Ba đậu: Vị thuốc nhuận tràng hiệu quả nhưng nên dùng cẩn thận

Ba đậu là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Vị thuốc có khả năng nhuận tràng rất hiệu quả, tuy nhiên do có độc tính nên cần cẩn thận khi dùng. 

1. Giới thiệu về Ba đậu

  • Tên thường gọi: Ba thục (Bản Kinh), Cương tử (Lôi Công Bào Chích Luận), Ba đậu sương, Ba sương (Đông Dược Học Thiết Yếu), Ba đậu sương tử…
  • Tên khoa học: Croton tiglium L.
  • Họ khoa học: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Hạt Ba đậu (Semen Tiglii) là hạt phơi khô.

Dầu Ba đậu (Oleum Tiglii) là dầu ép từ hạt, chất lỏng sền sệt, vị cay nóng rất độc, gây bỏng mạnh.

Ba đậu sương là hạt Ba đậu sau khi đã ép hết dầu (dùng nhiều lớp giấy hút dầu bọc nhân hạt đã giã nát), hơ nóng ép gần hết dầu, dầu còn khoảng 20% tán bột mịn rây để dùng.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Dược liệu thường mọc hoang ở vùng Ấn Độ, Malaysia hay một số tỉnh thuộc Trung Quốc như Tứ Xuyên, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam… Còn ở nước ta, cây mọc hoang hay được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên…

Thu hoạch: Lá: quanh năm; Hạt: vào tháng 4 – 5.

Hạt được thu hái ở quả chín chưa bị nứt vỏ. Thường để nguyên quả đến khi dùng mới gỡ hạt hay đập lấy hạt rồi phơi khô. Phần rễ có thể thu hái quanh năm, sau đó đem về rửa sạch, thái phiến rồi phơi khô để bảo quản dùng dần. Còn phần lá thường được dùng ở dạng tươi.

Ba đậu là vị thuốc quý nhưng có độc tính cao
Ba đậu là vị thuốc quý nhưng có độc tính cao

1.2. Mô tả toàn cây

Ba đậu là một loại cây gỗ nhỡ có chiều cao trung bình ở vào khoảng 3 – 6m, cành nhẵn, thân tròn, không có lông.

Lá mọc đơn, so le, phiến lá hình trái xoan, mỏng, dài 6 – 12cm, rộng 3 – 6cm. Mép lá khía răng cưa nhỏ. Lá non màu hồng đỏ. Cuống lá mảnh, dài 2 – 6cm.

Cụm hoa mọc thành chùm dài 10 – 20cm, ở đầu cành, mang hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực ở phía trên, có 5 cánh hoa, 17 nhụy. Còn hoa cái ở dưới có 1 – 2 cánh hoa hoặc không cánh. Bầu hình cầu, có lông hình sao, 3 vòi, nhụy xẻ đôi ở trên.

Quả nang hình trái xoan, vàng nhạt, bề ngoài nhẵn. Khi khô tách thành 3 mảnh vỏ, mang 3 hạt hình trứng, màu nâu xám, dài khoảng 1cm, rộng 4 – 6cm. 

Hạt hình trứng dài 10mm, rộng 4 – 6mm, ngoài có vỏ cứng, mờ, màu nâu xám (khác hạt Thầu dầu bóng và có vân).

1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế

Hạt của cây là bộ phận được dùng phổ biến nhất để làm vị thuốc. Ngoài ra, rễ và lá cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn.

Ba đậu khô, nguyên quả, hạt già, chắc mập, nhân màu trắng, có nhiều dầu thì tốt. Nếu hạt lép, nhân ít dầu hoặc vỡ nát, nấm mốc mọt là kém. Tránh nhầm lẫn với hạt quả cây Dầu mè còn gọi là Ba đậu nam, Cọc rào, Ngô đồng. Hạt Ba đậu không mùi, vị cay tê nên tránh nếm nhiều.

Có khi dùng vỏ, dùng hạt, dùng dầu, dùng sống, sao với cám, với giấm hoặc đốt tồn tính, hoặc dùng giấy ép cho ra hết dầu… (Bản Thảo Cương Mục).

Một số cách bào chế làm giảm độc tính của vị thuốc:

  • Lấy Ba đậu giã nát, thêm nửa dầu mè, nửa rượu, nấu cho cạn khô, nghiền nát như cao, để dành dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
  • Bóc bỏ vỏ ngoài lấy nhân ra, lấy giấy bản gói kín lại, nghiền nát cho dầu ngấm hết ra giấy còn lại gọi là Ba đậu sương (Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Bỏ vỏ, giã nát, quấn giấy bản, ép, thay giấy bản khác, cứ làm như vậy cho đến khi dầu không thấm ra nữa thì thôi. Rồi sao qua cho vàng. Chế biến như trên rồi sao đen đi gọi là Hắc ba đậu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Chú ý: Khi bào chế phải bảo vệ mắt và tay vì dầu từ vị thuốc rất nóng, gây rộp da.

Hạt của cây là bộ phận được dùng phổ biến nhất để làm vị thuốc
Ba đậu khô, nguyên quả, hạt già, chắc mập, nhân màu trắng, có nhiều dầu thì tốt

1.4. Bảo quản

Bảo quản trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng. 

2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

2.1. Thành phần hóa học

Bộ phận độc và chất độc của cây có trong lá, rễ, vỏ cây và đặc biệt là hạt. 

Hạt Ba đậu có:

  • 34 – 57% dầu béo có tác dụng gây tẩy mạnh.
  • 18% Protein.
  • Một Glucocid gọi là Crotonoside (2-oxy 6-Aminopurin-Ribozit), Crotonic acid, Tiglic acid.
  • Anbumoza rất độc gọi là Crotin – chất có tác dụng tẩy trong dược liệu.
  • Ancaloid gần như chất Rixinin trong hạt Thầu dầu, men Lipazase.
  • Một số Acid Amin như Acgynin, Lycin… 

2.2. Tác dụng dược lý

  • Kích thích trên da và niêm mạc: Uống một nửa giọt có thể tạo cảm giác nóng rát và nôn trong khoang miệng và niêm mạc dạ dày. Dầu Ba đậu tại chỗ có tác dụng kích thích da, gây đỏ da, có thể phát triển thành mụn mủ,  thậm chí hoại tử.
  • Dầu Ba đậu là thuốc nhuận tràng mạnh, kích thích mạnh mẽ thành ruột, làm tăng bài tiết dịch mật và dịch tụy.
  • Chống kết tập tiểu cầu: Thành phần hoạt chất PMA trong dầu Ba đậu làm tăng nồng độ cyclophosphoguanosine (cGMP) trong tiểu cầu, chất ngưng kết tiểu cầu mạnh mẽ.
  • Nước sắc Ba đậu ức chế mạnh tụ cầu vàng, bạch hầu trực khuẩn, ức chế hoạt tính đối với trực khuẩn cúm và mủ xanh (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
  • Liều rất nhỏ dầu Ba đậu thí nghiệm trên chuột nhắt thấy có tác dụng giảm đau. Dầu Ba đậu dùng tại chỗ gây phóng Histamin. Chích dưới da làm tăng tiết chất nội tiết thượng thận. Người uống dầu Ba đậu 20 giọt có thể bị tử vong (Trung Dược Học).

3. Y học cổ truyền

Tính vị: cay, nóng, có độc. Quy kinh vị – đại trường – phế.

Tác dụng: tiêu tích, trục thủy, thoái thũng, khứ đàm, thực sang (tiêu mụn nhọt)

Chỉ định:

Chứng hàn tích tiện bí cấp tính, có thể phối hợp với đại hoàng, can khương làm thành viên hoàn uống như bài tam vật bị cấp hoàn.

Chứng phúc thủy cổ chướng (có dịch trong ổ bụng) thường phối hợp dùng với hạnh nhân, chích hoàng làm thành viên hoàn uống.

Điều trị chảy nhiều nước rãi, ngực tức căng, chân lạnh, ra mồ hôi (hàn thực uẩn kết ở ngực) thường phối hợp dùng với bối mẫu, cát cánh như bài tam vật tiểu mạch tán. Điều trị sưng đau hầu họng, tăng tiết nhiều đờm rãi khí đạo, hô hấp khó khăn nếu nặng có thể gây tử vong, có thể dùng ba đậu, bỏ vỏ, xuyên qua sợi dây cho vào trong họng, từ từ rút dây ra thì bệnh nhân tỉnh lại. Ngoài ra đối với trẻ nhỏ đờm rãi nhiều, tích trệ sữa gây ra hoảng hốt, có thể dùng cùng với đởm nam tinh, chu sa, lục thần khúc như bài vạn ứng bảo xích tán.

Điều trị mụn nhọt có mủ chưa có loét thường phối hợp dùng với nhũ hương, một dược bôi lên chỗ tổn thương. Điều trị ghẻ lở, hắc lào dùng cùng với bột hùng hoàng, khinh phấn bôi lên bề mặt tổn thương.

Liều dùng: cho vào viên hoàn liều 0,1 – 0,3g/ lần.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, cơ thể hư nhược. Kỵ với khiên ngưu.

Ba đậu có tác dụng nhuận tràng rất mạnh
Ba đậu có tác dụng nhuận tràng rất mạnh, hỗ trợ điều trị táo bón

4. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Thảo dược được sử dụng chủ yếu ở dạng thuốc Ba đậu sương, uống trong 0,1 – 0,3g, cho vào thuốc hoàn tán hoặc viên bọc nhựa. Nếu dùng ngoài thì bọc vào vải, nhét vào mũi, tai… hoặc nghiền nát đắp bên ngoài. Riêng lá thì có thể dùng tươi giã đắp hay tán thành bột để sát trùng.

Kiêng kỵ:

  • Nếu không phải hàn kết thuộc cấp chứng, không được sử dụng tùy tiện.
  • Bí đại tiện thuộc nhiệt tính, đàn bà có thai và người hư nhược đều cấm dùng.
  • Kỵ vị Khiên ngưu tử (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Ba đậu được Nguyên hoa làm sứ; ghét Toan tương thảo; sợ Đại hoàng, Hoàng liên, Lê lô. Phản Khiên ngưu; kỵ Măng lau, Tương xị và nước lạnh (Dược Phẩm Vận Yếu).

Một số lưu ý:

  • Ba đậu và Đại hoàng đều là thuốc công hạ nhưng Đại hoàng tính lạnh, dùng cho người bệnh có nhiều nhiệt ở phủ (bên trong). Còn Ba đậu tính nhiệt, chỉ dùng cho bệnh hàn nhiều ở tạng (Bản Thảo Thông Huyền).
  • Khi chế Ba đậu, phải bảo vệ mắt và tay vì dầu Ba đậu rất nóng, có thể gây bỏng da. 
  • Sử dụng dược liệu mà gây tiêu chảy quá nhiều: Dùng Hoàng liên, Hoàng bá sắc lấy nước uống nguội hoặc ăn cháo nguội (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

5. Một số bài thuốc kinh nghiệm

5.1. Trị bụng căng đầy, ngực đau, đại tiện không thông

Ba đậu 2 hạt, bỏ nhân và vỏ, rang vàng. Hạnh nhân 2 hạt, bọc vải, đập dập. Trộn với 1 chén nước nóng, lấy nước uống, hễ đi tiêu được thì thôi (Ngoại Đài Bí Yếu).

5.2. Trị hàn tích, ăn không tiêu, đại tiện bí

Ba đậu 1 chén, rượu 5 chén, nấu nhỏ lửa 3 ngày 3 đêm cho khô, làm viên to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 1 viên với nước. Nếu cần thì uống 2 viên (Thiên Kim phương).

Vị thuốc có thể trị chứng ăn không tiêu
Vị thuốc có thể trị chứng ăn không tiêu

5.3. Trị tích trệ

Ba đậu 40g, Cáp phấn 80g, Hoàng bá 120g, tán bột, trộn với nước làm viên to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 5 viên với nước (Y Học Thiết Vấn).

5.4. Trị lở ngứa, lác đồng tiền

Ba đậu 3 hạt, để nguyên dầu, giã nát, lấy vải mềm bọc lại, xát vào chỗ tổn thương, ngày 2 – 3 lần (Bí Truyền Kinh Nghiệm Phương).

5.5. Chữa bệnh viêm niêm mạc dạ dày cấp tính, đau bụng

Ba đậu sương 1g, Cát cánh 3g, Bối mẫu 3g. Tất cả tán bột trộn đều. Mỗi lần uống 0,2g, dùng nước ấm mà chiêu (Đơn Tam Vật Bạch Thang – Trương Trọng Cảnh).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*