BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ VỀ BỆNH ÔN NHIỆT ( BỆNH TRUYỀN NHIỄM)

Bài thuốc trị ôn bệnh

ĐẠI CƯƠNG.

Khái niệm.

Bệnh ôn nhiệt thường chỉ những triệu chứng ngoại cảm do lục dâm và lệ khí gây nên, bệnh cấp tính mà triệu chứng chủ yếu mở đầu là sốt cao. Trong biện chứng bệnh ôn nhiệt của y học cổ truyền bao gồm 3 loại lớn; có lục kinh, tam tiêu và vệ, khí, doanh, huyết. Đặc điểm lâm sàng cũng có giai đoạn kéo dài, cũng có giai đoạn ngắn. Trong phần này chủ yếu là trình bày biện chứng về vệ, khí, doanh, huyết. Đương nhiên cũng có phần liên quan hoặc tương tự với lục kinh và tam tiêu, sẽ giới thiệu thêm.

Biện chứng luận trị.

Vệ, khí, doanh, huyết là một bộ phận cấu tạo nên cơ thể, vì vậy sau khi cơ thể cảm nhiễm chứng ôn nhiệt sẽ làm thay đổi chức năng của vệ, khí, doanh, huyết. Sự ảnh hưởng thường theo qui luật nhất định, qui luật của bốn giai đoạn hay bốn thời kỳ; nông, sâu, nặng, nhẹ thoái lui. Mọi nguyên tắc điều trị bệnh ôn nhiệt đều phải dựa theo bốn thời kỳ phát bệnh. Trước hết biện chứng luận trị phải chú ý một số đặc điểm.

Phân biệt vị trí phát bệnh: phần vệ của bệnh ôn nhiệt tương ứng với biểu chứng của bát cương, còn phần khí, doanh, huyết tương ứng với lý chứng của chẩn đoán bát cương. Bệnh tà ở phần khí thường có triệu chứng phế, tỳ, đại trường, vị và đởm. Bệnh tà ở phần doanh thường có triệu chứng của tâm và can. Bệnh tà ở phần huyết thường có triệu chứng của tâm, can và thận.

Đặc trưng của các giai đoạn.

Triệu chứng đặc trưng của vệ khí: phát sốt, sợ rét, đau đầu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc phù sác.

Triệu chứng đặc trưng của phần khí: sốt cao không sợ lạnh, vã mồ hôi (phát hãn), miệng khát, thích uống, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hồng sác hoặc trầm thực.

Triệu chứng đặc trưng của phần doanh: phát sốt càng giữa đêm sốt càng cao phiền táo, thần chí không minh mẫn, mê sảng, loạn ngôn, miệng không khát, có thể thấy xuất huyết mờ ở dưới da, lưỡi ráng đỏ, rêu ít hoặc không có rêu, mạch tế sác.

Triệu chứng đặc trưng ở phần huyết: cũng như triệu chứng của doanh phận thần chí bất thanh (bán hôn mê), táo quá phát cuồng, xuất huyết rõ, nặng có thể thấy nôn ra máu, đái máu hoặc đại tiện có máu, chất lưỡi ráng đỏ hoặc tía mà khô, không có rêu, mạch trầm tế sác.

Quy luật chuyển biến của bệnh.

Nhìn chung quy luật chuyển biến là vệ, khí, doanh, huyết theo tuần tự nông vào sâu, nhưng có khi bệnh phát triển không theo quy luật chung đó: tà khí vào thẳng phần khí hoặc doanh huyết không qua phần vệ và cũng có thể cả vệ khí doanh huyết cùng phát bệnh hoặc không thấy triệu chứng của vệ của khí mà phát bệnh đã thấy triệu chứng của doanh và huyết. Sở dĩ có những quy luật trái thường là do tương quan giữa tính chất của tà khí và tính phản ứng của trạng thái cơ thể người bệnh khác nhau, tính chất nặng nhẹ, tiên lượng bệnh phụ thuộc nhiều vào sức đề kháng (chính khí), yếu tố nội nhân của cơ thể.

Xác định phương pháp trị liệu.

Bệnh ở phần vệ giải biểu, phần khí phải thanh khí, bệnh ở phần doanh phải thanh doanh tiết nhiệt, bệnh ở phần huyết phải lương huyết giải độc.

Bài thuốc trị ôn bệnh

NỘI DUNG BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ CỦA BỐN GIAI ĐOẠN.

Bệnh ở phần vệ.

Giai đoạn khởi phát thường phát sốt, sợ rét, đau đầu, đau mình, chi thể, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Vì phát bệnh theo mùa nên tính chất của bệnh tà và đề kháng cơ thể khác nhau, nên lâm sàng có những điểm khác nhau. 

Biểu chứng phong ôn: sốt nhiều, rét ít, không sợ rét nhưng có ho khái thấu, chảy nước mũi hoặc tắc ngạt mũi, miệng hơi khát, đầu và rìa lưỡi hơi hồng, mạch phù sác. Thường gặp ở hai mùa đông xuân do ngoại tà là phong ôn xâm nhập phế vị, ôn tà thuộc nhiệt nên phát sốt nặng, rìa lưỡi và đầu lưỡi đỏ, mạch sác. Nhiệt tà thương tân nên miệng khát tương đương biểu nhiệt của biện chứng bát cương.

Pháp trị: tân lương giải biểu thường dùng ngân kiều tán gia giảm, nếu sợ lạnh dùng liều thấp kinh giới, đạm đậu xị, nếu sốt cao tăng liều kim ngân hoa, liên kiều. Nếu miệng khát gia thiên hoa phấn, khái thấu gia hạnh nhân hoặc thay bài “tang cúc ẩm”, nếu khái huyết gia bạch mao căn, sơn chi tử, tây thảo căn, bỏ kinh giới, đậu xị, nếu đau họng hầu, đau xưng trước tai thêm huyền sâm, bản lam căn, tức ngực, chướng bụng thêm hoắc hương, uất kim, nếu xuất huyết ngoài da, sốt tăng bỏ kinh giới, đạm đậu xị, bạc hà thêm đan bì, sinh địa, đại thanh diệp.

Chỉ định điều trị: sốt truyền nhiễm, cảm mạo, viêm kết mạc cấp, viêm amyđan cấp, viêm phế quản cấp tính, quai bị (viêm tuyến nước bọt), viêm não, màng não cấp tính thời kỳ đầu (biểu hiện phong ôn biểu chứng) 

Biểu chứng thử ôn:

Triệu chứng: có triệu chứng đặc trưng của phần vệ, mình nặng, tức thượng vị , không có mồ hôi hoặc ít mồ hôi, rêu lưỡi trắng nhờn, chất lưỡi hồng nhợt, mạch nhu sác. Đa phần bệnh phát sinh vào mùa hạ vì ngày nắng hạ thường bị thương thử (cảm nắng) lại bị nhiễm lạnh hoặc ngâm nước lạnh thành chứng hàn thử thấp. Hàn uất ở cơ biểu tất sẽ sợ lạnh vô hãn, thử là hoả tà, vì vậy phát sốt, mạch sác, thử làm tổn thương tân dịch, vì vậy mà chất lưỡi thon hồng, thử nhiều kiêm thấp nên toàn thân tân quản nặng nề, đau tức, mạch nhu.

Pháp điều trị: giải biểu thanh thử thường dùng “hương nhu ẩm”. Chỉ định trong các bệnh truyền nhiễm, cảm mạo, viêm não thời kỳ đầu.

Ôn thấp biểu chứng (biểu chứng ôn thấp): 

Có triệu chứng đặc trưng bệnh ở vệ khí, đầu nặng, đầu choáng, chi thể nặng nề, các khớp đau mỏi, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoãn, bệnh thường phát vào tiết tính thủy do thấp nhiệt tà xâm phạm phần biểu mà phát bệnh, đặc tính của thấp là nê trệ nên có triệu chứng trên.

Pháp điều trị: giải biểu hoà thấp thường dùng “tam nhân thang” gia phong lan. Thường được chỉ định ở giai đoạn đầu của ruột cảm phải hàn tà, viêm gan truyền nhiễm, viêm đường tiết niệu, cảm sốt truyền nhiễm và cảm mạo.

Biểu chứng thu táo: 

Triệu chứng đặc trưng: miệng khô, ho khan, họng mũi khô, rêu lưỡi trắng mỏng mà khô, mạch phù mà tế. Thường bệnh phát vào mùa thu do táo tà xâm phạm vào phế vệ, táo tà đặc biệt dễ làm tổn thương phế, tổn thương tân dịch (phế thuộc táo kim). Triệu chứng ho khan, hầu, họng, mũi khô, trong thu táo thường sợ lạnh nhiều, mạch phù mà khẩn gọi là lương táo, nếu sốt cao, miệng khát, mạch phù mà sác là ôn táo.

Pháp chữa: phải ôn táo kèm theo tán hàn giải biểu, tuyên phế nhuận táo thường dùng tang hạnh thang. Lương táo, ôn táo khi truyền vào vệ khí đều chuyển thành nhiệt táo, điều trị phải thanh phế nhuận táo thường dùng “thanh táo cứu phế thang”. Thường được dùng trong thời kỳ đầu bệnh truyền nhiễm, cảm mạo, bạch hầu, ma tý tiểu nhi…

Biểu chứng phong hàn: tương đương với biểu hàn trong chẩn đoán bát cương cũng chính là hội chứng thái dương trong biện chứng lục kinh, thường phát bệnh vào mùa hè (mùa đông) do tà khí phong hàn phạm vào phần vệ. Khi điều trị phải dùng tân ôn giải biểu. Chứng biểu thực hàn phải dùng bài thuốc “ma hoàng thang” hoặc bài kinh phòng giải biểu thang. Nếu biểu chứng hư hàn phải dùng bài thuốc quế chi thang điều hoà vệ biểu.

Chỉ định trong các bệnh: cảm sốt truyền nhiễm, cảm mạo và các triệu chứng biểu phong hàn đều có thể dùng được 5 nhóm bệnh trên về lâm sàng thường gặp nhiều hơn là biểu chứng phong ôn; rêu lưỡi từ trắng chuyển thành vàng là chỉ tiêu chính đánh giá bệnh từ biểu chuyển vào phần lý. Biểu chứng thử ôn nếu không kết hợp với hàn tà bệnh biến nhanh, quá trình bệnh ở phần vệ rất ngắn. Sau đó ít gặp hơn là phong ôn, thấp ôn thu táo, quá trình chuyển biến chậm là biểu chứng phong hàn.

Bệnh ở phần khí.

Bệnh ở phần khí là giai đoạn thứ hai của bệnh ôn nhiệt, triệu chứng đặc trưng là; phát sốt tương đối cao, không sợ lạnh, miệng khát, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác. Bệnh tà xâm phạm vào phần khí, tà khí thịnh còn chính khí cũng thịnh, khí hữu dư thành hoả vì vậy phần khí nóng. Ngoài ra, ôn thấp từ phần vệ chuyển vào phần khí đều biến thành chứng nhiệt ở khí phận. Trên lâm sàng có thể không phân biệt riêng lẻ phong, hàn, lương, táo…thường gặp các hội chứng sau.

Khí phận nhiệt thịnh (nhiệt ở phần khí)

Triệu chứng đặc trưng là: sốt rất cao, khát nhiều, vã mồ hôi, mạch hồng đại, rêu lưỡi vàng mà khô đỏ, có thể có co giật, nói mê sảng, do khí phận nhiệt thịnh, vì vậy có sốt cao, mặt đỏ. Lý nhiệt hại tân bức tân dịch nên vã mồ hôi (đại hàn), sốt rất cao kết hợp với đại hãn làm tổn thương tân dịch nên sinh khát nước nhiều, nhiệt vào tâm thần nên nói loạn ngôn, mê sảng, co giật, đó là nhiệt cực sinh phong.

Pháp điều trị: phải thanh nhiệt sinh tân, thường dùng bạch hổ thang, nếu có tức ngực, nặng mình mẩy, khát không uống nhiều, rêu lưỡi nhờn là có thấp trọc kèm theo phải trọng dụng các vị thuốc phương hương hóa thấp như phong lan, hoắc hương, có nói sảng phải gia thêm liên kiều, mạch đông, trúc diệp, nếu co giật phải thêm địa long, câu đằng, nếu nhiệt tà quá thịnh, vã mồ hôi nhiều, khát nhiều, mạch hồng đại, vô lực là nhiệt làm tổn thương tân khí phải thêm thuốc ích khí sinh tân tây dương sâm hoặc dùng “vương thị thanh thử ích khí thang”

Đàm nhiệt tụ phế (đàm nhiệt trở phế)

Triệu chứng đặc trưng có bệnh ở phần khí: ho tức ngực, nhiều đờm, màu rêu vàng dính, khí suyễn, mạch hoạt sác. Do nhiệt tà thương phế thiêu đốt tân dịch mà thành đàm vàng, đàm nhiệt trở phế, phế không tuyên giáng được nên suyễn ho đau ngực.

Pháp điều trị: thanh phế tiết nhiệt, hoá đàm bình suyễn thường dùng ma hạch thạch cam thảo, tham gia ngưu bàng tử, đông qua tử, liên kiều, hoàng cầm, nếu miệng khát thêm lô căn, thiên hoa phấn, nếu tiện bế bụng chướng gia thêm đại hoàng, qua lâu nhân (dùng trong viêm phế quản cấp tính phế viêm).

Vị trướng thực nhiệt (nhiệt ở vị trướng)

Triệu chứng chính là sốt cao hoặc sốt về chiều, đại tiện táo hoặc vàng lỏng, bụng dưới chướng đầy, đau bụng cự án, phiền táo loạn ngôn, tay chân nhiều mồ hôi, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc lá gai lưỡi xám đen, mạch trầm xác hữu lực. Do tà nhiệt vào lý đình trệ ở đại trường nên trướng vị tích nhiệt, lý nhiệt thịnh thương tân, tân dịch hao tổn gây sốt cao hoặc sốt về chiều, tay chân nhiều mồ hôi, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc gai lưỡi xám đen, nhiệt động tâm thần nên loạn ngôn, táo kết ở trướng nên phần bụng dưới chướng đầy, bụng đau cự án hoặc đại tiện táo kết hoặc lỏng vàng.

Điều trị: tả hạ tiết nhiệt thường dùng bài thuốc “đại thừa khí thang”, nếu bụng chướng đau nhiều thêm liều hậu phác, chỉ thực. Nếu đại tiện táo kết tăng liều đại hoàng, mang tiêu. Nếu miệng khô, lưỡi khô thêm sinh đại, mạch môn, nên dùng một hoặc hai thang sau khi đại tiện cải thiện tốt tuỳ theo mà phối phương thuốc cho phù hợp. Bài thuốc thường dùng trong bệnh truyền nhiễm, viêm não thời kỳ toàn phát.

Khí phận thấp ôn (lý nhiệt kiêm thấp)

Triệu chứng chủ yếu là bệnh ở khí phận, mình nặng, ngực tức, bụng chướng đầy, khát mà không muốn uống, tinh thần mệt mỏi, tai ù, tiểu tiện ngắn sác, đại tiện bất thường, lưỡi đỏ, rêu vàng trắng nhưng dầy nhờn, mạch huyền hoãn có thể kèm theo phúc tả hoặc xuất hiện vàng da, phát ban trắng đỏ, hoặc thần hôn loạn ngôn (nói sảng). Do thấp nhiệt trở trệ ở khí phận, nổi mụn trắng có nước ở trên da giống như hạt vừng, do thấp nhiệt nội uẩn, hàn xuất không hết mà sinh ra đa số xuất hiện ở cổ, trán, mặt và bụng, ngực, mụn mọng nước, căng, sáng bóng là thuận, khô dính xám là nghịch, thần hôn loạn ngôn mà lưỡi đỏ, rêu vàng trắng, dầy nhờn là thấp nhiệt kiêm đàm tụ che lấp tâm khiếu khác với nhiệt nhập tâm bào mà sinh hôn mê.

Điều trị: phải thanh khí hóa thấp thường dùng bài thuốc “cam lộ tiêu độc ẩm”, nếu như có sốt cao, miệng khát, phiền nhiều có thể thêm thạch cao, tri mẫu, nếu sốt không cao, miệng không khát là thấp nhiều, nhiệt ít thêm phong lan. Nếu có hoàng đản thêm nhân trần, kê cốt thảo, điền có hoàng, nếu lỵ tật phải dùng bài cát cầm liên thang, nếu thần hôn loạn ngôn phải dùng xương bồ uất kim thang (thạch xương bồ, uất kim, chế sơn chi, liên kiều, cúc hoa, hoạt thạch, đan bì, đạm trúc diệp, ngưu bàng tử, trúc lịch, nước gừng sống, ngọc khu đan) để thanh nhiệt hóa thấp, giáng đàm khai khiếu, quá trình bệnh thấp ôn tương đối dài, bệnh tình phức tạp, đàm nhiều thấp là âm tà, tính nó dính trệ dễ tổn thương đến dương khí khi điều trị không nên dùng thuốc quá hàm lượng hoặc dùng thuốc hư nhờn nhiều. Trường vị có hàn đều có thể ngưng thành lịch hay gặp trong bệnh viêm gan truyền nhiễm hoặc lỵ cấp tính.

Khí vệ đồng bệnh.

Triệu chứng: đặc trưng của phần vệ là toàn thân đau mỏi, lạnh và sợ lạnh. Sở dĩ gọi biểu lý đồng bệnh vì biểu tà chưa được giải hết lại tiếp tục chuyển vào phần lý. Đông y cho rằng ”hữu thất phân ác hàn (ố hàn) thì hữu nhất phân biểu chứng” nghĩa là ý nghĩa quan trọng của chẩn đoán biểu chứng  là sợ lạnh. Khi khí vệ đồng bệnh dùng pháp thanh khí giải biểu. Ví dụ bệnh thân cảm nhiễm biểu hiện lâm sàng có biểu nhiệt và lý nhiệt, có thể dùng hợp phương bạch hổ thang và ngân kiều tán, nếu như bệnh nhân có triệu chứng biểu hàn và lý nhiệt có thể dùng bài thuốc sài cát giải cơ thang (sài hồ, cát căn, khương hoạt, bạch chỉ, hoàng cầm, bạch thược, cát cánh, cam thảo, thạch cao, sinh khương, đại táo), các phương pháp trên đều là biểu lý song giải.

Bán biểu, bán lý:

Triệu chứng: chính là hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, nôn khan, chán ăn, tâm phiền, miệng đắng, họng khô, mắt hoa, rêu lưỡi trắng, mạch huyền, chủ yếu bệnh tà xâm phạm đởm kinh, tà khí và chính khí giao tranh ở giữa biểu và lý. Bệnh thiếu dương cũng được mô tả trong biện chứng lục kinh.

Điều trị phải dùng phép hoà giải, thường dùng bài thuốc tiểu sài hồ thang (sài hồ, hoàng cầm, chế bán hạ, sinh khương, cam thảo), nếu miệng khát bỏ bán hạ gia thêm thiên hoa phấn, trúc nhự, nếu hàn nhiều gia thêm quế chi, nhiệt nhiều gia thêm hoàng liên, nếu kèm theo đại tiện, bế bụng, chướng đau phải gia thêm đại sài hồ thang.

Liên hệ y học hiện đại: các bệnh truyền nhiễm, viêm đường mật, ngược tật (sốt rét, sốt miền ngược) đều có thể chỉ định được bằng phương thuốc trên, nếu ngược tật gia thêm thảo quả, thường sơn.

Bệnh ở phần doanh.

Thường do bệnh từ phần khí hoặc phần vệ chuyển vào, nhưng cũng có khi ngay từ đầu đã có triệu chứng của phần doanh, tà khí vào thẳng phần doanh, vì vậy không thấy triệu chứng của vệ và khí. Có thể nhiệt truyền thẳng vào khí, doanh phận vào tâm và can nên xuất hiện sớm triệu chứng nhập tâm bào và nhiệt động can phong.

Bệnh ở doanh phận: sốt cao về đêm, không khát nhiều, tâm thần mê sảng, loạn ngôn hoặc xuất hiện ban chẩn lờ mờ, lưỡi ráng đỏ, không rêu, mạch tế sác. Do nhiệt tà vào phần doanh và âm doanh bị tổn thương vì thế nên phát sốt cao về đêm, lưỡi ráng đỏ, không có rêu, mạch tế sác. Nhiệt trưng âm doanh thăng lên, vì vậy nên không khát nhiều. Nhiệt nhập tâm thần nên phiền táo không yên hoặc loạn ngôn, nhiệt nhập mạch lạc nên ban chẩn lờ mờ.

Pháp điều trị: thanh doanh tiết nhiệt thường dùng bài thuốc thanh doanh thang. Chỉ định dùng trong viêm não, viêm não màng não và các bệnh truyền nhiễm có triệu chứng ở phần doanh.

Doanh vệ đồng bệnh (doanh nhiệt kèm theo biểu chứng): bệnh doanh phần kèm theo đau đầu, đau mình, sợ lạnh gọi là vệ doanh đồng bệnh, khi điều trị dùng thanh doanh tiết nhiệt kết hợp với tân lương giải biểu. Ví dụ dùng bài thuốc thanh doanh thang và ngân kiều tán kết hợp.

Khí doanh đồng bệnh: bệnh có triệu chứng của phần doanh kèm theo có triệu chứng của phần khí có rêu lưỡi trắng vàng, chất lưỡi ráng là doanh khí đồng bệnh. Khi điều trị phải thanh khí lương doanh có thể dùng bài thuốc bạch hổ thang cộng thanh doanh thang gia giảm.

Nhiệt nhập tâm bào.

Triệu chứng chính: rối loạn ý thức ở mức độ khác nhau, nói khó, phản ứng chậm, có ảo thính, ảo giác, thần hôn loạn ngôn, nếu nặng thì hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, chất lưỡi ráng, mạch hoạt tế sác, có thể có bệnh nhân co giật. Do nhiệt nhập tâm bào gây bế trở tâm khiếu gọi là “bế chứng”.

Phương pháp điều trị: thanh doanh tiết nhiệt, thanh tâm khai khiếu, thường dùng thanh doanh thang gia thêm tử tuyết đan hoặc dùng an cung ngưu hoàng hoặc dùng chỉ ngọc đan, nếu có co giật thì thêm địa long, câu đằng…Ba bài thuốc an cung ngưu hoàng hoàn, tử tuyết đan, chỉ ngọc đan đều có tác dụng thanh tâm khai khiếu. Nếu xếp theo thứ tự về tác dụng thanh tâm thì ngưu hoàng hoàn > tử tuyết đan > chỉ ngọc đan, ngược lại về tác dụng khai khiếu thì chỉ ngọc đan > ngưu hoàng hoàn và tử tuyết đan. Ngoài ra an cung ngưu hoàng hoàn còn có tác dụng hóa đàm giải độc, tử tuyết đan chấn kinh tức phong nhưng thuốc này thường là hiếm (nói chung bất lợi), còn trong thực tế thuốc thanh nhiệt đều có thể gia thêm xương bồ là thuốc khai khiếu để thay thế và kết hợp châm cứu phối hợp.

Chỉ định trong các chứng: viêm não, viêm màng não, thiếu máu, nhiễm trùng, ngộ độc thức ăn, trúng thử và các biểu hiện chứng nhiệt nhập tâm bài.

Nhiệt động can phong (nhiệt cực sinh phong)

Triệu chứng: sốt cao, vật vã không yên, co giật hoặc tứ chi co quắp, cổ cứng, lưỡi lệch, lưỡi rụt, mạch huyền sác, chất lưỡi đỏ (khí phận) hoặc ráng (doanh phận), có 50% bệnh nhân hôn mê, các triệu chứng trên cũng có thể biểu hiện ở doanh huyết và khí phận nhưng huyết phận và doanh phận thường gặp nhiều hơn.

Phương pháp điều trị là: thanh nhiệt tức phong, thường dùng các thuốc điều trị doanh phận, khí phận, huyết phận nhưng gia thêm các vị thuốc có tác dụng tức phong thanh nhiệt: địa long, câu đằng, bạch cúc hoa, bạch thược, đó là các thuốc chỉ kinh tán. Chỉ định trong viêm não, viêm màng não và các loại bệnh truyền nhiễm ở giai đoạn toàn phát.

Bệnh thuộc huyết phận.

Bệnh ôn nhiệt khi có triệu chứng huyết phận là bệnh nguy do bệnh tà còn mạnh là chính khí đã hư suy.

Bệnh phần huyết (nhiệt ở phần huyết): sốt cao, xuất huyết (nôn ra máu, đái ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu) dưới da có nhiều ban điểm màu đen tím, mê sảng, vật vã, loạn ngôn hoặc co giật, chất lưỡi ráng tím, không rêu, mạch tế sác, do nhiệt bức huyết vong hành, nhiệt cực sinh phong (co giật), huyết nhiệt tích thịnh (sốt cao).

Phương pháp điều trị: lương huyết thanh nhiệt giải độc, thường dùng bài thuốc tê giác địa hoàng thang (tê giác hiếm có thể dùng nước mài của sừng trâu từ 1 – 2 lượng để thay thế), nếu xuất huyết nhiều thêm hạn liên thảo, tiên cước thảo, nếu nổi ban mầu tím đen thêm huyền sâm, thanh đại diệp, nếu lưỡi ráng đỏ xanh tía, tức ngực, bụng đau (cự án) trằn trọc không yên là huyết nhiệt có ứ, thường dùng phương pháp trên gia thêm thuốc hoạt huyết khư ứ: đào nhân, đan sâm. Ban và chẩn đều là những nốt xuất huyết màu hồng trên mặt da. Ban, chẩn hồng nhuận, nổi rõ rồi biến mất dần đi là thuận, nếu tím xám xung quanh nhanh chóng có vòng tròn kín là nghịch. Ban chẩn tím xám đen, ấn căng da không biến mất, lưỡi ráng đỏ là tiêu chuẩn đánh giá bệnh tà vào huyết phận.

Chỉ định dùng: thương hàn tổn thương ruột, viêm phế, thiếu máu do nhiễm độc và các loại xuất huyết, bệnh biểu hiện tác nhân gây bệnh vào huyết phận đều có thể dùng phương thuốc trên.

Biểu lý nhiệt độc (nhiệt độc nội thịnh)

Triệu chứng chính: sốt cao, đau đầu kịch liệt, nhìn không rõ, toàn thân đau mỏi dữ dội, khó thở, trằn trọc không yên, thần chí bất thanh hoặc co giật, xuất huyết nhiều, nôn ra máu, đái, ỉa ra máu hoặc đổ máu cam, ngoài da xuất hiện các nốt xuất huyết màu tím đen, lưỡi ráng đỏ, rêu lưỡi vàng có gai dày, mạch hồng đại, sác hoặc trầm tế mà sác, đa phần là do ôn dịch nhiệt độc lưu lại ở biểu lý, bệnh có cả ở vệ khí doanh huyết.

Điều trị: thanh giải khí huyết nhiệt độc ở biểu và lý, thường dùng bài thuốc ôn bại độc ẩm. Nếu bệnh nhân có biểu hiện mạch trầm tế càng nhiều thì nhiệt độc nội uẩn càng sâu phải dùng thuốc liều cao. Điều trị cả huyết phận và khí phận. Nếu biểu hiện sốt cao, miệng khát, phát ban hoặc chảy máu mũi, lưỡi ráng, rêu vàng, mạch sác hoặc tế sác, điều trị phải tham khảo thêm “ngọc nữ tiễn” gia giảm bỏ ngưu tất, thục địa gia thêm lượng nhỏ sinh địa, huyền sâm. Chỉ  định trong bại huyết, viêm não và các bệnh truyền nhiễm giai đoạn toàn phát nặng.

TRIỆU CHỨNG TỔN THƯƠNG ÂM, TỔN THƯƠNG DƯƠNG CỦA BỆNH ÔN NHIỆT.

Bệnh ôn nhiệt: thường dễ tổn thương âm dịch, nhẹ thì thương tân, nặng thì thương âm, thậm chí vong âm nên khi điều trị phải chú ý bảo vệ tư dưỡng âm dịch. Y học cổ truyền cho rằng: ”tồn đắc nhất phân âm dịch, tiễn hữu nhất phân sinh cơ”. Phương pháp bảo vệ tân dịch nói chung “vệ phận bất tuyên quá hãn, phận khí (vị trường thực nhiệt) tuyên cấp hạ”, nếu không biểu hiện thấp nhiều thì không được dùng các thuốc khô táo hoặc ôn táo.

Nếu tổn thương tân dịch thường ở phần vệ và khí: biểu hiện mồm khô, miệng khát, rêu lưỡi khô, mạch sác có thể thấy triệu chứng sốt cao, mất nước.

Điều trị phải dùng đối pháp lập phương hay đối chứng trị liệu, trong phương thuốc phải có: lô căn, thiên hoa phấn để sinh tân khi sốt lui mà miệng vẫn khô, lưỡi vẫn táo, ăn kém, ho khan phải dùng bài thuốc ích vị thang (sa sâm, mạch trong, sinh đại, ngọc trúc và nước đường) hoặc bài sa sâm đông thang.

Tổn thương dịch thể: đa phần bệnh ở cuối thời kỳ toàn phát, bệnh ở phần huyết, người bệnh gầy gò, mệt mỏi, mình nóng, mặt đỏ, lòng bàn tay, bàn chân càng nóng, miệng khô, lưỡi ráo, môi se, nứt nẻ, họng đau, tai ù, đau lưng, mỏi gối, chân phù nề không muốn bước. Chất lưỡi đỏ nóng và khó  vận động, lưỡi khô, mạch tế sác vô lực là triệu chứng của chân âm bị tổn thương. Một số nữa bệnh nhân có nhịp tim nhanh (tâm quí, loạn nhịp), khi nhiều mồ hôi lạnh, mạch kết lại (triệu chứng ở mạch tâm hư tổn), có thêm viêm cơ tim, tay chân co quắp, lưỡi rụt là âm hư long động (hay để lại di chứng gần như viêm não, màng não).

Phương pháp chữa phải tư âm thường dùng bài thuốc phục mạch thang gia giảm. Nếu tân hư và âm hư phong động phải dùng tam giác phục mạch thang. Nếu như đêm sốt, sáng lạnh, ăn được mà vẫn gầy gò là tà còn lưu ở phần âm, phải dùng bài thuốc thanh doanh miết giáp thang để tư âm thanh nhiệt.

Triệu chứng của vong âm: do chân âm bị tổn thương mà nhiệt tà vẫn chưa hết hoặc “ngộ hãn, ngộ hạ” (ra nhiều mồ hôi ở dưới) làm cho âm dịch tiêu hao (mất nước điện giải), mình nóng vã mồ hôi, mồ hôi mặn không dính, mặt đỏ, mồm khô, khát nước, có thể chảy máu chân răng, chất lưỡi ráng đỏ và khô rụt, mạch hư sác vô lực, đa phần gặp ở thời kỳ cuối của các bệnh truyền nhiễm nặng. Phải dùng ngay bài thuốc phục mạch thang gia giảm, gia cát sâm, long cốt, mẫu lệ, đồng tiện (ngũ tuế dĩ hạ tiểu đồng tích trung đoạn niệu), giữ bãi nước tiểu trẻ em 5 tuổi có tác dụng tư âm giáng hỏa, lương huyết tán ứ. Ngoài ra còn phải phối hợp với các loại thuốc: tư âm ích khí, liễn hãn cố thoát.

Triệu chứng của vong dương: có thể gặp khi bệnh ở khí phận hoặc ở doanh huyết, do nhiệt độc vào sâu (tà khí thịnh, chính khí hư suy). Bệnh nhân sốt cao, “đột nhiên đại hãn lâm li” mồ hôi ra liên tục không ngừng, mồ hôi lạnh như dầu nhạt mà nhờn dính, tay chân lạnh, thân thể lạnh, hơi thở yếu, lưỡi nhợt, rêu trắng nhuận, mạch vi muốn tuyệt. Như vậy là dương khí đột nhiên biến mất, tính mạng nguy kịch.

Điều trị: phải dùng pháp hồi dương cứu nghịch, bổ khí cố thoát, thường dùng bài thuốc  tứ nghịch thang gia cát lâm sâm, hoàng kỳ, long cốt, mẫu lệ, ngũ vị tử và phối hợp với châm cứu trị liệu. Ngoài ra do bệnh ôn nhiệt làm thương âm thương dương gây nên tạng phủ hư nhược, mất điều hoà chức năng tạng phủ, nên sau khi khỏi bệnh đa phần bệnh nhân có trạng thái hư nhược, có thể có đàm trở thanh khiếu, tắc trệ kinh lạc dẫn đến mê man bất tỉnh, tiếp xúc khó khăn, tai ù, tai điếc, hoặc di chứng rối loạn đại tiểu tiện. Vì vậy điều trị giai đoạn sau phải kết hợp biện chứng tạng phủ chặt chẽ để kết hợp dùng thuốc bổ ích khí huyết, âm dương của tạng phủ hoặc phải hóa đàm khai khiếu, thông lạc kết hợp hoặc phải phối hợp châm cứu trị liệu.

Tóm lại: bốn điểm trọng yếu về lý luận biện chứng luận trị của bệnh ôn nhiệt là vệ, khí, doanh, huyết và phương pháp điều trị theo bốn giai đoạn phát triển phát triển của bệnh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*