Cam thảo đất: Dược liệu có nhiều tác dụng hay

Như đã biết, Cam thảo đất hay còn gọi Cam thảo nam là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng làm giảm đường huyết, cải thiện những triệu chứng do đường huyết cao và hỗ trợ làm lành các vết thương. 

1. Giới thiệu về Cam thảo đất

  • Tên gọi khác: Cam thảo nam, Dã cam thảo, Thổ cam thảo…
  • Tên khoa học: Herba et radix Scopariae.
  • Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cam thảo đất chủ yếu mọc ở vùng nhiệt đới. Chúng thích nghi tốt ở vùng đất nhiều dinh dưỡng, độ ẩm cao, lượng mưa nhiều. Có thể dễ dàng tìm thấy nó ở ven bờ ruộng hoặc các bãi đất trống. Ở nước ta, Cam thảo đất sống chủ yếu ở các tỉnh phía Nam – nơi đất đai màu mỡ, điều kiện khí hậu thuận lợi.

Ngoài ra, có thể tìm thấy Cam thảo đất ở Ấn Độ, Thái Lan, miền Nam Trung Quốc và cả châu Mỹ.

Toàn cây bao gồm cả thân, lá và rễ đều dùng làm thuốc. Vào tháng 6 đến tháng 8 hằng năm là thời điểm thu hái tốt nhất. Ta có thể nhổ cả cây về rửa sạch đất cát, cắt ngắn, phơi thật khô, bảo quản để làm thuốc.

Mùa hoa quả tháng 5 – 7.

1.2. Mô tả toàn cây

Cây Cam thảo đất thuộc loại thân thảo, mọc đứng, chiều cao khoảng 30 – 80 cm, thân tròn, mềm, nhẵn, nhiều nhánh. Thân già hóa gỗ ở gốc, phần thân non có nhiều khía dọc. Rễ chính nhỏ, màu nâu đỏ nhạt với nhiều rễ phụ.

Lá cây mọc đơn hoặc mọc đối thành một vòng 3 lá. Phiến lá thuôn hình trứng hoặc hình mác có răng cửa ở nửa phần trên của lá, lá không có lông.

Cam thảo đất là vị thuốc quý trong điều trị bệnh
Cam thảo đất là vị thuốc quý trong điều trị bệnh

Hoa mọc riêng lẻ ở các nách lá. Ở mỗi nách lá có khoảng 4 – 7 hoa nhỏ. Mùa hạ ra hoa, màu trắng, không có lông, nửa trên hoa có răng cưa, nửa dưới nguyên.

Quả nang có hình cầu, màu nâu đen, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ, tồn tại ở kẽ lá. Cuống quả dài 0,8 cm đến 1,5 cm. 

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Toàn thân Cam thảo đất được ứng dụng để làm dược liệu.

Cách bào chế vị thuốc: Loại bỏ các tạp chất, cắt thành đoạn nhỏ, vi sao.

1.4. Bảo quản

Vị thuốc nên được bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm hay mối mọt. Có thể cho vào túi nylon để bảo quản và sử dụng dần.

Theo Đông y, dược liệu có vị đắng nhẹ, hậu ngọt, mùi thơm đặc trưng
Theo Đông y, dược liệu có vị đắng nhẹ, hậu ngọt, mùi thơm đặc trưng

2. Thành phần hóa học

  • Toàn thân cây Cam thảo nam có chứa các thành phần như alcaloid, tanin, flavonoid, acid hữu cơ… Ngoài ra, cây cũng chứa nhiều một hoạt chất có tên gọi là Amellin và nhiều Axiit Silicic.
  • Thân cây có chứa một chất dầu với các thành phần như: Scopariol, Manitol, Dulciol, Glucose.
  • Rễ có chứa Manitol, Hexcoxinol và Bsitosterol.
  • Lá cây có vị ngọt nhưng không có hoạt chất giống như Cam thảo bắc (Trung thảo dược học III, 1997).

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Do có chứa chất Amellin nên làm giảm đường trong máu, hỗ trợ ổn định đường huyết. Hơn nữa, Amellin còn giúp cơ thể hòa tan chất xơ nhanh chóng, thúc đẩy tiêu hóa protein dễ dàng và mau lành vết thương.
  • Trong alcaloid có chứa lượng nhỏ morphin, cocaine… Chúng giúp giảm đau, hạ huyết áp, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn…
  • Ngoài ra, trong vị thuốc còn chứa tinh dầu maniol và dulciol có công dụng bổ phế, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc

3.2. Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, Cam thảo đất có vị ngọt đắng, tính mát.

Quy kinh Tỳ, Vị, Phế, Can.

Tác dụng:

  • Giúp thanh nhiệt, mát gan, giải độc cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
  • Lợi tiểu, giải cảm.
  • Thúc đẩy tiêu hóa, đặc biệt là protein.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu Cam thảo đất theo nhiều cách khác nhau. Có thể dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. 

  • Dùng tươi: 20 – 40 g mỗi ngày.
  • Dùng khô: 8 – 12 g mỗi ngày.

Các đối tượng có thể sử dụng Cam thảo đất:

  • Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
  • Người bị cảm cúm, ho, sổ mũi do lạnh.
  • Tăng men gan, nóng gan.

Lưu ý: Dù đây là một loại thảo dược lành tính, không độc nhưng nếu sử dụng quá liều cũng sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như: tiêu chảy, phù nề, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt… 

Cam thảo đất hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Cam thảo đất hỗ trợ điều trị đái tháo đường

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

Cam thảo đất 10 g, Diệp hạ châu 10 g, sắc với nước để uống. Mỗi ngày uống 2 thang.

4.2. Trị cảm cúm, ho, sốt

Cam thảo đất 20 g, Bạc hà 10 g, Kinh giới 15 g, sắc uống với nhau.

4.3. Trị tiểu tiện không lợi

Dùng Cam thảo đất 15 g, Râu ngô và hạt Mã đề, mỗi vị đều 12 g, sắc thành thuốc dùng uống. Mỗi ngày uống 1 thang thuốc.

4.4. Chữa nóng gan, phiền nhiệt

Sử dụng 20 g Cam thảo nam, thêm đường cát, chưng cách thủy, lọc bỏ bã, dùng nước để uống.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*