Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan

cần thường xuyên thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng gan giúp kiểm tra lá gan của bạn
Thông thường, xét nghiệm đánh giá chức năng gan thường được dùng khi phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến các bệnh về gan. Nhưng, thực hiện xét nghiệm này còn có nhiều ý nghĩa hơn thế. Có thể là theo dõi tình trạng gan trong quá trình điều trị, sử dụng thuốc.

1. Xét nghiệm đánh giá chức năng gan là gì?

Xét nghiệm đánh giá chức năng gan là một trong những xét nghiệm sinh hóa cơ bản được chỉ định để đánh giá các chức năng khác nhau của gan. Khi người bệnh có dấu hiệu sút cân không rõ nguyên nhân, nghiện rượu, có các bệnh lý về gan: mệt mỏi, chán ăn, vàng da, da sạm, hay trong suốt quá trình theo dõi điều trị khi sử dụng thuốc cũng được chỉ định làm xét nghiệm này.

Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như vàng da, buồn nôn, nôn liên tục là những dấu hiệu bất thường có thể bị bệnh gan, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác.

Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan được tiến hành bằng cách lấy máu tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân đang trong quá trình sử dụng thuốc nào khác thì cần nêu rõ vì có thể sẽ làm thay đổi kết quả của xét nghiệm.

cần thường xuyên thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng gan giúp kiểm tra lá gan của bạn

Thực hiện các xét nghiệm để đánh giá tình trạng của gan

2. Các trường hợp nên sử dụng xét nghiệm đánh giá chức năng gan

Có một số trường hợp khác cần sử dụng xét nghiệm đánh giá chức năng gan như:

– Kiểm tra tổn thương do virus gây viêm gan như virus viêm gan B, viêm gan C.

– Theo dõi tác dụng phụ của một số loại thuốc có ảnh hưởng đến gan.

– Bệnh túi mật.

– Những người uống nhiều rượu hay thậm chí có khả năng nghiện rượu.

– Người gặp các triệu chứng rối loạn chức năng gan.

– Tiền sử bệnh gan, theo dõi hiệu quả sau quá trình điều trị.

– Người bệnh bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc thiếu máu.

Người nghiện rượu cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng gan để biết mình có bệnh lý về gan hay không

Người nghiện rượu cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng gan để biết mình có bệnh lý về gan hay không

3. Xét nghiệm đánh giá chức năng gan gồm những gì?

Việc thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng gan có thể chia thành các nhóm như sau:

– Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử gan.

– Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng bài tiết và khử độc.

– Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng tổng hợp.

– Một số xét nghiệm khác có liên quan.

3.1 Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử gan

Transaminase hay aminotransferase là những enzym nội bào, chuyển nhóm g-amin (-NH2) của aspartat và alanin đến nhóm g-keto của ketoglutarat để tạo thành acid oxaloacetic và pyruvic. Sự tăng của các enzym này phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan.

– Alanin aminotransferase (ALT)

ALT hiện diện chủ yếu ở bào tương của tế bào gan. Khi gan bị tổn thương, thực hiện xét nghiệm sẽ thấy nồng độ ALT tăng hơn mức bình thường. Bình thường ALT <40 UI/L.

– Aspartate aminotransferase (AST)

AST hiện diện trong tế bào tương và ty thể của tế bào. Ở cơ tim và cơ vân, AST hiện diện nhiều hơn so với ở gan. Ngoài ra, AST còn có ở thận, não, tụy, phổi, hồng cầu và bạch cầu. Bình thường AST <40 UI/L.

Ở người trưởng thành, nồng độ AST và ALT của nam cao hơn của nữ. Các men này được phóng thích vào máu khi có tổn thương màng tế bào làm tăng tính thấm. Tuy nhiên, sự tăng men gan không tương quan hoàn toàn với trình trạng hoại tử tế bào gan.

Các transaminase có thể tăng do các bệnh lý về gan. Ngoài ra còn tăng trong các bệnh nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ vân, cường giáp, nhược giáp,… Ngược lại, enzym này bị giảm giả tạo có thể do tăng urê máu.

– Lactat dehydrogenase (LDH)

Đây là xét nghiệm không chuyên biệt cho gan bới nó có thể xuất hiện ở tim, cơ, thận, hồng cầu, bạch cầu,… Vì vậy nó có ít giá trị trong việc xác định các bệnh gan – mật. Nếu LDH tăng kéo dài, kèm theo tăng ALT có thể do tổn thương thâm nhiễm ác tính ở gan. Bình thường, LDH5 5-30 UI/L.

– Ferritin

Đây là một loại protein dự trữ sắt trong tế bào, được cấu tạo gồm apoferritin gắn với sắt.

Ferritin có nhiệm vụ điều chỉnh sắt ở đường tiêu hóa tùy theo nhu cầu của cơ thể. Nếu ferritin tăng cao có thể do viêm hoại tử tế bào gan cấp hoặc mạn tính, đặc biệt trong viêm gan virus C, hoặc có thể liên quan đến bệnh huyết học, ung thư gan, thận,… Còn nếu ferritin giảm, chứng tỏ cơ thể bị thiếu máu, thiếu sắt, xuất huyết rỉ rả, ăn chay trường,…

Bình thường, ferritin ở nam là 30 – 400 ng/mL, và ở nữ là 15 -150 ng/mL.

Xét nghiệm đánh giá chức năng gan

Xét nghiệm đánh giá chức năng gan

3.2 Nhóm xét nghiệm đánh giá chức năng bài tiết và khử độc

– Bilirubin

+ Bilirubin huyết thanh

Bilirubin là sản phẩm chuyển hóa của hemoglobin và các enzym. 95% bilirubin được tạo ra từ sự thoái biến của hồng cầu. Chúng tan trong mỡ, gắn kết với albumin huyết tương nên không được lọc qua cầu thận.

Bilirubin gồm 2 thành phần chính là bilirubin trực tiếp (TT) và gián tiếp (GT). Bình thường, bilirubin toàn phần TP là 0,8-1,2mg/dL; GT là 0,6-0,8mg/dL; TT là 0,2-0,4mg/dL.

+ Bilirubin niệu

Chỉ hiện diện ở dạng TT. Nếu có bilirubin niệu, có thể gan mật đang bị tổn thương.

– Urobilinogen

Là chuyển hóa của bilirubin tại ruột, được tái hấp thụ vào máu theo chu trình ruột – gan và sau đó được bài tiết qua nước tiểu.

Bình thường Urobilinogen 0,2-1,2 đơn vị (phương pháp Watson).

– Phosphatase kiềm (ALP)

Men ALP rất nhạy để phát hiện tắc đường mật. Vì được tổng hợp để đáp ứng với tình trạng tắc mật, nên ALP có thể bình thường trong giai đoạn đầu của nhiễm khuẩn đường mật cấp tính.

Khi ALP tăng có thể là dấu hiệu của các bệnh gan như áp-xe, u hạt, thoái hóa dạng bột.

– 5′ Nucleotidase (5NT)

Đây là ALP chuyên biệt cho gan, giúp xác định tình trạng tăng do gan hay do xương hoặc các trạng thái sinh lý của trẻ em đang tuổi trưởng thành hoặc phụ nữ có thai. Bình thường 5NT 0,3-2,6 Bondasky/dL.

– G-glutamyl transferase, g-glutamyl transpeptidase (GGT, g-GT)

Mặc dù GGT hiện diện ở nhiều cơ quan khác nhau nhưng có nồng độ cao trong tế bào biểu mô trụ của ống mật. Đây là xét nghiệm rất nhạy để đánh giá chức năng bài tiết của gan nhưng không đặc hiệu do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Bình thường GGT <30U/L ở nữ và <50U/L ở nam.

– Amoniac máu (NH3)

NH3 được sản xuất từ chuyển hóa bình thường của protein trong cơ thể và do vi khuẩn sống ở đường ruột. Gan giữ nhiệm vụ giải độc NH3 bằng cách chuyển thành urê để thải qua thận. Cơ vân cũng giữ vai trò khử độc NH3 bằng cách gắn acid glutamic để tạo thành glutamin. Vì vậy những bệnh nhân bị bệnh gan và teo cơ do phá hủy cũng làm NH3 tăng cao.

Bình thường NH3 máu 5-69 md/dL.

3.3 Nhóm xét nghiệm chức năng tổng hợp

– Protein máu

Phần lớn các protein được tổng hợp từ gan.

+ Albumin huyết thanh

Gan là nơi duy nhất tổng hợp albumin cho cơ thể. Do khả năng dự trữ của gan rất lớn và thời gian bán hủy của albumin kéo dài khoảng 3 tuần nên lượng albumin máu chỉ giảm khi mắc các bệnh gan mạn tính hoặc tổn thương gan rất nặng.

Bình thường albumin 35-55g/L.

+ Globulin huyết thanh

Được sản xuất từ nhiều nơi khác nhau trong cơ thể, bao gồm nhiều loại protein vận chuyển các chất trong máu và các kháng thể tham gia hệ thống miễn dịch thể dịch.

Bình thường globulin 20 – 35g/L.

– Điện di protein huyết thanh

Khi bệnh nhân khi viêm gan mạn tính hoặc xơ gan, đặc biệt là xơ gan do rượu thì biểu đồ điện di có sự thay đổi, bằng các kiến thức chuyên môn, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác.

– Thời gian Prothrombin (PT) hay thời gian Quick (TQ)

Là thời gian chuyển prothrombin thành thrombin khi có sự hiện diện của các yếu tố đông máu. TQ là xét nghiệm khảo sát con đường đông máu ngoại sinh.

Gan tổng hợp hầu hết các yếu tố đông máu như I, II, V, VII, IX, X và các yếu tố này có thời gian bán hủy ngắn. Sự tổng hợp các yếu tố đông máu cần có sự tham gia của vitamin K, ngoại trừ yếu tố V. Vì vậy người ta dùng yếu tố V để phân biệt chức năng gan suy yếu với tình trạng thiếu vitamin K.

3.4 Các xét nghiệm định lượng chức năng gan

Ngoài các xét nghiệm đánh giá chức năng gan như trên, người ta còn sử dụng thêm một số các xét nghiệm để khảo sát trước khi phẫu thuật cắt gan, ghép gan hoặc dùng trong nghiên cứu.

– Đo độ thanh lọc BSP (bromosulfonephtalein).

– Đo độ thanh lọc indocyanine green.

– Đo độ thanh lọc antipyrine.

– Test hơi thở aminopyrine.

– Đo độ thanh lọc caffeine.

– Đo khả năng thải trừ glactose.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*