Cam thảo dây: Dược liệu quý nhưng cũng có độc

Cam thảo dây đã được sử dụng trong dân gian từ lâu. Mỗi một bộ phận của cây đều được dùng như một vị thuốc. Lá có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế sinh tân theo y học cổ truyền. Dưới góc nhìn y học hiện đại, các công trình nghiên cứu cho thấy loài cây này có nhiều tác dụng, nổi bật là kháng viêm, kháng khuẩn. 

1. Mô tả dược liệu Cam thảo dây

Cam thảo dây còn gọi là Tương tư tử (hạt cây Cam thảo dây), Tương tư đằng, Dây cườm, Dây chi chi.

Cây có tên khoa học Abrus precatorius L., họ Cánh bướm (Fabaceae (Papilionaceae)).

Dây cam thảo là một loài dây leo, cành gầy nhỏ, thân có nhiều xơ. Lá kép hình lông chim, cả cuống dài 15 – 24cm, gồm 8 – 20 đôi lá chét. Cuống chung ngắn, cuống lá chét càng ngắn hơn. Phiến lá chét hơi hình chữ nhật dài 5 – 20mm, rộng 3 – 8mm. Hoa màu hồng mọc thành chùm nhỏ ở kẽ lá hay đầu cành. Cánh hoa hình cánh bướm. Quả thon dài 5cm, rộng 12 – 15mm, dày 7 – 8mm, mặt có lông ngắn, hạt từ 3 đến 7, hình trứng, vỏ rất cứng, bóng, màu đỏ.

Cam thảo dây là vị thuốc chữa ho hiệu quả
Cam thảo dây là vị thuốc chữa ho hiệu quả

Đặc điểm sinh trưởng, thu hái

  • Cam thảo dây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi.
  • Đặc điểm sinh trưởng ở vùng đồi hoặc núi, cây bụi ven đường.
  • Thu hái: Khi thân và lá đang phát triển mạnh từ tháng 5 đến tháng 10, lấy lá non (bỏ quả), cắt nhỏ.
  • Dùng tươi hoặc phơi nắng.

Bộ phận dùng

Cam thảo dây cho những bô phận dùng làm thuốc sau đây:

  • Rễ và lá.
  • Hạt là Tương tư tử.
Hạt Cam thảo dây có tác dụng ức chế u và chống dị ứng
Hạt Cam thảo dây có tác dụng ức chế u và chống dị ứng

2. Thành phần hoá học

  • Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi (1960), rễ và lá Cam thảo dây chứa một chất ngọt tương tự như glyxyrixin có trong rễ Cam thảo bắc. Tuy nhiên, lượng chất ngọt này rất ít, tỉ lệ chất 1 – 2%, lại có vị khó chịu và đắng.
  • Cũng theo giáo sư, hạt Cam thảo dây chứa một chất protid độc gọi là abrin, thuộc nhóm phytotoxin có tác dụng gây vón hồng cầu. Nghiên cứu khi nhỏ vài giọt dung dịch abrin vào kết mạc mắt gây phù kết mạc và gây hại tới giác mạc vĩnh viễn. Do vậy, khi dùng điều trị đau mắt bằng hạt này như kinh nghiệm trong dân gian cần hết sức thận trọng.
  • Các nghiên cứu cho thấy thành phần hóa học trong hạt có nhóm hợp chất lectin (abrin) làm ức chế quá trình tổng hợp protein, gây chết tế bào.
  • Các protein gây độc khác như enzyme phân cắt chất béo, aglucosideabrussic acid, heamagglutinin, ure.
  • Trong hạt rất giàu các amino acid như alanine, serine, choline, valine và methyl ester, các ion như canxi, magie, natri, kali…
  • Thành phần hóa học trong lá như abrin, trigonellin, abruslactone A, hemiphloin, abrusoside A, abrusoside B, abrusoside C, abrusoside C, abrusoside D, arabinose, galatose, xylose, choline, hypaphorine, precatorine, glycyrrhizin, montanyl alcohol, inositol, D monomethyl ether và pinitol.
  • Đặc biệt, trong lá và rễ cây có thành phần saponin (axit glycyrrhizic…).
  • Ngoài ra, rễ cây rất giàu các hợp chất khác như abrasine, abrol, precol và pre-casine.
Trà thảo mộc từ Dây cam thảo có tác dụng trị đau họng
Trà thảo mộc từ Dây cam thảo có tác dụng trị đau họng

3. Tác dụng dược lý

Hạt Cam thảo dây

  • Abrin trong hạt Cam thảo dây là chất độc tương tự ricin trong cây Thầu dầu, gây buồn nôn, nôn ói dữ dội, tiêu chảy, sốt cao, chảy nước bọt, căng thẳng thần kinh, nặng hơn gây xuất huyết tiêu hóa, suy gan, liệt bàng quang, xuất huyết kết mạc và gây co giật.
  • Hoạt tính chống khả năng sinh sản khi nghiên cứu dịch chiết xuất từ hạt của cây trên chuột, gây ra hiện tượng thoái hóa tinh hoàn.
  • Hoạt tính ức chế u: Nhiều báo cáo về dịch chiết từ hạt còn tươi làm bất hoạt hoạt động phân bào trên tế bào lympho ở người.
  • Hoạt tính chống dị ứng: các abruquinones A, B, D và F có hiệu quả chống dị ứng mạnh. Quá trình lành vết thương từ dịch chiết từ hạt cây có màu đỏ, đen.

Lá Cam thảo dây

  • Trong lá có hợp chất vị ngọt như asabrusoside và glycyrrhizin, vị ngọt hơn sucrose và có năng lượng calorie thấp hơn. Abrusoside A-D chứa  abrusogenin như aglycone, gây ngọt gấp 30 – 100 lần đường sucrose (đường mía).
  • Trong rễ và lá có thành phần saponin quan trọng là glycyrrhizin.
  • Hoạt tính kháng viêm: Dịch chiết xuất từ lá cây Cam thảo dây có hiệu quả kháng viêm trên mô hình làm tai chuột bị tổn thương.
  • Hoạt tính giãn phế quản: Dịch chiết methanol của lá có hiệu quả giãn phế quản. Chúng có ứng dụng trong y học cổ truyền về kiểm soát hen.
  • Hoạt tính chống oxy hóa và chống tăng sinh: Do chứa nhiều flavonoids, giúp chống oxy hoá. Do đó, đây là chất tiềm năng để thử nghiệm điều trị các bệnh lý liên quan đến stress oxy hóa.
Lá và hoa của cây Cam thảo dây
Lá và hoa của cây

Rễ Cam thảo dây

  • Rễ cây có tác dụng chống lại vi khuẩn Gram dương Staphylococcus aureus mức trung bình.
  • Hoạt tính hạ đường huyết nhẹ khi chiết xuất từ hạt.
  • Hoạt tính tăng cường trí nhớ trên mô hình bệnh Alzheimer.
  • Hoạt tính kháng ung thư: Các hợp chất phyto được phân lập từ cây như tannin, alkaloids, steroids, saponin, terpenoids và flavonoids gây chết của tế bào theo chương trình trên các loại ung thư.

4. Công dụng, liều dùng

Công dụng

  • Lá có vị ngọt, tính mát, không độc.
  • Theo Sinh thảo dược thủ sách: Cam thảo dây có công dụng sinh tân, chỉ khát, nhuận phế, thanh nhiệt, dùng dạng trà thảo dược.
  • Theo Nam ninh thị dược vật chí: Lá có tác dụng trị viêm vú.
  • Theo Trung y dược thực đồ giám: Lá có tác dụng lợi tiểu, trị viêm phế quản.
  • Theo Quảng Tây trung thảo dược: Thanh nhiệt lợi tiểu, trị viêm họng, viêm gan, viêm phế quản.

Liều dùng

  • Thuốc thang (uống) sử dụng lá 9 – 15g.
  • Dùng ngoài: Dùng tươi với lượng thích hợp, sắc, rửa sạch hoặc giã nát và bôi.

5. Bài thuốc kinh nghiệm

5.1. Mụn nhọt chốc lở

  • Chuẩn bị: Bồ công anh 15g, Sài đất 15g, Kim ngân dây 10g, Thương nhĩ tử (sao cháy) 10g, Cam thảo dây 15g.
  • Bào chế và sử dụng:  Các vị cho vào 800ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.

5.2. Hầu họng sưng đau

  • Chuẩn bị: Xạ can 6g, Tang bì (tẩm mật sao) 12g, Bạch mao căn 12g, Cát căn 12g, Ô mai 6g, Cam thảo dây 12g.
  • Bào chế và sử dụng: Các vị cho vào 600ml nước, sắc lấy 100ml nước thuốc, chia uống trong ngày. Ngày uống 1 thang.

5.3. Viêm phế quản mạn tính (ho khạc đàm trắng)

Bài Trần bì la bạc thang

  • Chuẩn bị: Trần bì (sao vàng) 10g, La bạc tử (sao thơm) 10g, vỏ Vối (sao thơm) 10g, Cam thảo dây 8g, Gừng tươi 4g.
  • Bào chế và sử dụng: Các vị cho vào 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc chia uống 2 lần. Ngày uống 1 thang.

Chú ý: 

  • Thay thế Cam thảo bắc: Nhiều nơi dùng Cam thảo dây thay cho Cam thảo bắc vì vị ngọt lại sẵn có. Tuy nhiên, do hoạt chất không giống nhau hẳn cho nên việc thay thế chưa hoàn toàn hợp lý.
  • Hạt thường dùng ngoài làm thuốc sát trùng: Giã hạt cho nhỏ, đắp lên chỗ đau. Tuy nhiên có độc cần chú ý.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*