Bạch hạc là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng hỗ trợ các bệnh về khớp, da liễu… rất hiệu quả.
1. Giới thiệu về Bạch hạc
- Tên gọi khác: cây lác (miền trung), thuốc lá nhỏ, cây kiến cò, nam uy linh tiên, cánh cò, chòm phòn (dân tộc Nùng)
- Tên khoa học: Rhinacanthus nasuta (L)
- Họ khoa học: Thuộc họ Ô rô – Acanthaceae.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây Bạch hạc được tìm thấy ở Ấn Độ, Malaysia, Châu Phi hay mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Có khi được trồng làm cảnh. Trồng bằng gốc.
Người ta thường dùng rễ cây, dùng tươi hay khô làm thuốc.
Mùa hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông. Đôi khi người ta chỉ dùng vỏ rễ, có khi dùng cả lá.
1.2. Mô tả toàn cây
Cây Bạch hạc là một cây nhỡ cao 1.5m, rễ chùm, mọc thành bụi. Thân mọc thẳng đứng, 6 gốc tròn, có nhiều cành. Cả thân và lá đều có lông mịn khi còn non.
Lá mọc đối, có cuống dài khoảng 2 – 5mm, 2 đầu thon, phiến hình trứng, mặt trên lá nhẵn, mặt dưới có lông mịn.
Hoa nhỏ, màu trắng hơi điểm hồng mọc thành xim nhiều hoa có cuống, ở đầu cành hay đầu thân. Nở chủ yếu vào tháng 8 và có hình dáng như con hạc đang bay.
Quả nang có lông, phía dưới dẹt không chứa hạt. Phía trên chứa 4 hạt, có khi chỉ có hai hạt. Hạt hình trứng 2 mặt lồi.
Có thể trồng trong chậu, vừa làm cảnh vừa thu hái dược liệu. Thường được thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông. Sau khi thu hái, người ta thường rửa sạch và phơi hoặc sấy khô dược liệu, bảo quản nơi khô thoáng.
1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế
Hầu hết các bộ phận của Bạch hạc đều được sử dụng để làm dược liệu nhưng trong đó lá, thân và rễ được dùng phổ biến hơn.
Bạch hạc được sử dụng dưới dạng phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra, cũng được sử dụng dưới dạng chiết xuất hoặc bào chế thành viên nang.
Sau khi bào chế, rễ tươi có hình trụ, không phân nhánh, dài 13 – 20 cm, màu nâu xám. Mặt ngoài màu nâu có nhiều rãnh dọc. Bỏ lớp vỏ rễ sẽ lộ lõi gỗ màu trắng nhỏ. Dễ bẻ gãy, mặt bẻ phẳng. Còn sau khi phơi khô, chuyển qua màu nâu sậm, lớp vỏ ngoài dễ bong tróc. Dược liệu có mùi hắc nhẹ, vị hơi ngọt như sắn rừng.
1.4. Bảo quản
Bảo quản những phần thân rễ đã qua khâu chế biến trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng. Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng.
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1. Thành phần hóa học
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra một số thành phần hóa học của cây cụ thể như sau:
- Toàn cây chứa: flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, tannin.
- Hoa chứa flavonoid.
- Lá chứa kali nitrat, axit cryzophanic, alkaloid…
- Trong rễ có 1.87% chất gần giống axit cryzophanic và axit frangulic. Một số nguyên hoạt chất chính được tìm thấy trong rễ cây bạch hạc đó là: Rhinacanthine A, B, C, D, E, F, Q; Lupeol; Stigmasterol; Β-sitosterol; glucosides; naphthoquinone;…
- Thân cây có chứa lượng lớn: tanin, saponine, germanium organique, phenols, acide amine, vitamines,…
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
Nhiều chất từ cây có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm. Nước sắc Bạch hạc có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella, tụ cầu vàng, khuẩn Gram âm, Gram dương và nấm.
Hạ huyết áp, tác dụng đối kháng với adrenalin, nicotin và giãn mạch tai thỏ cô lập.
Kích thích tần số nhu động thực quản tăng với biên độ mạnh. Vì vậy, nó được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị hóc xương.
Bên cạnh đó, thảo dược nam uy linh tiên còn có tác dụng kháng histamin đối với cơ trơn ruột thỏ.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Vị ngọt nhạt, tính bình, mùi hắc nhẹ
Quy kinh: Kinh phế
Tác dụng: Nhuận phế, chống ho, sát trùng, chống ngứa, giảm đau do lạnh…
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Liều dùng 10-20g, dạng thuốc sắc.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da
Rễ cây Bạch bạc 50g, thái nhỏ, giã nát; cồn etylic 70 độ 100ml. Ngâm rễ cây đã được giã nát trong vòng 1 – 2 tuần, sau đó lọc qua vải xô, lấy dịch thuốc bôi vào vùng da bị hắc lào, lang ben ngày 2 lần đến khi khỏi.
Dùng ngoài, bôi ngoài da: Lấy rễ 80g giã nát, ngâm rượu hoặc giấm. Hoặc lấy lá tươi giã đắp hoặc nấu nước rửa.
4.2. Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp
Rễ Bạch hạc, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Tỳ giải, Cỏ xước, Cẩu tích, Cốt toái bổ mỗi vị 10-15g, sắc uống.
Hoặc
Rễ cây Bạch hạc 8g, rễ Lá lốt 12g, Sơn thục 12g, Cẩu tích 16g, Quế chi 8g, Ngải cứu 8g, vỏ quýt 8g, rễ Cỏ xước 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài này giúp khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết, giảm đau. Uống 10 – 15 thang.
4.3. Hỗ trợ điều trị lao phổi thời kỳ đầu
Dùng tươi 40g, khô 12 – 20g, thêm đường phèn sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
5. Kiêng kỵ
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vị thuốc.
- Bệnh nhân huyết áp thấp.
- Phụ nữ có thai.
Để lại một phản hồi