thận hư gây di tinh, hoạt tinh thường dùng cùng với sơn thù, thỏ ty tử, phúc bồn tử. Trị trẻ em đái dầm, có thể dùng đơn độc, tán bột uống cùng với nước cơm. Trị thần trí không yên, tiểu tiện nhiều lần, đái đục, thường dùng cùng với viễn trí, long cốt, thạch xương bồ như bài tang phiêu tiêu tán.
Điều trị chứng liệt dương do thận hư, thường dùng cùng với lộc giác, nhục thung dung, thỏ ty tử.
Liều dùng: 6 – 10g.
Chú ý: cấm dùng khi âm hư hỏa vượng, thấp nhiệt bàng quang.
3. Kim anh tử.
Kim anh tử (Fructus Rosae Laevigatae) là qủa giả hay đế hoa chín phơi khô, loại bỏ hết quả thực ở trong (vẫn gọi nhầm là hạt) của cây kim anh Rosa laevigata Michx, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.
Tính vi: chua – sáp – bình. Qui kinh thận – bàng quang – đại trường.
Tác dụng: cố tinh sáp niệu – sáp trường chỉ tả.
Chỉ định:
Điều trị chứng di tinh – hoạt tinh – di niệu – tiểu nhiều lần, đới hạ, dùng đơn độc nấu thành cao để uống hoặc phối hợp dùng cùng với khiếm thực như bài thủy lục nhị tiên đan.
Điều trị chứng tả lỵ lâu ngày, thường dùng cùng với anh túc xác, khiếm thực.
Liều dùng: 6 – 12g.
Tác dụng dược lý: giảm mỡ máu, trên thực nghiệm có tác dụng sát khuẩn tụ cầu vàng – TK mủ xanh – TK lỵ.
4. Liên tử.
Liên tử (Semen Nelumbinis) là hạt sen bỏ mầm bên trong, phơi khô của cây sen Nelumbo nucifera Gaertn, thuộc họ sen Nelumbonaceae.
Tính vị: ngọt – sáp – bình. Qui kinh tỳ – thận – tâm.
Tác dụng: ích thận cố tinh – bổ tỳ chỉ tả – chỉ đới, dưỡng tâm.
Chỉ định:
Điều trị chứng thận hư di tinh, di niệu thường dùng cùng với khiếm thực, long cốt như bài kim tỏa cố tinh hoàn.
Điều trị chứng ăn kém đi lỏng do tỳ hư, thường dùng cùng với đẳng sâm, phục linh, bạch truật.
Điều trị chứng bệnh đới hạ, thường dùng cùng với phục linh, bạch truật, đẳng sâm, khiếm thực.
Điều trị chứng lo âu, hồi hộp, mất ngủ, thường dùng cùng với toan táo nhân phục thần, viễn trí.
Liều dùng: 10 – 15g.
5. Khiếm thực.
Khiếm thực (Semen Euryales) là hạt phơi khô của cây khiếm thực Euryale ferox Salisb, thuộc họ súng Nymphaeaceae.
Tính vị: ngọt – sáp – bình. Qui kinh tỳ – thận.
Tác dụng: ích thận cố tinh – kiện tỳ chỉ tả – trừ thấp chỉ đới.
Chỉ định:
Điều trị chứng di tinh, hoạt tinh, thường dùng cùng với kim anh tử như bài thủy lục nhị tiên đan.
Điều trị chứng ỉa chảy kéo dài do tỳ hư, thường dùng cùng với bạch truật phục linh, biển đậu.
Dùng trong bệnh đới hạ. Trị đới hạ do thấp nhiệt thường dùng cùng với hoàng bá, sa tiền tử, như bài dịch hoàng thang. Trị đới hạ do tỳ thận hư, thường dùng cùng với đẳng sâm, bạch truật, hoài sơn.
Liều dùng: 10 – 15g.
Để lại một phản hồi