Xơ gan là một bệnh mạn tính gây thương tổn nặng lan toả ở cac thùy gan. Đặc điểm thương tổn gan phát triển mạnh, đồng thơi cấu trúc các tiểu thùy và mạch máu của gan bị đảo lộn một cách không hồi phục được.
hình thái học của xơ gan là kết quả của 3 quá trình đồng thời hoặc nối tiếp :
- Tổn thương hoại tử của các tế bào nhu mô gan
- Sự tăng sinh sản của mô xơ
- Sự tạo thành hòn, cục tân tạo và các tiểu thùy giả
[toc]
I. Nhắc lại lâm sàng
Về lâm sàng có thể phân biệt 3 thể :
- Xơ gan tiềm tàng
- Xơ gan còn bù tốt
- Xơ gan tiến triển và mất bù
A. Thể xơ gan tiềm tàng
Có xơ gan nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Phát hiện thể này chỉ là tình cờ phẫu thuật bụng vì một nguyên nhân nào khác, quan sát gan thấy hình ảnh xơ gan.
B. Thể xơ gan còn bù tốt
Lâm sàng :
– Cơ năng : rối loạn tiêu hoá, ăn không tiêu, đầy bụng, chướng hơi.
+ Tức nhẹ vùng HSP
+ Chảy máu cam không rõ nguyên nhân
+ Nước tiểu thường vàng sẫm
+ Suy giảm tình dục ( nam liệt dương, nữ vô kinh, vô sinh )
– Thực thể :
+ Gan hơi to và chắc, lách to quá bờ sườn
+ Có sao mạch, bàn tay son
+ Lông lách và sinh dục thưa thớt
+ Móng tay kho trắng
+ Nam giới tinh hoàn teo, nhẽo, vú to
C. Thể xơ gan mất bù
Lâm sàng :
– Toàn thân : gầy sút nhiều, chân tay khẳng khiu, huyết áp thấp.
– Cơ năng:
+ Rối loạn tiêu hoá thường xuyên, chán ăn, ăn không tiêu, ỉa lỏng, sống phân.
+ Mệt mỏi thường xuyên, mất ngủ, giảm trí nhớ.
+ Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
– Thực thể :
+ Da xạm, ( do sắc tố Melanin lắng đọng )
+ Bàn tay son, sao mạch
+ Phù 2 chân
+ Gan teo hoặc to, chắc, bờ sắc, mặt gan có u cục.
+ Cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ, lách to.
https://www.youtube.com/watch?v=xdWtVe9UJeg
II. Điều trị và dự phòng
1. Lưu ý chung
– Xơ gan là bệnh không thể chữa khỏi đượcnhưng nếu được điều trị đúng, tích cực, bệnh nhân có thể sống lâu dài.
– Giai đoạn còn bù điều trị bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, hạn chế dùng thuốc và chất có hại
– Giai đoạn mất bù chủ yếu điều trị ngăn ngừa biến chứng
2. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi :
– Tránh lao động nặng, khi bệnh tiến triển, nghỉ ngơi tuyệt đối.
– Không dùng bia rượu
– Hạn chế muối, mỡ trong khẩu phần ăn. khi có phù, cổ trướng, cần ăn nhạt hoàn toàn.
– Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho người bệnh ( 2500 – 3000 Kcalo/24 giờ ). Trong đó Protit là 1g/1kg/24 giờ.
– ăn nhiều hoa quả, rau tươi, vì chúng cung cấp vitamin và kali.
3. Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa
3.1. Điều trị xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản
– Cầm máu bằng thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa :
+ Vaso pressin : tiêm tĩnh mạch 10 – 20 đơn vị, có thể nhắc lại sau 30 phút hoặc tốt hơn là truyền trong dung dịch Desetran 0,2 – 0,8 đơn vị / phút. Chú ý thuốc có tác dụng phụ là : co động mạch, giảm Natri trong máu và gây suy tim nên không dùng liều cao kéo dài.
+ Glypressin : là một chất giống Vaso Pressin nhưng có tác dụng kéo dài hơn. Liều dùng 2mg tiêm tĩnh mạch. Có thể nhắc lại sau 6 giờ.
+ Somatostatin : truyền trong dung dịch đẳng trương 4 mg/ phút
+ Nitroglycerin ( lenitral ) viên 2,5 mg, uống 2 – 4 viên / 24 giờ
– Cầm máu bằng ống thông có bóng chèn : có 2 loại ống thường dùng
+ ống thông Linton chủ yếu dùng trong các trường hợp giãn tĩnh mạch dạ dày gây chảy máu.
+ ống thông Sengstaken – Black more dùng để chèn trong các trường hợp chảy máu do giãn vỡ tĩnh mach thực quản.
– Cầm máu qua nội soi :
+ Thắt tĩnh mạch thực quản : dùng các vòng cao su, thắt các búi tĩnh mạch đang chảy máu
+ Cầm máu bằng tiêm thuốc gây xơ hoá qua nội soi :
Qua ống nội soi mềm, ngoài việc chẩn đoán còn có thể cầm máu bằng tiêm các chất gây xơ hoá tĩnh mạch như : Tetradecyl, Sulfat, Ethanolamin, Polydocanol. Mỗi mũi tiêm 1,5 – 3 ml, tối đa có thể tới 20 – 30 ml cho 1 lần tiêm và soi để tiêm nhắc lại sau 2 – 4 ngày.
3.2. Điều trị dự phòng xuất huyết :
– Dùng thuốc : chủ yếu dùng :
+ Propranolon để làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Liều thường dùng là 20 – 60 mg. Cứ 6 giờ uống 1 lần. cần chỉnh liều sao cho nhịp tim giảm xuống 25%. Thuốc có thể kéo dài trong nhiều năm.
+ Isosorbit Nitrat ( Imdur ) 60 mg x 1- 2 viên / 24 giờ.
– Tạo thành đường thông trong gan, nối hệ thống tĩnh mạch cửa với hệ thống tĩnh mạch gan.
– Phẫu thuật tạo thành các Shunt với hệ thống tĩnh mạch cửa :
Nối tĩnh mạch cửa với tĩnh mạch chủ dưới, nối hệ tĩnh mạch mạc treo tràng trên với tĩnh mạch chủ, nối tĩnh mạch nách với tĩnh mạch thận.
4. Điều trị cổ trướng :
– Hạn chế tới mức tối thiểu lượng muối đưa vào cơ thể từ thức ăn, từ thuốc và dịch truyền
– Những trường hợp cổ trướng nặng, có thể chọc tháo dịch cổ trướng.
– Lợi tiểu : đảm bảo bệnh nhân đi tiểu từ 1.5 – 2 lít/ 24 giờ và được chia làm 3 bước :
+ Bắt đầu bằng Spironolacton 50 mg/ 24 giờ, nâng dần lên 200 – 300 mg/ 24 giờ.
+ Nếu vẫn đi tiểu ít, phối hợp với Furosemid ( lasix ) viên 40 mg nâng dần lên 1 – 4 viên/ ngày.
+ Nếu vẫn chưa đạt yêu cầu, cần phối hợp với Hydrochlothiazid 25 – 50 mg/ 24 giờ.
– Truyền đạm : huyết tương tươi, Human albumin 20% và các dung dịch đạm giầu albumin 20% và các đạm giầu albumin khác
+ Truyền lại dịch cổ trướng cho bệnh nhân
+ Tạo Shunt Leveen bằng cách đặt một ống thông Polyethylen dễ dãn, dịch cổ trướng từ ổ bụng vào tĩnh mạch chủ dưới.
5. Các thuốc cải thiện chuyển hoá tế bào gan và Hormon GlucoCocticoid
– Thuốc làm cải thiện chuyển hoá tế bào gan :
+ Vitamin C 0,5 x 2 ống tiêm tĩnh mạch 1 đợt 7 – 10 ngày
+ Vitamin B12 200 mg/ 24 giờ một đợt từ 7 – 10 ngày tiêm bắp hoặc Lipochol ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 2 viên.
+ Cyanidanol viên 500 mg ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 viên.
– Thuốc Gluco Corticoid ( chỉ dùng trong đợt tiến triển của xơ gan do viêm gan virut, xơ gan ứ mật ).
+ prednisolon 20 – 25 mg/ 24 giờ trong 1 – 2 tuần, sau đó dùng liều duy trì từ 5 – 10 mg/ 24 giờ, kéo dài hàng tháng.
– Testosteron ( tăng cường chuyển hoá đạm, khi dùng phải theo dõi, kiểm tra) tiêm bắp 100 mg Propionat Testosteron. Cho cách nhật trong 4 tuần đầu, sau đó cứ 14 ngày cho 300 mg kéo dài hàng năm.
– Flavonoit Sydimarin ( biệt dược Caroyl, Legalon ) viên 70 mg ngày uống 2 – 3 lần.
– Y học dân tộc : theo kinh nghiệm dân gian, có các bài thuốc : nhân trần, actiso, tam thất, mật gấu …Có tác dụng điều trị tốt với bệnh gan, cần được nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn.
– Tiêm truyền dịch :
+ Đối với những bệnh nhân có tỷ lệ prothrombin giảm, lâm sàng có chảy máu dưới da, lợi, xuất huyết tiêu hoá …có tỷ lệ truyền máu tươi cùng nhóm tùy mức độ mất máu.
+ Đối với bệnh nhân xơ gan bị giảm nhiều protein trong máu nên dùng Plasma đậm đặc và dung dịch albumin 20% hoặc truyền các loại đạm tổng hợp : Alvesin, Chiamin ( 1 tuần hoặc 2 tuần truyền 1 lần ).
6. Dự phòng
Xơ gan là giai đoạn cuối của nhiều bệnh viêm và thoái hoá gan, thương tổn không hồi phục được, do đó, dự phòng bệnh xơ gan là vấn đề quan trọng. Những biện pháp ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân xơ gan như :
– Phòng viêm gan virut B và C bằng các biện pháp vệ sinh, tiêm phòng virut B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh. Vô trùng và khử trùng thật tốt trong tiêm truyền, châm cứu, loại bỏ nguồn máu có virut B…
– Chống thói quen nghiện rượu
– Chế độ ăn uống đủ chất
– Phòng nhiễm sán lá gan nhỏ : không ăn gỏi cá sống .
– Điều trị tốt các bệnh đường mật
– Thận trọng khi dùng các thuốc có thể gây hại cho gan
– Dự phòng và điều trị tốt các bệnh viêm gan mạn.
Để lại một phản hồi