Những tài liệu cổ cho thấy khoảng 500 năm trước công nguyên (TCN), người dân Babilon đã hiểu biết tác dụng của nhiều cây thuốc.
Theo tài liệu tìm được trong một ngôi mộ ướp xác vào năm 1550 TCN hiện còn lưu trữ tại Viện đại học Leipzig thì người Ai Cập thời đại xưa đã có trình độ cao về ướp xác và đã biết dùng nhiều cây thuốc và động vật làm thuốc. Tên tuổi những thầy thuốc Hy Lạp cổ cũng được sử sách ghi lại:
– Hyppocrat (460- 370 TCN) được coi là tổ sư ngành y dược, ngoài những công trình về giải phẫu, sinh lý, ông còn đưa vào sử dụng hơn 200 cây thuốc.
– Dioscorid là một nhà nghiên cứu về dược liệu. Ông đã viết tập sách “Dược liệu học” vào năm 78 TCN. Trong đó ông đã mô tả hàng ngàn cây thuốc có tác dụng chữa bệnh v.v…
Đối với nền y học phương Đông, phải kể đến nền y học Trung Quốc. Vào thời kỳ Hoàng đế (2637 TCN) đã có sách nói về phương pháp chữa bệnh theo y lý đông phương: Cuốn “Nội kinh”. Tuy nhiên phải đến năn 1596, mới có một cuốn sách được công nhận thực sự có giá trị khoa học và bổ ích, đó là “Bản thảo cương mục” do Lý Thời Trân biên soạn.
Lịch sử về nền y dược học của dân tộc ta cũng đã có từ lâu đời. Vào khoảng 4000 TCN, vua Thần Nông đã dạy cho nhân dân sử dụng các loại ngũ cốc, thực phẩm và phân biệt các cây cỏ có tác dụng chữa bệnh.
Theo sử ghi chép thì dưới thời Nam Việt Giao Chỉ, nhiều vị thuốc đã được phát hiện như: cau, ý dĩ, long nhãn, gừng gió, cánh kiến, mật ong, sừng tê giác v.v… Dưới thời Bắc thuộc (207 TCN- 905 SCN), người Trung Quốc đô hộ thường lấy các loại thuốc quí hiếm đem về nước họ. Đây cũng là thời kỳ nền y dược nước ta giao lưu với Trung Quốc.
Đến thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần, Viện Thái y với nhiệm vụ chữa bệnh cho vua quan trong triều và trông nom cả việc cứu tế và y tế cho nhân dân. Đã mở khoa thi tuyển lựa lương y, đã tổ chức đi thu thập và trồng cây thuốc.
Chu Văn An dưới thời Trần Dụ Tông là một nhà nho danh tiếng, đồng thời là một danh y. Ông biên soạn cuốn “ Y học yếu giải tập chú di biên” thâu tóm các nguyên nhân của bệnh, phân tích cơ chế bệnh lý với phương pháp chẩn đoán và biện chứng luận trị.
Thế kỷ XIV, Tuệ Tĩnh (tên chính là Nguyễn Bá Tĩnh) là một đại danh y đã mở đường xây dựng nền y dược học của dân tộc ta. Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu những cây cỏ ở Việt Nam, đã sưu tầm những bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian, kết hợp kinh nghiệm trị bệnh của Trung y, xây dựng sự nghiệp có tính chất dân tộc, đại chúng và sáng tạo trong thời kỳ mà thuốc Bắc rất thịnh hành. Ông đã để lại hai tác phẩm có giá trị là “Hồng nghĩa tự giác y thư” và “Nam dược thần hiệu”. Tư tưởng chỉ đạo của Tuệ Tĩnh về đường hướng y học là: “Nam dược trị Nam nhân” nghĩa là dùng thuốc nam chữa bệnh cho người Nam Việt.
Năm 55 tuổi (1385) Ông bị bắt sang đi sứ cho nhà Minh, ở Trung Quốc ông chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh) nên được phong là Đại y thiền sư.
Hải Thượng Lãn Ông (1720- 1791) chính tên là Lê Hữu Trác quê ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương. Sau mấy chục năm đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu sâu rộng kinh điển Trung y kết hợp với y học cổ truyền dân tộc, Ông biên soạn trong 26 năm bộ sách thuốc Việt Nam “Hải thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Ông tham gia giảng dạy y học và trị bệnh cho nhân dân. Đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông đã phát huy chủ trương “Dùng thuốc nam chữa bệnh cho người Nam” của Tuệ Tĩnh. Ông đã phát hiện, sưu tầm và nghiên cứu nhiều vị thuốc mới, tổng hợp thêm nhiều phương thuốc gia truyền công hiệu, phổ biến trong nhân dân để mọi người tự chữa các bệnh thông thường với cây nhà, lá vườn có sẵn. Ông viết:
“Thuốc thang có sẵn khắp nơi.
Trong vườn ngoài ruộng trên đồi dưới sông.
Hàng ngàn thảo mộc, thú rừng.
Thiếu gì thuốc bổ, thuốc công quanh mình”.
Hải Thượng Lãn Ông đã trở thành một nhà y học nổi tiếng của dân tộc ta, đã nêu cao đạo đức của người thầy thuốc soi sáng cho y học nước nhà, với quan điểm nhân đạo và thực tế, về sau được nhân dân ta coi là một “Đại y tôn của Việt Nam”.
Dưới thời Pháp thuộc (1885- 1945), thực dân Pháp tổ chức nền y tế theo lối tây y, hạn chế đông y. Tuy nhiên trong thời kỳ này cũng có nhiều tập sách viết về cây thuốc có giá trị.
Từ ngày cách mạng tháng 8- 1945 đến nay, nhà nước ta rất quan tâm đến việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, quân dân ta đã tận dụng nhiều nguồn dược liệu ở địa phương để bào chế ra thuốc men, tự túc được một phần quan trọng trong nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh.
Nhiều tài liệu về cây thuốc được biên soạn, đặc biệt là cuốn “Những cây thuộc và vị thuốc Việt Nam” do GS – TS Đỗ Tất Lợi biên soạn, hiện nay đã tái bản lần thứ 7.
Nhiều cơ sở và tổ chức y dược học cổ truyền được thành lập như: Viện nghiên cứu đông y, Viện y dược học dân tộc, Viện dược liệu Việt Nam v.v… Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước nói về phương châm kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, khai thác, phát triển cây thuốc và động vật làm thuốc, nghiên cứu và sử dụng thuốc nam v.v…
test