Các vị thuốc bổ âm

Thuốc bổ âm phần lớn tính vị ngọt, hàn, nhuận để điều trị các chứng âm hư – dịch hao.

Chứng âm hư phần lớn gặp trong bệnh phát sốt giai đoạn cuối hoặc một số bệnh mãn tính khác. Chứng hàn thường gặp là phế – vị – can – thận âm hư. Thuốc bổ thận âm thường cũng có tác dụngbổ phế âm, bổ can âm. Khi dùng thuốc bổ âm phải căn cứ theo chứng mà phối hợp thuốc. Nếu nhiệt tà thương âm mà nhiệt tà chưa giải thì phải dùng cùng với thuốc thanh nhiệt. Nếu âm hư nội nhiệt thì phối hợp với thuốc hư nhiệt. Nếu âm hư dương cang thì phối hợp với thuốc tiềm dương. Khi dùng thuốc bổ âm phải căn cứ vào qui luật âm dương hỗ căn, nên dùng thêm thuốc bổ dương để giảm bớt tính ngưng trệ của thuốc bổ âm.

Chú ý: không nên dùng trong những người tỳ vị hư nhược, đàm thấp nội trệ.

 

1. Bắc sa sâm.

Bắc sa sâm (Radis Glehniae) là rễ phơi hay sấy khô của cây sa sâm Glehnia littoralis Fr. Schmidt ex Miq, thuộc họ hoa tán Umbellyfereae.

Tính vị: ngọt, hơi đắng, hơi hàn. Qui kinh phế – vị.

Tác dụng: dưỡng âm thanh phế, ích vị sinh tân.

Chỉ định:

Điều trị phế âm hư gây ho khan, ít đờm, họng khô, giọng khàn, thường dùng cùng với mạch môn, thiên hoa phấn, xuyên bối mẫu.

Điều trị vị âm hư, tân dịch bất túc gây miệng khô họng khát, chất lưỡi hồng giáng, đau bụng âm ỉ, nôn khan thường dùng cùng với mạch môn, thạch hộc.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: giảm nhiệt độ, giảm đau, tăng cường khả năng tâm thu.

2. Bách hợp.

Bách hợp (Bulbus Lilii) là dò do nhiều lá kết lại phơi khô của cây bách hợp  Lilium brownii F.E.Brown var. viridulum Baker, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.

Tính vị:  ngọt, hơi đắng, hơi hàn. Qui kinh phế – vị

Tác dụng: dùng làm nhuận phế – ích vị sinh tán, thanh tâm trừ phiền.

Chỉ định:

Điều trị phế âm hư gây táo nhiệt, ho khan, đờm lẫn máu, thường phối hợp dùng với khoản đông hoa như bài bách hóa cao, hoặc dùng cùng với sinh địa, huyền sâm, xuyên bối mẫu như bài bách hợp cố kim thang

Điều trị bệnh sốt lâu ngày, hư phiền, mất ngủ, hay mê, thường dùng cùng với tri mẫu, sinh địa như bài bách hợp chi mẫu thang, bách hợp địa hoàng thang.

Liều dùng: 10 – 30g.

3. Mạch môn.

Mạch môn (Radis Ophyopogonis) là rễ củ phơi khô của cây mạch môn Ophyopogon faponicus (L.f.) Kev – Gawl, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.

Tính vị: ngọt, hơi đắng, hơi hàn. Qui kinh phế – vị.

Tác dụng: dưỡng âm nhuận phế, ích vị sinh tán, thanh tâm trừ phiền.

Chỉ định:

Điều trị phế âm bất túc, ho khan, đàm dính, họng khô, mũi khô, thường dùng cùng tang diệp, hạnh nhân, a giao như bài thanh táo cầu phế thang.

Điều trị vị âm hư, miệng khô họng khát, đại tiện táo kết, thường dùng cùng ngọc trúc, sa sâm như bài ích vị thang. Sốt lâu ngày gây tổn hao tân dịch, đại tiện bí kết, thường dùng cùng với huyền sâm, sinh địa như bài tăng dịch thang.

Điều trị tâm âm hư, tâm phiền mất ngủ, lưỡi khô, hồng giáng, thường dùng cùng với sinh địa, toan táo như bài thiên vương bổ tâm đan.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: tăng bạch cầu ngoại vi, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường tác dụng của tố chất tuyến thượng thận, chống loạn nhịp tim, giãn mạch ngoại vi, giảm đường máu, ức chế 1 số vi khuẩn.

4. Thiên môn đông.

Thiên môn đông (Radis Asparagi) là rễ củ phơi khô của cây thiên môn Asparagus cochinchinensis (.Lour.) Merr, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.

Tính vị: ngọt, đắng, hàn. Qui kinh phế thận.

Tác dụng: dưỡng âm nhuận táo, thanh hỏa, sinh tân.

Thiên môn đông

Chỉ định:

Điều trị âm hư phế nhiệt, ho khan, ho lẫn máu, thường dùng cùng với mạch môn, sa sâm,  xuyên bối mẫu, a giao.

Điều trị âm hư hỏa vượng, di tinh thường dùng cùng với thục địa, tri mẫu, hoàng bá.

Trị tiêu khát, nhiệt bệnh thương tân thường dùng cùng với nhân sâm, sinh địa như bài tam tài thang.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: giảm ho trừ đờm, chống lại sự phát triển tế bào ung thư, ức chế 1 số khuẩn.

 

5. Thạch hộc: hoàng thảo, hắc tiết thảo.

Thạch hộc (Herba Dendrobii) là thân phơi khô của cây hoàng thảo Dendrobium loddigesii Rolfe, thuộc họ lan Orchidaceae.

Tính vị: ngọt, hơi hàn. Qui kinh vị – thận.

Tác dụng: dưỡng âm thanh nhiệt, ích vị sinh tân.

Chỉ định:

Điều trị nhiệt bệnh thương tân, sốt ít, phiền táo, miệng khô, họng khát, lưỡi hồng, rêu ít thường dùng cùng với sinh địa,  mạch môn.

Điều trị vị âm bất túc, miệng khô, họng khát, ăn ít, buồn nôn đau bụng âm ỉ, thường dùng cùng với mạch môn, trúc nhự, bạch thược. Ngoài ra bạch thược có tác dụng bổ thận, dưỡng can minh mục, cường cân cốt.

Liều dùng: 10 – 15g. Dùng tươi 15 – 30g.

Tác dụng dược lý: giảm đau, hạ sốt, tăng tiết dịch vị đường tiêu hóa giúp kích thích tiêu hóa.

 

6. Ngọc trúc.

Ngọc trúc (Rhizoma Polygonati odorati) là thân rễ phơi khô của cây ngọc trúc Polygonatum odoratum (Mill.) Bruce, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.

Tính vị: ngọt,  hơi hàn. Qui kinh phế – vị.

Tác dụng: dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát.

Chỉ định:

Điều trị âm hư phế táo, ho khan ít đờm, thường dùng cùng với sa sâm mạch môn, xuyên bối mẫu.

Điều trị nhiệt bệnh thương tân, phiền táo khát, tiêu khát thường dùng cùng với thiên hoa phấn, sinh địa.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: cường tim, tăng huyết áp khi dùng cùng với đẳng sâm, cải thiện thiếu máu cơ tim, giảm đường máu, giảm mỡ máu.

 

7. Hoàng tinh: cây cơm nếp.

Hoàng tinh (Rhizoma Polygonati) là thân rễ phơi khô của cây hoàng tinh Polygonatum sibiricum Red, thuộc họ hành tỏi Liliaceae. Không nên nhầm với cây hoàng tinh hay củ dong, thuộc họ dong Marantaceae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh tỳ – phế – thận.

Tác dụng: tư thận nhuận phế, bổ tỳ ích khí.

Chỉ định:

Điều trị âm hư phế táo, ho khan đàm ít, thường dùng cùng với sa sâm, xuyên bối mẫu, tri mẫu, bạch bộ…

Điều trị tỳ vị hư nhược, gây mệt mỏi, ăn không tiêu, mạch hư, thường dùng cùng với đẳng sâm, bạch truật. Điều trị tỳ vị âm hư gây miệng khô, ăn ít, lưỡi hồng không rêu, thường dùng cùng thạch hộc, mạch môn, sơn dược.

Thận hư tinh hao, thường dùng cùng với kỷ tử.

Liều dùng: 10 – 30g.

Tác dụng dược lý: tăng cường khả năng miễn dịch, chống lão suy, chống mệt mỏi, tăng sức chịu đựng thiếu ôxy, tăng cường trao đổi chất, giảm đường máu, ức chế khuẩn.

 

8. Câu kỷ tử: khởi tử, địa cốt tư.

Câu kỷ tử (Fructus Lycii) là quả chín phơi khô của cây câu kỷ Lycium barbarum L, thuộc họ cà Solanaceae.

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh can – thận

Tác dụng: bổ can thận,  minh mục.

Chỉ định:

Điều trị can thận bất túc, đau lưng di tinh, hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm sút, tiêu khát, thường dùng phối hợp với thục địa, thỏ ty tử, cúc hoa như bài kỷ cúc địa hoàng hoàn. Trị tiêu khát thường dùng cùng với sinh địa, mạch môn, thiên hoa phấn.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: tăng bạch cầu máu ngoại vi, tăng cường miễn dịch thể dịch, tăng khả năng tạo máu, chống lão suy, chống ung thư, giảm đường máu.

 

9. Tang thầm.

Tang thầm (Fructus Mori) là quả chín của cây dâu Morus alba L, thuộc họ dâu tằm Moraceae.

Tính vị: ngọt, hàn. Qui kinh can , thận.

Tác dụng: tư âm bổ huyết, sinh tân, nhuận tràng.

Chỉ định:

Điều trị âm huyết hao hư, chóng mặt ù tai, hoa mắt, mất ngủ, lông tóc bạc, di tinh, thường phối hợp dùng cùng với hà thủ ô như bài thủ ô diễn thọ đan.

Trị tân thương khẩu khát, tiêu khát thường dùng cùng với mạch môn thiên hoa phấn. Trị trường táo tiện bí thường dùng cùng với hà thủ ô, hỏa ma nhân. – Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: tăng cường miễn dịch, tăng cường tác dụng của tế bào lympho.

10. Qui giáp: yếm rùa.

Qui giáp (Carapax Et Plastrumtestudinis) là yếm phơi khô của con rùa Chinemys reevesii (Gray), thuộc họ rùa Testudinidae.

Tính vị: ngọt, mặn hàn. Qui kinh can , thận tâm.

Tác dụng: tư âm tiền dương, ích thận kiện cốt, cố kinh chỉ huyết, dưỡng huyết bổ tâm.

Quy bản

Chỉ định: 

Điều trị âm hư nội nhiệt, cốt trưng đạo hãn, thường dùng phối hợp với thục địa, tri mẫu, hoàng bá như bài đại bổ âm hoàn. Trị âm hư dương cang, hoa mắt chóng mặt, thường dùng cùng với sinh địa, thạch quyết minh, cúc hoa. Trị nhiệt bệnh thương âm, hư phong nội động, lưỡi khô hồng giáng, thường dùng phối hợp với sinh địa, miết giáp.

Điều trị thận hư, đau lưng mỏi gối, cân cốt rã rời, phối hợp với thục địa, tỏa dương, ngưu tất.

Điều trị âm hư huyết nhiệt, xung nhâm bất cố, gây băng lậu, kinh nguyệt quá nhiều thường dùng cùng với hoàng bá, hương phụ như bài cố kinh hoàn.

Điều trị tâm hư, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, hay quên, thường dùng cùng với long cốt, viễn trí.

Liều dùng: 15 – 30g.

Tác dụng dược lý: tăng cường khả năng miễn dịch.

 

11. Miết giáp: mai ba ba.

Miết giáp (Carapax Trionycis) là mai con ba ba Trionyx sinensis Wiegmann, thuộc họ ba ba Triomychidae.

Tính vị: mặn, hàn. Qui kinh can, thận.

Tác dụng: tư âm tiềm dương, nhuyễn kiên, tán kết.

Chỉ định:

Điều trị âm hư phát nhiệt, thường dùng cùng với thanh cao, tần cửu, tri mẫu như bài thanh cao miết giáp thang, tần cửu miết giáp tán. Trị âm hư dương can, hoa mắt chóng mặt thường dùng cùng với sinh địa, cúc hoa. Trị nhiệt bệnh thương âm, âm hư phong động, lưỡi khô hồng giáng thường dùng cùng với sinh địa, qui giáp. 

Khối u tích tụ trong ổ bụng, sốt rét, thường dùng phối hợp với sài hồ, đan bì như bài miết giáp tiễn hoàn.

Liều dùng: 10 – 30g, nên sắc trước.

Tác dụng dược lý: ức chế tăng sinh tổ chức tế bào gan và tỳ, nâng cao protit huyết tương, kháng tế bào ung thư.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*