Là bệnh lây truyền qua đường tình dục do nhiễm HPV biểu hiện bằng có các sẩn xùi mềm ở sinh dục ngoài có khi ở hậu môn hoặc vùng da khác.
1. Căn nguyên dịch tễ học:
1.1.Tác nhân gây bệnh là HPV (human papiloma virus), thuộc loại papova virus có DNA. Thường là các típ 6 và típ 11. Đôi khi có thể gặp típ 16, 18, 31 và 33. Người ta tìm thấy HPV trong các nhân của các tế bào biểu mô bị nhiễm và cho rằng khi bị nhiễm cáctíp có nguy cơ cao như16, 18, 31 và 33 có nguy cơ sau này dễ bị loạn sản và ung thư sinh dục.
1.2. Nguồn bệnh :
Nguồn bệnh là những người nhiễm HPV, ở cả nam lẫn nữ, nhất là gái mại dâm.
1.3. Đường lây truyền:
Chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, còn có thể lây truyền qua tiếp xúc. Trẻ sơ sinh có thể bị lây bệnh từ người mẹ mắc bệnh trong lúc sinh đẻ.
2. Triệu chứng lâm sàng.
+ Vị trí tổn thương: đàn ông thường ở quy đầu, rãnh qui đầu, vùng hãm, bao qui đầu, thân dương vật và da bìu. Đàn bà thường ở môi lớn, môi bé, âm vật, vùng quanh niệu đạo, đáy chậu, âm đạo và cổ tử cung. Cả hai giới còn có thể bị ở đáy chậu, hậu môn, ống hậu môn, trực tràng, niệu đạo, bàng quang và hầu họng.
+ Tổn thương cơ bản: ban đầu là các sẩn nhỏ màu hồng hoặc màu trắng hồng. Sẩn tiến triển to dần, sùi lên tạo thành các khối giống hoa súp lơ hoặc dạng quả dâu, lúc đầu các sẩn chỉ nhỏ bằng đầu đinh ghim, về sau có thể to bằng quả táo, mật độ mềm, bề mặt gồ ghề. Sẩn có thể khô hoặc trợt ướt, tiết dịch mùi hôi thối do cọ sát và bội nhiễm. Số lượng các sẩn có khi chỉ có một vài tổn thương riêng rẽ, nhưng thường tập trung thành các đám.
+ Triệu chứng chức năng: thường không có triệu chứng gì trừ khi khối xùi làm bệnh nhân có cảm giác vướng víu khó chịu hoặc khi bị bội nhiễm gây đau nhẹ.
3. Chẩn đoán.
+ Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng của bệnh. Một số ít trường hợp xác định chẩn đoán bằng mô bệnh học.
+ Chẩn đoán phân biệt:
– Giang mai giai đoạn II có sẩn sùi (condylomata lata) ở sinh dục, hậu môn và nếp kẽ. Các sẩn này thường có chân bè rộng, bề mặt ít gồ ghề và thường bị ẩm ướt, có thể kèm theo các tổn thương của bệnh giang mai ở các vị trí khác và xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.
– Ung thư tế bào gai,tiền ung thư Bowen.
– U mềm lây.
– Liken phẳng.
– Nơ vi.
4. Điều trị.
– Phẫu thuật lạnh bằng ni tơ lỏng.
– Đốt điện.Đốt laser CO2
– Bôi các chất như : axit Trichloraxetic 80- 90%.
-Dung dịch Podophyllin 10- 25%. bôi rất tốt tổn thương biến mất sau 2-3 ngày bôi thuốc, bôi đúng vào tổn thương sau 4 giờ rửa đi,nếu cần tránh dây thuốc ra xung quanh bằng cách biôi vùng da lành quanh tổn thương bằng mỡ oxyde kẽm.Không dùng cho phụ nữ có thai và xùi mào gà ở vị trí cổ tử cung
– Bôi dung dịch podophylotoxin ít độc tính hơn podophylin.
– Bôi dung dịch Immiquimod
-Interferon
5. Tiên lượng và biến chứng.
– Bệnh dễ tái phát.
– ở phụ nữ xùi mào gà ở âm đạo, cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời dễ hư biến thành ung thư cổ tử cung.Cần kiểm tra kính phết cổ tử cung(PAP Smear)
6. Phòng bệnh.
+ Dùng bao cao su (condoms) trong quan hệ tình dục có thể giảm sự lây truyền của bệnh.
+ Tất cả phụ nữ đều nên làm xét nghiệm kính phết dịch cổ tử cung(PAP smear) hàng năm để phát hiện có nhiễm HPV và phát hiện sớm ung thư.
+ Tất cả các bệnh nhân xùi mào gà cần được làm huyết thanh chẩn đoán giang mai và xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV.
Để lại một phản hồi