Chứng can vị bất hòa
1. Nguyên nhân:
Chứng can vị bất hoà là những triệu chứng vì can mất sơ tiết, vị mất hoà giáng mà gây ra.
2. Chứng trạng:
Hai bên sườn và bụng chướng đau, nấc cồn cào, nuốt chua, nôn mửa, nóng tính dễ giận, hoặc uất ức khó chịu. Rêu lưỡi vàng, mạch huyền.
3. Cơ chế bệnh sinh:
Can chủ việc sơ tiết, vị chủ việc thu nạp và hoà giáng. Can khí được thư thái thì vị khí được giáng. Nếu tình chí không thư thái, can khí uất kết, ngang ngược phạm vị, thì can vị không hoà, vị mất hoà giáng. Đường kinh mạch của can phân bố ở 2 bên sườn, nếu can uất khí trệ, hoành nghịch phạm vị, thì 2 sườn và bụng chướng đau. Vị mất hoà giáng thì nấc, ợ hơi, nặng thì có khi nôn mửa. Khí hữu dư tức là hoả, uất ở trong vị sinh ra nhiệt cho nên nuốt chua, cồn cào, rêu lưỡi vàng. Can mất điều đạt, khí uất không thư thái, cho nên uất ức dễ giận.
Điểm chính để chẩn đoán là: 2 sườn chướng đau & triệu chứng vị mất hoà giáng.
4. Luận trị:
– Phép trị: Sơ can hoà vị.
– Phương dược:
* Nhị trần thang hợp với Tả kim hoàn.
Trần bì, Bán hạ, Phục linh, Cam thảo, Hoàng liên, Ngô thù du.
Phân tích: Bán hạ để giáng nghịch hoà vị chỉ nôn. Trần bì lý khí táo thấp. Linh kiện tỳ thảm thấp. Hoàng liên tả hoả. Ngô thù để chế bớt tính hàn của Hoàng liên và giáng nghịch ở can, giúp can vị điều hoà. Cam thảo điều hoà các vị thuốc, nhuận phế hoà trung.
Để lại một phản hồi