Thủy châm
1. Khái niệm.
Thủy châm là tiêm thuốc vào huyệt, là một phương pháp chữa bệnh phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học thuyết kinh lạc với tác dụng chữa bệnh của thuốc tiêm. Ngoài tác dụng tại chỗ hay toàn thân của thuốc tiêm, có những thuốc chỉ có tác dụng tăng cường và duy trì kích thích của châm kim vào huyệt để nâng cao kết quả chữa bệnh.
2. Chỉ định và chống chỉ định.
2.1. Chỉ định:
– Hay dùng để chữa một số bệnh mạn tính như viêm khớp mạn, đau dây thần kinh ngoại vi…
2.2. Chống chỉ định:
– Chống chỉ định chung như của châm cứu, và chống chỉ định dùng các thuốc tương ứng.
– Không được dùng các loại thuốc tiêm bắp có tác dụng kích thích gây xơ cứng, hoại tử tổ chức.
– Không tiêm vào vị trí có dây thần kinh như dây giữa, dây hông to… có thể gây tổn thương dây thần kinh và liệt.
3. Cách tiến hành.
3.1. Dụng cụ và thuốc:
– Bơm tiêm, bông cồn vô trùng, khay…
– Chọn thuốc theo yêu cầu điều trị: như novocain, lidocain để phong bế giảm đau, hydrocortisol, dexamethason để chống viêm.
– Chọn thuốc có tác dụng chung để duy trì kích thích và tăng cường dinh dưỡng tại chỗ như: các loại vitamin B1, B6, B12…
Chú ý: Tất cả các thuốc chọn phải có thể tiêm bắp thịt hoặc dưới da. Với các thuốc có thể gây phản ứng đều phải làm test nội bì trước khi tiêm. Không chọn kháng sinh để thủy châm.
3.2. Thao tác tiến hành:
– Đâm kim tiêm vào huyệt giống như khi châm cứu, nhưng chú ý không được xoay kim (vì kim tiêm có đầu vát có thể làm tổn thương tổ chức), và độ sâu hợp lý để không đâm vào các cơ quan tổ chức phía dưới huyệt.
– Mỗi lần chỉ nên tiêm 2-3 huyệt, không nên tiêm vào nhiều huyệt vì thủy châm rất gây đau.
– Mỗi huyệt tùy vị trí có lớp tổ chức dưới da dày hay mỏng mà tiêm lượng thuốc thích hợp, thường không tiêm quá 1ml cho mỗi huyệt trong một lần tiêm.
– Với một huyệt không nên tiêm kéo dài có thể làm xơ cứng tổ chức, mà nên chọn một liệu trình huyệt và thường xuyên thay đổi các huyệt ở các lần tiêm sau.
4. Tai biến và biến chứng.
– Có các tai biến như khi châm cứu: như vựng châm do bệnh nhân đau và sợ, chảy máu, tụ máu.
– Có các tai biến do thuốc như: tác dụng phụ, phản ứng thuốc…
– Các tai biến và biến chứng do tiêm như: xơ cứng tổ chức, tổn thương thần kinh, abcess hữu khuẩn và abcess vô khuẩn…
Để lại một phản hồi