KINH TAM TIÊU
(mỗi bên có 23 huyệt)
A. Đường đi: Bắt đầu từ ngón tay đeo nhẫn dọc bờ (phía ngón út) mu ngón tay lên kẽ ngón út và đeo nhẫn dọc mu tay (giữa 2 xương bàn tay 4 và 5) lên cổ tay đi giữa hai xương (quay và trụ) qua mỏm khuỷu dọc mặt sau ngoài cánh tay lên vai bắt chéo ra sau kinh Thiếu dương đởm, qua vai (Kiên tỉnh) vào hố trên đòn (Khuyết bồn) xuống giữa hai vú (Đản trung), liên lạc với Tâm bào, qua cơ hoành, từ ngực xuống bụng (thuộc về Thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu)
– Phân nhánh: Từ Đản trung lên hố trên đòn (Khuyết bồn) lên gáy, đến sau tai, dọc theo rìa tai, lên mỏm trên rìa tai, vòng xuống mặt rồi lên đến dưới hố mắt.
Từ sau tai đi vào trong tai, ra trước tai, đi trước huyệt Thượng quan đến đuôi mắt để tiếp nối với kinh Thiếu dương Đởm.
B. Biểu hiện bệnh lý:
* Kinh bị bệnh: Tai điếc, tai ù, thanh quản họng sưng đau, mắt đau, má sưng, sau tai,vai, cánh tay mặt ngoài khuỷu đau, ngón đeo nhẫn vận động khó.
* Phủ bị bệnh: Bụng đầy chướng, bụng dưới cứng, đái không thông, đái són, đái rắt, phù.
C. Trị các chứng bệnh: Ở tai, đầu, mắt, họng, sốt.
QUAN XUNG
( Huyệt Tỉnh thuộc Kim)
Vị trí: – Ở đầu ngón tay đeo nhẫn, phía ngón út, cách gốc móng tay bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan tay-mu tay của bờ trong ngón nhẫn, ngang gốc móng tay. Ở phía trong gốc móng tay đeo nhẫn độ 0,2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là xương, ở giữa chỗ bám gân ngón nhẫn của cơ gấp chung ngón tay sâu và cơ ruỗi chung ngón tay, bờ trong của đốt 3 xương ngón tay đeo nhẫn. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hay D1.
Tác dụng:
– Theo kinh: Đau tay, đau bụng, nứt lưỡi, đau nặng đầu.
– Toàn thân: Phiền táo, sốt không ra mồ hôi.
Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc. Bệnh cấp nặn 1 giọt máu. Cứu 3 phút.
DỊCH MÔN
( Huyệt Huỳnh thuộc Thủy)
Vị trí: – Ở chỗ lõm khe ngón nhẫn và ngón út, nắm tay lại để lấy huyệt (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan tay-mu tay của bờ trong ngón tay đeo nhẫn, ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu trên xương đốt 1 ngón tay.
Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của cơ gian cốt mu tay, bờ trong đầu trên đốt 1 xương ngón tay đeo nhẫn. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hay D1.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau bàn tay.
– Theo kinh: Đau cánh tay, sưng đau họng, điếc, đau mắt.
– Toàn thân: Sốt rét.
Cách châm cứu: Châm 0,2 -0,3 tấc. Cứu 5-7 phút.
TRUNG CHỮ
(Huyệt Du thuộc Mộc)
Vị trí: – Ở chỗ lõm phía sau khớp bàn-ngón nhẫn, mé ngón út (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trong khe gian đốt xương bàn tay 4-5, ngang với chỗ tiếp nối của thân với đầu dưới xương bàn tay 4.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân ruỗi ngón trỏ của cơ ruỗi chung ngón tay và gân cơ ruỗi riêng ngón tay út, cơ gian cốt mu tay, cơ gian cốt gan tay, cơ giun, bờ trong đầu dưới xương bàn tay 4. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hay D1.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Ngón tay co ruỗi khó khăn.
– Theo kinh: Đau cánh tay, sưng họng, ù điếc tai, mắt có màng, đau đầu.
– Toàn thân: Sốt không ra mồ hôi.
Cách châm cứu : Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-7 phút.
DƯƠNG TRÌ
( Huyệt Nguyên)
Vị trí: – Ở chỗ lõm trên cổ tay phía mu tay (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trên nếp gấp của mặt sau khớp cổ tay, giữa gân ruỗi chung ngón tay và gân ruỗi riêng ngón tay út (ngửa bàn tay ra sau để nổi rõ nếp gấp khớp và các gân)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ ruỗi chung ngón tay và ruỗi riêng ngón tay trỏ ở ngoài với gân cơ ruỗi riêng ngón tay út ở trong, khe giữa đầu dưới xương quay và xương trụ, ở trên xương nguyệt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hay D1.
Tác dụng:
– Taị chỗ: Đau sưng cổ tay.
– Theo kinh: Đau tay, đau vai, điếc tai, đau họng, đau mắt.
– Toàn thân: Sốt rét, tiêu khát.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-7 phút.
NGOẠI QUAN
( Huyệt Lạc nối với kinh Quyết âm Tâm bào, huyệt giao hội của kinh Thiếu dương ở tay với mạch Dương duy)
Vị trí: – Ở sau cổ tay 2 tấc, chỗ lõm giữa hai xương (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở giữa khe xương quay và xương trụ, trên Dương trì 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa các cơ ruỗi chung ngón tay và cơ ruỗi riêng ngón cái ở ngoài, với các cơ ruỗi riêng ngón tay út và cơ ruỗi riêng ngón tay trỏ ở trong, giữa màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau tay, bàn tay không nắm được, run bàn tay, đau khuỷu tay, không co ruỗi, ù điếc tai, đau đầu.
– Toàn thân: Giải nhiệt ngoại cảm, tràng nhạc.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý:- Kết hợp với Đại chùy, Hợp cốc chữa ngoại cảm.
– Khi châm sâu không kích thích mạnh có thể làm tổn thương thần kinh giữa.
CHI CÂU
( Huyệt Kinh thuộc Hỏa)
Vị trí: – Ở sau cổ tay 3 tấc, chỗ lõm giữa 2 xương (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở khe xương quay và xương trụ, mặt sau cẳng tay, trên huyệt Dương trì 3 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa các cơ ruỗi chung ngón tay và cơ ruỗi dài riêng ngón tay cái ở ngoài, với các cơ ruỗi riêng ngón trỏ ở trong, giữa màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.
Tác dụng :
-Tại chỗ và theo kinh: Tay vai ê nhức, sưng đau bên cạnh cổ, đột nhiên khản tiếng.
– Toàn thân: Đau nhói vùng tim, đau sườn ngực, sốt không có mồ hôi, đầu váng mắt hoa sau khi đẻ, táo bón.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Kết hợp với Dương lăng tuyền chữa đau thần kinh liên sườn, cơn đau sỏi mật.
HỘI TÔNG
( Huyệt Khích)
Vị trí: – Ở sau cổ tay 3 tấc, cách chỗ lõm 1 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở sát bờ ngoài xương trụ, mặt sau cẳng tay, trên huyệt Dương trì 3 tấc, cách Ngoại quan 1 khoát ngón tay về phía ngón út.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ trụ sau và cơ ruỗi riêng ngón tay trỏ, bờ ngoài xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tíết đoạn thần kinh C7.
Tác dụng:
– Toàn thân: Điếc tai, động kinh.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.
TAM DƯƠNG LẠC
Vị trí: – Ở đường mạch lớn giao nhau trên cánh tay, trên huyệt Chi câu 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở giữa khe xương quay và xương trụ, mặt sau cẳng tay, trên huyệt Dương trì 4 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ ruỗi chung ngón tay và cơ ruỗi riêng ngón tay út, giữa chỗ bám của cơ ruỗi dài riêng và cơ ruỗi ngắn riêng ngón cái ở trên màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau cẳng tay và cánh tay.
– Toàn thân: Điếc tai, khản tiếng.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút
TỨ ĐỘC
Vị trí: – Ở chỗ lõm phía trước khuỷu tay 5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở giữa khe xương quay và xương trụ, mặt sau cẳng tay dưới khớp khuỷu 5 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ ruỗi chung ngón tay và cơ ruỗi riêng ngón tay út, cơ dạng dài ngón cái, màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau cẳng tay, điếc.
– Toàn thân: Khản tiếng, đau răng.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.
THIÊN TỈNH
( Huyệt Hợp thuộc Thổ)
Vị trí: – Ở sau đầu xương, chỗ lõm giữa hai đường gân trên khuỷu tay 1 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở chỗ lõm ngay trên đầu mỏm khuỷu xương trụ, trên khớp khuỷu 1 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là gân cơ ba đầu cánh tay, đầu dưới xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tíết đoạn thần kinh C6.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau khớp khuỷu tay.
– Theo kinh: Run tay, đau vai, đau gáy, đau cổ, đau họng, điếc tai, đau mắt, đau nửa đầu, tràng nhạc.
– Toàn thân: Động kinh, co giật.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.
THANH LÃNH UYÊN
Vị trí: – Ở trên khuỷu tay 2 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở thẳng huyệt Thiên tỉnh lên 1 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là gân cơ ba đầu cánh tay, đầu dưới xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau vai và cánh tay.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.
TIÊU LẠC
Vị trí: – Ở dưới vai, khoảng ngoài cánh tay, từ nách đi chếch xuống khuỷu tay (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở trên đường nối mỏm khuỷu xương trụ với bờ sau mỏm cùng xương bả vai, ngay chỗ cơ ba đầu cánh tay tách ra thành phần dài và phần rộng ngoài (xoay cánh tay ra trước sẽ làm hiện rõ khe của phần dài và phần rộng của cơ ba đầu cánh tay)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa phần dài và phần rộng ngoài của cơ ba đầu cánh tay, xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C5.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau cánh tay, cổ gáy cứng đờ, đau đầu.
– Toàn thân: Điên.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.
NHU HỘI
( Hội của kinh Thiếu dương ở tay với mạch Dương kiểu)
Vị trí: – Ở bờ trước vai, cách mỏm vai 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Nối mỏm khuỷu xương trụ với bờ sau mỏm cùng vai, huyệt ở chỗ đường này gặp bờ sau dưới cơ delta, dưới huyệt Kiên liêu 3 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là bờ sau dưới của cơ delta, khe giữa phần dài và phần rộng ngoài của cơ ba đầu cánh tay, xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mũ và các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thân kinh C5.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau vai và cánh tay, bướu cổ.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.
KIÊN LIÊU
Vị trí: – Ở chỗ lõm trên bắp tay ở mỏm vai (Đồng nhân, Đại thành)
– Lấy ở chỗ lõm phía dưới và phía sau mỏm cùng vai, sau huyệt Kiên ngung độ 1 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa bó cùng và bó gai sống của cơ delta, cơ trên sống, cơ dưới sống, khe của mỏm cùng vai và đầu trên xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mũ và dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Vai ê căng, đau cánh tay.
Cách châm cứu: Châm 0,7 -1 tấc. Cứu 5-15 phút.
THIÊN LIÊU
( Hội của kinh Thiếu dương ở tay với kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy)
Vị trí: – Ở giữa chỗ lõm trên gai sống vai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh)
– Lấy ở phía trên hố trên gai sống xương bả vai, chính giữa đường nối huyệt Đại chùy và bờ ngoài đọạn sau mỏm cùng vai, ở khoảng giữa huyệt Kiên tỉnh và huyệt Khúc viên .
Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ trên sống và cơ góc. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh của dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau vai, cổ gáy cứng đờ, đau tay.
– Toàn thân: Sốt không ra mồ hôi.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.
THIÊN DŨ
Vị trí: – Ở phía ngoài gân lớn của cổ, trên Khuyết bồn, sau huyệt Thiên dung, trước huyệt Thiên trụ, dưới huyệt Hoàn cốt, trên chân tóc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh)
– Lấy nếp sau gáy làm chuẩn, huyệt ở khoảng 1/3 ngoài đường nối Thiên trụ và Thiên dung (ở chỗ bờ sau cơ ức-đòn-chũm gặp chân tóc ở gáy phía sau và dưới tai).
Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cơ ức-đòn-chũm, cơ gối đầu, cơ đầu dài. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh thần kinh chẩm lớn, nhánh thần kinh dưới chẩm. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Tác dụng:
-Tại chỗ và theo kinh: Cứng gáy, điếc tai, đầu mắt sưng, hoa mắt.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
Ế PHONG
( Hội của kinh Thiếu dương ở tay và chân)
Vị trí: – Chỗ lõm ở góc nhọn sau tai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở chỗ lõm sau mỏm nhọn nhất của dái tai, sát bờ trước cơ ức-đòn-chũm, sau góc xương hàm dưới, ấn vào trong tai thấy đau.
Giải phẫu: Dưới da là trước bờ trước cơ ức-đòn-chũm, cơ trâm hầu, trâm móng, trâm lưỡi và cơ hai thân, trên các cơ bậc thang. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh dây thần kinh sọ não số IX và XII, nhánh của dây cổ 3,4 và 5. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Tác dụng:
– Tại chỗ: ù điếc tai, nặng tai, quai bị, liệt mặt.
Cách châm cưú: Châm 0,3-0,5 tấc, kim chếch lên trên và vào trong, nếu châm cho người điếc có thể sâu1-1,5 tấc cho người lớn. Cứu 3-5 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ, hoặc căng tức vào trong tai.
Khi cứu không được gây bỏng.
KHẾ MẠCH
Vị trí: – Ở sau dìa tai, chỗ lạc mạch xanh hình chân gà (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Ép sát vành tai vào đầu, huyệt ở chỗ nối 1/3 dưới và 2/3 trên của đường cong theo bờ vành tai từ huyệt Ế phong đến huyệt Giác tôn.
Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ ức-đòn-chũm, cơ gối đầu, cơ đầu dài và cơ hai thân bám vào mỏm xương chũm. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh của dây thần kinh chẩm lớn, dây thần kinh chẩm dưới và dây thần kinh sọ não số XII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: ù điếc tai, đau đầu.
– Toàn thân: Trẻ em kinh giật, nôn.
Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da sâu 0,1-0,2 tấc. Cứu 2-3 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
LƯ TỨC
Vị trí: – Ở trong chỗ lạc mạch xanh sau tai (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Ép sát vành tai sau đầu, huyệt ở chỗ nối 2/3 dưới với 1/3 trên của đường cong theo bờ vành tai từ huyệt Ế phong đến huyệt Giác tôn.
Giải phẫu: Dưới da là cơ tai sau, cơ chẩm, xương chẩm. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt và nhánh của dây thần kinh chẩm lớn. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: ù tai, đau tai, đau đầu.
– Toàn thân: kinh khủng, trẻ em nôn.
Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,1-0,2 tấc. Cứu 2-3 phút.
Cấm châm (theo Đồng nhân)
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
GIÁC TÔN
( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và kinh Thái dương ở tay)
Vị trí: – Ở giữa góc trên của vành tai, há mồm có chỗ lõm (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Ép sát vành tai vào đầu huyệt ở trên chân tóc, ngay chỗ cao nhất của vành tai áp vào đầu.
Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt và nhánh của dây thần kinh sọ não số 5. Da vùng huyệt chi phối bơit tiết đọan thần kinh C2.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau, sưng loa tai.
– Theo kinh: Mờ mắt, đau răng, sưng lợi răng, nhai khó, quai bị.
Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,1-0,2 tấc. Cứu 2-3 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
NHĨ MÔN
Vị trí: – Ở trước vành tai, chỗ lõm ở chỗ khuyết của loa tai (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở ngang phía trước rãnh trên bình tai, chỗ đầu trên chân bình tai.
Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trước, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: ù điếc tai, viêm tai giữa, đau răng.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,5 tấc. Cứu 5-7 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ, hoặc căng tức vào trong tai hay có cảm giác ê ẩm ở tai và thái dương.
Khi cứu không được gây bỏng.
HÒA LIÊU
( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và kinh Thái dương ở tay)
Vị trí: – Ở trước tai, trên động mạch dưới tóc mai.
– Lấy ở sau bờ sau của chân tóc mai và bờ trên của mỏm tiếp xương thái dương phía trên và phía trước của bình tai khoảng 1 khóat ngón tay, sờ thấy động mạch thái dương nông.
Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương.Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: ù tai, đau nặng đầu, hàm răng cứng đờ.
Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,1-0,3 tấc. Cứu 5-7 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
TY TRÚC KHÔNG
Vị trí: – Ở giữa chỗ lõm đuôi lông mày (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
– Lấy ở chỗ lõm sát đuôi lông mày, ấn vào có cảm giác ê tức.
Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ vòng mi và phần bám vào da cung mày của cơ trán, xương trán. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau mắt, sụp mi, máy mắt.
– Theo kinh: Đau đầu, liệt mặt.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Không cứu.
Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) – Tổng hợp từ Internet
Để lại một phản hồi