Nhồi máu cơ tim xảy ra khi máu máu vận chuyển đến tim bị tắc nghẽn gây thiếu máu cục bộ, cơ tim bị hoại tử đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Xét nghiệm nhồi máu cơ tim rất cần thiết trong chẩn đoán và cấp cứu, giúp bệnh nhân phục hồi, giảm biến chứng bệnh và ngăn ngừa tái phát.
1. Tìm hiểu về nhồi máu cơ tim
nhồi máu cơ tim hiện đang ngày càng phổ biến trên thế giới và cả Việt Nam, căn bệnh này khiến hàng trăm nghìn người phải nhập viện mỗi năm. Rất nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim không được xử lý cấp cứu tốt, chẩn đoán bệnh và can thiệp sớm dẫn đến biến chứng nặng không thể phục hồi và thậm chí cướp đi tính mạng người bệnh.
Nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng
Đôi khi cơn nhồi máu cơ tim nhẹ, chỉ khiến người bệnh có cảm giác đau ngực, khó chịu vùng sau xương ức. Nhưng nếu bệnh tiến triển và gây ra những cơn nhồi máu cơ tim nặng, triệu chứng cũng rõ ràng hơn. Đau ngực là dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh, cơn đau gây cảm giác đè ép ở ngực như dao đâm, khiến bệnh nhân khó thở. Ngoài ra, có thể xuất hiện đau nhức đầu, buồn nôn, nôn,…
Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ của nhồi máu cơ tim, nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt bằng các xét nghiệm cận lâm sàng.
2. Các xét nghiệm nhồi máu cơ tim cơ bản
Hiện nay trong phát hiện và chẩn đoán nhồi máu cơ tim, bệnh nhân sẽ được xem xét thực hiện một hoặc một vài xét nghiệm sau:
2.1. Điện tâm đồ
Đây là phương pháp cận lâm sàng có giá trị cao trong phát hiện và chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
Điện tâm đồ giúp phát hiện sớm nhồi máu cơ tim
Tuy nhiên, kết quả điện tâm đồ có thể không đặc hiệu và khó phát hiện với trường hợp nhồi máu cơ tim nhẹ nên có thể bỏ sót bệnh.
2.2. Siêu âm tim
Siêu âm tim thường được chỉ định kết hợp với điện tâm đồ trong phát hiện và xác định nhồi máu cơ tim khi có dấu hiệu bệnh hoặc thông tin nghi ngờ khác.
Bên cạnh đó, siêu âm tim cũng hỗ trợ đánh giá chức năng, sự hoạt động của tim và những biến chứng do nhồi máu cơ tim gây ra như: thủng vách tim, đứt dây chằng, hở van tim,…
2.3. Chụp động mạch vành
Nếu như hai phương pháp xét nghiệm trên có giá trị cao hơn trong phát hiện nhồi máu cơ tim do thực hiện đơn giản, kết quả nhanh chóng thì chụp động mạch vành có giá trị chẩn đoán bệnh. Ảnh chụp mạch vành cho phép bác sĩ biết chính xác vùng tắc động mạch gây ra nhồi máu cơ tim, từ đó xem xét điều trị bằng phẫu thuật can thiệp.
Chụp động mạch vành có giá trị chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim
Ảnh chụp động mạch vành lúc này có giá trị cao trong chỉ dẫn kỹ thuật đặt stent thông tắc mạch vành, loại bỏ vùng cơ tim bị nhồi máu. Thủ thuật này được áp dụng khá phổ biến trong điều trị nhồi máu cơ tim do ít xâm lấn, độ an toàn cao, hiệu quả tốt.
2.4. Xét nghiệm hóa sinh
Xét nghiệm hóa sinh đang ngày càng được sử dụng nhiều trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh nhồi máu cơ tim bởi đem lại cho thông tin y học hữu ích. Xét nghiệm hóa sinh dựa trên định lượng các chất có liên quan đến tình trạng nhồi máu cơ tim, bao gồm:
-
Thế hệ 1: Creatine kinase toàn phần, ALT, AST, LDH.
-
Thế hệ 2: Myoglobin, CK-MB.
-
Thế hệ 3: Troponin và các protein đặc trưng của cơ tim.
Quá trình động học của các chất sinh hóa này giúp đánh giá và chẩn đoán mức độ nhồi máu cơ tim. Cụ thể là các quá trình: Giải phóng chất ra khỏi tổ chức, khuếch tán chất từ vị trí nhồi máu cơ tim đến máu, thải trừ các chất ra khỏi máu.
Trong xét nghiệm nhồi máu cơ tim, có những xét nghiệm hóa sinh cơ bản sau:
Xét nghiệm Protein Myoglobin
Myoglobin có vai trò gắn O2 để vận chuyển và lưu trữ Oxy trong tế bào cơ. Bình thường, Myoglobin xuất hiện với số lượng rất nhỏ nhưng khi có nhồi máu cơ tim, chúng xuất hiện ở huyết thanh sớm hơn và nhiều hơn bình thường. Thời gian bán hủy của Myoglobin trong huyết tương khá nhanh, khoảng 10 – 20 phút.
Myoglobin sinh ra nhiều hơn sau cơn nhồi máu cơ tim
Với các cơn nhồi máu cơ tim cấp, nồng độ Myoglobin trong máu tăng sau khoảng 2 giờ, đạt cực đại sau 4 – 12 giờ và sau khoảng 24 nồng độ Myoglobin sẽ trở về bình thường. Cần phân biệt mức tăng Myoglobin do tổn thương cơ xương với tăng Myoglobin do nhồi máu cơ tim.
Xét nghiệm CK – MB mass
CK – MB mass là loại enzym đặc hiệu của tim, nó có thể xác định và định lượng bằng các phương pháp miễn dịch như: huỳnh quang, hóa phát quang, kỹ thuật enzym, điện hóa phát quang,… Nồng độ CK-MB trong huyết tương bình thường dưới 5,3 – 8 mcg/L, nhưng sau cơn đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim khoảng 4 – 5 giờ, nồng độ này sẽ tăng.
Có hai phương pháp đo nồng độ CK – MB mass là đo khối lượng và đo hoạt độ, trong đó phương pháp đo khối lượng đặc hiệu hơn và cho kết quả chính xác hơn.
Xét nghiệm Troponin
Troponin là một loại Protein phức hợp tham gia vào quá trình điều hòa co cơ tim. Troponin gồm 3 loại là Troponin C, Troponin T và Troponin I, trong đó thể T và thể I đặc hiệu cho cơ tim.
Trong nhồi máu cơ tim khiến cơ tim bị hoại tử, Troponin sẽ được phóng thích vào máu. Xét nghiệm sinh hóa phát hiện thành phần này trong máu cho phép chẩn đoán bệnh. Cụ thể, sau cơn nhồi máu cơ tim khoảng 3 – 4 giờ, nồng độ Troponin sẽ tăng dần, đạt giá trị cực đại sau khoảng 12 – 24 giờ.
Ngoài sử dụng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, xét nghiệm Troponin cũng có hiệu quả trong chẩn đoán các bệnh tim khác như: đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhân ghép tim,…
Xét nghiệm Troponin thường dùng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Các xét nghiệm nhồi máu cơ tim trên giúp bệnh nhân nhanh chóng được chẩn đoán, tiếp cận điều trị phù hợp để hạn chế tốt nhất những biến chứng nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Trong các trường hợp cấp cứu, siêu âm tim và điện tâm đồ cho kết quả nhanh, giúp định hướng cấp cứu tốt hơn. Nhưng trong đánh giá chẩn đoán chuyên sâu các cơn nhồi máu cơ tim thì các xét nghiệm sinh hóa, chụp động mạch vành được ưu tiên hơn.
Để lại một phản hồi